Đứt cáp đã thành cụm từ rất quen thuộc với cư dân mạng, nhưng những thông tin liên quan đến cáp quang còn rất mơ hồ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh nhất về cáp quang và giải pháp cho "mùa đứt cáp"...
Cáp quang biển đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì liên kết vệ tinh ở nước ngoài chỉ chiếm 1% của lưu lượng truy cập Quốc tế, trong khi phần còn lại được thực hiện bởi cáp ngầm dưới biển.
Những tuyến cáp biển trị giá hàng trăm triệu USD không chỉ được các công ty xây dựng và vận hành chúng quan tâm vì lợi nhuận, mà còn được Chính phủ các Quốc gia xem như một trong những tài sản cần được bảo vệ.
Cáp quang biển và những điều có thể bạn chưa biết
Cáp quang là một loại cáp viễn thông làm bằng thủy tinh hoặc nhựa, sử dụng ánh sáng để truyền tín hiệu. Có cấu tạo gồm dây dẫn trung tâm là sợi thủy tinh hoặc plastic đã được tinh chế nhằm cho phép truyền đi tối đa các tín hiệu ánh sáng.
Hai loại cáp quang chính có lõi bằng thủy tinh hoặc nhựa plastic.
Hai loại cáp quang phổ biến là GOF (Glass Optical Fiber) – cáp quang làm bằng thuỷ tinh và POF (Plastic Optical Fiber) – cáp quang làm bằng plastic.
Mặc dù được bảo vệ bởi khá nhiều lớp vỏ bên ngoài, nhưng trên thực tế cáp quang biển chỉ được gia cường bởi thép bện và các lớp bảo vệ khác khi vào gần bờ. Do càng vào gần bờ, mực nước càng nông và các hoạt động hàng hải càng dày đặc thì khả năng tuyến cáp bị mỏ neo của 1 con tàu nào hay các loại lưới rà đáy biển móc phải gây hư hại lại càng lớn.
Cáp quang biển nằm trần trên nền cát dưới đáy đại dương. Như bạn đã thấy, độ lớn của nó chỉ ngang với tay của một người lớn mà thôi...
Còn cáp ngầm dưới đáy đại dương chỉ là những sợi dây được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển. Để tiết kiệm chi phí, các tuyến cáp quang biển đều có chung 1 nguyên tắc thiết kế: được gia cường ở gần bờ và rất mỏng manh ở ngoài khơi xa.
Video dưới đây sẽ minh họa rõ ràng nhất cho bạn công tác lắp cáp quang biển như thế nào:
Vì sao cáp quang biển tại Việt Nam liên tục bị đứt?
AAG là một trong những hệ thống cáp ngầm xuyên đại dương lớn nhất thế giới, với độ dài hơn 20.000km, trị giá tới 500 triệu USD. Kể từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, tuyến cáp này đã không ít lần gặp sự cố, hầu hết xảy ra sự cố trong phân đoạn nối liền giữa Hồng Kông và Singapore.
Dường như đứt cáp đã trở thành một sự kiện thường niên, tạo nên sự khác biệt của Internet Việt Nam. Search thông tin đứt cáp quang biển các năm 2012, 2011, 2010, 2009 hay đến tận năm 2004 đều có hai chữ “Việt Nam” gắn liền.
Có thể thấy hoạt động hàng hải ở vùng biển Đông là rất lớn.
Nguyên nhân chính của sự cố đứt cáp này là do hoạt động của các tàu đánh cá, mỏ neo của các tàu này khi rà dưới đáy biển rất dễ móc phải các đường cáp quang này và gây đứt cáp. Trong khi đó vùng biển Đông Việt Nam lại có hoạt động hàng hải khá tấp nập. Như các bạn đã thấy ở trên, cáp quang thực sự vô cùng "mỏng manh" khi đặt dưới lòng đại dương.
Bên cạnh nguyên nhân chính ở trên, cáp quang biển cũng có thể bị đứt do tác động từ tự nhiên. Như cá mập cắn, động đất, núi lửa dưới lòng đại dương.
Ngoài ra thì sự phá hoại có chủ đích của con người cũng là một lý do góp phần vào sự hư hỏng của các tuyến cáp quang ngầm. Còn nhớ năm 2007, những tàu đánh cá của Việt Nam do thiếu hiểu biết đã tự cắt cáp quang biển để đi bán phế liệu.
Cá mập cắn cáp, 1 trong những lý do hy hữu.
Làm gì để bảo vệ cáp quang biển?
Nhìn chung hiện tại chưa có biện pháp nào thực sự khả thi để ngăn chặn sự cố trên cáp quang biển. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện giờ là... đứt thì nối.
Nếu có thể nối thêm một tuyến cáp quang ngang qua Trung Quốc đến Hồng Kông sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng mỗi khi đứt cáp AAG. Tuy nhiên cách này cũng có khá nhiều rủi ro.
Tuy không thể hạn chế được sự cố với các tuyến cáp biển, nhưng chúng ta có thể hạn chế tác động của chúng với chất lượng dịch vụ Internet bằng cách sử dụng nhiều kênh truyền dẫn khác nhau đồng thời tăng tỉ lệ băng thông/dung lượng kết nối thực thay vì dồn lưu lượng trên 1,2 kênh lớn và khai thác gần cạn kiệt cả băng thông dự trữ rồi ngồi chờ cáp đứt.
Hai giải pháp được đưa ra để chuẩn bị ứng phó
Giải pháp 1: San tải sang các tuyến cáp khác, giảm phụ thuộc vào cáp quang AAG
Để đối phó với tình trạng đứt cáp diễn ra liên tục hiện nay, các nhà mạng đã bắt đầu đưa ra các giải pháp mới với mục tiêu giảm phụ thuộc vào tuyến cáp AAG. Trả lời ICTNews trong ngày hôm qua 8/6, đại diện các ISP đang khai thác, sử dụng tuyến cáp quang biển AAG như VNPT, Viettel, FPT Telecom, NetNam và CMC Telecom đều khẳng định các nhà mạng này đã có phương án ứng cứu thông tin trong khoảng thời gian hơn 10 ngày tuyến cáp quang biển AAG tạm ngừng hoạt động để bảo trì, sửa chữa.
Cụ thể, nhằm hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng tới các khách hàng, ngay sau khi nhận được thông báo kế hoạch bảo trì của Trung tâm điều hành tuyến cáp AAG, FPT Telecom đã sử dụng sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động, đồng thời bổ sung dung lượng kết nối quốc tế, với mức lưu lượng được bổ sung lên tới 50 Gbps.
Tương tự, đối với Viettel, theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel Phạm Đình Trường, các phương án ứng cứu thông tin, định tuyến lưu lượng qua các hướng đi quốc tế khác trong thời gian khoảng 10 ngày tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bảo trì và sửa chữa, đã được Viettel hoàn tất trong ngày 6/6/2015.
Cùng với việc bổ sung thêm 30 Gbps dung lượng kết nối quốc tế, trong đó 20 Gbps phục vụ kết nối trên hướng quốc tế đi qua cáp quang biển Liên Á (IA) và 10 Gbps trên hướng đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom, Viettel cũng đã tiến hành điều chuyển 20 Gbps từ tuyến cáp AAG sang hướng đất liền. Với việc triển khai đồng loạt các biện pháp nêu trên, Viettel cam kết sẽ duy trì dịch vụ cung cấp cho các khách hàng, kể cả trong các khung giờ cao điểm.
Giải pháp 2: Xây dựng tuyến cáp quang mới đi qua Trung Quốc theo đường bộ
Thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 25/4. Theo Bộ trưởng, dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi cáp quang bị đứt ảnh hưởng rất lớn đến truy cập Internet của người dân và doanh nghiệp, vì vậy chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc.
Tuy nhiên việc xây dựng tuyến cáp quang mới đi qua Trung Quốc sang Hồng Kông lại khiến người dùng Internet tỏ ra lo ngại vì tính bảo mật khi một lượng lớn thông tin chạy qua tuyến cáp này.
Để làm rõ hơn về mức độ an toàn cũng như những nguy cơ có thể gặp phải khi xây dựng tuyến cáp này chúng tôi đã liên hệ với 1 chuyên gia bảo mật (chúng tôi xin được phép giấu tên) của công ty cổ phần VCCorp, một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam .
- Việc đưa tuyến cáp quang trên biển chứa mọi thông tin Internet trong nước đi qua một nước khác như Trung Quốc có gì nguy hiểm về mặt bảo mật thông tin hay không?
"Về mặt nguyên tắc, khi có sự thoả thuận giữ hai quốc gia về cáp internet đi ngang dĩ nhiên sẽ có những quy định cụ thể về mặt pháp lý cho nên theo lý thuyết là nước bạn sẽ bảo vệ hạ tầng cơ sở này giúp ta chứ không phá hoại".
- Nếu việc đưa đường cáp viễn thông qua nước bạn là nguy hiểm thì có cách nào để phòng tránh và bảo vệ trước việc bị kẻ xấu lợi dụng khai thác thông tin không?
"Việc đưa đường viễn thông qua nước bạn thì cũng tương tự như chúng ta đang dùng cáp AAG. Về mặt pháp lý là bạn không thể nào phá hoại đường truyền của Việt Nam. Nhưng trong các báo cáo gần đây nhất của tổ chức bảo mật uy tín Fireeye thì các cuộc tấn công quy mô quốc gia về malware đều xuất xứ từ Trung quốc. Do đó các tốt nhất là mỗi doanh nghiệp phải nâng cao ý thức về bảo vệ hệ thống, ý thức về an toàn thông tin, tùy thuộc vào quy mô hệ thống/hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng tài chính, trình độ công nghệ hiện có của tổ chức/doanh nghiệp mà có những giải pháp đảm bảo an toàn bảo mật phù hợp không chỉ khi chúng ta sử dụng tuyến cáp này".
- Trên thực tế, Thế giới đã ghi nhận cuộc tấn công nào tương tự mô hình trên chưa?
"Trên thực tế thì tất cả các nước tư bản đều công bố những bản báo cáo hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Trong đó có nhiều đợt tấn công xuất xứ từ Trung Quốc.
Cho nên mỗi người dùng internet hay doanh nghiệp tuỳ theo từng nhu cầu bảo mật thì sẽ tự mình lựa chọn nhà mạng và đường truyền hợp theo ý của mình".
Mặc dù đã có những giải pháp cho vấn đề đứt cáp được đưa ra, nhưng để áp dụng vào thực tế hiệu quả và hoàn toàn thay thế được tuyến cáp huyết mạch AAG thì vẫn cần rất nhiều thời gian nữa. Vì thế trong tương lai gần, chúng ta có thể sẽ phải "sống chung với lũ" một thời gian nữa...
Giải trí ngày đứt cáp với tựa game "cá lớn nuốt cá bé" online gây sốt
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng