Với cái miệng rộng bằng cả cái xô, chúng ăn tàn phá hại đến nỗi người Mỹ đã phải tổ chức các cuộc thi săn trăn thường niên và kêu gọi người dân ăn thịt trăn.
- Những vụ trăn nuốt chửng người gây rúng động: Khi con người lấn át tự nhiên, cái giá phải trả là vô cùng khủng khiếp
- Người Việt đang ăn một loại thịt mà các nhà khoa học nghĩ cả thế giới nên học hỏi
- Điều gì sẽ xảy ra nếu cá mập Megalodon chiến đấu với loài trăn khổng lồ Titanoboa?
- Trăn Anaconda chỉ là loài vật tí hon bởi trăn khổng lồ Titanoboa có thể nuốt chửng cả khủng long
- Phát hiện ra con trăn khổng lồ Nam Mỹ có thể tự sinh nở mà không cần tiếp xúc với con đực
Một số tiểu bang ở miền đông nước Mỹ đang phải đối mặt với nạn "xâm lấn" của một loài động vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm, đó là những con trăn khổng lồ đến từ Đông Nam Á.
"Có nguồn gốc từ Châu Phi, Châu Á và Châu Úc, nhiều loài trăn đã tìm được đường tới Hoa Kỳ nhờ vào sự phổ biến của chúng trong ngành buôn bán thú cưng. Tuy nhiên, thông qua một sự cố vô tình hay hữu ý, một loài trăn trong số đó là trăn Miến Điện đã được thả ra ngoài tự nhiên", Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết.
"Trăn Miến Điện không phải là loài bản địa nhưng chúng đã thiết lập được một quần thể sinh sản ở Nam Florida và là một trong những loài xâm lấn đáng lo ngại nhất trong khu vực. Kể từ khi xuất hiện, trăn đã cạnh tranh với những loài động vật hoang dã bản địa để giành lấy thức ăn, bao gồm động vật có vú, chim và các loài bò sát khác".
Mặc dù không biết rõ con số, các chuyên gia của USGS ước tính hiện đã có hàng chục ngàn con trăn đang sinh sôi ở Nam Florida, dựa trên hàng trăm con trăn được nhìn thấy mỗi tháng.
Kể từ khi chúng tới đây, người ta đã ghi nhận sự suy giảm của 99,3% quần thể gấu mèo trong khu vực, 98,9% lượng thú có túi và 87,5% quần thể mèo rừng. Một số loài vật như thỏ đầm lầy, thỏ đuôi bông và cáo thậm chí đã tuyệt chủng.
Thật không thể tin được, những con trăn Miến Điện đã ăn hết chúng.
Với cái miệng rộng như cái xô, loài trăn này đang ăn tàn phá hại hệ sinh thái Miền Đông nước Mỹ
Trăn Miến Điện, có danh pháp khoa học Python bivittatus, là một loài trăn bản địa ở Đông Nam Á. Chúng thường được tìm thấy ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, nơi nó được đặt tên.
Những con trăn này là một trong những loài rắn lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 5-7 mét, và có thể nặng từ 90 đến hơn 180 kg. Trăn Miến Điện có đường kính cơ thể dao động từ 9-22 cm.
Nhưng đừng để điều đó đánh lừa, chúng có thể há miệng rộng gấp 3-4 lần hộp sọ của mình, thứ quyết định loại con mồi nào mà trăn có thể nuốt và tiêu hóa.
Một nghiên cứu mới trên tạp chí Reptiles & Amphibians cho biết những con trăn Miến Điện lớn nhất có thể há miệng rộng tối đa 26 cm, tương đương đường kính của một cái xô, hay hộp sọ người.
Chu vi miệng của trăn Miến Điện có thể đạt khoảng hở hơn 81 cm, tương đương với vòng bụng của một người trưởng thành mặc quần cỡ 32. Về mặt lý thuyết, một con trăn Miến Điện có thể nuốt chửng một người trưởng thành Châu Á – mặc dù những vụ trăn ăn thịt người được ghi nhận trước đây thường do trăn gấm (Python reticulatus) gây ra.
Tại Mỹ, người ta đã bắt gặp trăn Miến Điện ăn các loài động vật rất lớn, ví dụ như nai, hươu đuôi trắng và cá sấu.
Con trăn này đã nuốt chửng cả một con cá sấu
Bruce Jayne, một giáo sư đến từ Đại học Cincinnati, tác giả của nghiên cứu trên tạp chí Reptiles & Amphibians cho biết trước đây người ta chỉ nghĩ trăn Miến Điện chỉ ăn được các loài động vật nhỏ như chim, thú có túi hoặc cùng lắm là gấu mèo – dựa trên độ mở miệng của mẫu vật trăn lớn nhất mà họ bắt được, khoảng 22 cm.
Nhưng nghiên cứu mới của ông và đồng nghiệp cho thấy trăn Miến Điện thực sự có thể mở miệng lên tới 26 cm. "Nghe có vẻ không nhiều lắm, chỉ lớn hơn 18% thôi", Jayne nói.
Nhưng đừng quên đó là đường kính miệng và bạn còn phải nhân nó lên với số pi. Kết quả cho thấy tổng diện tích vòng há miệng của trăn Miến Điện sẽ tăng 40% khi đường kính miệng của chúng chỉ tăng 4 cm.
Giáo sư Jayne đã trực tiếp chứng kiến một con trăn Miến Điện nuốt chửng một con hươu lớn nặng 35 kg, đạt tới 93% diện tích há miệng của con trăn và 2/3 tổng trọng lượng của chúng. "Nhìn thấy cảnh tượng một loài săn mồi xâm lấn nuốt chửng một con hươu trưởng thành ngay trước mắt là điều mà bạn sẽ không bao giờ có thể quên", giáo sư Jayne nói.
Kể từ khi xâm nhập nước Mỹ vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, trăn Miến Điện đã làm quần thể hươu đuôi trắng, một loài bản địa ở Nam Florida, suy giảm tới 94,1%. Con số là 98,9% với thú có túi và 99,3% với gấu mèo.
Quần thể mèo rừng ở khu vực này cũng suy giảm 87,3%, và ở một số khu vực, thỏ và cáo đã hoàn toàn tuyệt chủng. Vào những năm 2010, người ta đã cố gắng tái thiết quần thể thỏ bằng cách thả lại chúng vào tự nhiên ở Nam Florida. Nhưng cứ 10 con thỏ thả ra thì 7-8 con sẽ bị trăn ăn thịt khiến quần thể thỏ không những không tăng trở lại mà những con trăn còn sinh sôi nảy nở mạnh hơn.
Người Mỹ hiện cũng đang bất lực với vấn nạn trăn Miến Điện xâm lấn.
Tổ chức các cuộc thi săn trăn thường niên
Một trong số những nguyên nhân khiến trăn Miến Điện có thể thiết lập được vị trí thống trị của chúng ở Nam Florida là do khả năng sinh sôi nảy nở vô cùng khỏe của chúng. Trung bình, trăn cái có thể đẻ từ 50-100 trứng vào mỗi mùa xuân.
Đa số trứng của trăn đều nở, bởi trăn cái có khả năng bảo vệ và chăm trứng toàn thời gian. Chúng cũng có thể ăn bất cứ loài vật nào có ý định ăn cắp trứng. Trăn cái sẽ quấn mình quanh trứng, co giật cơ thể để làm tăng nhiệt độ trong ổ. Chúng sẽ đợi con non nứt ra khỏi trứng, lột da lần đầu tiên và tự đi săn thì mới hết trách nhiệm.
Những con trăn non trưởng thành rất nhanh. Chúng có thể tăng gấp đôi chiều dài và trọng lượng cơ thể sau mỗi năm và đạt tới độ trưởng thành về mặt tình dục từ 18 tháng cho đến muộn nhất là 4 năm.
Một khi trăn Miến Điện đã trưởng thành, chúng sẽ đứng trên đỉnh của chuỗi thức ăn suốt cuộc đời kéo dài 20 năm của chúng. Điều đó có nghĩa là, gần như toàn bộ thế hệ trăn Miến Điện đã xâm lấn nước Mỹ từ đầu thập niên 2000 hiện vẫn đang còn sống. Và không có một thiên địch nào có thể ăn thịt lại trăn.
Ngoại trừ con người.
Để kiểm soát quần thể trăn Miến Điện và nâng cao hiểu biết của người dân về động vật xâm lấn, từ năm 2013, chính quyền tiểu bang Florida đã tổ chức một cuộc thi săn trăn thường niên được gọi là Florida Python Challenge.
Trong đó, những người tham gia sẽ đóng một khoản phí tượng trưng 25 USD để tham gia vào thử thách, với giải thưởng cho người săn được nhiều trăn Miến Điện nhất lên tới 10.000 USD, tương đương 250 triệu VNĐ.
Những người chơi chỉ được phép sử dụng các hình thức săn bắt trăn được cho là nhân đạo, ví dụ như dùng súng hơi, súng điện, búa hoặc dụng cụ tự chế cơ học để tác động và làm choáng con trăn ở bước đầu tiên. Sau đó, dao mới được phép sử dụng để phá hủy não trăn hoặc chặt đầu chúng – sau khi trăn đã bị gây mê hoặc mất hoàn toàn ý thức.
Các phương pháp săn khác như sử dụng súng bắn đạn thật, thuốc nổ, bẫy, bả và hóa chất đều bị cấm. Ngoài ra, người chơi sẽ bị loại ngay lập tức nếu săn nhầm trăn bản địa Mỹ, hoặc làm hại đến những con trăn Miến Điện được các nhà khoa học đánh dấu để nghiên cứu.
Trong mùa giải gần nhất năm 2024, Florida Python Challenge đã thu hút 857 người đăng ký tham gia, để loại bỏ 195 con trăn trong vòng 10 ngày. Giải thưởng cao nhất đã được trao cho một người chiến thắng với thành tích 20 con trăn.
Các nhà khoa học kêu gọi mọi người hãy ăn thịt trăn
Mặc dù gây được ấn tượng, các cuộc thi săn trăn Miến Điện ở Florida được đánh giá là chỉ có tác động về mặt truyền thông chứ không đạt được hiệu quả về mặt sinh thái. Kể từ năm 2013 tới nay, chỉ có khoảng hơn 1.000 con trăn Miến Điện bị loại bỏ trong các cuộc thi này.
Việc quản lý loài trăn Miến Điện xâm hại ở Florida đang đi vào bế tắc đến nỗi, năm 2023, một nghiên cứu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã khẳng định việc diệt trừ hoàn toàn trăn Miến Điện là không thể đạt được.
Thế nhưng, một số nhà khoa học đang hi vọng họ có thể thuyết phục người dân Mỹ ăn thịt trăn, và nếu vậy, vấn đề trăn Miến Điện xâm hại sẽ được giải quyết.
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Reports, các nhà khoa học đã tới Việt Nam, một trong những quê hương của loài trăn Miến Điện, để tìm hiểu cách nền ẩm thực thịt rắn và thịt trăn vận hành.
Ở Việt Nam, người dân đang nuôi trăn để lấy da, phục vụ ngành thời trang cao cấp. Nhưng thịt trăn cũng không hề bị bỏ phí, mà có thể được chế biến thành các món ăn như súp, xào, nướng và làm ruốc.
Tiến sĩ Daniel Natusch, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Macquarie, cho biết: "Về cơ bản thịt của chúng có vị như thịt gà, nhưng lẫn thêm một chút vị của thịt thú rừng".
Vì trăn không có chân, thịt của chúng có thể được lọc và chế biến rất triệt để. Có rất ít thứ bị bỏ phí trong quá trình giết mổ. Đặc biệt, chúng rất dễ phi lê. "Bạn chỉ cần đưa một con dao dọc theo sống lưng của chúng và bạn sẽ có hẳn một miếng thịt dài tới 4 mét", tiến sĩ Natusch nói.
"Về mặt dinh dưỡng, thịt bò sát cũng giống như thịt gà. Chúng giàu protein, ít chất béo bão hòa và có sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ và ẩm thực rộng rãi", nghiên cứu trên tạp chí Science Reports viết.
Không những vậy, ăn thịt trăn cũng tạo ra lợi ích kép về mặt môi trường. Một mặt, nếu người Mỹ có thể ăn trăn Miến Điện, họ sẽ loại bỏ được một loài động vật xâm lấn. Mặt khác, ở các quốc gia chăn nuôi trăn lấy thịt, loài động vật này thải ra cực kỳ ít khí nhà kính khi so với ngành chăn nuôi bò, lợn hoặc gà truyền thống.
Trăn ăn tạp và có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp. Chúng chỉ cần ăn 1,2 kg protein khô để tạo ra 1 kg thịt. Trong so sánh với 2,8 kg khi nuôi gà, 6 kg khi nuôn lợn và 10 kg khi nuôi bò. Nghĩa là cùng một lượng thức ăn, để tạo ra 1 kg thịt bò, bạn có thể tạo ra 8 kg thịt trăn.
Điều này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và an ninh lương thực bị đe dọa, khi loài người cần một loại "protein" xanh hơn. Trăn là một lựa chọn tối ưu ở thời điểm này.
Ngoài ra, nuôi trăn cũng đặc biệt tiết kiệm đất và nước. Ước tính, để sản xuất 1 kg thịt bò, một trang trại trung bình cần tiêu tốn 15.000 lít nước, bao gồm nước uống cho bò, nước dùng để trồng cỏ và thau rửa chuồng trại.
Con số là khoảng 6.000 lít nước cho mỗi 1 kg thịt lợn và 4.300 lít cho mỗi kg thịt gà mà bạn thấy trong siêu thị. Về đất đai, để sản xuất 1 kg thịt bò, chúng ta cần tiêu tốn khoảng 25 mét vuông đất, so với khoảng 8-10 mét vuông đất cho thịt lợn và 7 mét vuông đất cho thịt gà.
Nuôi trăn thì khác, những con bò sát này có thể sống hạnh phúc cùng nhau trong những chiếc lồng chỉ vài mét vuông.
"Trăn cần rất ít nước và thậm chí có thể sống nhờ sương đọng trên vảy của chúng vào sáng sớm. Mỗi buổi sáng, một con trăn chỉ cần liếm vảy của mình và thế là đủ nước cho cả ngày", tiến sĩ Natusch nói.
Đặc biệt, trăn cũng có thể nhịn ăn trong thời gian dài mà không bị giảm cân quá nhiều. Một con trăn ở Việt Nam có thể bị bỏ đói trong 127 ngày, nhưng chỉ mất vài % trọng lượng cơ thể. Tiến sĩ Natusch cho biết: "Về mặt lý thuyết, bạn có thể ngừng cho nó ăn trong vòng một năm".
Tất cả những đặc điểm sinh tồn này một lần nữa giải thích tại sao loài trăn Miến Điện ở Đông Nam Á có thể xâm chiếm nước Mỹ chỉ trong 2 thập niên đầu tiên chúng "đặt chân" đến đó.
Trăn xâm lấn đang tạo ra một áp lực lên hệ sinh thái ở các tiểu bang Miền Đông Hoa Kỳ. Nhưng nếu người Mỹ chấp nhận ăn thịt trăn, như các nhà khoa học hi vọng, đó có thể là một cơ hội kép dành cho họ.
Ăn trăn vừa loại trừ được một loài động vật ngoại lai, vừa có được một nguồn "protein xanh" để phát triển bền vững.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra