Quá trình tạo máu sai hỏng vì tuổi tác sẽ dẫn đến ung thư bạch cầu.
Tuổi trẻ gắn liền với nhiệt huyết, đúng theo nghĩa đen của nó, mỗi ngày cơ thể chúng ta chào đón khoảng 1.000 tỷ tế bào máu mới. Tuy nhiên, khi chúng ta già đi, khả năng sinh mới của tế bào máu gốc bị suy giảm và sai hỏng.
Điều này khiến cho người lớn tuổi thường dễ mắc bệnh thiếu máu, giảm khả năng miễn dịch và có nguy cơ cao hơn mắc một số loại ung thư. Với ý tưởng khắc phục hệ quả ấy từ quá trình lão hóa, một nhóm nghiên cứu đến từ đại học Lund Thụy Điển đã thực hiện thành công việc “reset” các tế bào máu gốc.
Trong đó, tế bào máu gốc được đưa trở lại điểm ban đầu, với đầy đủ các chức năng khỏe mạnh khi chúng ta còn trẻ. Dẫu chưa thể đạt đến độ "cải lão hoàn đồng" toàn bộ cơ thể, hiệu ứng này ít nhất cũng giúp con người sống khỏe mạnh hơn khi về già.
Trẻ hóa dòng máu và ngăn ngừa ung thư nhờ tái lập trình tế bào gốc
Khi chúng ta còn trẻ, những tế bào máu, bao gồm cả hồng cầu và bạch cầu được sinh ra một cách cân bằng từ các tế bào máu gốc. Điều này tùy thuộc vào việc đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Mặc dù vậy, càng già đi, quá trình này càng bị suy yếu, có thể dẫn đến sai hỏng.
“Sự chuyển biến liên quan đến tuổi tác này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khi nó dẫn đến sự mất cân bằng trong sản sinh tế bào máu. Chẳng hạn, việc tế bào miễn dịch được sinh ra ít hơn trong khi sản xuất quá mức các loại tế bào khác có thể là tiền thân của ung thư bạch cầu”, phó giáo sư David Bryder, đến từ Đại học Lund cho biết.
Để tránh được những dạng hậu quả đáng tiếc này, nhóm nghiên cứu của ông đã theo dõi quá trình già đi của các tế bào máu gốc. Họ phát hiện ra rằng các tế bào máu gốc có thể được tái lập trình để chuyển ngược lại thành một dạng tiền thân hơn của chúng, tế bào gốc đa năng (Induced pluripotent stem cell-iPS).
Trong khi tế bào máu gốc chỉ có thể sinh ra tế bào máu mới, tế bào gốc đa năng iPS có thể sinh ra bất kể một tế bào nào trên cơ thể, kể cả tế bào máu gốc. Vì vậy, các nhà khoa học muốn tạo ra một vòng lặp có chức năng “reset”: từ tế bào máu gốc biến thành iPS, rồi từ iPS trở lại thành tế bào máu gốc.
Thử nghiệm "reset" các tế bào máu gốc được thực hiện thành công với chuột
Ý tưởng được các nhà khoa học thử nghiệm trên chuột. Nó thực sự đã có hiệu quả, khi công việc cho phép tế bào máu gốc mới sinh ra được trẻ hóa. Từ đó, chúng lấy lại được hoàn toàn chức năng sản sinh tế bào máu, như các tế bào máu gốc trong cơ thể những con chuột còn trẻ.
“Chúng tôi nhận thấy rằng không có một sự khác biệt nào trong khả năng tạo máu, khi so sánh các tế bào máu gốc được tái lập trình và tế bào máu gốc khỏe mạnh từ những con chuột trẻ”, Martin Wahlestedt, nghiên cứu sinh tiến sĩ đồng thời là tác giả nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, qua nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện việc già đi của nhiều tế bào máu không liên quan đến quá trình đột biến trong DNA. Thay vào đó, chúng được gây ra bởi quá trình di truyền ngoại gen (epigenetic).
Đến giờ, mặc dù kỹ thuật mới chỉ được thực hiện thành công trên chuột, các nhà khoa học cho biết nó rất có triển vọng để thử nghiệm trên người trong tương lai. Tái lập trình và trẻ hóa một lượng đủ các tế bào máu gốc có thể giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh về máu và cải thiện sức khỏe tổng thể khi chúng ta già đi.
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nature Communications.
Tham khảo Engadget, Lunduniversity
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng