Trải nghiệm Microsoft Edge nhân Chromium: Sự thay thế hoàn hảo cho Google Chrome?
Phiên bản Edge Chromium có đủ tốt để xóa được định kiến xấu của người dùng về trình duyệt web được phát triển bởi Microsoft không?
Theo báo cáo của Statcounter, vào tháng 1 năm 2020 có tới 64.1% người dùng duyệt web sử dụng trình duyệt Chrome của Google, bỏ xa trình duyệt đứng thứ 2 là Safari với chỉ 17.21%, các trình duyệt khác có thị phần 'lè tè' chỉ 1 chữ số. Không nói thì ai cũng hiểu được sự phổ biến của Google Chrome, với 3 ưu điểm rất lớn đó là khả năng đồng bộ hóa với nhiều thiết bị nhanh chóng (máy tính, máy tính bảng, smartphone), hệ thống phần mềm hỗ trợ (extentions) rất tốt và đơn giản là hiệu năng khó phàn nàn.
Microsoft cũng phải công nhận rằng Chrome tốt nên sau một thời gian thử nghiệm với trình duyệt web Edge 'nhà trồng được' thì cuối cùng cũng phải sử dụng nhân Chromium (nhân mã nguồn mở của Google để tạo nên Chrome) để phát hành phiên bản Edge mới. Microsoft Edge mới sau một thời gian khá dài trải qua những bản beta thì giữa tháng 1 vừa qua cũng đã có bản chính thức.
Trình duyệt này 'mô tê' ra sao? Liệu có đáng để những người dùng Chrome chuyển sang sử dụng hay không?
Bạn đọc có thể tự mình cài đặt Microsoft Edge mới tại đường link, bộ cài chỉ nặng 1.8MB. Trong lần cài đặt đầu tiên, ta sẽ được lựa chọn màn hình khởi động, bao gồm Focused (có 1 thanh tìm kiếm cùng 1 vài trang web thường xuyên vào), Inspirational (thêm một hình ảnh được hãng liên tục cập nhật), Informational (thêm các thông tin từ các trang báo).
Tôi sử dụng giao diện Inspirational như hình phía trên. Mỗi ngày mở Tab mới lại có 1 hình ảnh mới giúp trải nghiệm duyệt web trở nên đỡ nhàm chán hơn!
Ở chế độ này thì kéo xuống ta cũng nhìn thấy tin tức. Trang tin tức này rất đầy đủ, lấy từ nhiều nguồn chính thống, có cả thông tin về thời tiết, chứng khoán và thể thao luôn.
Một bước rất quan trọng với những ai đang sử dụng các trình duyệt khác đó là chuyển dữ liệu từ phần mềm cũ. Sau khi làm bước này, ta sẽ có đầy đủ các dấu trang và lịch sử. Đa số trang web cũng sẽ tự động đăng nhập, nhưng trong trường hợp của tôi thì trang Bit.ly (trang rút ngắn đường link) không tự động nên phải vào lại, không phải là vấn đề quá lớn.
Khác với Google Chrome, mặc định Microsoft Edge sẽ đăng nhập vào tài khoản Microsoft, với tôi thì tài khoản này cũng đã liên kết với Gmail nên không khác gì, nhưng cũng là điều đáng để nói.
Trong phần cài đặt, ta thấy một tính năng khá hay đó là 3 lựa chọn bảo vệ người dùng, với mức Basic là bảo vệ ít, Balanced là chế độ cân bằng (được lựa chọn mặc định) và Strict là cấm các trang web theo dõi người dùng, nhờ đó quảng cáo sẽ ít cá nhân hóa hơn.
Microsoft chọn Bing làm bộ tìm kiếm mặc định cho Edge vì đây là sản phẩm của hãng, nhưng ta cũng có thể đổi lại về Google, hoặc chuyển qua DuckDuckGo để tăng tính bảo mật, có các kết quả 'cân bằng' hơn như đã đề cập trong bài đánh giá trình duyệt Brave.
Mặc định, Microsoft Edge sẽ chỉ có thể cài đặt các tính năng hỗ trợ (extentions) từ cửa hàng của Microsoft, nhưng bằng cách nhấn 1 nút ta đã có thể cài các tính năng từ cửa hàng của Google.
Tôi cũng đã thử vào cửa hàng của Microsoft, đúng như dự đoán thì lượng tính năng ở đây còn khá ít. Tính năng người dùng dùng nhiều nhất là Adblock thì có, nhưng như Authenticator - phần mềm tôi sử dụng để lưu mật khẩu 2 lớp, hay Google Remote Desktop để điều khiển máy tính từ xa từ trình duyệt thì lại không có.
Hãng có nói rằng trong tương lai sẽ có nhiều phần mềm được đăng lên đây hơn, nhưng đơn giản hơn hết là người dùng sử dụng cửa hàng của Google cho nhanh! Tất cả extentions đều hoạt động hoàn hảo, nhưng thứ không cài được là các Theme (chủ đề), có lẽ vì giao diện bên ngoài của 2 trình duyệt không giống nhau hoàn toàn.
Google Chrome (trái) và Microsoft Edge (phải)
Không giống nhau hoàn toàn nhưng cũng rất quan thuộc! Sử dụng Edge mới giống như sử dụng Chrome với bộ chủ đề được phát triển bởi Microsoft vậy. Điểm khác biệt lớn nhất tôi có thể thấy được là các yếu tố trên thanh điều hướng của Edge được làm lớn hơn, dễ đọc và cũng dễ bấm hơn dù chỉ 1 chút.
Các tính năng thử nghiệm (Flags) của Chrome cũng có thể dùng được với Edge, và thứ đầu tiên tôi chỉnh đó là Smooth Scrolling - làm cho mỗi lần kéo chuột đều có bước giảm tốc và tăng tốc rất khó chịu.
HTML5 Test
BaseMark 3.0
WebXPRT 3
Hiệu năng của 2 trình duyệt web này cũng hoàn toàn tương đương. Từ những bài thử benchmark (kết quả phía trên, với Chrome bên trái và Edge bên phải) đến sử dụng thông thường đều không hề có sự khác biệt, những ai đã quen với Google Chrome thì sẽ có trải nghiệm quen thuộc.
Vậy những điểm khác biệt lớn hơn nằm ở đâu? Đầu tiên, Edge được trang bị chế độ đọc, sẽ hiện ra khi nhận thấy người dùng vào các trang báo có nhiều chữ. Ở chế độ này, Edge sẽ cắt những yếu tố thừa thãi, chỉ hiện chữ và ảnh theo một form rất 'thẳng thớm' để người dùng dễ đọc hơn. Đây là một tính năng cũng đã được trang bị ở nhiều phần mềm đọc PDF mà rất nhiều người thích.
Ở chế độ này, ta cũng có thể nhờ trình duyệt đọc chữ thành lời thông qua hệ thống giọng nói của Bing. Tính năng này hoạt động hoàn hảo, có thể đọc được cả hình ảnh (ví dụ nút nhấn vào Facebook thì trình duyệt sẽ đọc là 'Facebook Button') và chữ viết với độ tự nhiên cao, sẽ giúp ích cho những người bị khiếm thị hoặc những người không khiếm thị nhưng lại lười đọc!
Thử tính năng Read Aloud của Microsoft Edge
Đáng tiếc là tính năng đọc chữ không hoạt động với tiếng Việt, chỉ có tiếng Anh, Trung, Nhật Hàn, và một số ngôn ngữ châu Âu. Việc hãng có thêm tiếng Việt trong tương lai hay không vẫn bị bỏ ngỏ.
Điều làm tôi rất bực mình với Google Chrome đó là hãng bỏ khả năng làm câm (Mute) tab nhanh, người dùng phải nhấn chuột trái sau đó chọn Mute Site để làm việc này; trong khi đó Edge vẫn giữ khả năng nhấn 1 lần, nhanh chóng hơn hẳn.
Sự khác biệt về sử dụng RAM của Chrome và Edge (3 trang tin tức, 1 trang Google Dịch và 2 trang Youtube)
Nhắc đến Google Chrome là người dùng nhắc đến vấn đề tốn RAM hơn so với các trình duyệt khác. Khi thử nghiệm thực tế với những tab tương tự nhau, Edge sử dụng ít hơn khoảng từ 10 đến 14% so với Chrome, trong trường hợp cụ thể phía trên là 1.239MB so với 1.390MB.
Sự khác biệt này có lớn hay không thì lại phụ thuộc vào cách sử dụng của từng người. Máy của tôi có lượng RAM lớn, nhưng tôi lại thường dọn những tab không sử dụng nên không bao giờ gặp hiện tượng thiếu. Nhưng chắc chắn có những bạn có máy ít RAM hơn nhưng có thói quen mở một lúc hàng chục web, thì qua thời gian sự khác biệt này sẽ lớn hơn.
Google Chrome (phải) và Microsoft Edge (trái)
Ngược lại, Edge có những yếu điểm gì còn tồn động so với Chrome? Đầu tiên, Edge không có trò chơi khủng long nhảy giống với Chrome, nên khi mất mạng người dùng sẽ nhìn vào một trang tĩnh, khá là nhàm chán!
Khi đính Chrome vào thanh công cụ của Windows và mở lên, nó sẽ không tạo ra 1 icon mới trong khi Edge thì lại làm điều ngược lại. Tôi thường đặt trình duyệt web ở góc máy để thao tác đóng mở nhanh, với Edge làm như vậy sẽ mở ra một cửa sổ mới. Bạn có thể thấy rằng những phàn nàn này là rất nhỏ, cho thấy bản chính thức của Edge đã có sự hoàn thiện khá tốt rồi.
Vậy đáng đổi sang dùng hay không?
Khác với trình duyệt Brave mà tôi đã thử nghiệm khoảng 1 năm trước, Microsoft Edge không đem lại các tính năng mạnh mẽ cho những người làm việc chuyên nghiệp, mà dừng lại ở những tính năng đại trà. Nói một cách khác, Edge như một phiên bản 'xào nấu' nhẹ của Chrome, không có nhiều điểm thuyết phục để người dùng đổi sang dùng giống như Brave.
Nói như vậy không có nghĩa người dùng không có lí do để chuyển đổi. Edge vẫn có một vài ưu điểm về vấn đề giao diện, tiết kiệm RAM, tính năng đọc văn bản và là một phần mềm của Microsoft nên (mong rằng) trong tương lai có thể được tích hợp sâu hơn vào hệ điều hành Windows cũng do hãng này phát triển. Sự lựa chọn cuối cùng vẫn là ở bạn!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng