Trên tay máy ảnh Canon R50: Nhỏ gọn và thân thiện với người mới học chụp
(Tổ Quốc) - Đây có thể coi là phiên bản thay thế cho chiếc Canon M50, dành cho các bạn đang trong quá trình tìm hiểu nhiếp ảnh và Vlogger.
Một trong những dòng máy ảnh với cảm biến APS-C mà tôi thích nhất từ Canon là M50 với thiết kế nhỏ và cách sử dụng dễ dàng, không cần phải làm quen nhiều. Nhưng không sớm thì muộn, ngàm Canon M-mount cũng đã phải biến mất để ‘nhường đường’ cho ngàm R-mount lớn hơn, hỗ trợ được cả cảm biến Full-frame.
Mới đây, Canon đã ra mắt Canon R50 - có thể coi là sự trở lại của M50 với ngàm R-mount mới, với nhiều điểm tương đồng về thiết kế cũng như tính năng.
Điểm ‘hay’ nhất của M50, và giờ là R50 đó là kích thước nhỏ nhắn để không chiếm nhiều diện tích trong túi, cầm cũng bớt vướng víu. Sử dụng một ngàm ống kính với kích thước lớn hơn nhưng R50 vẫn khá gọn, khi sử dụng với ống kính nhỏ sẽ gần như cầm lọt trong lòng bàn tay.
Máy được xây dựng xung quanh cảm biến APS-C 24,2MP với dải ISO 100 - 51200 và bộ xử lý hình ảnh DIGIC X.
Là một dòng máy nhỏ gọn nên việc máy có báng cầm mỏng, không nhô ra nhiều cũng là điều đương nhiên mà thôi. Được thiết kế hợp lý cộng với trọng lượng nhẹ của máy thì vẫn cho cảm giác cầm thoải mái, chỉ là không ‘đầy tay’ thôi.
Các nút điều khiển cạnh trên được đặt hết sang cạnh phải, bao gồm nút chụp, chỉnh ISO, nút quay, bánh răng chỉnh thông số và vòng chỉnh chế độ.
Cạnh phải máy có USB Type-C và micro HDMI.
Cạnh còn lại sẽ có thêm cổng microphone.
Máy sử dụng pin LP-E17 là một viên pin cỡ nhỏ của Canon nên cũng không có thời lượng sử dụng lâu, theo công bố thì khoảng 310 - 440 ảnh. Các máy ảnh thế hệ mới trong đó có R50 cũng đã hỗ trợ sạc qua cổng USB Type-C nên việc sạc lại máy cũng trở nên đơn giản hơn.
Đến với mặt sau của máy, ta có một ống ngắm điện tử OLED 2.36 triệu điểm ảnh.
Cũng giống như bánh cầm, phần đặt tay ở mặt sau của máy cũng có kích thước nhỏ nên những bạn có bàn tay lớn nên cân nhắc. Điểm đáng tiếc là ở mặt này Canon không tích hợp thêm một vòng xoay nữa, nên vòng xoay chỉnh thông số duy nhất là chiếc nằm ở cạnh trên.
Có lẽ cách sử dụng thuận tiện hơn là chỉnh thông số trên màn hình cảm ứng 3 inch.
Cũng giống với các sản phẩm khác của Canon, màn hình của R50 có thể xoay đa hướng để chụp những góc khó, và lật hẳn ra ngoài để chụp selfie và quay Vlog. Máy cầm nhẹ nên khi cầm ngược như thế này cũng sẽ cảm thấy ‘tự nhiên’ so với những máy to nặng hơn.
Điểm hay của những dòng máy APS-C từ Canon là có những màn hình hướng dẫn người dùng chụp ảnh, cùng các filter màu để chỉnh sửa ảnh thay cho bước hậu kỳ trên máy tính. Giao diện sử dụng của R50 nhìn chung là cũng dễ dùng, mặc dù đã lâu không sử dụng máy ảnh của Canon nhưng tôi không cần mất nhiều thời gian để làm quen.
Máy sử dụng hệ thống lấy nét Dual Pixel AF II với 651 vùng lấy nét, cùng tính năng lấy nét thông minh tùy theo vật thể bao gồm con người, động vật và xe cộ.
Máy có thể quay video với độ phân giải cao nhất là 4K30p, tuy vậy những bạn sử dụng dòng máy này để quay video cũng cần lưu ý là máy không có chống rung cảm biến nên cần sử dụng với những ống kính có chống rung.
Lý do Canon chuyển đổi từ ngàm M-mount tới R-mount đó là để hỗ trợ được cả cảm biến APS-C và Full-frame. Điều này đồng nghĩa với việc R50 cũng có thể sử dụng với cả ống kính Full-frame như RF 24-50mm f/4.5-6.3 IS STM.
Ống kính này có tích hợp chống rung, cùng động cơ lấy nét yên lặng STM nhưng tiêu cự sẽ phù hợp với máy ảnh Full-frame hơn là APS-C như R50. Ống kính kit dành cho những máy APS-C sẽ là chiếc RF-S 18-45mm f/4.5-6.3 IS STM.
Một vài ảnh chụp từ Canon R50:
Bộ kit Canon R50 và RF-S18-45MM F/4.5-6.3 IS STM có giá bán là 24.2 triệu Đồng.
Sản phẩm được cung cấp bởi Lê Bảo Minh
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng