(Tổ Quốc) - Bạn đã bao giờ tưởng tượng đến một Trái Đất không có sự hiện diện của nhựa? Nếu nhựa chưa từng xuất hiện thì đại dương có trong xanh hơn, rừng cây bao phủ mọi nơi không, hay hành tinh của chúng ta sẽ biến đổi? Hãy tìm câu trả lời cho giả thiết thú vị này nhé!
Nhựa đã len lỏi vào cuộc sống của con người như thế nào?
Khi nhìn theo hướng khách quan, sự ra đời của nhựa có thể coi là một trong những phát minh quan trọng của loài người. Quả thực, nhờ có nhựa và các sản phẩm làm từ nhựa thì cuộc sống của con người đã dễ dàng hơn. Thế nhưng, loài người đang sống phụ thuộc vào nhựa.
Trên thực tế, quần áo chúng ta đang mặc hiện nay được làm từ sợi nhân tạo có thành phần là nhựa, bởi lượng sợi tự nhiên là có hạn. Chế tạo mạch điện trong điện thoại di động, máy tính, tivi… đều đang sử dụng nhựa cách điện. Các loại nước lọc, nước giải khát đựng trong chai nhựa. 95% các loại nước tẩy rửa, nước giặt nằm trong các lọ nhựa, bình nhựa hoặc túi nhựa. Các vật dụng khác như dây câu, lưới cước, bỉm, tã lót,... đều có thành phần chính là hạt vi nhựa…
Ngay cả những sản phẩm dùng một lần như ly trà sữa, ly đựng cà phê, hộp đồ ăn nhanh, ống hút… đều làm bằng nhựa.
Nhưng sau đây là những con số cho thấy rác thải nhựa đã vượt khỏi tầm kiểm soát của loài người mà WHO thống kê được:
- Từ những năm 1950, thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Trung bình mỗi năm, khoảng 300 triệu tấn rác thải được đưa vào môi trường và 8 triệu tấn rác thải đổ ra biển.
- Hơn 70% tổng số rác thải nhựa được đổ ra các bãi rác hoặc vứt bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
- Theo dữ liệu thống kê từ 30 nước, có 1,2 tỉ tấn rác thải tập trung từ các vùng đô thị, từ 1,1-1,8 tỉ tấn công nghiệp không nguy hiểm và 150 triệu tấn rác nguy hiểm.
- Trong năm 2010, các đại dương đã phải hứng chịu khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa. Từ nay tới năm 2025, lượng rác nhựa thải vào đại dương có thể lên tới 155 triệu tấn.
- Có tới hơn 800 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác thải nhựa, chưa bao gồm hậu quả đối với sức khỏe con người.
- Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy dự báo đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải biển.
- Theo nghiên cứu của Deloitte, hàng năm có tới 1 triệu con chim biển và 100.000 rùa biển cùng các loài động vật có vú đã chết sau khi ăn phải đồ nhựa, hoặc bị mắc kẹt trong các bãi rác thải nhựa chìm nổi ở đại dương.
Điều gì xảy ra nếu Trái đất không còn nhựa?
Tất nhiên, vì những hậu quả và cả nguy cơ tương lai do rác thải nhựa gây ra nên chúng ta có xu hướng tin rằng: không có nhựa nữa là tốt nhất? Nhưng có thể, kết quả sẽ không hẳn như ta đang tưởng tượng.
Nhựa không bị phân hủy sinh học. So với các chất thải hữu cơ, nhựa phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm mới có thể phân hủy. Nếu Trái đất không có nhựa, ô nhiễm đất và nước sẽ giảm đi rất nhiều. Thế nhưng, nhựa lại rất rẻ, việc sản xuất cũng linh hoạt, dễ dàng và đặc biệt, chúng không bị ảnh hưởng bởi nước. Đây cũng là lý do khiến nhựa trở thành một vật liệu khó thay thế trong cuộc sống của con người.
Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể dùng giấy và thủy tinh để thay thế nhựa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ vấp phải những ảnh hưởng sau đây khi nhựa không còn hiện diện. Chi phí để sản xuất thủy tinh và giấy sẽ rất tốn kém. Không những vậy, ta vẫn biết, giấy được làm từ gỗ nên nếu sử dụng giấy thay thế hoàn toàn cho nhựa thì khả năng cao sẽ gây ra một thảm họa môi trường. Bởi cây cối sẽ bị khai thác nhiều hơn để sản xuất giấy. Trừ khi có một công nghệ mới hoàn toàn sản xuất ra giấy không từ gỗ - mà khi đó thì đâu chắc sẽ không có hậu quả tương tự như nhựa?
Đặc biệt, ngành công nghiệp điện tử sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhựa được sử dụng ở hầu hết mọi thiết bị, chúng có trong máy tính, điện thoại thông minh… Nếu không có nhựa thì những đồ dùng này sẽ không xuất hiện hoặc được sản xuất với chi phí vô cùng đắt đỏ.
Làm thế nào để giảm thiểu rác thải nhựa?
Mặc dù hiểu rõ sự nguy hiểm của rác thải nhựa nhưng mỗi ngày người Việt đang thải ra ngoài môi trường 2.500 tấn rác nhựa (chủ yếu là túi nylon). Thống kê của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 25/7/2022 cho thấy chất thải nhựa là loại phổ biến thu gom được trong các khảo sát thực địa tại Việt Nam, chúng chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng chất thải phát sinh. Ước tính, với nhịp độ như hiện nay, đến năm 2030, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.
Có thể thấy, một tương lai Trái Đất không có rác thải nhựa sẽ rất khó để đạt được ngay lập tức. Nhưng, chúng ta vẫn có thể đối xử tốt với môi trường bằng cách hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thay vào đó hãy sử dụng các loại sản phẩm khác như túi vải, cốc bằng sứ, thủy tinh…
Đặc biệt, bạn cần nhớ phân loại rác thải từ đầu nguồn, để chúng vào đúng điểm thu gom để việc xử lý và tái chế đạt hiệu quả hơn nhé.
*Bài viết được tổng hợp từ What If, Quora, Youtube.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng