Trên tay Asus Zenfone Max Plus: Màn hình 18:9 thời thượng, camera kép cùng góc chụp siêu rộng, hiệu năng ổn định, RAM 3GB và pin "khủng" 4130 mAh
Có thể nói, Zenfone Max Plus là một sản phẩm tầm trung với rất nhiều thay đổi, cải tiến đáng chú ý đến từ Asus.
Zenfone Max Plus (M1) là chiếc smartphone mới nhất trong phân khúc tầm trung của Asus và cũng là thiết bị mở màn cho dòng sản phẩm Zenfone Max mới của hãng. Đi kèm với máy là bộ sạc chính hãng, que chọc sim, tai nghe, ốp lưng silicon trong suốt cùng sách hướng dẫn.
Thiết kế
Mặc dù vẫn sở hữu thiết kế tương đối quen thuộc và đặc trưng của dòng Zenfone nhưng Zenfone Max Plus lại có phần cao cấp và bắt mắt hơn nhờ khuôn máy dài với màn hình tỉ lệ 18:9 cùng xu hướng viền siêu mỏng đang rất thịnh hành ở thời điểm hiện tại. Điểm khác biệt này chính là lý do vì sao Asus quyết định sẽ tách M1 thành một dòng Zenfone Max mới thay vì tiếp tục đánh số theo thế hệ như Zenfone 3, 4 như trước đây.
Dù là một thiết bị tầm trung nhưng M1 cũng đã gia nhập xu hướng màn hình dài đang được người dùng đón nhận tích cực.
Thiết kế nhỏ gọn, siêu mỏng cùng các góc máy được bo tròn tinh tế khiến cảm giác cầm nắm chắc tay, dễ sử dụng và tạo sự thoải mái cho người dùng. Giống như các sản phẩm tiền nhiệm, ở phần trên mặt trước của M1 vẫn là loa thoại, camera trước cùng cảm biến khuôn mặt. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ Asus đã tích hợp trực tiếp nút Home cũng như các phím điều hướng vào màn hình nhằm tối đa hóa kích thước thực của màn hình. Đây cũng là một trong những xu hướng mà các nhà sản xuất smartphone đang tích cực khai thác.
Nút Home và các phím điều hướng được tích hợp thẳng vào màn hình.
Ở phía sườn máy bên phải là phím nguồn cùng thanh tăng giảm âm lượng được thiết kế khá nảy và êm, rất vừa tầm bấm với ngón tay của người dùng.
Ở phía đối diện, Asus đã khéo léo tích hợp hai sim cùng thẻ nhớ micro SD vào một khay sim duy nhất.
Mặt lưng của M1 được thiết kế hoàn toàn bằng kim loại và khá giống với Zenfone Max 4 Pro. Điểm nhấn của chiếc smartphone này chính là cụm camera kép thời thượng hơi lồi lên một chút so với lớp vỏ, cùng dải ăng-ten chạy ngang khá đơn giản, bắt mắt. Không còn phím Home vật lý, Asus đã đưa cảm biến vân tay ra sau máy với vị trí khá thuận tiện để người dùng có thể dễ dàng sử dụng. Điểm trừ duy nhất của M1 chính là mặt lưng khá bám vân tay chỉ sau một thời gian ngắn cầm nắm. Tuy nhiên, vấn đề này có thể dễ dàng được khắc phục nhờ ốp lưng silicon đi kèm với máy.
Mặt lưng của M1 được thiết kế bằng kim loại và khá đơn giản với camera kép cùng cảm biến vân tay quen thuộc.
Màn hình
Zenfone Max Plus sở hữu màn hình 5.7 inch cùng độ phân giải Full HD (2160 x 1080) giúp chất lượng hiển thị rất sắc nét cùng màu sắc khá chân thực. Như đã nói ở trên, M1 là chiếc smartphone đầu tiên của Asus đi theo xu hướng tỉ lệ màn hình 18:9 mang lại lại diện tích hiển thị lớn hơn (chiếm đến 85% mặt trước của máy). Điều này giúp cho M1 dù sở hữu màn hình “khủng” nhưng cũng chỉ có kích thước nhỏ gọn như một chiếc smartphone 5.2 inch.
M1 là một trong những smartphone tầm trung đầu tiên của Asus đi theo xu hướng viền màn hình siêu mỏng.
Bên cạnh đó, Asus cũng rất biết cách tận dụng lợi thế của khuôn máy dài khi trang bị cho M1 kiểu thiết kế viền màn hình siêu mỏng. Tuy nhiên, có thể thấy chỉ có hai viền ở hai bên máy là được tối giản hóa trong khi phần viền trên và dưới vẫn còn khá dày vì phải để thừa diện tích cho loa thoại cũng như camera trước.
Ngoài ra, Asus còn trang bị cả tính năng “Lọc ánh sáng xanh” cho M1 nhằm bảo vệ mắt của người dùng khi sử dụng thiết bị vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Tính năng này đã và đang trở nên phổ biến hơn trên các dòng máy tầm trung cũng như nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía người dùng.
Camera
Có thể nói, một trong những tính năng đắt giá nhất mà Asus đã trang bị cho “siêu phẩm” tầm trung của mình chính là hệ thống camera kép sau thời thượng. Cụm camera này bao gồm một camera chính 16MP với khẩu độ f/2.0 cùng công nghệ lấy nét theo pha PDAF và một camera 8MP, khẩu độ f/2.2 có khả năng chụp ảnh góc rộng lên đến 120 độ. Người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi linh hoạt giữa hai loại máy ảnh này ngay trên giao diện chính của camera. Bên cạnh đó, M1 cũng cung cấp rất nhiều chế độ chụp như HDR, Pano, ảnh động hay làm đẹp cùng hàng loạt bộ lọc độc đáo để đáp ứng nhu cầu “sống ảo” đa dạng của người dùng.
Camera kép là một điểm nhấn đáng chú ý trên Zenfone Max Plus.
Trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, camera chính của M1 có tốc độ chụp và lưu ảnh tương đối nhanh cùng chất lượng hình ảnh khá rõ nét, chi tiết, thậm chí còn có một sự xóa phông “nhẹ” đủ tinh tế để làm nổi bật đối tượng chính của bức ảnh, dù đây không phải tính năng mà Asus tập trung phát triển cho hệ cụm camera của máy.
Còn đối với chế độ chụp ảnh góc rộng, M1 làm khá tốt khi có thể thu vào ống kính rất nhiều chi tiết, cảnh vật xung quanh so với máy ảnh chính. Tuy nhiên, do cảm biến camera phụ chỉ là 8MP cộng với việc phải chụp ảnh góc cực rộng, độ chi tiết của hình ảnh có phần không đều khiến ảnh không thực sự sắc nét. Trong những môi trường ít sáng hơn, màu sắc ảnh chụp có phần bị ám vàng, độ tương phản cũng giảm đi đáng kể và bắt đầu xuất hiện hiện tượng nhiễu ảnh tại các mảng màu tối.
*Một số hình ảnh so sánh giữa hai chế độ tại cùng một góc chụp:
Chế độ chụp góc rộng (ảnh dưới) có thể bao quát cảnh vật xung quanh hơn.
Tuy nhiên, màu sắc của ảnh góc rộng lại có phần ảm đạm hơn.
Tuy nhiên, với một chiếc smartphone có mức giá chưa đến 6 triệu đồng như Zenfone Max Plus thì hệ thống camera kép này là một tính năng đáng khen ngợi và đủ sức thu hút những người tiêu dùng không quá khắt khe trong tác vụ quay phim, chụp ảnh. Bên cạnh đó, camera trước cảm biến 8MP, khẩu độ f/2.0 cùng chế độ làm đẹp với nhiều tính năng độc đáo dù không thực sự quá xuất sắc nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của các tín đồ “sống ảo”.
Cấu hình và hiệu năng
Dù không phải là một thiết bị quá tập trung vào phần cứng nhưng M1 vẫn sở hữu cấu hình tương đối mạnh mẽ với chip Mediatek 6750T 8 nhân, xung nhịp 1.5GHz, chip đồ họa Mali T860, 3GB RAM, bộ nhớ trong 32GB (có hỗ trợ thẻ nhớ micro SD) và đặc biệt là lượng pin cực “khủng” lên đến 4130 mAh.
Đối với các tác vụ cơ bản như lướt web, nghe nhạc, xem phim hay sử dụng mạng xã hội, M1 đều có thể mang lại những trải nghiệm mượt mà nhất. Lượng RAM lớn cũng mang lại lợi thế cho M1 khi sử dụng đa nhiệm và chạy chế độ hai màn hình của Android. Bên cạnh đó, các tác vụ nặng hơn như chơi game cũng không gây nhiều khó khăn cho siêu phẩm tầm trung của Asus. Chiếc smartphone này có thể chạy tốt từ những tựa game cơ bản như Fruit Ninja hay Angry Bird cho đến những tựa game yêu cầu cấu hình cao hơn như Liên quân Mobile hay Asphalt 8. Hiện tượng giật lag rất hiếm xảy ra trong quá trình chơi game trên M1 ngoại trừ những khi phải xử lý quá nhiều chuyển động hình ảnh một lúc. Nhìn chung, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm trải nghiệm các tựa game yêu thích trên chiếc điện thoại này.
M1 có thể "chiến" tốt hầu hết những tựa game phổ biến nhất hiện nay.
Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý nhất trong cấu hình phần cứng của M1 lại đến từ viên pin ấn tượng với dung lượng 4130 mAh - hoàn toàn vượt trội so với rất nhiều thiết bị cao cấp đang có mặt trên thị trường hiện nay. Lượng pin lớn cho phép ngay cả những người dùng có sở thích “sát phần cứng” như chơi game cũng có thể thoải mái sử dụng liên tục trong nhiều giờ liền. Còn nếu chỉ thực hiện các tác vụ đơn giản hơn thì M1 hoàn toàn trụ được đến hơn một ngày mà không cần phải sạc máy.
Bên cạnh đó, Asus còn trang bị cho “đứa con cưng” của mình trình quản lý pin Power Master với rất nhiều tính năng hữu ích như hiển thị mức độ sử dụng pin cho các tác vụ nhất định, kiểm tra nhiệt độ máy hay giải phóng RAM nhằm tăng tốc độ thiết bị. Với 5 chế độ tiết kiệm, Power Master có thể giúp kéo dài tuổi thọ cũng như bảo vệ pin an toàn với quy trình 12 bước.
Phần mềm
Về mặt phần mềm, M1 được cài đặt sẵn phiên bản ZenUI 4.0 dựa trên nền tảng hệ điều hành Android 7.0 (dự kiến sẽ được nâng cấp lên Android 8.0 trong thời gian tới). Giao diện của M1 cũng rất dễ chịu, thân thiện với người dùng do số lượng các ứng dụng được cài đặt mặc định trên máy khá ít và dễ quản lý hơn so với nhiều smartphone khác.
Các phương thức bảo mật trên M1 rất đa dạng.
Bên cạnh đó, Asus còn rất chú trọng đến vấn đề quyền riêng tư và an toàn của người dùng khi cung cấp rất nhiều tính năng bảo mật bao gồm mật khẩu, cảm biến vân tay và đặc biệt là nhận diện khuôn mặt. Trong đó, khả năng quét mặt của M1 hoạt động khá nhạy và ổn định trong môi trường đầy đủ ánh sáng. Người dùng thường chỉ cần nhìn vào màn hình một lần duy nhất là đã có thể mở khóa dễ dàng.
Ngoài ra, chế độ trẻ em cũng là một điểm cộng dành cho siêu phẩm tầm trung của Asus trong bối cảnh trẻ nhỏ được tiếp xúc với công nghệ ngày càng sớm như hiện nay. Theo đó, các bậc phụ huynh có thể thiết lập mã PIN cho một không gian riêng dành cho trẻ và lựa chọn những ứng dụng mà trẻ có thể sử dụng cũng như cài đặt các cuộc gọi (như giới hạn số thuê bao có thể gọi, chặn số gọi đến) khi điện thoại đang ở trong chế độ này.
"Chế độ trẻ em" cho phép phụ huynh quản lý quá trình sử dụng điện thoại của con em mình.
Nhìn chung, Asus Zenfone Max Plus là một sản phẩm rất chất lượng và đáng "đồng tiền bát gạo" trong phân khúc tầm trung khi sở hữu rất nhiều ưu điểm như thiết kế tinh tế, camera thời thượng, hiệu năng ổn định với lượng pin ấn tượng. Chiếc smartphone này hoàn toàn có thể đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản của người dùng và chắc chắn là một lựa chọn thú vị không thể bỏ qua trong tầm giá 6 triệu đồng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng