Tôi sẽ không mua Xiaomi Mi Mix 2, nhưng nó sẽ luôn nắm giữ vị trí đặc biệt trong trái tim tôi
Bỏ ra 13 triệu đồng cho một chiếc điện thoại Trung Quốc không phải là quyết định dễ dàng. Mi Mix 2 cũng vậy - không phải ai cũng sẽ sẵn sàng mua nó, nhưng, cái chất của chiếc máy này vẫn sẽ khiến nhiều người tỏ ra xao xuyến.
Nói đến những chiếc smartphone đến từ Xiaomi, người dùng nghĩ ngay đến việc chúng sở hữu một mức giá rẻ đến giật mình, nhưng luôn mang trong mình một cấu hình mạnh và nhiều tính năng hấp dẫn. Cũng chính vì chất lượng mà nó đem lại, ngày một nhiều người dùng đang dần từ bỏ định kiến về hàng Trung Quốc để tự tin sở hữu một chiếc máy đến từ Xiaomi.
Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chỉ là ở phân khúc giá rẻ. Ở phân khúc dưới 4 triệu, Redmi Note 4X vẫn làm trùm. Cao hơn một chút, Mi A1, Mi Max 2 cũng đều rất tốt, nhưng người dùng có vẻ kém mặn mà hơn. Còn ở phân khúc cao cấp (> 10 triệu), Mi 6 và Mi Mix 2 gần như không đủ sức chống chọi ở thị trường chính hãng, mặc dù, xin được nhắc lại, đây cũng là hai sản phẩm tốt và đầy tình cạnh tranh.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nói về Mi Mix 2 - chiếc máy cao cấp nhất của Xiaomi ở thời điểm hiện tại. Ra mắt hồi giữa tháng 11 tại VN với giá 12.990.000 đồng, phản hồi người dùng về nó tỏ ra khá lẫn lộn. Tất cả đều cho biết đây là một chiếc máy đẹp, mạnh và mức giá hợp lý, nhưng đa số đều thừa nhận rằng: họ sẽ không mua chiếc máy này.
Xiaomi Mi Mix 2
Dễ dàng nhận ra lý do lớn nhất dẫn đến quyết định này của người dùng vẫn đến từ thương hiệu: Với số tiền từ 3-5 triệu, để đánh đổi lại mức giá rẻ, người dùng có thể chịu chấp nhận "rủi ro" để sở hữu một chiếc điện thoại Trung Quốc. Nhưng khi số tiền đã lên trên 10 triệu, chất lượng là yếu tố được đặt lên tuyệt đối. Điện thoại Trung Quốc tuy đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong thời gian qua, nhưng khi so sánh với các tên tuổi lâu năm đến từ Mỹ hay Hàn Quốc, chúng vẫn phải chịu lép vế.
Đương nhiên, cũng như cách mà Xiaomi nói riêng và các hãng điện thoại Trung Quốc nói chung đã làm ở phân khúc giá rẻ, để chạm đến trái tim người dùng ở phân khúc cao cấp sẽ là cả quá trình trong khoảng thời gian dài. Và, có thể nói Mi Mix 2 là một sự khởi đầu ấn tượng trong quá trình đó.
Hồi cuối năm 2016, khi ra mắt thế hệ Mi Mix đầu tiên, Xiaomi từng gọi đây là chiếc "concept phone". "Concept" là từ được sử dụng khi có một ý tưởng mới được hình thành, tuy nhiên vì một hạn chế nào đó (thường là về mặt công nghệ) mà nó chưa thể trở thành một sản phẩm thực sự. Chính vì vậy, khi Mi Mix ra mắt, rất nhiều người đã tỏ vẻ bất ngờ khi biết rằng chiếc concept phone này là một sản phẩm thực, và sẽ được Xiaomi bán ra chỉ một vài tuần sau đó.
