Trải nghiệm cảm biến vân tay trong màn hình & nhận dạng khuôn mặt 3D trên Xiaomi Mi 8 EE
Xiaomi Mi 8 EE được trang bị hai công nghệ bảo mật sinh trắc học tiên tiến nhất hiện nay là cảm biến vân tay trong màn hình và nhận dạng khuôn mặt 3D. Vậy trải nghiệm của chúng ra sao?
Xiaomi Mi 8 EE là một chiếc smartphone không chỉ thu hút người dùng bởi thiết kế mặt lưng trong suốt độc đáo, cấu hình mạnh hay camera tốt; mà còn là hệ thống bảo mật sinh trắc học tân tiến nhất hiện nay. Cụ thể, Mi 8 EE sở hữu cả hai công nghệ đình đám là quét khuôn mặt 3D và cảm biến vân tay trong màn hình.
Xiaomi Mi 8 EE
Vậy, trải nghiệm mở khóa của chiếc máy này sẽ như thế nào?
Cảm biến vân tay trong màn hình: Tốt, nhưng vẫn thua kém cảm biến vân tay truyền thống một bậc
Cảm biến vân tay trong màn hình của Mi 8 EE sử dụng công nghệ Clear ID của Synaptics. Đây cũng là công nghệ mà Vivo đã sử dụng trên những chiếc máy như X20 Plus UD hay X21 UD. Về bản chất, cảm biến vân tay Clear ID nằm ở dưới màn hình OLED, sử dụng nguồn sáng phát ra từ màn hình này để đọc dấu vân tay của người dùng.
Chính vì vậy, mỗi khi người dùng chạm tay vào cảm biến ở trên màn hình thì sẽ có một luồng ánh sáng xanh phát ra phục vụ cho việc mở khóa, chứ không phải như nhiều người nghĩ chỉ là hiệu ứng nhìn cho... đẹp.
Luồng ánh sáng xanh xuất hiện mỗi khi người dùng chạm tay vào cảm biến
Và do cảm biến vân tay này được đặt ngay dưới màn hình, vậy nên nếu người dùng để ý thật kỹ, họ có thể thấy phần linh kiện "lấp ló". Tuy nhiên, xin được nhắc lại rằng, để có thể thấy được nó là điều không hề đơn giản. Để phục vụ bài viết này, chúng tôi đã phải chiếu một nguồn sáng rất mạnh trực tiếp vào màn hình, cộng thêm một vài thủ thuật hậu kỳ thì nó mới lộ rõ được như bức ảnh dưới đây. Vậy nên, trong quá trình sử dụng thông thường, người dùng sẽ không gặp vấn đề gì liên quan đến thẩm mỹ cũng như chất lượng hiển thị của màn hình.
Cảm biến vân tay "lấp ló" dưới màn hình
Tốc độ nhận diện của cảm biến vân tay trong màn hình của Mi 8 EE chậm hơn so với các giải pháp truyền thống, tuy nhiên vẫn trong ngưỡng đủ nhanh để người dùng không cảm thấy khó chịu.
Tốc độ nhận dạng vân tay tương đối nhanh
Tuy nhiên, thật sự thì điều khiến cho tôi cảm thấy không hài lòng nhất ở cảm biến này là việc nó chưa thật sự ổn định và dễ sử dụng.
Đầu tiên, người dùng phải đặt ngón tay thật chính xác vào cảm biến thì nó mới có thể mở khóa. Để hỗ trợ điều này, màn hình của Mi 8 sẽ luôn hiển thị một biểu tượng dấu vân tay để người dùng có thể biết được rằng mình cần chạm ngón tay vào đâu.
"Chạm ngón tay vào biểu tượng trên màn hình" - một công việc nghe có vẻ đơn giản về mặt lý thuyết, tuy nhiên khi đi vào thực tế thì lại không nhuần nhuyễn như bạn nghĩ. Cảm biến vân tay truyền thống trên các smartphone hiện nay đều được đặt bên trong một chiếc vòng, giúp người dùng định vị ngón tay của mình một cách chính xác. Cảm biến vân tay trong màn hình của Mi 8 EE không có đường biên, vậy nên tỷ lệ đặt ngón tay vào đúng cảm biến cũng sẽ thấp hơn, đặc biệt khi người dùng không để ý.
Chính vì vậy, trong quá trình trải nghiệm Mi 8 EE, tôi thường xuyên gặp tình trạng máy từ chối mở khóa vì không nhận diện được dấu vân tay. Sau đó, tôi phải điều chỉnh ngón tay của mình một chút thì mới mở khóa thành công.
Nếu người dùng đặt ngón tay không chuẩn xác, cảm biến vân tay trong màn hình sẽ không thể nhận diện
Không chỉ vị trí, mà lực nhấn cũng là một yếu tố rất quan trọng. Người dùng sẽ không thể chạm vào màn hình một cách đơn thuần, mà họ sẽ phải tạo ra một lực nhấn vừa đủ thì cảm biến mới có thể đọc được dấu vân tay. Nếu không đủ lực nhấn, máy sẽ yêu cầu người dùng nhấn mạnh hơn.
Lực nhấn cũng là một yếu tố rất quan trọng
Công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình cũng không khắc phục được bất kỳ điểm yếu cố hữu nào của cảm biến vân tay truyền thống hiện nay. Ví dụ, với một tình huống mà người dùng thường gặp là khi ngón tay ướt, cảm biến vân tay trong màn hình của Mi 8 EE cũng không thể nhận diện được và từ chối mở khóa.
Cảm biến vân tay này cũng "chịu thua" khi ngón tay bị ướt
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt 3D: "Face ID" của thế giới Android đây rồi!
Chúng tôi đã từng có một bài viết bày tỏ sự ấn tượng với công nghệ mở khóa khuôn mặt của chiếc Xiaomi Mi 8 phiên bản thường. Mặc dù vẫn còn để lại kẽ hở về bảo mật, tuy nhiên có thể coi Mi 8 một trong những smartphone Android đầu tiên với khả năng mở khóa khuôn mặt nhanh, ổn định và hoạt động hoàn hảo trong bóng tối.
Điểm yếu lớn nhất trên công nghệ này của Mi 8 là nó chỉ nhận dạng 2D, tức là, nó có thể bị đánh lừa bởi một bức ảnh. Trên Mi 8 EE, Xiaomi khắc phục điểm yếu này với sự có mặt của công nghệ nhận dạng khuôn mặt 3D. Để đạt được điều này, Xiaomi đã trang bị cho Mi 8 EE những thành phần như camera hồng ngoại (IR camera), đèn chiếu (flood illuminator), máy chiếu điểm (dot projector). Đây cũng là những thành phần mà Apple sử dụng cho Face ID của iPhone X.
Bên trong phần lẹm màn hình của camera Mi 8 EE là hàng loạt các linh kiện như camera hồng ngoại (IR camera), đèn chiếu (flood illuminator), máy chiếu điểm (dot projector)
Có thể thấy ánh sáng hồng ngoại phát ra (lưu ý: ánh sáng này chỉ có thể thấy được bởi máy ảnh còn mắt thường sẽ không thể thấy được)
Mi 8 EE hỗ trợ nhận dạng khuôn mặt 3D, một bước tiến lớn so với nhận dạng 2D của Mi 8 bản thường
Trải nghiệm mở khóa khuôn mặt của Mi 8 EE cũng tuyệt vời như những gì mà chúng tôi từng có được với Mi 8. Tốc độ của nó nhanh chẳng kém gì Face ID, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn hơn. Nó cũng có thể nhận dạng thành công khi đặt máy ở phương không hoàn toàn thẳng hàng với khuôn mặt, hay khi khuôn mặt/bàn tay của người dùng không vững (có ích trong trường hợp người dùng đang đi bộ chẳng hạn). Và đương nhiên, nó cũng hoạt động tốt ngay cả trong bóng tối nhờ sự hỗ trợ của flood illuminator và camera hồng ngoại.
Mi 8 EE có thể mở khóa khuôn mặt ngay cả trong bóng tối
Một điều duy nhất khiến tôi cảm thấy khó hiểu là trong phần cài đặt của Mi 8 EE lại có đến hai tùy chọn nhận dạng khuôn mặt khác nhau là 3D và 2D. Với tốc độ nhận dạng ngang ngửa, trong khi công nghệ nhận dạng 3D bảo mật hơn hẳn, sẽ chẳng ai muốn sử dụng nhận dạng 2D trên Mi 8 EE cả. Không rõ mục đích của Xiaomi khi đưa ra tùy chọn này là gì.
Tùy chọn cho phép chọn lựa giữa nhận dạng 2D và 3D
Nên sử dụng công nghệ bảo mật sinh trắc học nào?
Với việc Mi 8 EE được trang bị hai công nghệ bảo mật đều tốt và tiên tiến, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: "Nên sử dụng công nghệ nào?".
May mắn rằng: người dùng không cần phải đưa ra sự lựa chọn. Xiaomi Mi 8 EE cho phép thiết lập để sử dụng cả cảm biến vân tay và nhận dạng khuôn mặt cùng một lúc.
Trong quá trình trải nghiệm của chúng tôi, phần lớn các trường hợp Mi 8 EE sẽ nhận diện được khuôn mặt của người dùng và lập tức mở khóa bằng nó. Người dùng thậm chí còn chưa kịp đặt ngón tay của mình lên màn hình thì máy đã mở khóa bằng khuôn mặt thành công.
Tuy nhiên, cảm biến vân tay cũng có ích trong một số trường hợp cụ thể. Tình huống dễ gặp nhất là khi người dùng đeo khẩu trang và khiến một phần khuôn mặt bị che khuất. Lúc này, tính năng nhận dạng khuôn mặt sẽ không hoạt động và người dùng sẽ sử dụng cảm biến vân tay để mở khóa.
Chiếc máy với công nghệ bảo mật sinh trắc học tốt nhất hiện nay
Xiaomi Mi 8 EE khiến chúng tôi thật sự cảm thấy bị thuyết phục bởi các công nghệ bảo mật sinh trắc học của nó. Bên cạnh khả năng mở khóa khuôn mặt có thể sánh ngang với iPhone X, Xiaomi còn đem đến sự tiện dụng cho người dùng thông qua cảm biến vân tay trong màn hình. Mặc dù cảm biến vân tay trong màn hình của Mi 8 EE vẫn chưa thể sánh bằng các giải pháp truyền thống, tuy nhiên nó là một công cụ bổ trợ hữu ích cho người dùng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng