Trải nghiệm chơi game với OPPO Reno và Reno 10x Zoom: Liệu Snapdragon 855 có thực sự cần thiết?
Bộ đôi sản phẩm đầu bảng mới nhất của nhà sản xuất OPPO chơi game có 'đã' không?
Mới đây OPPO đã tung ra không chỉ 1 mà tới 2 smartphone cao cấp mang tên Reno và Reno 10x Zoom, đều có điểm nhấn là thiết kế camera selfie 'vây cá mập' mới mẻ, chưa bao giờ có mặt trên thị trường.
Cầm bộ đôi smartphone này trên tay, trong đầu mình xuất hiện 2 câu hỏi 'nhức nhối': Trải nghiệm chơi game trên chúng như thế nào? Và liệu người dùng có cần thiết phải nâng cấp lên phiên bản Reno 10x Zoom cao cấp với vi xử lý Snapdragon 855 để có thể chơi game tốt, hay phiên bản Reno thông thường là đủ?
Đây là cả 2 điều mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay!
Điểm cộng về công thái học
Như đã đề cập trong bài đánh giá chi tiết phiên bản OPPO Reno, hãng điện tử Trung Quốc đã khá thông minh khi không theo xu hướng mỏng, nhẹ và màn hình cong của một số smartphone trên thị trường. Chiếc smartphone này cùng với phiên bản Reno 10x Zoom đều có màn hình phẳng, độ dày và độ nặng nhất định nên cho cảm giác cầm chắc chắn trong tay, khó trơn trượt.
Điều này có thể không quá quan trọng với mục đích sử dụng thông thường, khi người dùng chỉ lấy máy ra dùng trong thời gian ngắn rồi bỏ xuống, nhưng lại vô cùng quan trọng trong quá trình chơi game, thường diễn ra trong hàng giờ liền.
OPPO Game Space chặn các xao nhãng không đáng có
Một điểm cộng nữa cho cả 2 dòng máy đến từ OPPO này đó là phần mềm Game Space, có tác dụng tắt tất cả các ứng dụng nền để tập trung sức mạnh xử lý cho game, tối ưu hóa mạng để tránh hiện tượng mất kết nối và cuối cùng là tạm chặn các thông báo để tránh xao nhãng.
Với mình tính năng 'ăn tiền' nhất nằm ở khả năng chặn thông báo, vì quả thực không gì khó chịu hơn cảm giác đang nhập tâm vào game mà bị 'quấy rối' bởi những tin nhắn Messenger hay thông báo từ tổng đài cả!
Về vấn đề âm thanh
Những tưởng 2 dòng máy này có thiết kế tương tự thì sẽ cho trải nghiệm âm thanh giống nhau, nhưng sử dụng trên thực tế rồi mới thấy được điều đó sai hoàn toàn. Phiên bản Reno đã giữ lại cổng nhạc 3.5mm, còn trên Reno 10x Zoom thì không hề có. Đối với ai vẫn đang 'lưu luyến' các tai nghe và loa có dây, thì sẽ có cảm tình với phiên bản Reno thường hơn.
Nhưng ngược lại, Reno 10x Zoom lại 'bù' cho người dùng về chất lượng loa ngoài, khi phiên bản này có loa kép (một dưới đáy, một chính là loa thoại ở đỉnh máy) với cả âm lượng và chất lượng vượt trội so với Reno. Mỗi phiên bản lại có một điểm mạnh về âm thanh riêng, việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào thói quen sử dụng của từng cá nhân.
Chất lượng màn hình
Camera trượt hình vây cá mập của Reno và Reno 10x Zoom
Đặc điểm nổi bật nhất trong thiết kế của cả Reno và Reno 10x Zoom đó là thành phần camera selfie trượt có hình vây cá mập, nhằm nhường toàn bộ diện tích mặt trước cho màn hình. Nhờ vậy, cả 2 sản phẩm này đều sở hữu màn hình không có vết cắt ở bất cứ dạng nào, không 'tai thỏ', không 'giọt nước' và không 'lỗ' luôn. Không còn nỗi lo về việc các vết cắt 'chạm' vào các thành phần có thể điều khiển trong game, hay đơn giản là chắn vào tầm nhìn.
Tấm nền AMOLED được hãng sử dụng trên cả 2 máy cũng đều có chất lượng tốt: cho màu đen rất sâu, màu sắc đậm đà và không bị ám xanh hay vàng (cân bằng trắng tốt). Một ưu điểm nữa của tấm nền AMOLED đó là tốc độ phản hồi (response time) nhanh hơn LCD thông thường, từ đó giảm độ trễ từ khi người dùng thao tác tới lúc các yếu tố trên màn hình thay đổi, cũng như giảm hiện tượng ảnh ảo (smearing).
OPPO Reno thường (phải) và Reno 10x Zoom (trái)
Điểm khác biệt của 2 máy nằm ở kích thước, khi OPPO Reno có màn hình lớn 6.4 inch còn trên Reno 10x Zoom thì con số này là 6.6 inch. 0.2 inch nghe thì nhỏ, nhưng sử dụng trên thực tế thì sự khác biệt lại rất rõ ràng.
Ở những game chơi theo chiều ngang thì màn hình càng lớn càng tốt, làm cho trải nghiệm hình ảnh trở nên 'rộng mở' hơn. Nhưng ngược lại ở những game chơi theo chiều dọc như Temple Runner 2 thì màn hình nhỏ hơn của Reno lại trở thành lợi thế, giúp cho máy trở nên dễ cầm nắm, thao tác hơn.
Temple Runner 2
Hiệu năng vi xử lý
Tất cả những sự khác biệt ở trên đều không quá lớn, điều mà người dùng sẵn sàng bỏ tiền ra để nâng cấp nằm ở cấu hình ở bên trong 2 máy. Năm nay OPPO đã 'nghỉ chơi' với MediaTek Helio và trở lại với 'lựa chọn an toàn' là Qualcomm Snapdragon, cụ thể là bộ đôi Snapdragon 710 và 855.
Ta sẽ bắt đầu từ những bài benchmark:
Snapdragon 710 của Reno
Snapdragon 855 của Reno 10x Zoom
Không có điều gì quá ngạc nhiên, khi chip Snapdragon 855 được trang bị trong Reno 10x Zoom vượt mặt một cách rõ rệt Snapdragon 710 của Reno. Điểm CPU của Reno 10x Zoom thường cao hơn 2 lần, còn điểm GPU (yếu tố ảnh hưởng lớn tới khả năng chơi game) có điểm số cao hơn tới 3 lần!
Vậy sức mạnh xử lý này khi được áp dụng vào thực tế thì sao?
Smash Hit
Với những game offline, nhẹ nhàng dạng arcade như Smash Hit thì Snapdragon 710 vẫn đủ sức để hoạt động trơn tru, kể cả với đồ họa cao nhất. Temple Runner 2 đã đề cập ở trên với đồ họa thay đổi nhanh hơn cũng vẫn chỉ là 'muỗi', nên những ai chỉ chơi game dạng giải trí nhẹ nhàng thì phiên bản Reno thông thường quá đủ.
PUBG Mobile
PUBG Mobile là một game online nặng, nhưng vẫn chưa phải là một thử thách với Snapdragon 710 của Reno. Lần vào game đầu tiên, máy chọn cấu hình cao (High), và mình cũng vào Settings để bật đổ bóng và chống răng cưa (Anti-Aliasing). Máy xử lý được mượt mọi phân cảnh, từ nhảy dù tới nhảy, nhắm bắn và rút súng.
Lợi điểm của Snapdragon 855 trên Reno 10x Zoom nằm ở việc cho phép người dùng chọn cấu hình cao nhất (Ultra) và tính năng High Dynamic Range (HDR) để cho hình ảnh đạt chất lượng tối đa. Đây là những lựa chọn về thẩm mỹ, còn về vấn đề trải nghiệm chơi game thì Reno bản thường cũng đã đáp ứng đủ.
Liên quân ở chế độ Mayhem Mode có tới 20 người chơi
Điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa 2 máy nằm ở game Liên Quân. Khi chơi ở chế độ thường (5 v 5) Snapdragon 710 đáp ứng tốt ở chế độ đồ họa HD, tần số làm tươi cao, FPS thấp nhất chỉ rơi vào khoảng 53 - 58 / 60 mà thôi.
Nhưng khi vào chế độ Mayhem Mode mới nhất (10 v 10 tức có 20 nhân vật), vào những lúc tất cả cùng đứng tại một chỗ thì Reno có giảm xuống còn 40 FPS, đôi lúc còn xảy ra hiện tương giật do giảm FPS đột ngột. Đây chính là lúc Reno 10x Zoom với Snapdragon 855 tỏa sáng, khi giữ được 60 FPS, luôn luôn mượt mà dù có nhiều nhân vật đến mấy.
Một ưu điểm mình nhận thấy ở Reno phiên bản thường đó là về vấn đề nhiệt lượng. Snapdragon 710 là vi xử lý tầm trung với cấu hình thấp hơn, hướng tới việc tiết kiệm điện năng nên kể cả chơi game nặng trong thời gian dài cũng không xảy ra hiện tượng quá nhiệt ở mặt lưng.
Ngược lại, Snapdragon 855 là vi xử lý cao cấp nhất của Qualcomm, có CPU và GPU đều được đẩy tới giới hạn của chúng nên cũng hoạt động nóng hơn. Đây là một bất lợi đối với những người bị chảy mồ hôi tay, nhất là vào những ngày hè 40°C tại Hà Nội lúc này. Mặc dù hiện tượng này không quá nghiêm trọng, nhưng cũng là một điều đáng để suy nghĩ.
Lời kết
Sau khoảng 1 tuần sử dụng, mình cảm thấy hài lòng với trải nghiệm game của cả 2 dòng máy mới nhất đến từ OPPO, nhờ có các ưu điểm về công thái học, phần mềm thông minh và màn hình AMOLED không vết cắt nhờ camera trượt hình vây cá mập.
Nhưng tất nhiên, phiên bản Reno 10x Zoom với vi xử lý Snapdragon 855, màn hình lớn và loa kép vẫn là chiếc máy lý tưởng hơn cho mục đích chơi game. Liệu sự khác biệt này có đáng với mức giá đắt gấp rưỡi (13 triệu so với 21 triệu đồng) hay không, điều đó lại còn phụ thuộc vào điều kiện tài chính của mỗi người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng