Trải nghiệm Google Stadia: Chơi game Assassin's Creed Odyssey trên laptop cùi có phải điều kỳ diệu?
Nền tảng Stadia hoạt động ổn định và mượt mà trong điều kiện có đường truyền internet lý tưởng.
Sau sự kiện ra mắt nền tảng chơi game đám mây Stadia đêm qua, sáng nay Google đã mở cửa gian hàng trải nghiệm cho khách tham quan tại Hội nghị Các nhà phát triển game GDC 2019. Điều đáng tiếc là bản demo mà Google cho phép trải nghiệm vẫn còn nhiều hạn chế, do đó chưa thể trả lời hết những thắc mắc và nghi vấn của chúng ta đối với nền tảng chơi game thông qua đám mây này.
Bản demo phổ biến nhất và được nhiều người trải nghiệm nhất tại gian hàng Google, chính là chơi tựa game Assassin's Creed Odyssey trên một chiếc Chromebook - chiếc laptop chạy hệ điều hành Chrome OS với cấu hình rất thấp thường chỉ phục vụ việc học tập. Và tất nhiên là thông qua nền tảng Google Stadia, bởi sẽ không bao giờ một chiếc Chromebook có thể gánh được những tựa game như Assassin's Creed Odyssey.
Những trải nghiệm đầu tiên theo đánh giá của ArsTechnica, đó là đồ họa của game rất đẹp ở độ phân giải 1080p, xử lý tốt với tốc độ khung hình 60fps. Trong suốt quá trình trải nghiệm cũng không xảy ra hiện tượng giật lag, cũng không nhận thấy bất kỳ độ trễ đầu vào. Tuy nhiên giống bất kỳ tựa game trực tuyến nào khác, đôi lúc khung hình vẫn bị sụt giảm.
Tuy nhiên điều quan trọng là hệ thống demo này được kết nối mạng internet tốc độ siêu cao của trung tâm triển lãm Moscone Center. Tất nhiên mạng internet băng thông rộng tại nhà của bạn sẽ không thể nào so sánh được với mạng internet công nghiệp được lắp đặt tại Moscone Center.
Tựa game Doom Eternal sắp ra mắt được trình diễn trên Google Stadia.
Nói cách khác, bản demo của nền tảng Stadia hoạt động ổn định và mượt mà trong điều kiện có đường truyền internet lý tưởng.
Những gì chúng ta chưa biết?
Bên cạnh khu trải nghiệm chính, các bản demo khác của nền tảng Google Stadia chỉ là những video giới thiệu một số tính năng. Một trong số đó là Stream Connect, có thể cho phép hai người chơi với nhau ở chế độ co-op chia sẻ màn hình, tất nhiên mỗi người sẽ có một máy chủ riêng biệt để xử lý một cách tốt nhất. Hay một tính năng khác tích hợp Stadia vào YouTube, cho phép bạn bấm và chơi một tựa game bất kỳ khi nhìn thấy trên YouTube.
Mặc dù đã trình diễn khả năng chơi game qua đám mây ấn tượng của Stadia, nhưng Google vẫn còn rất nhiều điều chưa tiết lộ và giải đáp. Trong đó quan trọng nhất chính là cách thức cung cấp nền tảng này tới người chơi, sẽ là hình thức thuê bao trả phí theo ngày, theo giờ hay theo từng tựa game.
Và giá thuê bao là bao nhiêu? Ngay cả với tầm vóc khổng lồ của Google, thì chi phí để duy trì hoạt động của các máy chủ và băng thông cho video trực tuyến không hề rẻ. Google cũng có thể tích hợp quảng cáo hoặc hợp tác với các hãng game để có thêm doanh thu và giảm bớt gánh nặng cho game thủ. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào được tiết lộ.
Chiếc tay cầm Stadia mà Google ra mắt đêm qua cũng không xuất hiện tại gian hàng trải nghiệm. Thay vào đó khách tham quan phải sử dụng một chiếc tay cầm không tên tuổi của hãng thứ ba, kết nối bằng cổng USB. Do đó chúng ta chưa thể rõ cách thức hoạt động thực tế của chiếc tay cầm này sẽ như thế nào.
Hơn thế nữa, ngay cả giao diện chính của nền tảng Stadia, các tính năng bổ sung hay danh sách các tựa game sẽ được hỗ trợ cũng chưa hề được tiết lộ. Tất cả những điều chưa biết đó khiến nhiều người hoài nghi vào mức độ thực tế và thành công của nền tảng chơi game đám mây này.
Tham khảo: arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng