Trải nghiệm Fujifilm X-Pro3: Chiếc máy khiến chúng ta trân trọng khoảnh khắc hơn
Kể từ khi ra mắt, Fujifilm X-Pro3 đã tạo nên rất nhiều tranh luận, không chỉ ở thị trường các nước trên thế giới mà ngay ở buổi giới thiệu tại Việt Nam cũng nhiều người hoài nghi về thiết kế "khác người" và mục đích sử dụng của nó.
Chính bản thân tôi ngay từ khi thấy hãng này tiết lộ tại sự kiện X Summit và sau đó chính thức ra mắt cũng phải thốt lên "Vì sao lại làm ra một chiếc máy dị hợm thế này?" Nhưng vì cái sự lạ lùng của X-Pro3 đã thôi thúc tôi phải làm sao trên tay cho bằng được, để có một cái nhìn cá nhân và xem thử liệu rằng nó có mang lại cảm giác "Pure Photography" mà Fujifilm muốn nhấn mạnh trong lần ra mắt này hay không.
Thông số của máy thế nào? Nói thật tôi chẳng quan tâm!
Mỗi dòng máy khi được đưa ra thị trường đều được tung hô đầy rẫy các thông số kỹ thuật, và tất nhiên chiếc X-Pro3 này cũng vậy. Tuy nhiên ở bài này, tôi chỉ muốn nói đến trải nghiệm và cảm xúc về chiếc máy này nhiều hơn, đó mới là thứ khiến cá nhân tôi có thấy hài lòng về sản phẩm hay không.
Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm đến thông số, hãy tạm dừng ở đây ít phút để lướt qua ở bài viết trước, và khi bắt đầu lăn tăn về khả năng hoạt động của chiếc máy ảnh X-Pro3 này, hãy quay lại phần này.
Hành trình trở về nguyên bản
Ngay từ những ngày đầu ra mắt máy ảnh kỹ thuật số, Fujifilm đã cố tình cho chúng ta thấy họ muốn đi theo phong cách hoài cổ. Người dùng có thể thấy rõ nhất điều này thông qua các sản phẩm như X100 series với kiểu máy nhỏ gọn, ống ngắm lệch sang một bên trái mang "linh hồn" của một chiếc máy film Rangefinder ngày trước.
Bản thân tôi cũng là người chụp ảnh film và tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn thích chụp ảnh film hơn là kỹ thuật số. Nếu nói đến kiểu máy mà trước giờ tôi thích nhất, thì đó chính là dòng Rangefinder, như chiếc Canon QL17 GIII mà tôi đang sở hữu vậy. Và X-Pro3 ra đời khiến tôi thấy đây là chiếc máy ảnh kỹ thuật số đang chạm đến cái ngưỡng hoài cổ rõ ràng nhất từ trước đến nay, hay nói cách khác, trải nghiệm về việc cầm một chiếc máy film (nhưng thực chất là kỹ thuật số) của tôi đang ùa về những ngày này.
Vì sao X-Pro3 lại mang đến cho tôi cảm giác của một chiếc máy ảnh film ngày xưa mà tôi hay thích dùng? Màn hình chính là lý do.
Không, ý tôi không phải là cái màn hình bé tí này, mà là phần màn hình bên trong được thiết kế gập giấu vào. Với lý lẽ của nhiều người chụp ảnh film thời buổi ngày nay, thường câu trả lời cho lý do đó là vì "có cảm giác hồi hộp vì không biết kết quả ảnh thế nào cho đến khi mang phim đi tráng".
Máy ảnh kỹ thuật số ra đời đã giải quyết rất nhiều vấn đề cho các nhiếp ảnh gia, trong đó có việc có ảnh nhanh hơn, không cần phải chờ quá trình kết thúc cuộn phim rồi đem đi tráng rửa. Nhưng cũng chính vì thế, đó lại là "con dao hai lưỡi" tập hư chúng ta. Con người quen dần với việc cứ chụp thoải mái rồi sau đó có thể xoá ảnh sau nếu không ưng ý, điều này vô tình khiến cho một số người sẽ không thật sự chuyên tâm vào đầu tư, sáng tạo và thậm chí là ít suy nghĩ hơn so với trước đây.
Ngược lại, sự giới hạn của một cuộn phim 35mm (thường là 24 hoặc 36 tấm) trước đây khiến chúng ta trân trọng từng số lần bấm nút shutter, cũng vì thế mà ta cẩn thận hơn, suy nghĩ và thậm chí là tưởng tượng trước thành phẩm sẽ trông ra sao trước khi quyết định.
Cách đây 5 năm, tôi đã sắm cho mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số và tự tìm hiểu, tập chụp. Nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu sa vào chuyện bấm nhiều mà không màng đến chuyện ảnh có tốt thật sự hay không. Đó cũng là lúc tôi tìm đến máy ảnh film để cải thiện kỹ năng mình và hơn hết là giúp bản thân tập thói quen suy nghĩ nhiều hơn.
Đến 5 năm sau, X-Pro3 đã phần nào mang cho tôi cảm giác tương tự. Chính việc lật úp màn hình vào bên trong giúp tôi không bị phân tâm, thay vào đó quan sát nhiều hơn. Một số người thắc mắc rằng tại sao Fujifilm không làm màn hình xoay lật ngang mà lại lật theo phương dọc xuống như thế, thú thật ban đầu tôi cũng nghĩ điều tương tự.
Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, tôi nghĩ Fujifilm làm như vậy rõ ràng là có lý do của họ: hạn chế việc mở màn hình ra xem càng nhiều càng tốt. Tạo sự khó khăn trong việc mở màn hình, X-Pro3 dần khiến người dùng quên đi chiếc máy này từng có một cái màn hình LCD bên trong.
Suốt thời gian cầm máy, tôi đã tập trung hơn vào không gian, chủ thể và những gì diễn ra xung quanh, thói quen kiểm tra lại ảnh đã không còn nữa. Cảm giác ban đầu ấy khá khó tả, nó giống với những gì tôi đã từng trải với chiếc máy film, khác ở chỗ là nó lưu ra file, và có thêm nhiều preset màu để áp vào sẵn mà thôi.
Cách tôi chuyển cái khó thành thú vui trong nhiếp ảnh
Theo tôi, tập làm quen với một chiếc máy có màn hình ẩn không hề dễ, nhất là khi bạn chuyển từ hệ máy khác sang thì sẽ vất vả hơn. Tất cả mọi thông số lúc này ta phải phụ thuộc rất nhiều vào màn hình EVF dể theo dõi, kể cả chuyện lấy nét.
Đến lúc này, bạn thật sự phải tin tưởng vào chiếc máy của mình, và tin vào bản năng. Vì sao tôi lại nói vậy? Vì nếu bạn không muốn nhịp độ buổi chụp bị giảm đi vì cứ mở màn hình ra rồi đóng vào, thì buộc phải đặt niềm tin hoàn toàn vào X-Pro3. Nếu có bất cứ sai lầm nào trong chuyện lấy nét, hay đo sáng sai, mọi thứ sẽ chẳng vui chút nào.
Và cũng chính vì thế, bạn càng phải hiểu hơn về chiếc máy mình đang cầm, cũng vì lẽ đó mà tôi đã viết ở trên rằng nó không hề dễ cho ai từ hệ máy khác chuyển sang. Sẽ có người nói X-Pro3 làm khó người dùng, nhưng tôi lại thấy chiếc máy ảnh này rất thú vị.
Một khi bạn đã đặt hết niềm tin vào chiếc máy, bạn sẽ hoàn toàn không phải lo gì đến chuyện sai sót trong kỹ thuật nữa. Với một người sử dụng Sony là máy ảnh chính cho công việc, tôi cũng trải qua 1 ngày chật vật với chiếc máy "dị hợm" X-Pro3 của Fujifilm này, nhưng rồi những ngày sau đó đều rất ổn.
Thậm chí vào ngày sau tôi còn tự tăng độ khó cho mình bằng cách không nhìn vào EVF, đi trên phố và quan sát xung quanh, đưa thẳng máy đến đối tượng để chụp mà chẳng lo đến chuyện canh bố cục hay lấy nét, đo sáng… Khoan nói đến việc về nhà xem lại ảnh, chỉ cần lúc đấy tưởng tượng được thành phẩm cuối cùng, và nghe tiếng "tách" của màn trập nhảy là tôi đã thấy "phê" rồi.
Hãy trân trọng khoảnh khắc, vì nó có thể chỉ xuất hiện một lần trong đời
Điều quan trọng nhất trong nhiếp ảnh chính là khoảnh khắc, và điều này lại càng đúng khi áp dụng nó vào một số trường phái đặc thù, trong đó có cả chụp đường phố (streetlife). Với những người theo trường phái này, chắc chắn sẽ hiểu được khoảnh khắc dù là vui vẻ hay ngẫu nhiên có một không hai sẽ chỉ xuất hiện một lần trong đời, và nếu bạn đã bỏ lỡ thì chắc chắn nó không hề quay lại.
Vậy làm sao để ta có thể bắt được hết khoảnh khắc? Với tôi có 2 cách, một là tin tưởng hoàn toàn vào chiếc máy như đã nói ở trên, nhìn vạn vật xung quanh đang "di chuyển", đang sống thật sự dưới con mắt của chính bạn và đưa máy ảnh ra bấm để lưu giữ. Nếu có đủ kỹ thuật và một chút may mắn, bạn sẽ lưu được bức ảnh đó để xem về sau. Còn nếu không? Ta chỉ việc nhìn nó trôi qua và lưu giữ trong ký ức của mình. Đó cũng chính là cách thứ hai mà tôi nói ở đây.
Với một số người, họ có thói quen chụp ảnh được vài tấm là lại vội vã mở ra xem đã ổn chưa. Tính cẩn thận này đúng là nên có, nhưng đôi khi nó lại là "con dao hai lưỡi" khiến bạn sẽ mất một vài khoảnh khắc hay trên phố nếu đang mãi "cắm mắt" vào màn hình để kiểm tra ảnh. Sự phức tạp của màn hình Fujifilm X-Pro3 lúc này lại là cứu rỗi, giúp tôi nhận ra được mình cần phải chụp CHẬM hơn.
Cái CHẬM ở đây không có nghĩa là lề mề, chậm chạp trong thao tác, mà là sống chậm, để quan sát, tiến đến sâu hơn và cảm nhận cuộc sống tươi đẹp thế nào, bằng chính con mắt của mình. Cuộc sống chúng ta đã quá vội vã, từ sáng dậy đi làm cho đến tối mịt mới về, nếu ngay cả sở thích chụp ảnh cũng vội vã và "mì ăn liền" thì sẽ chẳng còn chỗ cho sự tự do, cho sự sáng tạo phát triển nữa.
Và đó, cũng là lúc mà X-Pro3 đã hoàn thành mục đích của nó - đưa tôi có cảm giác trở về nguyên bản của nhiếp ảnh, về lại những lúc bản thân cầm máy film dạo phố chứ không phải bấm "tanh tách" liên tục tại sự kiện công nghệ với chiếc máy ảnh kỹ thuật số.
Vậy cuối cùng, chiếc X-Pro3 này có đáng để ta lựa chọn? Câu trả lời là Cũng Còn Tuỳ! Sau hai chiếc X-Pro và X-Pro2, phiên bản thứ 3 này hoàn toàn đi theo hướng mà người dùng có thể ghét hoặc có thể không. Đây là chiếc máy có thể không dành cho tất cả mọi người, cũng khó để tiếp cận với số đông người làm dịch vụ, nhưng lại là sản phẩm thể hiện được cái "Tôi" rất lớn.
Hay nói cách khác, khi cầm nó trên tay bạn sẽ cảm thấy mình đi ngược với cả nhân loại, một phần nào đó giống với việc dùng máy film ở thời buổi số hoá ngày nay. Nhưng, một khi đã dùng vì mục đích cái "Tôi" ấy, chắc chắn bạn sẽ chẳng màng quan tâm đến những lời "đao to búa lớn" hay so sánh cấu hình nào khác xung quanh.
Tôi còn nhớ bộ phim The Secret Life of Walter Mitty có hai câu nói mà tôi rất tâm đắc, đó là "To see the world, things dangerous to come to; to see behind walls; to draw closer; to find each other; and to feel. That is the purpose of Life" (tạm dịch Chiêm ngưỡng thế giới, đối mặt với những hiểm nguy, nhìn thấu vạn vật, tiến lại gần hơn, tìm thấy nhau và cảm nhận. Đó mới là ý nghĩa của Cuộc Sống); và "Sometimes I don’t. If I like a moment, for me, personally, I don't like to have the distraction of the camera. I just want to stay in it" (tạm dịch Đôi khi tôi dừng chụp. Nếu tôi thích một khoảnh khắc nào đó, cá nhân tôi sẽ không muốn bị chiếc máy ảnh của mình làm phân tâm. Tôi chỉ muốn tận hưởng khoảnh khắc ấy thôi).
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng