Nick D'Aloisio cho thấy tầm nhìn và sự quyết đoán của một doanh nhân trẻ
Được hỏi sẽ làm gì với số tiền 30 triệu USD, Nick cho biết cậu chưa có dự định gì cụ thể ngoài việc mua một cái ba lô mới, đơn giản là vì ba lô cũ đã bị rách.
Nick D’Aloisio còn một năm nữa mới tốt nghiệp trung học, nhưng mới đây, trong một thương vụ xếp vào hàng đình đám nhất nhì thế giới, cậu đã bán doanh nghiệp non trẻ của mình cho Yahoo! với giá 30 triệu USD.
Được hỏi sẽ làm gì với số tiền này, Nick cho biết cậu chưa có dự định gì cụ thể ngoài việc mua một cái ba lô mới, đơn giản là vì ba lô cũ đã bị rách.
Nick ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ của một chiếc xe sang được thuê để chở riêng cậu, trong ánh sáng rực rỡ của một buổi tối ngập tràn ánh đèn. Vẫy tay chào những người ra tiễn, Nick không nghĩ mình sẽ đón hào quang của giới kinh doanh và thành đạt ở ngưỡng tuổi quá sớm như thế này.
Cậu đã gặp ngôi sao điện ảnh và cũng là nhà đầu tư hàng đầu Ashton Kutcher ở Los Angeles, gặp nhà thiết kế danh tiếng thế giới Jonathan Ive tại trụ sở Apple, trao đổi với nhà phân tích dữ liệu di động Mary Meeker và đang trên đường tới Munich để phát biểu tham luận tại Hội thảo Thiết kế và Cuộc sống số.
Nick nhanh chóng trở thành con cưng mới của làng công nghệ. Cậu được so với Mozart, người cũng ở tuổi 16 đã có 8 vở opera xuất sắc; với Pascal, người ở tuổi này đã công bố định lý đầu tiên. Họ gọi cậu bằng những danh từ rất đẹp “thiên tài” và “thần đồng”. Nick cũng nhanh chóng được tỉ phú Hồng Kông Li Ka Shing hậu thuẫn.
Thời thơ ấu
Nick sinh ra tại Úc. 6 tuổi cậu đã “thông thiên văn”. Cậu đọc các sách vở cấp đại học về đề tài này và dành nhiều thời gian theo dõi các vì sao. Nick cũng rất thích thú với các mô hình vận tải và đã dựng cả một bộ phim hoạt hình 3D nhờ phần mềm Maya.
Nick sinh ra trong một gia đình giàu có, cha là Phó Chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley và mẹ là luật sư. Năm 12 tuổi, khi cha được thuyên chuyển tới London, gia đình cậu cũng chuyển tới đây và từ đó Nick bắt đầu tiếp xúc với công nghệ máy tính.
Cậu mày mò tải tài liệu lập trình và phát triển phần mềm, mua sách tham khảo và thích thú ứng dụng các tìm tòi riêng của mình. Cậu viết nhiều ứng dụng như SongStumblr, cho phép sử dụng Bluetooth để tìm hiểu những người xung quanh đang nghe gì, hay Facemood, theo dõi tình trạng Facebook của bạn bè và cho ra kết quả về tâm trạng, cảm xúc của những người bạn đó.
Ở tuổi 15, công ty của Nick đã đạt doanh thu 30.000 USD. Tại Anh, Nick theo học trường Kings College thuộc hệ thống trường Eton danh giá nhất nhì xứ sở sương mù. Môi trường học tập đã đóng vai trò lớn trong các dự án mới của Nick.
Năm trước, để chuẩn bị cho kỳ thi lịch sử, Nick đã tìm hiểu tài liệu trên mạng. Nhưng khối lượng tài liệu khổng lồ do Google tìm ra khiến cậu mệt mỏi và không biết phải bắt đầu từ đâu. Nick đã nảy ra ý tưởng viết một phần mềm giúp tóm tắt văn bản thay người đọc. Nhờ thông thạo cả tiếng Quan Thoại, Pháp lẫn Latin, Nick đã viết ra một phần mềm gọi là Summly. Phần mềm này đã trích xuất thành công các đoạn văn bản rất dài và tóm lược thành những nội dung cơ bản. Đây là một ý tưởng đột phá và nó không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các thao tác nghiên cứu đơn thuần mà còn giúp ích cho kinh doanh, nhất là với công việc đòi hỏi phải tham khảo nhiều tài liệu như luật hay tài chính.
Để biết chắc chắn ứng dụng của mình được viết tốt, Nick trả cho một nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại MIT 250 USD để đánh giá ứng dụng này so với đối thủ. Kết quả, Summly cho ra kết luận chính xác hơn tới 40% so với đối thủ, khi cùng nhận định và tóm lược nội dung một văn bản.
Trong nhiều nhà đầu tư “để mắt”, tỉ phú Li Ka Shing đã rót vốn và đẩy công ty của Nick lên hàng chuyên nghiệp. Mặc dù khá sốc với tuổi thật của cậu, nhưng các nhà đầu tư cũng tỏ ra rất vui mừng. Cha mẹ Nick, mặc dù đều là doanh nhân thành đạt, đã không khỏi ngạc nhiên và tiếp xúc với Quỹ Horizons của ông Li, để hiểu rõ hơn về ngành kinh doanh mà con trai mình đang phát triển.
Sau khi nhận vốn đầu tư, Nick cho thấy tầm nhìn và sự quyết đoán của một doanh nhân trẻ, khi thuê nhiều lập trình viên giàu kinh nghiệm để giúp cải thiện các phần mềm có sẵn, sửa lỗi và nâng cao các nền tảng kỹ thuật của công ty. Các chuyên gia của Horizons cũng hỗ trợ cậu trong việc quản trị cũng như tiếp xúc báo chí.
Nick tuy trẻ người nhưng không hề non dạ. Cậu khẳng định: “Google là một nền tảng được xây dựng cách đây 10-15 năm. Rất cần phải thay đổi”.
Nick cũng đàm phán thành công với một nhà sản xuất di động lớn, cho phép cài Summly lên điện thoại thông minh ngay sau khi sản xuất cũng như hoàn thiện ứng dụng nàyhơn nữa. Đại học Stanford, Cambridge và MIT là các đối tác nghiên cứu trong các dự án mới của cậu.
Mối duyên với Yahoo!
Nick lần đầu gặp Marissa Mayer cũng tại hội nghị Thiết kế và Đời sống số ở Munich. Khi đó Mayer đang giữ vị trí Phó Chủ tịch tại Google. Một năm sau, ở cương vị CEO, Mayer đã gặp và thảo luận với cậu về khả năng mua lại Summly. Nick rất ấn tượng khi được Mayer đánh giá cao. Mayer kỳ vọng Summly sẽ là bước ngoặt giúp tổng hợp lại hệ thống nội dung của Yahoo! hiện tại, gồm các mảng như tài chính, thời tiết, chứng khoán và cập nhật trên thiết bị di động.
Mayer cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là “tập trung vào di động và những công nghệ đẹp đẽ khác”. Như vậy, không chỉ là một ứng dụng, Summly có thể sẽ trở thành một công nghệ được phát triển trên nền tảng mới và có vị trí quan trọng trong việc cải tổ cả một hệ thống lớn, như Yahoo!, đặc biệt cho phép Yahoo! tiến tới gần hơn với nền tảng di động.
Sau khi bán công nghệ, Nick cũng tham gia đội ngũ nhân sự của Yahoo! Cậu làm việc trực tiếp với giám đốc nhân sự của Yahoo! cũng như giám đốc phụ trách mảng mua bán sáp nhập và tỏ ra rất thích thú với vị trí mới.
“Con người điều khiển các mô hình, còn máy móc sẽ thực thi hành động”. Đây là một trong số nhiều phát ngôn nổi tiếng của Nick. Và cần thêm rằng, cậu bé này còn nửa năm học nữa mới tới kỳ thi giành chứng chỉ A Levels và tốt nghiệp trung học.
Theo Nhịp cầu đầu tư
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng