Trí tuệ nhân tạo vẽ tranh đoạt giải nhất: ranh giới của nghệ thuật là đâu?

    Kim, toquoc.vn 

    (Tổ Quốc) - Cộng đồng bất bình khi nghệ sĩ dùng trí tuệ nhân tạo vẽ được tranh đoạt giải. Hiểu thế nào cho đúng về “nghệ thuật” bây giờ?

    Tại triển lãm nghệ thuật bang Colorado dành cho các tác phẩm hội họa, một vụ bê bối đã diễn ra. Theo nhận định của một số người trong và ngoài cuộc, người thiệt thòi là toàn bộ cộng đồng các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật.

    Anh Jason Allen, người giành giải nhất cuộc thi đã kiến tạo tác phẩm của mình theo một cách không ai ngờ. Anh sử dụng phần mềm MidJourney - một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) vẽ tranh theo mô tả của người dùng - để tạo nên tác phẩm đoạt giải. Tuy nhiên, phải nói đỡ cho anh Allen vài điều nữa, khi anh không âm mưu chiếm đoạt giải nhất bằng sự hỗ trợ từ AI.

    Trí tuệ nhân tạo vẽ tranh đoạt giải nhất: ranh giới của nghệ thuật là đâu? - Ảnh 1.

    Bức tranh đoạt giải thưởng của Jason Allen có tên “Théâtre D'opéra Spatial”, tạm dịch là “Không gian Nhà hát Thính phòng”

    Ngay từ khi nộp tác phẩm dự thi, Jason Allen đã nói rõ mình sử dụng công cụ MidJourney để vẽ tranh, bên cạnh đó anh đã bỏ ra nhiều tuần để để hoàn thiện những từ khóa (thuật ngữ gọi là các “prompt”) để máy tính cho ra tác phẩm cuối cùng. Chưa hết, Allen sử dụng cả Photoshop để chỉnh sửa tranh, rồi mới đưa tác phẩm tới cuộc thi.

    Nhưng suy cho cùng, lời lý giải của Jason Allen không thể làm lu mờ sự thật tối thượng: sau khi được ban giám khảo đánh giá một cách kỹ lưỡng, tác phẩm tạo ra bởi một công cụ trí tuệ nhân tạo đã được đánh giá cao hơn mọi bức tranh được tạo ra bằng phương pháp truyền thống.

    Thay vì vẽ tranh bằng cọ hay bằng bảng vẽ kỹ thuật số, Jason Allen sử dụng MidJourney, công cụ AI vẽ tranh theo mô tả của con người đang làm khuấy đảo các cộng đồng yêu nghệ thuật. Một người dùng sẽ nhập vào những từ khóa cụ thể, MidJourney sẽ lục tìm trong số dữ liệu khổng lồ những hình ảnh khớp với từ khóa, rồi thông qua một quy trình phức tạp của logic máy tính, tác phẩm cuối cùng thành hình. Độ phức tạp, hay nói cách khác là các chi tiết trong tranh sẽ phụ thuộc vào số từ khóa được nhập vào.

    Bức tranh đoạt giải thưởng của Jason Allen có tên “Théâtre D'opéra Spatial”, tạm dịch là “Không gian Nhà hát Thính phòng” đẹp tuyệt hảo, và đã giành giải nhất trong hạng mục “tranh kỹ thuật số”. Giống với mọi thành công khác từ cổ chí kim, thành tựu của Jason Allen tạo ra hai làn sóng trái chiều, và trên không gian mạng xã hội, những nhận xét tiêu cực lây lan mạnh như lửa gặp gió lớn.

    Lọc qua vô số những bình luận khiếm nhã, chúng ta có thể rút ra được ý chính của số đông bất bình, và đồng thời tái hiện lo lắng của công chúng khi quy trình tự động hóa đang ngày một hiệu quả.

    Trí tuệ nhân tạo vẽ tranh đoạt giải nhất: ranh giới của nghệ thuật là đâu? - Ảnh 2.

    Dây chuyền sản xuất với robot tự động sẽ giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, tiết kiệm sức lao động nhưng đồng thời đưa công nhân lắp ráp vào cảnh thất nghiệp.

    Việc một công cụ vẽ tranh vô tri giật giải từ tay những nghệ sĩ bằng xương bằng thịt tiếp tục khiến “người trần mắt thịt” hoang mang trước tương lai thất nghiệp. Hơn nữa, tự động hóa không còn đơn giản là những cỗ máy làm những công việc lặp lại nhàm chán, mà giờ đã là những hệ thống trí tuệ nhân tạo giàu dữ liệu mon men tiến tới cảnh giới của “Sáng tác”. Cá nhân đang làm lu mờ ranh giới giữa “người” và “máy” lại không mảy may lúng túng trước búa rìu dư luận.

    Tôi sẽ không xin lỗi đâu”, anh Jason Allen khẳng định chắc nịch khi trả lời phỏng vấn tờ New York Times. “Tôi đã giành giải nhất, và không phá vỡ bất cứ luật lệ nào”. Thật vậy, Allen đã thừa nhận việc sử dụng công cụ hỗ trợ vẽ tranh khi nộp tác phẩm dự thi. Có hai vị giám khảo không hề hay biết MidJourney là công cụ gì, nhưng họ khẳng định vẫn sẽ trao giải cho Jason Allen khi được khai sáng về thứ công cụ mới mẻ.

    Khái niệm đạo đức không nằm tại công nghệ”, anh Allen nói. “Nó nằm tại con người. Việc này sẽ không sớm dừng lại đâu. Nghệ thuật đã chết rồi anh bạn ơi. Thế là hết. AI đã thắng. Con người đã thua”.

    Một số tác phẩm tạo ra bởi công cụ MidJourney.

    Nhận định mang tính công kích của Jason Allen không làm nguôi ngoai những cái đầu nóng đã đang bất bình về quy trình sáng tác nghệ thuật. Nhưng phải hỏi lại, ranh giới của nghệ thuật là đâu, chẳng phải đó là cách cảm thụ của từng cá nhân trước cái đẹp?

    Quyền sáng tác, hay nói cách khác là hành động sáng tạo vốn dĩ thuộc về con người. Chắc chắn việc một cỗ máy tạo ra tác phẩm hội họa đoạt giải thưởng sẽ làm lung lay nhiều khái niệm kinh điển. Một trong những câu hỏi đầu tiên được xướng lên trong tình cảnh này, là liệu có công bằng khi mang công cụ tiên tiến để tranh giải trong cuộc thi giữa người và người?

    Giải đáp cho các vấn đề hóc búa sẽ dần lộ diện theo thời gian, và chúng ta - những người đặt khái niệm cho những sự vật, sự việc quanh mình - sẽ trực tiếp quyết định lối đi đúng đắn cho tương lai, nơi công nghệ đang len lỏi ngày một sâu vào đời sống thường ngày.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày