Trải nghiệm mới lạ cùng bàn phím cơ Noppoo Nano 75s: Không thừa không thiếu
Một trong những chiếc bàn phím thú vị nhất tôi từng được sử dụng.
Thành thật, những sản phẩm bàn phím cơ trước nay tôi lên bài đều là các sản phẩm mẫu mượn từ một số cửa hàng, hoặc do các nhà bán lẻ chủ động gửi sản phẩm để đánh giá. Lâu dần cũng hơi chán, phần vì thời gian mượn sản phẩm ngắn quá, phần khác vì là hàng mượn nên khó có thể chọc ngoáy xem "nội tạng" của sản phẩm có những gì.
Vậy nên, lần này, tôi quyết định mang bàn phím tôi đang sử dụng ra để giới thiệu tới bạn đọc. Tôi dùng nó chưa lâu, khoảng 1 tháng, nhưng cũng đủ để có thể đưa ra những nhận xét khách quan nhất.
Dưới đây là hình ảnh của bàn phím cơ Noppoo Nano 75s, tôi đặt mua từ trang thương mại điện tử rất lớn của Trung Quốc là Taobao, và sản phẩm này tất nhiên cũng "made in China" luôn.
Sản phẩm này có gì đặc biệt?
Thương hiệu
Nếu bạn tìm hiểu tương đối về bàn phím cơ, cái tên Noppoo không mấy xa lạ. Nhưng với những ai chưa nghe tới cái tên này, tôi xin phép giới thiệu qua một chút.
Đây là một nhà sản xuất Trung Quốc, giống như một cái tên Trung Quốc khác mà tôi từng có dịp trên tay là RK-61. Khác ở chỗ, Noppoo được biết tới khá nhiều, hãng xuất hiện từ lâu và nổi tiếng với một số sản phẩm như Lolita hay Choc Mini, đều được cộng đồng người dùng thế giới đánh giá khá ổn, ít nhất là với mức giá của chúng.
Nano 75s không nằm ngoại lệ, rẻ và cũng được nhiều người dùng ưa chuộng. Giá của sản phẩm này sau khi ship về tới Việt Nam khoảng 1,4 triệu đồng, tất nhiên không được bảo hành.
Blue switch Noppoo tự sản xuất.
Hay ở cái, Noppoo thay vì đi mua switch của các nhà sản xuất khác, như Kailh, hãng này tự sản xuất một switch của riêng họ. Loại switch này cũng nhận được nhiều lời khen ngợi, thậm chí được đánh giá cao hơn switch do Kailh sản xuất, tất nhiên nó vẫn là hàng nhái của Cherry MX.
Kích thước
Nó lạ, ít người dùng ở Việt Nam, bởi vậy tôi rất hứng thú khi được chia sẻ với các bạn, điều tôi không tìm thấy được khi giới thiệu các sản phẩm đại trà bán rộng rãi trong nước.
Đầu tiên về kích thước, Nano 75s không quá lớn, cũng không quá nhỏ, nó có 75 phím vừa đủ với hầu hết các tác vụ sử dụng của tôi, từ chơi game tới làm việc. Có được điều này còn phải nhờ vào khả năng kết hợp phím khá tài tình của nhà sản xuất, tôi sẽ giới thiệu với các bạn trong phần sau của bài viết.
Bàn phím này vẫn có hàng phím Funtion.
Nói thêm một chút về kích thước và số lượng phím của sản phẩm này, nó lớn hơn một chiếc bàn phím 60% không có hàng phím Funtion, lại nhỏ hơn các sản phẩm Tenkeyless khi lược đi các phím hỗ trợ văn bản và điều hướng.
Trên thị trường có rất rất ít sản phẩm với số lượng 75 phím như vậy, đây là điều làm tôi vô cùng thích thú từ khi đặc mua Noppo Nano 75s tới nay.
Chức năng
Tôi vẫn chưa thực sự chắc chắn về các chức năng của Nano 75s sau gần 1 tháng sử dụng, bởi nó nhiều và khá rắc rối.
Cụ thể, chiếc Nano 75s của tôi có 2 công tắc ở mặt sau, một cái để lựa chọn nền tảng với "Windows, iOS và Android", cái còn lại là chế độ phím "Office, Media và Pro".
Với mỗi chế độ, người dùng sẽ có các tổ hợp phím chức năng khác nhau. Tôi chưa thể chắc chắn về khả năng hoạt động của công tắc thay đổi nền tảng.
BONUS: Phụ kiện
Tới giờ tôi vẫn chưa thể hiểu nổi tại sao chiếc bàn phím này lại sử dụng cổng kết nối "lightning" giống với Apple. Mặc dù chiếc cáp theo kèm không thể kết nối iPad và iPhone, cũng như bàn phím không thể sử dụng chiếc cáp lightning xịn để thay thế. Sau màn mổ xẻ tìm hiểu, tôi thấy được thực chất nó chỉ là một cổng micro-USB "đóng giả" lightning.
Tạm cho nó vào danh sách những điều đặc biệt.
Chi tiết về tính năng
Mãi tới 2 tuần sau khi mua về, tôi mới phát hiện ra chiếc bàn phím của mình có môt phần mềm hỗ trợ. Phần mềm này cung cấp hầu hết các tính năng mà bàn phím cần, từ việc cài đặt chức năng phím cho tới tổ hợp macro. Tuy nhiên tôi không quan tâm tới nó lắm, vì giao diện xấu và thực sự cũng không hữu ích đối với bản thân.
Các phím được thiết lập khá tiện dụng.
Như đã giới thiệu ở trên, sản phẩm này có 3 chế độ phím là Office, Media và Pro. Sự khác biệt của chúng như sau:
Office: Mọi phím có chức năng hoàn toàn cơ bản
Media: Chế độ đa phương tiện, có thể tăng giảm, tắt âm thanh với tổ hợp phím Fn. Điều khiển con trỏ bằng Fn WASD và dùng 3 phím Control, Windows, Alt bên trái tương ứng với 3 nút bấm trên chuột.
Pro: Kết hợp tính năng của 2 chế độ trên, hơi phức tạp 1 chút.
Bàn phím có chức năng của 1 con chuột.
Tôi mới chỉ thử sử dụng trên Windows và Android, nhưng thật buồn cười chế độ của 2 nền tảng này vẫn dùng bình thường với nhau !? Có lẽ công tắc chuyển đổi nền tảng chỉ để cho đẹp.
Cảm giác sử dụng
Phiên bản tôi chọn mua là Blue switch do Noppo sản xuất, so sánh với Blue switch của Cherry và Kailh, switch của Noppo nhẹ hơn 1 chút, độ đàn hồi cũng rất tốt. Nó nhẹ hơn khoảng 5 gram nếu so sánh với blue switch của 2 hãng kia, bởi vậy tay tôi cũng thoải mái hơn sau 1 thời gian dài sử dụng.
Keycap khá dày, cho cảm giác bấm tốt.
Cảm giác bấm cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi keycaps và bộ ổn định phím dài(dùng Costa stab). Sản phẩm này kèm sẵn bộ keycaps với chất liệu nhựa POM khá tốt, tốt hơn ABS. Font chữ in trên phím cũng vừa mắt, nhìn văn minh, khác với nhiều font chữ rườm rà của các bàn phím Trung Quốc khác.
Nút Esc "cute" chưa.
Ngoài việc gõ nhẹ hơn, sản phẩm này cũng rất nhẹ cân khi cầm trên tay, thậm chí hụt hẫng. Điều này có lẽ tới từ thiết kế toàn nhựa của nó. Tôi cũng khá tò mò về "nội tạng" Nano 75s, bàn phím của mình nên chẳng ngại lắm việc "mổ bụng" xem bên trong.
Nội thất
Sau khi tháo toàn bộ keycaps, tôi thấy được phần plate nhôm của bàn phím, sáng bóng và rất dễ xước. Phần nhôm bóng này có thể tăng hiệu quả của đèn LED, tiếc là sản phẩm này không có LED.
Tháo toàn bộ vỏ chưa, tôi còn lại bảng mạch, switch và bộ driver truyền nhận tín hiệu, tất cả đều đỏ rực.
Quan sát của tôi, từ phía sau của bảng mạch, có thể thấy một số chân switch hàn chưa thực sự đẹp, phần nào mường tưởng ra đây là một sản phẩm được hàn tay theo phương pháp gia công. Điều đáng tiếc nữa là phần bảng mạch này không đục sẵn lỗ để người dùng mod LED.
Trải nghiệm thực tế
Nghịch đủ rồi, cần phải đưa ra những nhận xét về khả năng sử dụng của bàn phím này.
Trong công việc, với tần suất viết bài lớn, tôi từng khá mỏi tay khi sử dụng Blue switch của Cherry, điều này được cải thiện rất nhiều với switch do Noppoo sản xuất, nó nhẹ hơn phần nào. Dù vậy cảm giác bấm của Blue Switch vẫn được giữ lại.
Các phím tắt kết hợp cùng Fn ban đầu khiến tôi hơi bối rối 1 chút, sau khi làm quen được thì tôi cố định nó lại ở chế độ Office và cũng dã nắm được tất cả các phím tắt.
Chơi game với Noppoo Nano 75s nó sướng hơn trên các phím 60%, đơn giản là vì hàng phím Funtion. Dĩ nhiên, không có phím F1 là cả một cực hình với fan của game MOBA như tôi.
Nói tới đây thôi, bài viết này nhắm tới giới thiệu cho người dùng thêm một sản phẩm phím cơ, với góc nhìn khách quan nhất. Hơn ai hết, tôi chưa thể dừng lại sự thích thú với sản phẩm của mình.
Ưu điểm:
- Giá rẻ
- Cảm giác bấm tốt
- Keycap (cỏ vẻ) bền
- Kích thước và cách sắp xếp phím khoa học, tiện dụng
Nhược điểm:
- Build chưa chắc chắn lắm, vỏ 100% từ nhựa
- Các chế độ chuyển đổi nền tảng không thực sự có giá trị
- Dây cáp hơi "khó hiểu"
- Không bán tại Việt Nam, không có bảo hành trực tiếp từ hãng
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng