Trò chuyện cùng CEO Kingston: Từ suýt trắng tay vì đưa tiền cho bạn chơi chứng khoán, đến cơ ngơi bộ nhớ hàng đầu thế giới
Đối với nhiều người Việt Nam, Kingston là một thương hiệu vô cùng quen thuộc mà có lẽ không ít trong chúng ta đã từng dùng qua những chiếc USB nhiều màu sắc của thương hiệu này, không dừng lại ở đó, sản phẩm của Kingston còn trải dài đến các danh mục như ổ SSD, RAM, thẻ nhớ và dòng sản phẩm bộ nhớ chuyên game.
Có thể nói, nhớ đến Kingston Technology là nói đến một đế chế bộ nhớ lớn mạnh đã in sâu vào tâm trí của nhiều người.
Nhưng Kingston không phải lúc nào cũng lớn mạnh như vậy, thương hiệu này bắt đầu với một quy mô vô cùng khiêm tốn. Vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội phỏng vấn ông John Tu - đồng sáng lập và CEO của Kingston Technology - ông đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị từ những ngày cạn kiệt tài chính “không còn đồng nào” và làm thế nào để thành công.
Từ con số không…
Ông Tu cho biết mình và nhà đồng sáng lập còn lại của Kingston là David Sun gặp nhau trên một sân bóng rổ và cả hai từng thành lập một công ty trước Kingston, nhưng bán đi sau đó và cả hai đã từng rơi vào tình cảnh “không còn đồng nào” khi đưa tiền bán công ty cho một anh bạn là môi giới chứng khoán, để đầu tư.
Lúc này, cả hai, vốn đều là những kỹ sư, nhận thấy mọi người chỉ xem Apple PC như món đồ chơi, chỉ sau khi IBM giới thiệu PC của mình thì mọi người mới bắt đầu chú ý đến các máy PC, nhu cầu tăng lên và thị trường bộ nhớ không đủ cung cấp.
Vào năm 1987, John Tu và David Sun đã thành lập Kingston với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu hụt chip bộ nhớ gắn bề mặt. Họ đã thiết kế module bộ nhớ một hàng chân (SIMM) mới bằng cách sử dụng những linh kiện cũ có sẵn.
“Tuy nhiên, vấn đề vào thời điểm đấy là mình không có tiền, không có nhà máy, về cơ bản là không có cấu kiện gì trong tay. Ngay lúc này, một người bạn của anh David lại có một công ty chuyên về PC. Cho nên bấy giờ, tôi tới đó, tôi mới nói là ‘bây giờ tôi muốn mượn anh mấy cái phụ kiện (khi mà mình muốn lắp cái bộ nhớ, thì mình cũng cần phải có các cái phụ kiện, linh kiện của nó), thì tụi tôi sẽ tự lắp, rồi sau đó tôi bán được thì tôi trả tiền cho anh.’ Ảnh mới nói là thôi, cứ cầm mấy cái linh kiện này về đi, không cần phải trả tiền cho tôi đâu, mà anh có thì anh bán lại cho tôi cái đấy luôn. Chúng tôi đã bắt đầu một cách như thế đấy!”
Việc kinh doanh bắt đầu một cách vội vã đến mức hai nhà sáng lập còn không muốn bỏ thời gian để nghĩ nên đặt tên gì cho công ty. Cái tên “Kingston” bắt nguồn từ… ban nhạc Kingston Trail mà ông Tu khá thích. Ông cũng tiết lộ mình từng thành lập một ban nhạc vào lúc 16 tuổi để bắt chước theo nhóm nhạc này. Khi công ty đã dần ổn định hơn và bắt đầu phát triển, ông và đối tác mới ngồi lại để bàn về đặt tên, lúc này đối tác bảo rằng “anh muốn đặt thế nào thì đặt”, và công ty Kingston Technology ra đời. Ông cho biết tới hiện tại mình vẫn đang ở trong ban nhạc 40 đến 50 người và chơi nhạc khoảng 4 lần mỗi năm miễn phí, hoặc gây quỹ ủng hộ từ thiện.
Và bạn nghĩ đơn hàng đầu tiên của công ty là bao nhiêu sản phẩm? Vài trăm? Vài ngàn? Không, đơn hàng đầu tiên của một trong những công ty bộ nhớ nổi tiếng nhất ngày nay chỉ vỏn vẹn khoảng trên dưới 5 module bộ nhớ. Tuy nhiên, đó chỉ là thành công nhỏ cho sự nghiệp lớn sau này. Mỗi module họ làm ra đều được bán hết ngay lập tức và các khách hàng tranh nhau để mua.
“Lúc đó mình có nguồn vốn rất hạn chế. Có bao nhiêu thì mình mua linh kiện, rồi mình xong mình lắp ráp được mỗi ngày một ít. Mỗi ngày, chúng tôi gọi đến các khách hàng tiềm năng để hỏi họ có mua hay không? Thì luôn luôn họ nói là đừng bán cho ai khác, cứ có nhiêu bán cho tôi, và họ tới lấy, họ đưa tiền mặt cho mình, mình đưa sản phẩm cho họ, mình lại cầm tiền mình đi mua thêm linh kiện. Tức là tiền cứ thêm, thì mình sẽ có thêm được nhiều linh kiện hơn, thì mình lại có được nhiều thêm sản phẩm. Và cứ thế xoay vòng và phát triển.”
…đến đế chế bộ nhớ khổng lồ
Trong suốt 40 năm qua, “không có năm nào mà công ty không ghi nhận sự tăng trưởng,” ông Tu chia sẻ. Đối với ông, một trong những thành tựu nổi bật nhất là vào năm 1996, khi Kingston được tiếp cận bởi công ty Softbank nổi tiếng của Nhật Bản, lúc đó, nhà sáng lập Softbank là ông Masayoshi Son đã ngỏ lời mua lại công ty. Ông đã đưa ra một mức giá “khiến cả hai chúng tôi choáng váng, không thể nào tin được, sao mức giá này lại lớn đến như thế”, ông Tu kể lại cảm nghĩ của mình và David Sun sau khi nghe lời đề nghị từ nhà sáng lập Softbank. Lúc đó, cả hai thật sự nghĩ về việc bán công ty.
“Tôi sẽ lấy 100 triệu USD chia cho nhân viên của mình,” ông Tu từng nói khi được hỏi sẽ làm gì với số tiền bán công ty
“Thật ra, lý do lớn nhất không phải là mình có tiền bỏ vào túi của mình. Mà lý do chính là vì chúng tôi luôn hứa với nhân viên của mình là chúng tôi sẽ luôn chăm sóc họ, cho dù có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, nếu một ngày mà công ty thất bại đi chăng nữa, dù chỉ còn có 100 đô trong túi thôi, thì chúng tôi vẫn sẽ lấy 100 đô này, chia đều cho tất cả nhân viên của công ty. Cho nên tôi với David mới nghĩ là, có lẽ mình không cần phải đợi đến tương lai, mà ngay bây giờ là lúc mà mình có thể hiện thực được lời hứa của mình với nhân viên. Cho nên chúng tôi quyết định mình ký, và sau đó coi như là phi vụ đã thành công.”
Khi được một phóng viên của tờ LA Times hỏi về dự định với số tiền bán công ty, ông trả lời “Tôi sẽ lấy 100 triệu USD chia cho nhân viên của mình”. Trên thực tế, 100 triệu USD chỉ là con số đột nhiên xuất hiện trong đầu ông. “Thế là khi anh ấy vừa nghe đến con số 100 triệu USD thì anh ấy lập tức đưa tin này trên tờ báo của anh ấy.” Thời điểm đó là vào khoảng tháng 12, trùng với dịp Noel, và người ta nói đây là tin tức ấm lòng nhất trong mùa Giáng sinh này.
Trên website của mình, Kingston có ghi chép Tập đoàn Softbank của Nhật Bản đã mua lại 80% cổ phần của Kingston với tổng giá trị 1,5 tỷ USD vào tháng 8 năm 1996.
Năm 1998, Kingston lọt vào danh sách 100 Công ty làm việc đáng mơ ước của Tạp chí Fortune. Kingston tiếp tục giành được giải thưởng này trong bốn năm liên tiếp sau đó. Năm 1999 John Tu và David Sun mua lại 80% cổ phần của Kingston thuộc sở hữu của Softbank với giá 450 triệu USD.
Tua nhanh 20 năm sau, Kingston thông báo doanh thu năm 2020 đạt kỷ lục 15 tỷ USD. Thống kê năm 2022 của TrendForce cho thấy Kingston là thương hiệu đứng đầu về thị phần SSD toàn cầu với 28% và ấn tượng hơn là gần như chiếm trọn thị phần module bộ nhớ toàn cầu theo doanh thu, với 78,12%. Tại thị trường Việt Nam, Kingston đang nắm giữ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực DRAM và SSD trong 3 năm liền. Công ty dự kiến mức tăng trưởng 23% tại Việt Nam trong năm 2024.
Kingston sẽ thích nghi thế nào trong thời đại AI?
Chúng ta đang ở trong thời đại của AI tạo sinh với hàng loạt công ty đã, đang và sẽ tham gia vào cuộc chơi này. Khi được chúng tôi hỏi về câu chuyện AI, CEO Kingston cũng có chia sẻ, “nếu mình chưa sẵn sàng cho xu thế này thì chắc chắn là mình sẽ không có tương lai.” Ông cho biết thêm Kingston không phải công ty tạo ra công nghệ AI hay những giải pháp liên quan đến AI, mà sẽ tập trung tận dụng môi trường AI để giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn và khai thác cơ hội từ môi trường AI này.
Ông cũng bày tỏ mối lo ngại xoay quanh AI, về khả năng AI thay thế con người và kiểm soát mọi thứ. “Trong não tôi, thậm chí tôi còn chưa bao giờ mường tượng được xã hội loài người sẽ phát triển như thế nào khi mà AI phát triển. Nhưng tôi chắc chắn nó sẽ là một cuộc cách mạng vĩ đại, một cuộc cách mạng vô cùng lớn về cách thức mà con người chúng ta sống và hoạt động.”
Cuối cùng, ông cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam:
“Lời khuyên của tôi là nếu như mình có bất kỳ một ý tưởng nào đó - dĩ nhiên mình nên hỏi ý kiến mọi người xung quanh xem sao, nhưng nếu ý tưởng đó mình nghĩ là hợp lý thì hãy dấn thân vào đó. Lời khuyên thứ hai là mình cần "aim high" - đặt mục tiêu cao, khát khao hơn, và đừng có đặt mục tiêu quá thấp. Dĩ nhiên đôi khi điều này cũng tốt, vì các mục tiêu vừa tầm thì sẽ dễ làm được. Tuy nhiên, trong cuộc đời, mình cần phải tạo dựng số phận của mình ở một cột mốc cao hơn và dấn thân vào đó.
Khi phải đối diện với nghịch cảnh hay thảm họa, hay trong những tình huống mà mình gần như cảm thầy mình bị hủy hoại hoàn toàn và không còn thấy ngày mai hay ánh sáng; thì đôi khi mình lại có thể nhìn thấy con đường mới của mình. Triết lý của tôi là khi mình lấy tay che mắt mình lại, thì mình sẽ thấy bóng đêm. Nhưng nếu như mình chỉ cần ngước cao lên một chút xíu thôi, thì sẽ thấy ánh mặt trời rực rỡ. Vậy nên, đừng bao giờ bỏ cuộc.”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng