Trò chơi đình đám nhất mùa dịch đã đưa người dùng từ mua bán củ cải sang đầu tư chứng khoán như thế nào?
Investopedia và công ty tư vấn Betterment đã sử dụng Animal Crossing để giải thích về các khái niệm cơ bản và nâng cao về thị trường, chẳng hạn như cung và cầu, chênh lệch giá, cũng như cách thực hiện phân tích cơ bản và kỹ thuật đối với cổ phiếu thực.
"Animal Crossing: New Horizons" đã trở thành một tựa game đình đám trong thời gian người dân phải ở trong nhà do đại dịch, nhờ mang đến một "lối thoát" thú vị cho người dùng. Trò chơi này là một thiên đường ảo, nơi người chơi có thể bắt đầu một cuộc sống mới, xây dựng những hòn đảo bình dị bên cạnh người dân làng khác với hình dáng của các loài động vật.
Đối với Angie Fung (24 tuổi), làm việc trong lĩnh vực quản lý bất động sản thương mại, trò chơi hot nhất của Nintendo trong thời gian vừa qua đã dẫn đến 1 điều bất ngờ. Nó đưa cô trở thành một nhà đầu tư chứng khoán. Cuộc hành trình của cô gái đến từ Seattle bắt đầu khi cô đang cố gắng kiếm tiền nhanh chóng để phát triển hòn đảo của mình – vốn có thể thực hiện bằng cách phá các tảng đá hoặc rung cây, đánh bắt cá. Tuy nhiên, các kiếm được nhiều tiền nhất là mua/bán củ cải trên "chợ rau quả" (stalk market).
Fung đã "nghiện" hoạt động kinh doanh này và tham gia cùng hàng trăm nghìn người chơi. Họ đã dành rất nhiều giờ nghiên cứu để tìm ra mức giá tốt nhất đối với rau củ mà họ có.
Các "khu chợ" xuất hiện nhiều trên các trang web như Turnip.Exchange và Reddit – nơi có diễn đàn với 319. 000 "nông dân trồng củ cải", để thảo luận về mức giá và chào bán hàng hóa. Một dự án có tên Turnip Prophet được đưa ra nhằm mục đích nỗ lực đoán giá củ cải bằng cách sử dụng thông tin thu thập từ mã phần mềm của trò chơi này.
Bạn trai của Fung để ý rằng cô gái đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho những món hàng ảo này. Do đó, cô cũng nên thử với "hàng thật". Fung chia sẻ: "Đó chính là khoảnh khắc ‘aha’. Đầu tư ‘hàng thật’ và trên game về khái niệm cũng giống nhau."
Đó là khi Fung tham gia vào làn sóng các nhà đầu tư "chân ướt chân ráo" trên thị trường chứng khoán, mua/bán cổ phiếu với mức phí 0đ thông qua ứng dụng môi giới trực tuyến. Vào mùa xuân, cô đã đầu tư khoảng 1.000 USD vào cổ phiếu công nghệ, trong đó có Palo Alto, Nvidia và Square. Ngoài ra, cô cũng rót tiền cho những cổ phiếu vốn hóa nhỏ có liên quan đến dịch bệnh.
Angie Fung.
Animal Crossing là trò chơi mới nhất trong nhiều tựa game thành công khi thử nghiệm với "nền kinh tế ảo". Ngoài ra, Warcraft và Second Life cũng có một nền kinh tế riêng, mô phỏng lại các hiện tượng kinh tế trong thế giới thực, ví dụ như khan hiếm tài nguyên và đóng thuế. Thậm chí, 1 giáo sư đã thành công khi áp dụng các nguyên tắc kinh tế cơ bản để nghiên cứu thế giới của những game này.
John Peolking – nhà phân tích game cấp cao tại Mintel, cho biết có 1 số điểm tương đồng về tâm lý giữa việc làm giàu nhờ củ cải và xây dựng danh mục đầu tư ngoài đời thực. Ông nói: "Khoản tiền đặt cược rất khác nhau vì đó là tiền tệ trong game và tiền tệ trong thế giới thực, nhưng đó vẫn là 1 khoản đầu tư. Bạn cảm thấy buồn khi mất tiền trong game, dù không phải là tiền thật nhưng cảm xúc đó đối với bạn là thật."
Investopedia và công ty tư vấn Betterment đã sử dụng Animal Crossing để giải thích về các khái niệm cơ bản và nâng cao về thị trường, chẳng hạn như cung và cầu, chênh lệch giá, cũng như cách thực hiện phân tích cơ bản và kỹ thuật đối với cổ phiếu thực. Betterment cho biết trò chơi cho thấy rằng các khoản đầu tư ngắn hạn là rủi ro, việc giám sát danh mục đầu tư khá căng thẳng và đa dạng hóa là điều quan trọng.
Thị trường đầu tư ảo không phản ánh một cách chính xác giao dịch chứng khoán ngoài đời thực. Trong game, vào Chủ nhật hàng tuần, người chơi có thể mua củ cải từ 1 nhân vật hư cấu là Daisy Mae. Giá củ cải trên đảo của mỗi người là khác nhau và chỉ thay đổi 2 lần/ngày. Niềm vui của người chơi đến nhờ vào những giao dịch bên lề, khi người bán mời người chơi khác đến đảo của mình và cố gắng thực hiện các thương vụ mua/bán.
Jessica Amado, sinh viên năm cuối tại Đại học Rutgers, chia sẻ rằng giao dịch trên chợ củ cải đã dạy cô tầm quan trọng của việc chốt lời trước khi giá giảm. Cô gái 22 tuổi này thường xuyên lỗ khi không bán củ cải khi giá tăng. Khi phát hiện cô đang kinh doanh của cải, cô gái đã được cha tặng 120 USD để đầu tư vào cổ phiếu thực. Jessica đã mua 20 cổ phiếu của Plug Power vào đầu mùa hè này với giá 5,60 USD.
Cô gái chia sẻ lý do lựa chọn công ty này là vì nó được liệt kê trong danh sách 100 mã phổ biến nhất của Robinhood và được đề cập trong 1 bài báo mà cha cô gửi với nội dung những cổ phiếu tốt nhất có giá dưới 10 USD. Khoản đầu tư của cô hiện đã lãi khoảng 100 USD và giá cổ phiếu này vẫn tiếp tục tăng.
Jessica nói: "Tôi muốn giữ lâu hơn nhưng không hối tiếc khi bán ra vì lợi nhuận vẫn là lợi nhuận. Đó là quyết định đúng đắn vào thời điểm khó kiếm tiền như hiện tại."
Kurt Boyer (50 tuổi) – kỹ sư phần mềm tại Yocom and Mckee, đã phát triển 1 thuật toán để dự đoán giá củ cải cho phiên bản trước của trò chơi này. Cách đây vài năm, ông đã nỗ lực làm điều tương tự với cổ phiếu thực nhưng mọi thứ không dễ dàng như vậy.
Người chơi Animal Crossing đang mua củ cải từ Daisy Mae.
Ông cho hay: "Trong Animal Crossing, bạn sẽ thấy được mô hình và chúng cho biết 100% về thời gian điều gì sẽ xảy ra trong lần thay đổi giá tiếp theo. Tại thị trường thực, có hàng trăm, hàng nghìn mô hình mà các trader nghiên cứu. Và mỗi mô hình sẽ cho thấy mỗi biến động giá trong tương lai. Tuy nhiên, yếu tố đó cũng không đảm bảo."
Fung cho biết cô chuyển sang đầu tư chứng khoán vì nhận thấy việc kiếm tiền từ củ cải quá dễ dàng. Hơn nữa, dù biết mình phải cẩn thận hơn với cổ phiếu thực, nhưng những thành công từ việc đầu tư củ cải đã khiến cô trở thành một nhà đầu tư táo bạo hơn.
Fung chia sẻ: "Giờ đây, tôi có suy nghĩ là sẽ rót 1.000 USD vào cổ phiếu ngẫu nhiên này. Đó không phải là tiền thật. Tôi không có cảm xúc với tiền của mình vì tôi bắt đầu đầu tư từ một trò chơi."
Nhóm Animal Crossing cũ của cô trước đây là nơi theo dõi giá củ cải trên các hòn đảo khác nhau, còn giờ đâu nó được sử dụng để trao đổi thông tin về cổ phiếu "hot" nhất trong ngày, với tiêu đề nhóm chat là "Mua, Mua, Mua".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng