Trải nghiệm những công nghệ độc đáo của Xiaomi Mi Mix: Cảm biến tiệm cận, loa thoại, vỏ gốm
Mi Mix không chỉ là một chiếc điện thoại với màn hình không viền độc đáo, mà nó còn mang trong mình rất nhiều công nghệ đột phá khác.
Xiaomi Mi Mix là một chiếc điện thoại lạ, trong đó thiết kế không viền màn hình là thứ dễ nhận ra và để lại nhiều ấn tượng nhất. Thế nhưng, Mi Mix không chỉ đơn thuần là một chiếc điện thoại với panel màn hình đặc biệt, mà để đạt được điều đó, Xiaomi còn phải trang bị rất nhiều công nghệ khác, trong đó ba công nghệ nổi bật mà chúng ta không thể bỏ qua là loa thoại, cảm biến tiệm cận, camera selfie và vỏ gốm.
Dĩ nhiên với thiết kế không viền của mình thì Xiaomi không thể đặt camera selfie, loa thoại và cảm biến tiệm cận ở trên màn hình như các smartphone khác. Với mỗi thành phần này, hãng buộc đi tìm những giải pháp riêng để đạt được hiệu quả như những chiếc máy khác - vì dù sao, đột phá sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như tất cả những gì người dùng nhận được là sự bất tiện.
Đầu tiên hãy cùng nói về bộ vỏ được chế tạo bằng gốm của máy. Nghe đến gốm thì nhiều người cho rằng nó rất mỏng manh và dễ vỡ - nhưng thực tế thì ngược lại. Độ cứng của vỏ gốm trên Mi Mix đạt mức 8 Mohs, tức là ngang với đá hoàng ngọc (topaz) và kém một mức so với đá sapphire (mức 9). Trong khi đó, những chiếc điện thoại khác với kính Gorilla Glass chỉ có độ cứng ở mức 6. Như vậy, người dùng sẽ được cảm nhận một thiết kế bóng bẩy, "đậm chất iPhone Jet Black", nhưng lại không phải lo sợ vấn đề bị trầy xước qua thời gian sử dụng.
Gốm là chất liệu hoàn hảo cho một chiếc máy như Xiaomi Mi Mix
Thế nhưng quan trọng hơn, gốm là một chất liệu đặc biệt và cho phép sóng có thể truyền qua. Tức là, Mi Mix sẽ có thể giữ nguyên được thiết kế liền mạch của mình mà không cần phải bổ sung các dải anten bằng nhựa như nhiều mẫu máy khác. Đặc biệt, gốm còn cho phép truyền âm thanh, đặc biệt hữu ích cho tính năng "loa thoại vô hình" của máy. Nhìn chung, đây là một vật liệu hoàn hảo để thiết kế nên một sản phẩm như Mi Mix.
Còn nếu như bạn vẫn chưa tưởng tượng được chất liệu gốm trên tay cho cảm giác như thế nào, thì thật sự mà nói, nó rất giống với kính. Thậm chí, nó cũng mang theo nhược điểm của kính, đó là dễ bám vân tay và khá trơn. Rất tiếc, chúng tôi không có cơ hội (và điều kiện) để đánh giá độ bền của chất liệu này khi thả rơi.
Chất liệu gốm cho cảm giác rất giống với kính, bao gồm cả việc nó rất dễ bám dấu vân tay
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng nói đến loa thoại. Theo những gì Xiaomi mô tả, âm thanh sẽ được truyền đến tai người dùng qua công nghệ áp điện gốm và lớp khung kim loại của máy.
Xiaomi sử dụng công nghệ áp điện gốm (Piezoelectric Ceramic) và khung kim loại để truyền âm thanh đến tai người dùng
Theo những gì tôi được trải nghiệm, Mi Mix có chất lượng âm thanh cuộc gọi tốt và không có sự khác biệt so với những chiếc điện thoại khác. Sử dụng phần mềm Sound Meter trên Android để đo âm lượng loa thoại giữa Xiaomi Mi Mix và một chiếc điện thoại thông thường là iPhone 6, hai máy có kết quả tương đồng. Người dùng chắc chắn sẽ không gặp vấn đề gì khi thực hiện cuộc gọi bằng chiếc máy này.
Xiaomi Mi Mix | Apple iPhone 6 | |
Min | 44 | 52 |
Max | 81 | 77 |
Avg | 58 | 62 |
Do âm thanh được truyền qua khung, có thể cảm nhận rõ ràng việc máy bị rung khi người ở đầu dây bên kia nói. Ngoài ra, điều này còn cho phép người dùng có thể nghe được âm thanh cuộc gọi dù áp tai ở bất kỳ đâu trên chiếc điện thoại. Bạn có thể nghe thấy ở trên cạnh trên, cạnh dưới, thậm chí là cả mặt lưng của máy. Khu vực cho âm thanh lớn nhất là phần nửa trên màn hình, do đây là nơi Xiaomi đặt áp điện gốm.
Chất lượng loa thoại Xiaomi Mi Mix
Bên cạnh loa thoại thì một thành phần tiếp theo không kém phần quan trọng là cảm biến tiệm cận. Cảm biến này sử dụng siêu âm, biến đây trở thành chiếc điện thoại đầu tiên áp dụng công nghệ này. Để giải thích một cách dễ hiểu, cảm biến này sẽ phát ra những tia siêu âm để xác định khoảng cách giữa nó và vật thể, từ đó nhận ra sự thay đổi khi đôi tai của chúng ta áp vào màn hình của điện thoại.
Mi Mix được trang bị cảm biến tiệm cận sử dụng công nghệ siêu âm
Qua thử nghiệm, công nghệ này hoạt động khá hiệu quả và có thể phát hiện khi có vật thể đang áp lên màn hình cảm ứng, dù cho tốc độ không mấy nổi trội so với các cảm biến tiệm cận truyền thống.
Cảm biến tiệm cận của Mi Mix hoạt động khá nhạy
Về camera trước, Xiaomi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đặt nó ở cạnh dưới màn hình. Rõ ràng, đây không phải là một vị trí lý tưởng cho selfie.
Camera selfie của Mi Mix được đặt ở cạnh dưới
Nếu bạn selfie bằng cách truyền thống, camera này sẽ tạo ra những bước ảnh ở góc hất từ dưới lên, trông rất kỳ dị. Để selfie với Mi Mix, bạn sẽ buộc phải quay máy ngược lại. Biết được điều này, ngay cả Xiaomi cũng nhắc nhở người dùng bằng một thông báo "nhớ quay máy ngược lại" khi lần đầu tiên khởi động camera selfie.
Camera selfie của Galaxy Note7 (trái) và Xiaomi Mi Mix (phải) khi đặt cùng một vị trí
Người dùng buộc phải quay máy ngược lại để selfie. Lúc này, giao diện camera và các nút điều hướng cũng sẽ thay đổi để phù hợp với hướng cầm máy.
Nhìn chung, Xiaomi đã giải quyết tốt những bài toán được đặt ra khi đi theo thiết kế không viền màn hình mới. Người dùng sẽ có thể tự tin sử dụng Mi Mix mà không lo những yếu tố như chất lượng cuộc gọi hay khả năng hoạt động của cảm biến tiệm cận bị ảnh hưởng. Mặc dù có đôi chút bất tiện khi sử dụng camera selfie, nhưng theo tôi điều này là hoàn toàn xứng đáng - khi người dùng được đánh đổi lại một thiết kế đột phá, và một màn hình 6.4 inch rộng rãi trong một chiếc máy có kích thước chỉ lớn bằng những sản phẩm khác với màn hình 5.7-6 inch trên thị trường hiện nay.
Xin được cảm ơn cửa hàng Mi Việt Nam (34 Lê Trọng Tấn) đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng