Theo một thống kê gần đây, Kinh Thánh và Kinh Koran là những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Ở Mỹ, 40% dân số đều đặn tới nhà thờ ít nhất một lần mỗi tuần và chăm chỉ thực hiện nghĩa vụ của một giáo dân. Tín ngưỡng đã hoà nhập vào cuộc sống, trở thành phần không tách rời, cùng văn hoá và chính trị.
Các nhà làm game vẫn được tiếng nhanh nhạy, giỏi PR. Thế nhưng, có vẻ như họ không mặn mà lắm với đề tài Chúa trời, thần thánh. Phải chăng bởi đây là đề tài nhạy cảm, có nhiều rào cản văn hoá?
Nói như Peter Molyneux – giám đốc sáng tạo của Microsoft Châu Âu và Lionhead Studio, thì tôn giáo là đề tài gợi nhiều hứng thú nhưng nếu đi sâu sẽ đụng phải vô số rắc rối. Game designer uyên bác này nhấn mạnh phải phân biệt được niềm tin và một tôn giáo được tổ chức nghiêm cẩn.
Dẫn chứng từ
Assassin’s Creed và nhiều game Nhật Bản, ông cho rằng các game này đều muốn thể hiện con người đã làm băng hoại thông điệp tốt đẹp “Hãy yêu thương đồng loại” của Chúa trời như thế nào. Nhưng họ gặp khó khăn trong mức độ thể hiện, giữa bình luận khách quan và chỉ trích.
Là một đề tài “hot”, những game lấy chủ đề tôn giáo thường nhận được nhiều quan tâm hơn. Điển hình là
Dante’s Inferno của EA và Visceral Games. Được quảng cáo là dựa theo tác phẩm
Divine Comedy nổi tiếng, game sẽ tái hiện lại hành trình xuyên địa ngục của Dante Aglihieri để tìm lại nàng Beatrice. Đây là một tác phẩm thơ vô cùng xuất sắc, thể hiện một nhân sinh quan độc đáo và rộng lớn của tác giả về những vấn đề đương thời.
Dante - kẻ phản chúa?
Nhưng trong quá trình sản xuất, EA chỉ nhấn mạnh đến yếu tố “tội ác” trong các vòng địa ngục. Điều này đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ tại các hội chợ game, song nó cũng khiến Thiên chúa giáo hội nóng mặt. Nhà thờ Châu Âu tuyên bố Dante’s Inferno là một sự xúc phạm tín ngưỡng. Sự buộc tội này có thể phần nào ảnh hưởng đến tiến độ game.
Ngay cả Assassin’s Creed 2 cũng gặp những vướng mắc. Việc đề cập tới mối quan hệ bí mật của nhà thờ và những tên sát thủ không được hoan nghênh ở Vatican. Dẫu vậy, tác động của nó cũng không nặng nề như Dante’s Inferno.
Thực ra vẫn có những cách thoả hiệp giữa tôn giáo và đời sống. Luôn có một thứ thánh thần - đời thường song hành cùng với những quyền lực siêu nhiên. Trong World of WarCraft, ta vẫn bắt gặp những pháp sư có tài trị thương hoặc trừng phạt kẻ thù.
Chính Peter Molyneux cũng khởi đầu sự nghiệp bằng những game chiến thuật như Populous hay Black & White. Trong các game này, người chơi nhập vai Chúa trời, điều hành cộng đồng nguyên thuỷ và trợ giúp họ bằng những phép màu.
Các nhà sản xuất game cũng có thể hướng dư luận sang những khía cạnh tích cực của game. Với trẻ em, những điều học được trong các cuộc phiêu lưu dễ thấm nhuần hơn các bài giảng đạo đức khô khan. Chắc chắn, trẻ em sẽ không xem thường những thánh thần yêu thích trong game.
Dù thuộc thể loại nào, game cũng cần có tính giáo dục.
Sâu xa hơn, theo Peter Molyneux, là cách người ta suy nghĩ về niềm tin . Nếu người chơi vẫn tiếp tục tư duy ngay cả khi trò chơi đã chấm dứt, đó là một thành công đáng tự hào. Vì thế, trong phần mới nhất của Fable, ông để ngỏ rất nhiều phương án lựa chọn trong quan hệ giữa triều đình với giáo hội và người dân.
Khi nhận được nhiều khích lệ, các nhà sản xuất sẽ có điều kiện khai thác sâu hơn chủ đề tôn giáo. Theo đó, chính – tà, đúng – sai sẽ được quyết định bởi góc nhìn của người chơi. Điều các tác giả muốn nhấn mạnh là tôn giáo cũng rất tương đối, nó chỉ là một lăng kính phản ánh cuộc sống. Một số game phát triển theo hướng này là
Dragon Age: Origins, BioShock, Thief: The Dark Project…
Như triết gia Heideigger từng viết, con người luôn hoài nghi và bi quan về bản chất tồn tại của thực thể. Thế giới của họ được phản ánh qua văn hoá, chính trị và tôn giáo. Sở dĩ tôn giáo có sức sống bền bỉ qua hàng nghìn năm là nhờ bản chất của nó - hướng thiện, nâng đỡ con người khi yếu lòng.
Khi nào ngành công nghiệp game chỉ ra được nhờ chơi game, con người có niềm tin vào cuộc sống, gia đình, bè bạn, thì những tranh cãi về vấn đề tôn giáo trong game mới chấm dứt. Và khi đó, các nhà làm game mới thực sự tìm được đường vào “mảnh đất thiêng” tôn giáo.