Xiaomi từng gọi chiếc Mi Mix thế hệ đầu tiên là "concept phone"
Sở dĩ, Mi Mix được Xiaomi gọi là concept phone vì nó sở hữu rất nhiều công nghệ tiên tiến và mang tính tương lai, cụ thể ở đây là thiết kế viền màn hình siêu mỏng, vỏ gốm, loa thoại truyền qua vỏ và cảm biến tiệm cận siêu âm. Tuy nhiên, Mi Mix vẫn còn vô số những điểm trừ về camera, độ bền, cảm giác cầm nắm và cả chất lượng cuộc gọi.
Nhưng, đây không phải là điều quan trọng do Mix là concept phone - nó là niềm tự hào của Xiaomi nhằm chứng tỏ với thế giới về khả năng của mình, rằng một hãng điện thoại Trung Quốc cũng có thể đưa ra những phát minh đột phá. Đương nhiên, Mi Mix không phải điện thoại đầu tiên với thiết kế không viền, nhưng Xiaomi là nhà sản xuất lớn đầu tiên có sản phẩm như vậy. Chính vì mục đích này, nên Mi Mix không cần hoàn hảo, mà mục tiêu của Xiaomi chỉ là để "mở mày mở mặt" mà thôi.
Nhưng khi mà trào lưu viền màn hình vô cực đã trở nên bão hòa, Apple, Samsung, LG thậm chí cả Oppo, Vivo cũng đã có sản phẩm cho riêng mình, thì Xiaomi cũng không thể coi cái thế thượng phong từng một thời là của mình là lợi thế được nữa. Chính vì vậy, ở Mi Mix 2, Xiaomi đã phải chăm chút hơn cho sản phẩm của mình để biến nó trở thành một chiếc smartphone không chỉ nhằm mục đích "thể hiện", mà còn là để bán, để người dùng cảm thấy mong muốn sở hữu. Và để làm điều này, bước đầu tiên chính là lắng nghe người tiêu dùng và khắc phục những vấn đề của Mi Mix thế hệ đầu tiên.
Mi Mix 2 nhìn ngoài trông chẳng khác thế hệ đầu tiên là bao, nhưng, Xiaomi đã có nhiều thay đổi nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.
Đầu tiên về kích thước và cảm giác cầm nắm. Thế hệ Mi Mix đầu tiên mặc dù có viền màn hình mỏng nhưng do màn hình kích thước lớn (6.44 inch) nên vẫn là một chiếc máy rất to. Cộng thêm bốn góc vuông vức, cảm giác cầm nắm của máy khá khó chịu.
Điều này đã được cải thiện trên Mi Mix 2. Cách đơn giản nhất để cải thiện cảm giác cầm nắm của một chiếc điện thoại là thu nhỏ kích thước màn hình, và Mi Mix 2 sở hữu một màn hình 6 inch, nhỏ hơn nhưng vẫn đủ lớn để khiến người dùng đã mắt. Không chỉ dừng lại ở đó, Xiaomi cũng thay đổi tỷ lệ màn hình từ 17:9 sang 18:9 - dài hơn, thon hơn cũng đồng nghĩa với cầm nắm thích hơn. Cuối cùng, bốn góc của máy cũng được bo tròn nhiều hơn, giảm thiểu tình trạng cấn lòng bàn tay.
Mi Mix 2 có nhiều thay đổi tích cực về thiết kế, giúp cải thiện đáng kể khả năng cầm nắm
Thứ hai là độ bền. Chiếc Mi Mix đầu tiên được làm hoàn toàn bằng gốm, và mặc dù gốm là một chất liệu khó trầy xước, nhưng khả năng chịu lực lại rất kém. Chính vì thế, nó rất dễ bị vỡ khi người dùng đánh rơi. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn khi viền của máy cũng được làm bằng gốm, và do cách thiết kế viền và màn hình sát nhau, vậy nên khi viền máy bị va đập rất dễ dẫn đến màn hình của máy cũng bị vỡ.
Trên Mi Mix 2, Xiaomi đã chuyển sang sử dụng viền bằng kim loại. Khi máy bị rơi và va đập ở viền, nó sẽ chỉ bị móp và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ chứ không vỡ nát đến mức độ khó sử dụng được nữa. Đối với những người dùng không thích sự thay đổi này và vẫn chuộng một vẻ đẹp liền mạch như thế hệ đầu tiên, Xiaomi vẫn cho họ có quyền lựa chọn bằng phiên bản Mi Mix 2 cao cấp với phần viền cũng được làm bằng gốm. Đương nhiên, để giữ gìn phiên bản này sẽ là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Viền xung quanh máy được làm bằng nhôm, giúp tăng độ bền cho máy khi bị va đập
Ngoài ra, một chi tiết khác cũng khiến nhiều người dùng tỏ ra thất vọng ở thời điểm ra mắt Mi Mix 2 là viền màn hình ở trên của nó dày hơn thế hệ đầu tiên. Cá nhân tôi không cho rằng đây là một điểm trừ, do viền dày sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ máy bị vỡ màn hình khi đánh rơi. Nhìn thì sẽ không sướng mắt, nhưng thay đổi này của Xiaomi chắc chắn sẽ rất có ích đối với những người dùng thực sự.
Viền màn hình trên của máy cũng dày hơn một chút
Thứ ba là loa thoại. Như ở trên đã nói, Mi Mix 2 sở hữu viền màn hình trên dày hơn. Nhưng, thay đổi này không chỉ là một biện pháp nhằm tăng độ bền, mà nó còn cho phép Xiaomi tích hợp một cụm loa thoại truyền thống. Như vậy, Xiaomi đã buộc phải từ bỏ một trong những công nghệ đột phá nhất của Mi Mix thế hệ đầu tiên để hướng đến lợi ích của người tiêu dùng.
Xiaomi từ bỏ hệ thống loa thoại qua vỏ gốm để thay thế bằng một chiếc loa thoại truyền thống
Thứ tư là camera. Camera là một trong những điểm yếu lớn nhất trên Mi Mix thế hệ đầu tiên, và trên Mi Mix 2, Xiaomi đã cho thấy sự tiến bộ. Trong đó, công nghệ chống rung quang học (OIS) là một sự bổ sung rất cần thiết. Không thể phủ nhận rằng camera của Mi Mix 2 vẫn còn thua kém khá xa so với các flagship đình đám hiện nay, tuy nhiên bạn vẫn hoàn toàn có thể cho ra những bức ảnh đẹp bằng chiếc máy này.
Camera của Mi Mix 2 có độ phân giải 12MP, khẩu độ f/2.0, hỗ trợ công nghệ chống rung quang học
Một số ảnh chụp bằng Xiaomi Mi Mix 2
Video quay bằng Mi Mix 2 khi trời sáng, đi bộ
Video quay bằng Mi Mix 2 khi trời tối
Điểm đáng tiếc duy nhất có lẽ là việc camera trước của máy vẫn nằm ở góc dưới, khiến cho người dùng buộc phải lật ngược máy nếu như không muốn có những bức ảnh selfie... toàn cằm là cằm.
Camera selfie ở vị trí không thuận lợi là một nhược điểm mà Mi Mix 2 chưa thể khắc phục
Vẫn còn rất nhiều điểm để khen về Mi Mix 2 như thời lượng pin rất tốt, cấu hình mạnh cho trải nghiệm mượt mà, hay hệ điều hành MIUI với đầy đủ các tính năng hữu ích. Tuy nhiên, đến đây, chúng ta đã có thể tạm khẳng định rằng: Mi Mix 2 cuối cùng đã vượt qua cái giai đoạn concept, giai đoạn thai nghén để trở thành một sản phẩm hoàn thiện thực sự - một sản phẩm mà người dùng có thể tự tin sở hữu.
Đương nhiên, Mi Mix 2 vẫn còn những hạn chế của riêng mình, đặc biệt khi so sánh với các siêu phẩm khác. Nhưng...
Chưa hết đâu, vẫn còn một thứ mà Xiaomi đã thay đổi, đã lắng nghe người tiêu dùng để biến Mi Mix 2 trở thành một sản phẩm hấp dẫn hơn - và đó là giá bán. Hồi tháng 3/2017, khi Xiaomi ra mắt thế hệ Mi Mix đầu tiên tại VN, giá bán của nó lên đến gần 17 triệu đồng. Vậy mà, chỉ 8 tháng sau, mức giá của Mi Mix 2 lại chỉ là 13 triệu đồng (chưa kể một số đại lý còn giảm giá chỉ còn khoảng 11.5 triệu đồng).
Chính vì vậy, Mi Mix 2 thua kém iPhone X hay Galaxy Note8 cũng chẳng sao - đơn giản là vì chúng không phải là đối thủ của chiếc máy này, và phân khúc cao cấp không phải sân chơi mà Xiaomi hướng tới. Đối thủ của Mi Mix 2 là ở phân khúc cận cao cấp, nơi có Samsung Galaxy A 2018, Nokia 8, hay thậm chí là cả... Bphone 2017. Và khi so với những chiếc máy này, rõ ràng Mi Mix 2 tỏ ra vượt trội hoàn toàn.
Đương nhiên, như đã nói ở đầu bài, dẫu Xiaomi có ưu thế như vậy nhưng để bán chạy thì lại là chuyện không hề dễ dàng. Thương hiệu là một lẽ, nhưng bản thân phân khúc cận cao cấp cũng được coi là "dở dở ương ương" trong tâm lý khách hàng: khi họ đã có từng ấy tiền rồi, họ sẽ thường cố thêm một chút để sở hữu những chiếc flagship với trải nghiệm cao cấp thực sự, chứ không phải là thứ "nửa nạc, nửa mỡ, nửa cao cấp, nửa bình dân". Đây là khó khăn không chỉ riêng Xiaomi gặp phải, mà trước đó ngay cả các ông lớn như Samsung hay Oppo cũng đã từng phải trải qua (ví dụ điển hình là Galaxy C9 Pro và F3 Plus).
Có thể, đa số chúng ta luôn nghe theo lý trí, khi mua điện thoại luôn phải đòi hỏi cấu hình mạnh, camera đẹp, thương hiệu nổi tiếng. Tôi cũng là người như vậy, chính vì thế, tôi sẽ không mua Mi Mix 2 (chủ yếu vì camera). Nhưng, có những ngoài kia lại đi theo con tim: chỉ cần thích là mua, chẳng suy nghĩ, so đo gì nhiều. Và, Mi Mix 2 chính là dành cho đối tượng này.
Điều quan trọng là Mi Mix 2 đã để lại cho người dùng một thứ cảm xúc kỳ lạ, một sự lưu luyến khó tả. Trào lưu viền màn hình siêu mỏng dần trở nên bão hòa, cá nhân tôi đã sử dụng rất nhiều máy như vậy từ Apple iPhone X, Samsung Galaxy S8/Note8/A8, LG G6... Nhưng, cứ mỗi khi được trên tay chiếc Mi Mix 2, tôi lại cảm nhận một cái chất mà không chiếc điện thoại nào khác có.
Phải chăng đó là sự cứng cáp, nam tính? Lớp vỏ gốm bóng loáng? Những chi tiết mạ vàng tinh xảo? Hay, đó là sự hứng khởi của cảm xúc sau một quãng thời gian chai mòn đến từ vô số những chiếc điện thoại với thiết kế giống nhau đến mức nhàm chán? Tôi cũng chẳng biết nữa, chỉ biết rằng tôi rất thích chiếc điện thoại này.
Có lẽ, đấy là thứ suy nghĩ mà Xiaomi muốn đưa vào tâm trí người dùng khi khai sinh chiếc Mi Mix. Khi mà bạn biết rằng mình không thể cạnh tranh với Apple hay Samsung, khi mà bạn biết rằng mình không thể tạo ra chiếc smartphone tốt nhất thế giới, thì có lẽ hãy phá cách với một cái gì đó thật chất, thật độc để người ta luôn nhớ về mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng