Trên tay "một lần nữa thôi" BlackBerry 8700: Biểu tượng cho sự huy hoàng biết bao người hoài niệm
Thời sinh viên của tôi là đây.
Với việc là một người đam mê công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực di động, không khó để nhận ra việc tôi sở hữu rất nhiều điện thoại. Nhiều hơn những gì mà nhu cầu của tôi cần. Đôi lúc mẹ tôi phàn nàn rằng: "Sao con nhiều điện thoại thế, không dùng thì sao không bán bớt đi cho gọn nhà". Mẹ tôi cũng có phần đúng, khi bên cạnh hai chiếc máy chính của tôi, thì những chiếc điện thoại còn lại đều nằm trong tủ, có lúc phải vài tháng mới bật lên một lần.
Vừa rồi, tôi có đọc được tin cho biết BlackBerry sẽ chính thức ngừng việc sản xuất các thiết bị di động, thay vào đó, TCL sẽ nắm giữ nhiệm vụ này. Tin này khiến tôi cảm thấy lặng người đi. BlackBerry suy yếu là điều mà chúng ta đã nghe nhiều, nhưng "chết vinh còn hơn sống nhục", tôi không nghĩ một ngày hãng lại có thể rút lui hoàn toàn trong mảng thiết kế phần cứng, và lại phải giao "thân xác" sản phẩm của mình cho một đối tác khác đến từ Trung Quốc.
Để hồi tưởng lại quá khứ huy hoàng của "Dâu đen", tôi đã quyết định lục tủ và gửi đến các bạn bài viết này - đó là những đánh giá, mà đúng hơn là những tản mạn về chiếc BlackBerry 8700 - chiếc điện thoại đã gắn bó với cuộc đời sinh viên của tôi.
Chiếc BlackBerry 8700 này được tôi mua hồi năm 2011 với giá khoảng 400,000đ. Vào thời điểm đó, tôi vẫn là một cậu sinh viên quèn với biết bao nỗi lo về cơm áo, gạo tiền. Điều kiện tài chính hạn hẹp, thế nên sở hữu một chiếc smartphone đối với tôi hồi đó vẫn là một giấc mơ.
Thế rồi một ngày chiếc điện thoại "cục gạch" của tôi tự dưng lăn đùng ra hỏng. Nhưng, trong cái rủi lại có cái may. Đó là ngày tôi đánh mất đi người bạn tri kỷ suốt bao năm qua của mình, nhưng cũng là ngày mà tôi tìm được tình yêu mới, BlackBerry.
Vào cái ngày mà tôi sở hữu chiếc BlackBerry 8700, tôi vẫn không thể tin vào mắt mình. 400,000đ cho một chiếc smartphone. Bốn-trăm-nghìn. Tôi từng nghĩ rằng smartphone là một thứ cao siêu, đắt đỏ lắm mà chỉ người có thu nhập mới có thể sở hữu. Ấy thế mà tôi đã nhầm.
Mặc dù smartphone trong những năm vừa qua đã có nhiều bước cải tiến về thiết kế: Chúng mỏng hơn, nhẹ hơn, được làm bằng các vật liệu cao cấp hơn - nhưng tôi vẫn thấy chiếc BlackBerry 8700 là một chiếc điện thoại đẹp, mặc dù nó được làm bằng nhựa và dày đến gần 20mm.
Thật sự thì tôi cũng chẳng biết mô tả vẻ đẹp của nó bằng từ gì nữa. Trong khi mặt trước của BlackBerry 8700 tỏ rõ vẻ kiêu sa với viền mạ quanh màn hình sáng bóng, đi kèm với bàn phím QWERTY đầy "nghiêm túc", thì ở mặt sau, nó lại có những nét "nổi loạn, hầm hố" nhờ vào loa ngoài hình quả trám lồi lên, kèm theo những đường vát ở mặt lưng.
Trái lại với mặt trước nghiêm nghị nhờ bàn phím QWERTY và kiêu sa nhờ viền mạ chrome xung quanh màn hình...
Thì ở đằng sau, đó là một vẻ cá tính và đột phá
BlackBerry 8700 có độ dày 19.5mm, dày gấp 3 lần (ôi!) so với iPhone 6
Biết nói sao nhỉ, thiết kế của BlackBerry 8700 cũng như tính cách của mọi cậu sinh viên hồi đó vậy. Có những lúc nghiêm túc, căng thẳng lúc học hành, thi cử. Nhưng sau đó, lại là những phút giây tinh nghịch, những trò đùa tinh quái của tuổi mới lớn. Và cái thiết kế "nửa học, nửa chơi" ấy có lẽ chính là điều mà tôi yêu ở 8700.
BlackBerry 8700 không sở hữu màn hình cảm ứng hay các phím điều hướng. Thay vào đó, mọi thao tác của máy đều được thực hiện thông qua một con lăn ở cạnh bên, được gọi là Trackwheel. Do trackwheel được sử dụng liên tục, nó cũng là thành phần dễ bị hỏng nhất của 8700. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải tháo máy ra vệ sinh và xịt RP7. Nhắc đến đó, tôi lại nhớ đến kỷ niệm "đáng đời" hồi còn "gà": Vì muốn vệ sinh trackwheel mà lại lười tháo, tôi đã "lỡ tay" xịt luôn RP7 vào màn hình, để lại vết thâm vĩnh viễn trên đó. Kết quả là tôi đã phải nhịn ăn một bữa để đi thay, mất 100 nghìn.
Trackwheel và nút thoát
Thời gian gần đây, người dùng liên tục phàn nàn về việc iPhone 7 không sở hữu jack cắm tai nghe 3.5mm và họ buộc phải dùng tai nghe chuẩn Lightning. Ít ai biết rằng, tình trạng tương tự từng xảy ra cách đây 12 năm, vào thời của 8700. Mặc cho sự phổ biến của chuẩn 3.5mm trên những chiếc máy nghe nhạc, đa số các nhà sản xuất thời đó lại sử dụng chuẩn 2.5mm riêng, trong đó có BlackBerry. Nhưng do bộ nhớ ít ỏi của 8700 không cho phép tôi tận hưởng âm nhạc bằng chiếc máy này, vậy nên tôi cũng không bao giờ phải nghĩ đến chuyện đầu tư tai nghe riêng.
Cạnh trái của máy là jack headphone 2.5mm, cổng miniUSB và nút "Convinience Key" nhằm khởi động nhanh ứng dụng
Hồi mua máy, chiếc 8700 này nguyên bản có màu bạc và logo của nhà mạng Vodafone dưới màn hình. Chiếc máy này thường được gọi là 8700v. Thế nhưng giờ đây, máy lại khoác trên mình lớp vỏ xanh đậm của 8700g và logo T-Mobile. Những chiếc máy "hồn một nơi, da một nẻo" như của tôi thường được giới BB gọi là "Liên hợp quốc", do mỗi thành phần lại thuộc về một nhà mạng khác nhau.
Chiếc BlackBerry của tôi là 8700v của nhà mạng Vodafone. Máy nguyên bản có màu bạc nhưng tôi đã thay vỏ sang 8700g màu xanh
Đây chính là điểm mà những cậu sinh viên tò mò, thích "ngó ngoáy" như tôi thời đó thích ở những chiếc BlackBerry - vì mỗi một chiếc máy như tập hợp của những mảnh ghép Lego vậy. Điều này trái ngược hoàn toàn với smartphone thời nay, khi mà chúng được thiết kế để người dùng ngày càng khó tiếp cận vào bên trong, và kết quả là chúng ta chỉ biết "có sao, dùng vậy". Sự độc đáo, phá cách cũng vì thế mà ngày càng mai một.
Dùng 8700 mà không chọc tem để độ máy thì hơi phí...
Có thể dễ dàng tháo tung 8700 thành từng phần nhỏ như thế này chỉ sau 2 phút. Trong khi đó với các mẫu smartphone bây giờ, chúng ta phải mất cả chục phút, thậm chí là không thể tự mình làm được.
Vì cá nhân là một người thích vẻ đẹp nguyên bản, vả lại sinh viên điều kiện cũng thiếu thốn, nên chiếc BlackBerry 8700 của tôi mặc dù mang tiếng "liên hợp quốc" nhưng thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt đâu! Thay vỏ là chuyện quá đỗi bình thường, rất nhiều anh em ngoài kia còn bỏ công, bỏ sức, bỏ của cho việc sơn vỏ riêng, thay phím, mua nắp lưng gù, độ pin, rồi độ cả đèn LED nữa cơ! Theo tôi, đây mới là những tay chơi BB "thứ thiệt".
Từ việc đơn giản như thay thế nắp lưng gù...
Cho đến kỳ công sơn lại vỏ cho máy...
Hay thậm chí là cả độ... máy nghe nhạc MP3 vì 8700 không hỗ trợ nghe nhạc
Đã nói đến BlackBerry thì không thể không nói đến bàn phím vật lý. Đầu tiên, tôi định mua chiếc Pearl 8100 vì kiểu dáng thon gọn, dễ bỏ túi quần hơn và nhìn không "dị" như 8700. Nhưng rồi ở cửa hàng, khi được chạm vào bàn phím của 8700, tôi quyết định lựa chọn nó chứ không phải là 8100. Và đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng quyết định đó là rất chuẩn xác.
Bàn phím QWERTY của 8700
Bàn phím QWERTY của BlackBerry 8700 được thiết kế hết sức khoa học, cân đối, và quan trọng nhất là cho cảm giác bấm rõ ràng "phím nào ra phím đấy". Đây là điều mà những chiếc máy như 8100 với thiết kế bàn phím SureType "chung một dòng sông" không bao giờ có thể đạt được.
Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà ông Obama lại sử dụng BlackBerry 8700 làm thiết bị "chinh chiến" trong suốt những năm chạy đua vào Nhà Trắng. Bàn phím QWERTY của máy quả thật là một "trợ thủ đắc lực" giúp ông giải quyết công việc, trong đó bao gồm trả lời email, tin nhắn và ghi chú. Nhưng khi nhìn sang nửa bán cầu bên kia, thì cũng chính bàn phím ấy cũng đã là thứ "vũ khí hiệu quả" giúp biết bao cậu sinh viên nhắn tin cho bạn gái hàng đêm. Kết hợp với khả năng gán phím tắt (shortcut) mạnh mẽ, BlackBerry xứng đáng danh hiệu ông vua của dòng máy QWERTY.
Đây được đánh giá là một trong những bàn phím vật lý tốt nhất
Vào thời ấy để mua một chiếc điện thoại đơn giản lắm. Chỉ cần thấy ưng mắt, đủ tính năng, hợp túi tiền là mua, chứ đâu cần phải so đo cấu hình, hiệu năng như bây giờ đâu. Thế nên mang tiếng dùng máy mấy năm, phải đến bây giờ, khi làm bài viết này tôi mới Google để biết về cấu hình của nó.
Cấu hình chi tiết BlackBerry 8700:
- CPU: Intel PXA901 312 MHz
- RAM: 16MB
- Bộ nhớ trong: 64MB, không hỗ trợ thẻ nhớ
- Màn hình: 2.6 inch, 65.000 màu, độ phân giải 320x240
- Camera chính: Không có
- Camera phụ: Không có nốt
- Pin: 1100mAh
- Kết nối: EDGE, Bluetooth
Đến đây bạn sẽ tự hỏi: "Liệu khi mang trong mình thứ công nghệ từ 12 năm trước, BlackBerry 8700 còn có thể làm được gì trong kỷ nguyên của iPhone, Android cảm ứng?" Nhiều hơn bạn nghĩ đấy!
Thoải mái lướt GenK bằng trình duyệt Opera Mini
BB OS không có app Facebook ư? Chả sao cả, Opera Mini "cân" hết!
Ghi chú với bàn phím QWERTY của BlackBerry 8700 chắc chắn là sở trường rồi!
Tương tự như vậy với Email. Phong cách đơn giản là trên hết, nhiều tính năng để làm gì khi tất cả những gì chúng ta cần là ô người gửi, người nhận và tiêu đề thư?
Lịch? Chuyện nhỏ!
Tính toán chuyên nghiệp chẳng kém gì iPhone
Bộ nhớ ít nên không nghe được MP3, cơ mà nghe nhạc chuông cũng có hay kém gì đâu?
Doanh nhân đâu phải lúc nào cũng chỉ có công việc! Sau những giây phút căng thẳng, họ có thể giải trí cùng BrickBreaker - tựa game có đồ họa ảo diệu và cũng là kẻ thù của TrackWheel.
Mặc dù màn hình iPhone có số lượng màu gấp gần 250 lần so với BlackBerry 8700 (16 triệu màu vs. 65000 màu), nhưng chất lượng hình ảnh trông cũng được đấy chứ!
BlackBerry 8700 cũng hỗ trợ Bluetooth đấy nha, không kém cạnh gì đâu. Mỗi tội không hỗ trợ Apple Watch.
Nói đùa vậy thôi, chứ rõ ràng tại thời điểm năm 2016, giá trị sử dụng của BlackBerry 8700 đã không còn nhiều. Nghe, gọi thì cực kỳ tốt vì rung mạnh, chuông to, sóng khỏe, nhưng chỉ nhắn tin thôi thì 8700 cũng tỏ ra đuối sức rồi, do nó không hỗ trợ tiếng Việt Unicode. Các tính năng về Internet cũng bị hạn chế, không chỉ bởi phần cứng và phần mềm đã quá lỗi thời, mà còn là do máy không hỗ trợ 3G và Wi-Fi.
Nhưng, hãy thử nghĩ xem, 12 năm trước đã có một chiếc điện thoại có thể đảm nhiệm được nhiều tính năng chẳng kém gì iPhone, thì bạn có thấy sốc không? Đặc biệt khi biết được rằng, BlackBery 8700 có giá chỉ vài trăm ngàn, ngang một chiếc máy "cục gạch".
Số tiền tuy nhỏ, nhưng giá trị đem lại của 8700 là quá lớn. 8700 và Google Maps đã giúp tôi tìm đường về nhà mỗi khi lạc lõng trên những con phố cổ Hà Nội. Trước những bài kiểm tra khó khăn, 8700 và Opera Mini được coi là "phao cứu sinh" giúp tôi sống sót không biết bao lần. Đời sống sinh viên khó khăn, 8700 cũng giúp tôi tiết kiệm một khoản tiền kha khá, vì tiền SMS cũng được thu gọn thông qua việc sử dụng Beejive IM thay thế.
Thay vì mua một chiếc điện thoại "cục gạch", tôi đã lựa chọn BlackBerry 8700. Và tôi tự nhận thấy đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời.
Vào thời điểm hiện nay, khi nói đến BlackBerry, người ta chỉ nghĩ đến những cụm từ như "thất bại", "thua lỗ" hay "phá sản". Nhưng đừng quên rằng, trước thời điểm suy thoái, BlackBerry từng có một thời hoàng kim và là ông vua của thị trường smartphone. Vậy nên, chắc chắn hãng đã từng làm được một điều gì đó đúng.
Đã từng có một thời điểm, người ta sử dụng Internet và máy tính chỉ nhằm mục đích công việc. Khi ngồi xuống một chiếc máy tính, họ sẽ check mail, lướt web, soạn thảo văn bản hay tạo bảng tính. Lúc này, smartphone như một công cụ hỗ trợ để họ có thể tiếp tục công việc của mình khi không mang theo máy tính. Và với bàn phím QWERTY kèm theo bộ phần mềm thông minh, những chiếc BlackBerry đã dễ dàng trở thành sự lựa chọn hàng đầu.
BlackBerry sở hữu đèn LED nháy sáng liên tục để cảnh báo về tình trạng sóng. Chỉ một chi tiết nhỏ thế này thôi cũng đủ nói rằng: Đây là một chiếc điện thoại đậm chất công việc.
Đây cũng chính là lý do mà tôi không bao giờ bán đi chiếc BlackBerry 8700 này. Bên cạnh việc nó gắn liền với bao kỷ niệm vui buồn thời sinh viên, thì tôi coi 8700 như một trong bảy "kỳ quan di động" của thế giới vậy. Nếu như trước những năm 2000, người ta nhớ đến Motorola StarTac hay Nokia 8210 với vai trò đưa điện thoại đến với mọi người, thì 8700 cũng được đánh dấu như thiết bị đại diện cho sự vàng son của BlackBerry, cho thời kỳ mà smartphone chỉ dành cho những con người nghiêm túc.
Nhưng cũng chính vì cái tư tưởng "BlackBerry là điện thoại dành cho doanh nhân" đã ăn sâu vào tiềm thức người dùng và ngay chính bản thân công ty, hãng đã không dám thay đổi vì như vậy chẳng khác nào từ bỏ lượng người dùng trung thành lớn nhất của hãng.
Do đó, BlackBerry đã không thể bắt kịp được xu thế của hàng trăm triệu người dùng không-phải-doanh-nhân ngoài kia, khi họ không coi Internet và smartphone như một công cụ để làm việc. Và thực ra, doanh nhân có là gì đi chăng nữa thì họ vẫn là con người, vẫn có nhu cầu giải trí, kết nối và chia sẻ. Với những yếu tố này, BlackBerry tỏ ra thua thiệt hoàn toàn, và từ đó dần mất đi ưu thế vào tay đối thủ.
Cái mác "điện thoại doanh nhân" tưởng rằng là một lợi thế, nhưng thực chất chính nó đã giết chết BlackBerry.
Thôi, tản mạn thế là đủ rồi. Đã đến lúc quay trở về với thực tại và BlackBerry 8700 cũng vào nơi góc tủ quen thuộc. Kỷ niệm đẹp thì hãy để nó mãi ngủ yên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng