Trải nghiệm máy ảnh "mì ăn liền" Fujifilm Instax SQ10: Nhiều cải tiến, tiện lợi hơn nhưng cảm giác cổ điển đã bị lu mờ?
Fujifilm Instax SQ10 mang lại nhiều cảm xúc khác nhau khi sử dụng, tiện lợi với nhiều filter ảnh, tiết kiệm phim hơn nhưng cùng lúc nó lại bắt đầu bị số hoá nhiều hơn so với trước kia.
Cái tên Fujifilm Instax có lẽ không mấy xa lạ đối với giới trẻ ngày nay, thậm chí ở một số nơi nó đã trở thành “mốt" chụp ảnh trong vài năm liền nhờ khả năng cho in ảnh ra ngay sau khi chụp. Chính điều này đã khiến người dùng có những giây phút trải nghiệm cực kỳ thú vị, có thể chia sẻ ảnh ngay với bạn bè xung quanh, có tính kỉ niệm cao và cũng như nó mang lại hơi hướng gì đó thời xa xưa, thời mà những chiếc máy ảnh Polaroid in ảnh ra xong phải cầm vẫy vẫy trên tay để chờ hiện ảnh lên.
Quay trở lại với dòng máy ảnh “mì ăn liền" khá thành công này của Fujifilm, năm nay họ đã táo bạo khi ra mắt một sản phẩm mới tích hợp sẵn màn hình LCD để người dùng có thể chủ động bố cục góc ảnh cũng như xem lại kho ảnh dễ dàng hơn. Vậy chiếc máy này có gì hấp dẫn? Hãy cùng tôi tìm hiểu thêm.
Thiết kế
Instax SQ10 có kiểu thiết kế hoàn toàn khác so với các mẫu máy Instax trước đây. SQ10 có hình dáng vuông hơn và đặc biệt là ống kính được cố định chứ không bật “thò thụt" như các sản phẩm tiền nhiệm. Nói thêm về phần ống kính, phiên bản SQ10 này phẳng hơn, gọn gàng hơn và vòng kim loại bên ngoài cũng có chức năng bật/tắt nguồn khi bạn vặn sang phải hoặc trái.
Điểm mà tôi rất thích ở chiếc máy ảnh này là Fujifilm ưu tiên tối đa sự thoải mái trong thao tác của người dùng. Cụ thể, phía trước của máy hai bên trái phải đều có phím bấm chụp ảnh, cách bố trí này không chỉ tạo sự cân xứng cho ngoại hình máy mà còn nhắm đến mọi đối tượng người dùng thuận tay trái lẫn tay phải. Nếu chụp cho người khác, bạn sẽ không thấy sự khác biệt nhiều khi nhấn nút thuận tay hoặc ngược tay, nhưng khi cầm máy để selfie, việc bố trí như vậy sẽ vô cùng tiện lợi, bạn có thể cầm thao tác bằng tay trái hay tay phải đều được.
Tương tự ở mặt sau máy, Fujifilm cũng thiết kế phần gờ nhô ra để làm điểm tựa cho ngón cái của người dùng. Cá nhân tôi đánh giá cao phần thiết kế này so với các sản phẩm trước đây, vốn khá nông và dễ trượt.
Trải nghiệm thực tế
Không chỉ khác về hình dáng, điểm khác biệt lớn nhất của SQ10 so với các bậc tiền bối còn nằm ở “trái tim" bên trong. Cụ thể Instax SQ10 sử dụng cảm biến hình ảnh riêng với độ phân giải 3,6 MP, kèm theo đó là cả màn hình LCD kích thước 3 inch ở mặt sau.
Với các sản phẩm trước đây, bạn sẽ không thấy thực tế bức ảnh sẽ trông như thế nào, trừ khi nhìn vào ống ngắm và bấm chụp rồi chờ ảnh in ra. Còn với SQ10, chúng ta sẽ có phần lợi thế hơn, bởi bạn không cần tưởng tượng nữa mà có thể nhìn vào màn hình LCD này, những gì bạn thấy (từ độ sáng cho đến màu sắc) sẽ ra kết quả hệt vậy khi in ra giấy phim.
Một điểm khác sẽ khiến người dùng trẻ thích thú chính là khả năng tuỳ chọn filter ảnh (SQ10 hỗ trợ 10 bộ lọc màu khác nhau) cũng như thay đổi được độ cân bằng sáng (EV) từ -3 cho đến 3. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chủ động chỉnh được cả độ tối góc (vignette) để tạo cảm giác như chụp từ những chiếc máy cổ xưa. Tất cả những tính năng này đều được bố trí trên các phím ngay phía dưới màn hình LCD và cách sử dụng cũng rất dễ. Với những ai đã và đang sử dụng Instagram thì chắc chắn những kiểu chỉnh ảnh này không có gì quá xa lạ, và có lẽ như chiếc SQ10 này cũng được lấy ý tưởng từ đó.
Các phím chức năng trên Instax SQ10, rất dễ hiểu và không có gì quá phức tạp.
Fujifilm Instax SQ10 cũng có tuỳ chọn tắt tính năng Auto in ảnh, tức khi chuyển sang Manual máy sẽ không in ảnh tức thì mà mọi thứ đều được lưu vào thẻ nhớ Micro SD, bạn có thể mở lại kho ảnh, chỉnh sửa màu sắc, độ sáng… tuỳ thích rồi in sau.
Bạn sẽ cảm ơn chiếc máy này khi trang bị cần gạt Manual, ngăn Instax tự in ảnh ngay sau khi chụp.
Với tuỳ chọn này, rất nhiều người sẽ thấy đây là sự tiện lợi, giúp họ đỡ tốn phim cho những khung ảnh hỏng hơn, tuy nhiên số ít còn lại (trong đó có cả tôi) sẽ phần nào đó thấy hơi hụt hẫng bởi cảm giác cổ điển đã dần mất đi, hay nói chính xác hơn là chiếc máy này đã bị số hoá quá nhiều. Thật sự mà nói, cái cảm giác hồi hộp chờ đợi không biết tấm ảnh sẽ in ra trông như thế nào đã dần bị xoá mất, khi mọi thứ đã hiện diện rõ ràng trước màn hình LCD, và với những người khắt khe hay yêu thích sự hoài cổ sẽ không mặn mà lắm với chiếc máy ảnh hiện đại này.
Ưng ý rồi hãy in ảnh ra.
Về hiệu năng, máy cho tốc độ lấy nét khá tốt ở ngoài trời với điều kiện ánh sáng tốt, còn khi vào những nơi ánh sáng yếu, SQ10 bắt đầu ì ạch và kém phần chính xác. Lưu ý thêm là chiếc máy này có điểm lấy nét ở trung tâm nên việc selfie cùng bạn bè sẽ có phần hơi khó vì đôi khi máy lấy nét vào trúng… hậu cảnh phía sau khiến những gương mặt phía trước bỗng dưng mờ căm. Bên cạnh đó, máy không hề trang bị tấm gương cầu nhỏ ở mặt trước, điều này gây khó khăn không ít trong việc bố cục khung ảnh khi bạn tự sướng và chuyện lệch khung mỗi lúc selfie cùng bạn bè là chuyện có thể xảy ra trong thời gian đầu mới làm quen với máy.
Đôi khi chụp từ hai người trở lên sẽ gặp lỗi lấy nét thế này đây...
Còn với tấm ảnh selfie một mình này thì khá ổn, chỉ là hơi khó để bố cục khung ảnh do không có gương cầu để ngắm thôi.
Cũng giống các đời máy trước, SQ10 cũng trang bị đèn flash và người dùng có thể tự tin chụp ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc ánh sáng phức tạp:
Thử đánh flash trong điều kiện ánh sáng xung quanh rất kém, máy lấy nét chuẩn và flash đánh lên đều khuôn mặt, trông khá hay khi chuyển sang màu trắng đen thế này.
Điều kiện ánh sáng ngoài trời, đã được chỉnh tông màu cổ điển.
Thêm một điểm cần lưu ý nữa là mặc dù cho phép chỉnh sửa hậu kỳ trực tiếp trên máy nhưng nếu cắm thẻ nhớ lên máy tính, bạn chỉ có thể xem được ảnh gốc mà thôi. Hay nói cách khác, muốn xem ảnh đã hậu kỳ thì bạn phải mở máy lên xem trực tiếp.
Ảnh gốc chụp từ Instax SQ10:
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng những ảnh bên ngoài, chép vào thẻ nhớ rồi chọn in từ chiếc máy này, khá là hay và tiện dụng. Nhưng trước khi chép vào, bạn nên resize ảnh lại thành khổ vuông với kích thước 1920 x 1920 pixel, nếu không máy sẽ không đọc được.
Nhìn chung, theo cá nhân tôi thì Instax SQ10 là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số lai máy in thì có lẽ đúng hơn. Với những bạn trẻ thích trải nghiệm chụp thật nhiều, chọn những tấm đẹp nhất, chỉnh sửa rồi in ảnh sau thì đây là một lựa chọn không thể tốt hơn trong các dòng sản phẩm từ trước đến nay của Fujifilm Instax. Hay nói cách khác, Instax SQ10 đã đem đến một khái niệm chia sẻ khoảnh khắc cùng nhau theo phong cách hoàn toàn mới mẻ.
Còn nược lại, với những người dùng muốn tìm đến cảm giác hoài cổ thì có lẽ sản phẩm này vẫn chưa thật sự phù hợp. Và với mức giá gần 7 triệu đồng, đây không phải là sản phẩm dễ tiếp cận với đa số khách hàng trẻ tuổi, bên cạnh đó giá một hộp phim 10 tấm lên đến 250.000 đồng cũng sẽ là một rào cản không nhỏ khiến SQ10 lại càng “kén” khách hơn. Hy vọng rằng trong thời gian tới giá sản phẩm này sẽ được “hạ nhiệt” và các bạn trẻ Việt chúng ta có cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng