Nhận thấy các thử thách trong nước và Đông Nam Á đã quá dễ dàng với VinFast VF 8, nhóm chủ xe người Việt quyết định đưa mẫu xe điện tới Tây Tạng để mở rộng giới hạn của cả xe và người thay vì chỉ phục vụ mục đích quảng bá.
Trong chương trình Trên Ghế số thứ 34 phát sóng ngày 31/10, host Đăng Việt sẽ có cuộc trò chuyện “xuyên biên giới” với khách mời là hai thành viên trong đoàn VinFast VF 8 đang chinh phục Tây Tạng bao gồm anh Chu Hữu Thọ và anh Bạch Thành Trung.
Hành trình 4 chiếc VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng đang rất “viral” trên mạng xã hội. Làm thế nào để một chiếc xe điện có thể đi xa được với rất nhiều khó khăn như vậy? Và ý tưởng của chuyến đi này hình thành như thế nào, thưa các anh?
Bạch Thành Trung: Nếu nói về việc dùng xe điện đi qua Trung Quốc, ngay từ những ngày đầu, chúng tôi thường xuyên nhận được 2 câu hỏi: Một là sạc pin ở đâu, hai là thời tiết lạnh như thế thì làm sao mà đi xa được?
Tôi trả lời luôn cả 2 câu hỏi bằng một chi tiết thôi: Hiện nay, nếu nói về xe điện thì Trung Quốc có lẽ đã đứng thứ nhất thế giới rồi. Không phải tự nhiên mà họ đứng thứ nhất thế giới, lý do là hệ thống trạm sạc của Trung Quốc nhiều vô cùng. Không giống Việt Nam mình chỉ có một vài nhà cung cấp đơn vị sạc, bên này có khoảng vài trăm đơn vị cung cấp dịch vụ sạc, bất kỳ chỗ nào chúng tôi đến cũng có trụ sạc.
Chiều hôm nay (25/10), quãng đường chúng tôi di chuyển khoảng 280km gần như không có nhà ở nhưng thị trấn này vẫn đủ chỗ sạc, cả 4 xe đều đang cắm sạc. Tức là nó chưa bao giờ thiếu cả.
Cái vướng ở chỗ khác. Chúng tôi là người nước ngoài nên không thể trực tiếp thanh toán tiền sạc pin được. Vì thế, chúng tôi sẽ phải nhờ hướng diễn viên người Trung Quốc thanh toán hộ rồi sau đó chuyển tiền cho họ.
Thứ 2, hầu hết mọi người đều cho rằng là thời tiết ở Trung Quốc lạnh thế này thì xe điện không đi được. Thật ra, thời tiết ở Trung Quốc cực kỳ phù hợp cho xe điện vận hành. Để nói chi tiết thì sẽ quá dài, thực tế tôi chạy ở bên này tầm hoạt động của VF 8 lên đến khoảng 450km/sạc. Vì thời tiết thuận lợi quá, pin mát quá, không cần bật sưởi, cũng không cần phải làm mát, phần năng lượng đáng lẽ phải dưỡng cho bộ pin nay dùng để đi. Vì thế, thực tế đi xe điện ở bên này khỏe hơn ở Việt Nam.
Cho đến nay, đoàn đi được bao nhiêu ngày, quãng đường bao xa, tổng số bao nhiêu lần sạc, chi phí hết bao nhiêu, thưa anh?
Bạch Thành Trung: Câu hỏi này hơi bất ngờ, vì thế tôi không chắc chắn có thể chính xác 100%.
Hôm nay (25/10) là ngày thứ 18 kể từ khi chúng tôi khởi hành từ Hà Nội. Trung bình mỗi ngày đoàn của chúng tôi sạc 2 lần, gồm 1 lần lúc ăn trưa và 1 lần là sạc buổi tối. Tuy nhiên, việc sạc nhiều không phải do xe hết pin, đó là thói quen và tính cẩn thận của chúng tôi, cứ dừng lại ăn trưa là cho xe sạc pin, đây là việc nên làm mà không mất thời gian.
Tính tới thời điểm hiện tại, tôi ước chừng là đoàn đã đi được nửa hành trình, khoảng 6.000 km từ Hà Nội. Đoàn đã đi qua những điểm quan trọng trong hành trình. Bắt đầu nhập cảnh Trung Quốc, chúng tôi đến Phổ Nhĩ, sau đó đi đến Đại Lý, Lệ Giang. Vào đất Tây Tạng, chúng tôi đến thủ phủ Tây Tạng là Lhasa, từ Lhasa đến thành phố lớn thứ hai Tây Tạng là Shigatse, sau đó đến Trại nền căn cứ Everest (Everest Base Camp - PV). Sau đó, chúng tôi quay trở lại Shigatse, từ đây lên phía Bắc, đến Dương Hồ, hồ Namtso là 2 “thánh” hồ của Tây Tạng.
Trải qua tất cả những chặng vừa rồi, đoàn chúng tôi đã đi khoảng 1.500km trên cung đường 318 và một cung đường 109, hôm nay đang ở cuối cung đường 109 này. Đây là cung đường nổi tiếng, vì 90% lương thực, thực phẩm, vật tư, nhiên liệu… dành cho Tây Tạng sẽ phải đi qua cung đường 109 này.
Đây là cung đường mà ngành cầu đường của Trung Quốc làm những con đường mà cả đoàn đi qua ai cũng “ồ à”. Họ không thể làm được cung đường 109 này đẹp hơn vì nền đất quá tệ. Vì thế, hôm qua đến giờ, tôi nghĩ là xe của đoàn hỏng mất một nửa hệ thống phuộc nhún. Không biết sau đây như thế nào nhưng cung đường này có thể nói là cực kỳ tệ.
Chu Hữu Thọ: Tôi muốn bổ sung thêm một vài ý về câu hỏi trước của anh Việt.
Thứ nhất, chúng tôi sử dụng VF 8, nhận thấy những thử thách đối với VF 8 ở khu vực Đông Nam Á quá là nhẹ nhàng rồi. Vì thế, chúng tôi muốn nâng tầm giới hạn thử thách cho VF 8. Đó là lý do chọn cung đường này.
Khi lên kế hoạch, chúng tôi đã lường trước những khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, cả đoàn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt mấu chốt của ô tô điện là vấn đề sạc. Trung Quốc dùng chuẩn sạc GBT và Việt Nam dùng chuẩn sạc CCS2, vì thế chúng tôi cần chuẩn bị bộ chuyển đổi. Dù đã thử nghiệm thành công ở Việt Nam và Lào, chúng tôi chỉ thực sự tự tin khi bộ chuyển đổi này sạc thành công ở Trung Quốc. Đây là yếu tố mấu chốt để hành trình của chúng tôi đi đến hôm nay.
Về chi phí sạc pin, thực tế mỗi lần sạc mỗi khác. Anh Trung nói rằng hạ tầng sạc có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, đi kèm với đó là giá sạc cũng khác nhau.
Bạch Thành Trung: Địa điểm sạc rẻ nhất là ở Phổ Nhĩ, khoảng 1.000 đồng/số điện, đắt nhất là khu vực chúng tôi đang ở. Vì đây là nơi xa xôi, hẻo lánh, phí dịch vụ sạc điện cao lên. Ở Trung Quốc, tiền sạc điện cố định là 0,6-0,7 nhân dân tệ/số điện. Tuy nhiên, phí dịch vụ sạc điện ở các địa điểm ít dân cư sẽ cao hơn nơi trung tâm nhiều người ở. Hiện tại, chúng tôi đang sạc pin với chi phí khoảng 2,7 nhân dân tệ/số điện, tương đương khoảng 10.000 đồng. Như vậy, chỗ rẻ nhất đến chỗ đắt nhất chênh nhau 10 lần.
Thêm một thông tin rất lý thú mà tôi tin là các bạn khán giả rất quan tâm. Đoàn chúng tôi là đoàn xe điện đầu tiên nhập cảnh vào Trung Quốc, vì thế hải quan ở đây chưa có gì để tham chiếu, họ không biết phải điền cái gì vào hồ sơ nhập cảnh.
Nhiều người trên mạng xã hội nói rằng “Những người tham gia hành trình này chẳng qua để quảng cáo cho VinFast thôi”. Các anh sẽ nói gì với những người đang có suy nghĩ đó?
Chu Hữu Thọ: Trăm hoa đua nở cũng như là xã hội có người nọ người kia. Quan điểm của chúng tôi là họ cần biết rằng hành trình này do chúng tôi xây dựng lên, do hội VinFast VF 8 Miền Bắc tự tổ chức. Chúng tôi gồm những thành viên đủ đam mê, đủ nhiều yếu tố khác nữa và cả kinh phí. Chúng tôi xây dựng nên chương trình và triển khai thực hiện dựa trên mong muốn của chính các thành viên trong đoàn: Muốn khám phá, chinh phục.
Đầu tiên, như tôi đã nói, chúng tôi muốn nâng tầm giới hạn của xe VF 8 bằng những thử thách lớn hơn. Thứ hai, chúng tôi muốn khám phá những cảnh sắc tuyệt vời của Trung Quốc. Các bạn có thể theo dõi những hình ảnh trên mạng xã hội và trên kênh YouTube AutoBikes trong những ngày qua. Quả thực rất là tuyệt vời.
Bạch Thành Trung: Dù không thể tiết lộ chi phí chính xác 100% của chuyến đi này, nhưng tôi có thể nói rằng con số lên đến vài tỷ đồng. Vì thế, nếu như tất cả mọi thành viên trong đoàn đều bỏ tiền túi ra thì sẽ có một số người không đi được.
Về công tác chuẩn bị, chúng tôi có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Vậy tại sao chúng ta không trợ giúp nhau hay đi tìm những sự trợ giúp từ người khác. Mọi người có thể thấy những bức hình đoàn xe của chúng tôi đã đăng trên trên mạng, chúng tôi có khoảng 10 logo của các nhà tài trợ khác nhau. Tất cả những nhà tài trợ đó đều đóng góp một phần rất lớn trong việc hỗ trợ chúng tôi trước hành trình, gồm những nhà tài trợ họ chỉ đóng góp kinh phí đến những nhà tài trợ họ đóng góp về công năng hay sản phẩm.
Một hãng lốp vừa tài trợ tiền cho đoàn, vừa tài trợ lốp. Một đơn vị khác chuyên các vấn đề về lốp tài trợ phần xử lý keo chống đinh, là việc cực kỳ quan trọng để đi đường dài. Một hãng điện tử cung cấp sản phẩm để chúng tôi quay phim, chụp hình, rồi sạc pin cho các thiết bị khác.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là một chuyến đi rất khó về chi phí lẫn con người. Chúng tôi có con người nhưng tiền không có nhiều, các sản phẩm kể trên chúng tôi không có. Vì thế, nếu có một đơn vị nào đó hỗ trợ và giúp đỡ đều đáng quý, đáng cảm ơn.
Tôi không hiểu vì sao có nhiều người trên mạng lại dè bỉu điều đó, rất vớ vẩn. Cả đời họ sống không bao giờ họ cần ai giúp đỡ à. Cho nên là… kệ họ. (cười)
Cảm ơn hai anh về những chia sẻ này.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng