Trải nghiệm bàn phím cơ Leopold 750r PD: Hoàn thiện hơn nhưng không còn "chất riêng"
Sau 3 năm "hoành hành" trên thị trường thì bộ bàn phím cơ Leopold 750r cuối cùng cũng có người kế nhiệm, tiếp tục là một sản phẩm bàn phím có độ hoàn thiện cao ở một mức giá "dễ thở".
Leopold FC750r được ra mắt vào đầu năm 2015 và lập tức trở thành hiện tượng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là một bộ bàn phím cơ với độ hoàn thiện cao, có thể rút rời dây, sử dụng switch Cherry nhưng với mức giá "mềm mại" hơn rất nhiều so với Filco - một hãng bàn phím cao cấp từ Nhật Bản.
Vào cuối 2017 thì hãng quyết định nâng cấp sản phẩm này, với cái tên rất "dị": FC750r PD.
Không như cái tên thì sản phẩm này không chỉ dành riêng cho "thế giới thứ 3" mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng! 2 đặc điểm "ăn tiền" của phiên bản cũ vẫn được giữ lại là switch Cherry và thiết kế chống ồn.
Hãng tặng cho người dùng một miếng mi-ca trong suốt để che bụi những lúc không sử dụng.
Bộ phụ kiện của FC750r PD là một dây kết nối (với một chiếc cuốn dây rất đẹp), một chiếc rút vỏ phím (key-puller), đầu chuyển USB sang P/S2, 4 phím thay thế cho các phím Ctrl và CapsLock.
FC750r PD là một bàn phím Tenkeyless, tức là thiếu đi bộ phím số (Numpad) ở bên phải. Phím này hướng tới game thủ, những người hay đánh văn bản không cần nhập liệu số nhiều, coder... còn những người liên tục phải nhập số như thư kí, kế toán thì có thể chọn bàn phím đầy đủ.
Toàn bộ phím được hoàn thiện bằng nhựa sần, những ai sử dụng Leopold đều biết, hãng hoàn thiện vỏ rất tốt và không bao giờ cho cảm giác ọp ẹp.
Hãng vẫn giữ nguyên thiết kế phần chân (feet) phím chỉ có 1 nấc mà thôi. Là phiên bản nâng cấp mình nghĩ rằng hãng cần thử nghiệm với thiết kế chân 2 tầng, tiện dụng hơn.
Cũng như phiên bản cũ, ta có một số công tắc để đổi vị trí các phím chức năng.
Bàn phím kết nối bằng cổng mini USB, không mới nhưng lại chắc chắn hơn so với các kết nối mới hơn nên vẫn được tin dùng.
Điểm thay đổi lớn nhất của phiên bản mới đó là phần vỏ phím (keycap), sử dụng công nghệ Double-shot. Hãng sẽ làm phần nhựa có chữ trước, sau đó "ghép" vào phần nhựa xung quanh. Công nghệ làm keycap này có ưu điểm là chữ không bao giờ mờ đi, nhưng cũng có giá gia công cao hơn hẳn kiểu cũ!
Phiên bản trên tay sử dụng switch Cherry đen, hãng vẫn sử dụng kiểu stab cân bằng kiểu Cherry, tiện dụng hơn rất nhiều so với kiểu thanh gài trong những phím chất lượng thấp.
Phiên bản cũ có kiểu in chữ "Ninja", còn phiên bản mới thì in ở mặt trên, truyền thống hơn. Đối với mình thì kiểu chữ Ninja này đã làm nên tên tuổi của chiếc FC750r cũ, là một điểm riêng, giúp sản phẩm nổi bật trên một rừng bàn phím cơ khác. Phiên bản mới có keycap sần hơn, tốt hơn nhưng nhìn bình thường hơn!
Nhìn từ trên xuống, phiên bản cũ không nhìn thấy chữ gì cả! Phiên bản mới sẽ phù hợp với những ai ngồi đánh chữ cao, nhìn phím từ trên xuống và chưa đủ tự tin đành chữ mà không nhìn phím (touch type).
Nhưng cũng phải công nhận một điểm, do có keycap sần hơn nên phiên bản mới cho cảm giác đánh thật hơn, tay nhận được nhiều phản hồi hơn so với keycap "siêu láng bóng" của phiên bản cũ. Nhưng bàn phím mới mới ra được vài tháng, nên ta không thể biết được theo thời gian keycap này có hết sần hay không.
Phần vỏ ngoài thì 2 sản phẩm không khác gì nhau.
Theo như hãng công bố thì phần mạch của sản phẩm mới có một số thay đổi, nhưng với người dùng bình dân như mình thì không cảm nhận được sự khác biệt!
Là một người dùng bộ bàn phím 750r phiên bản cũ, mình không cảm thấy cần phải nâng cấp lên phiên bản "PD" này. Nhưng với người dùng mới, thì sẽ có 2 lựa chọn: 1 ra sau, sử dụng linh kiện mới được phát triển, 1 cũ nhưng vẫn có những điểm riêng vì bộ keycap độc đáo, đầy cá tính.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng