TP. Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch

    PV,  

    Con đường thoát kiếp gia công.

     Việc TP.HCM quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch sẽ mở ra hướng phát triển công nghệ cao trong tương lai.

    TP. Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch 1
    Nghiên cứu công nghệ cao là một định hướng để thoát khỏi thân phận làm gia công


    Bước đi nhỏ


    Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vi mạch với những chip điện tử sản xuất trên nền công nghệ cơ bản như: các loại card điện tử, chip RFID (ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống), SIM card điện thoại di động, chip điện thoại di động thông minh... "Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM" với hai dự án, gồm: Design House - Ngôi nhà phần mềm dùng chung và dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chip, cùng bốn đề án "con", gồm: đào tạo nhân lực vi mạch, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng, thiết kế và sản xuất thử nghiệm, quảng bá vi mạch.


    Trong hai dự án được đề xuất nêu trên, dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử sẽ do Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS) làm chủ đầu tư. Nhà máy sẽ triển khai xây dựng tại Khu công nghệ cao TP.HCM, trên mặt bằng 10ha với vốn đầu tư 6.600 tỷ đồng. Theo CNS, dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2011 đến hết quý 3/2013, tập trung nghiên cứu, khảo sát thị trường và xây dựng dự án tiền khả thi; thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; tuyển dụng, đào tạo nhân sự; đầu tư máy móc, thiết bị. Giai đoạn 2, từ quý 4/2013 đến quý 1/2015, tiến hành lắp đặt thiết bị, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, hoàn thành công nghệ và sản xuất thương mại. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu 1,8 tỷ chip/năm, doanh thu 90 triệu USD, hoàn vốn trong 9 năm.


    Triển vọng lớn


    Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2017 là ngành sản xuất vi mạch đạt doanh số 100 -150 triệu USD, góp phần tích cực vào việc đổi mới công nghệ quốc phòng và gia tăng tính bảo mật trong an ninh quốc phòng. Ngoài ra, thành phố sẽ kêu gọi ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử đầu tư tại Việt Nam, đào tạo 2.000 người hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử, ươm tạo trên 30 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động lĩnh vực vi mạch.


    Trong quá trình chờ hình thành nhà máy sản xuất vi mạch thì Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) đã bước đầu chế tạo thành công chip vi xử lý 8-bit RISC thương mại SG8V1. Tính năng của chip SG8V1 nâng cấp vượt xa so với yêu cầu của dự án ban đầu. Với môi trường phát triển tích hợp, SG8V1 được gọi là iFast, có phần mềm nhỏ gọn, cung cấp tính năng tích hợp hiện đại cùng các tính năng cơ bản của phần mềm, như tô màu từ khóa, thu gọn cấu trúc mã nguồn, giao diện tab, chuyển đổi giữa tập tin mã nguồn và tập tin… iFast hỗ trợ cho các hệ điều hành Windows 7/XP, Ubuntu/Debian, Redhat/CentOS. Trước đó, ICDREC đã thiết kế thành công chip được sử dụng trong thiết bị định vị cho xe gắn máy tại Công ty Saigon Track và ứng dụng trong bản mạch điều khiển máy giặt của Tập đoàn Hòa Phát và hệ thống kiểm soát báo hiệu hàng hải của Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải II.


    Lựa chọn hướng đi


    Trong một cuộc họp với các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin TP.HCM vào đầu tháng 3/2012, ông Đào Trung Giang, chuyên gia cao cấp của Intel Corporation cho rằng, việc định hướng và lựa chọn công nghệ nào để phát triển là yếu tố sống còn, quyết định hàng hóa công nghệ cao của Việt Nam có thắng được hay không. Theo ông Giang, TP.HCM nên bắt đầu với công nghệ 180nm-130nm để phục vụ việc sản xuất và chế tạo các sản phẩm bán dẫn vì có mức đầu tư không cao, rồi từng bước phát triển những công nghệ tiên tiến hơn để theo kịp với thế giới.


    TP. Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch 2


    Tại Nhật Bản, thiết kế vi mạch mang lại 30 đến 40% GDP hằng năm.


    Việc chọn công nghệ 180nm - 130nm sẽ vấp phải các sản phẩm cùng loại đã có mặt trên thị trường từ lâu và bị cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn có thể thành công trong việc chọn sản phẩm có giá trị thiết kế cao mà không cần chạy theo kỹ thuật cao. Do đó, thành phố nên nghĩ đến "công nghiệp thiết kế" chứ không phải là "thiết kế công nghiệp" để làm tăng giá trị cho sản phẩm. Trong quá trình này, mọi cơ sở nghiên cứu phải cộng tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau để dần dần tự chủ về công nghệ và giảm sức ép về đầu tư, đồng thời đào tạo thêm đội ngũ kỹ sư chất lượng cao để cung ứng cho công nghiệp vi mạch. "Nếu khai thác đúng sẽ tạo những điều kiện nền tảng cho doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam và phát triển công nghệ chế tạo tại Việt Nam, vượt qua tình trạng lắp ráp hiện nay", ông Giang khẳng định.


    Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch TP.HCM có cùng quan điểm trên và cho rằng, nếu xây dựng nhà máy với công nghệ cao hơn sẽ bị rào cản về nguồn vốn. Về xây dựng nhà máy nên mua công nghệ theo dạng chìa khóa trao tay, các quy định chuyển giao công nghệ phải rõ ràng và chi tiết, đặc biệt phải có khả năng nâng cấp lên công nghệ cao hơn.


    "Nếu đầu tư nhà máy sản xuất chip nhỏ cần đến 3 tỷ USD, còn với nhà máy 200 triệu USD vẫn có thể sản xuất được những con chip đáp ứng nhu cầu trong nước. Bởi mỗi năm, Việt Nam vẫn phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu vi mạch. Vấn đề là phải đầu tư mua nhà máy sản xuất chip nào có thể nâng cấp được trong tương lai", ông Hoàng cho biết.


    7 dự án phát triển công nghiệp vi mạch


    Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM có bảy dự án: Đào tạo nhân lực (2.000 kỹ sư và kỹ thuật viên thiết kế vi mạch); Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch điện tử; Nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch; Xây dựng cơ chế hỗ trợ công nghiệp vi mạch; Xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; Xây dựng nhà thiết kế vi mạch.


    Bài:Minh Phương
    Ảnh: Hồng Thái/DDDN 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày