Với 3 camera, Galaxy A7 giúp bạn có được những tấm ảnh khác biệt hoàn toàn so với camera kép hay camera đơn trên các smartphone khác.
Sự kiện 4X Fun vừa qua của Samsung chắc có lẽ ngôi sao được chú ý nhất là chiếc Galaxy A9 với mặt sau trang bị tận 4 camera. Tuy nhiên trong ngày hôm đó, hãng điện tử Hàn Quốc này cũng cho những người tham dự trải nghiệm chiếc A7 với mức giá phải chăng hơn và đặc biệt là cũng lần đầu sở hữu đến 3 camera ở mặt sau.
Thay vì sử dụng camera kép như các sản phẩm đầu bảng hiện nay của Samsung, hãng này quyết định tiến thêm bước nữa với việc cho "mọc" thêm chiếc ống kính thứ 3. Vậy 3 camera này có gì? Một camera tiêu cự thường với cảm biến 24 MP khẩu độ f/1.7 cho khả năng bắt nét auto theo pha, một camera 5 MP đo độ sâu trường ảnh và một camera góc siêu rộng với tiêu cự 13 mm, cảm biến 8 MP f/2.4.
Sau sự kiện một ngày, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ ông Sang Il Park, người đóng vai trò chính trong việc thiết kế hai mẫu A series mới này. Theo ông cho biết, các bạn Millenial ngày nay có nhu cầu chụp ảnh rất nhiều và luôn muốn một chiếc smartphone của họ có thể linh động hơn trong nhiều trường hợp, từ xoá phông cho đến chụp góc rộng để bao quát hết cảnh đẹp những nơi mà họ đặt chân đến "check in". Cũng chính vì nhu cầu ngày càng tăng này và khao khát muốn sản phẩm của mình ngày một hoàn hảo, tiến gần đến ngưỡng máy ảnh chuyên nghiệp (vốn có thể thay lens được), "chúng tôi quyết định tăng thêm số lượng camera sau của dòng A, khai mở trải nghiệm mới và sức sáng tạo mới trong giới trẻ".
Một bức ảnh chụp xoá phông bằng Galaxy A7, thế này thì đi du lịch cần gì máy ảnh nữa?
Lý thuyết là thế, còn trải nghiệm ra sao? Có thật sự cần thiết cho người dùng trẻ hiện nay? Sau sự kiện, chúng tôi có cơ hội ở lại một đêm và một buổi sáng ở Malaysia nên cũng kịp thử một vài bức ảnh tại đây, hãy cùng trải nghiệm nhé.
Thao tác quen thuộc, dễ dùng
Một trong những thứ mà chúng tôi đánh giá cao ở Samsung là họ làm rất tốt giao diện người dùng trên mỗi sản phẩm của họ. Khác với những sản phẩm Android của một số hãng tuỳ biến một cách rối rắm, Samsung lại đưa đến cho người dùng lựa chọn điều khiển đơn giản hơn, nhìn vào là biết hết những tính năng mình cần là gì và thao tác ra sao.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thiết kế máy cũng đóng vai trò rất quan trọng vì nó liên quan đến chuyện cầm nắm của bạn có thuận lợi cho việc chụp hay không. Nếu bạn là người từng sử dụng qua các sản phẩm của Samsung gần đây thì có lẽ sẽ biết đến phím tắt để vào camera là nhấn hai lần phím nguồn, và khi lần đầu trên tay chiếc A7 này, chúng tôi đã nghi ngờ vì thấy phím này bị đặt lõm xuống hơn so với vị trí của cụm phím âm lượng.
Tuy nhiên, chúng tôi đã hoàn toàn sai, khi đặt phím này lõm xuống, ngoài việc giúp đặt ngón tay vào để nhận diện (tích hợp cảm biến vân tay) thì nó cũng khiến người dùng có thể nhấn vào camera được chính xác hơn. Trước đây chúng tôi cũng không ít lần nhấn nhầm sang phím Vol - nếu không để ý, kết quả là giơ máy lên nhưng màn hình vẫn còn "tắt lịm"..., trong khi đó, với kiểu thiết kế phím nguồn lõm xuống ở chiếc A7 mới này, chúng tôi có thể định vị được phím nguồn tốt và nhanh hơn mà không cần nhìn vào cạnh máy nữa.
Thêm camera, thêm vui vẻ
Cái mới nhất trên sản phẩm A7 năm nay chính là xuất hiện chiếc camera thứ 3 đảm nhận khả năng chụp góc siêu rộng, vậy nó có thật sự cần thiết cho người dùng trẻ? Chúng tôi nhận thấy nhu cầu du lịch ở các bạn trẻ những năm gần đây ngày càng tăng và chính độ phổ biến của mạng xã hội đã dần tạo nên thói quen chụp ảnh check-in mọi lúc mọi nơi nhiều hơn trước.
Và với những công trình kiến trúc hoặc phong cảnh rộng lớn, một chiếc camera trên điện thoại với góc tiêu cự bình thường sẽ không bao giờ gom trọn được mọi thứ vào. Chính vì vậy sự xuất hiện camera góc siêu rộng tiêu cự 13 mm ở thời điểm này khá là phù hợp.
Một ví dụ thực tế cho thấy bạn sẽ không thể check in được với toà tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur nếu dùng ống kính tiêu cự thông thường, buộc bạn phải lùi thật xa hoặc mua thêm phụ kiện ống kính góc rộng gắn vào cho điện thoại (chúng tôi nhận thấy phía cổng chính cua Petronas có rất nhiều người đến chào bán loại phụ kiện ống kính góc rộng cho điện thoại, điều này chứng tỏ nhu cầu phát sinh rất lớn khi chụp tại địa điểm này):
Thử chuyển sang camera siêu rộng, kết quả khác ngay mà chẳng cần đến phụ kiện nào hỗ trợ. Một điều khó hiểu là khi bạn chuyển sang góc rộng sẽ không thể bấm chọn điểm focus được, tuy nhiên với góc quá rộng và mục đích chính là bao quát toàn cảnh thì chuyện bấm focus điểm cũng chẳng quan trọng lắm, ảnh vẫn rõ nét dù là hậu cảnh hay tiền cảnh:
Một vài kiểu ảnh khác để bạn thấy góc siêu rộng có lợi như thế nào trong những trường hợp này:
Ảnh chụp góc 77 độ
Ảnh chụp góc rộng 120 độ
Ngoài việc chụp ảnh góc siêu rộng, Galaxy A7 cũng có tính năng chụp ảnh xoá phông. Qua trải nghiệm nhanh thì khả năng xoá phông của chiếc điện thoại này đã được cải thiện hơn phiên bản trước rất nhiều, nhất là ở khoản xử lý-lưu ảnh. Có một điểm cần lưu ý là chiếc smartphone này sẽ dùng camera tiêu cự bình thường kết hợp với camera đo độ sâu trường ảnh (depth camera) để dùng thuật toán xoá phông, khác với cách dùng trước của đại đa số các smartphone hiện tại - dùng camera tiêu cự thường và camera tiêu cự tele để chụp xoá phông. Cũng chính vì điều này mà góc ảnh xoá phông sẽ rộng hơn so với các sản phẩm khác.
Bạn cũng có thể thay đổi điểm lấy nét, độ xoá mờ phông cũng như hình dạng của bokeh trên Galaxy A7.
Việc sử dụng camera tiêu cự thường và depth camera sẽ mang lại lợi ích khác là tận dụng được khẩu độ lớn của camera tiêu cự thường là f/1.7 thay vì f/2.4 ở các camera tele hiện tại, từ đó giúp thu ánh sáng vào tốt hơn.
Về những cảm nhận còn lại, chúng tôi thấy Galaxy A7 có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu từ cơ bản cho đến nâng cao của việc chụp ảnh trên smartphone, tốc độ xử lý, bắt nét của máy cũng khá nhanh, AI nhận diện được nhiều khung cảnh và chủ thể để đưa ra thiết lập phù hợp cũng là một điểm cộng, và đặc biệt là do có khẩu độ lớn nên chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng cũng rất ổn.
Bên cạnh đó, một tính năng tuy có thể nhỏ nhưng lại mang tính quyết định đến chất lượng ảnh của người dùng rất cao là Flaw Detection cũng được đưa từ Note9 xuống chiếc A7 này. Với tính năng này, máy sẽ tận dụng AI để nhận biết bức ảnh của bạn vừa chụp có khuyết điểm hay không, chẳng hạn như có ai đó chớp mắt trong ảnh, hoặc ảnh vừa chụp bị rung/mờ thì máy sẽ báo ngay để chúng ta có thể khắc phục ngay trước khi khoảnh khắc qua đi trong tiếc nuối.
Nhìn chung với tầm giá khoảng 7,6 triệu đồng, khó có sản phẩm nào có thể đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ hiện nay, từ chụp ảnh góc siêu rộng, cho đến xoá phông và hơn hết hệ thống AI hoạt động trên camera thật sự thông minh, hữu ích đúng nghĩa. Chính những điều này là minh chứng cho thấy Samsung luôn mong muốn sản phẩm của mình hoàn hảo hơn, không chỉ ở dòng cao cấp mà còn chỉn chu trong cả tầm trung cấp để làm hài lòng nhiều đối tượng khách hàng nhất có thể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng