Trong khi nhiều người vẫn mang định kiến và coi “game là vô bổ” thì một chàng trai người Mỹ gốc Việt đã gây dựng nên công ty eSports lớn thứ 2 thế giới

    T.Dương, Theo Trí Thức Trẻ 

    Từ một cậu bé gốc Việt lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ, Andy Dinh đã từng bước trở thành game thủ nổi tiếng thế giới và lập nên công ty eSports giá trị hàng trăm triệu USD.

    Trong chương trình Shark Tank Việt Nam tập 3, màn gọi vốn của Divine Corp - startup eSports (thể thao điện tử) gây được nhiều sự chú ý cũng như tiếc nuối cho người xem khi không nhận được cái gật đầu từ bất kỳ "cá mập" nào. Một trong những lý do được hầu hết các shark đưa ra đó là lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần mà các trò chơi điện tử mang lại.

    Không chỉ với các shark, nhiều người Việt Nam vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm và chưa công nhận eSport như các bộ môn thể thao khác. Và khi giới trẻ trong nước đam mê thể thao điện tử thường bị gắn mác "nghịch ngợm", "thiếu lành mạnh" thì trên đất Mỹ, chính một chàng thanh niên gốc Việt đã gây dựng nên công ty có giá trị lớn thứ hai thế giới trong ngành eSports. Anh là Andy Dinh, còn được giới mộ game biết đến với cái tên Reginald.

    Kiếm tiền nhờ game từ 19 tuổi

    Andy Dinh sinh năm 1992, trong một gia đình có chín thành viên, thuộc tầng lớp lao động ở Campbell, California. Làm quen với Liên minh huyền thoại năm 16 tuổi, chàng trai sớm bị thu hút và quyết định đi theo tiếng gọi của đam mê.

    Được biết đến nhiều hơn với cái tên Reginald, chàng trai trẻ nhanh chóng leo lên vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng thế giới. Ngay từ năm 19 tuổi, Dinh đã kiếm được hơn 20.000 USD từ các giải đấu thể thao điện tử. Đặc biệt, năm 2012, chiến thắng tại chung kết Liên minh huyền thoại mùa thứ hai đã mang về cho anh khoản tiền thưởng 15.000 USD.

    Trong khi nhiều người vẫn mang định kiến và coi “game là vô bổ” thì một chàng trai người Mỹ gốc Việt đã gây dựng nên công ty eSports lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 1.

    Andy Dinh từng được Forbes vinh danh trong danh sách top 30 under 30 về mảng game.

    Dù nổi tiếng nhưng anh không được đội chơi nào thu nạp. Vậy là Dinh cùng anh trai là Dan quyết định tạo ra trang web cộng đồng của riêng mình và kiếm tiền từ việc hướng dẫn những người chơi khác. Anh thậm chí đã nghĩ ra việc phát sóng trực tuyến các trận đấu, rất lâu trước khi ESPN và Amazon thực hiện phát sóng những cuộc thi Liên minh huyền thoại.

    Ngay sau đó, Dinh bỏ học đại học và vay bố mẹ 5000 USD để tiếp tục đầu tư kinh doanh. Trang web solomid.net mà anh quản lý đã thu hút hàng triệu người truy cập, giúp chàng thanh niên trẻ bỏ túi khoảng 60.000 USD mỗi tháng.

    Năm 2009, Andy Dinh thành lập đội chơi chuyên nghiệp có tên Team SoloMid (TSM), trình diễn và thu lợi nhuận từ trang web của mình. Đến năm 2013, Dinh từ giã sự nghiệp thi đấu, lùi về sau để tập trung vào kinh doanh, huấn luyện và quản lý.

    Trong khi nhiều người vẫn mang định kiến và coi “game là vô bổ” thì một chàng trai người Mỹ gốc Việt đã gây dựng nên công ty eSports lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 2.

    Dinh cùng một số thành viên trong TSM.

    Công ty eSports lớn thứ 2 thế giới

    Không đơn thuần là một đội chơi, Dinh đã phát triển Team SoloMid thành một công ty với các hoạt động đào tạo và định hướng kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp.

    Tháng 7 năm 2018, anh nhận được khoản tài trợ Series A trị giá 37 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm công ty đầu tư mạo hiểm hạng A Bessemer Ventures Partners, Hall of Fame NFL, tiền vệ Steve Young và nhà vô địch NBA ba lần - Steph Curry. Dinh dùng số tiền này để tăng gấp đôi nguồn nhân lực lên 100 nhân viên đồng thời xây dựng một cơ sở đào tạo rộng 25.000m2 và trụ sở hoạt động tại Los Angeles. Đây là nơi tạo ra doanh thu thông qua những khoản tiền của nhà tài trợ, các sự kiện dành cho người hâm mộ và đào tạo game thủ,...

    Team SoloMid cũng có quy tắc, chiến lược riêng để đưa công ty phát triển bền vững như bao tổ chức ở các ngành nghề khác, bao gồm 6 yếu tố then chốt: chia sẻ và cam kết mục tiêu, tối đa hóa tiềm năng, ưu tiên hiệu suất, suy ngẫm nhiều hơn để học nhanh hơn, theo đuổi chủ nghĩa hành động và tìm kiếm bối cảnh mới.

    Công ty cũng thường xuyên chiêu mộ các nhân tố mới để củng cố vị thế của mình. Đầu năm 2018, một siêu sao game thủ, Ali (19 tuổi), đã ký kết hợp đồng với TSM, trở thành một thành viên của đội Fort Fortnite.

    Trong khi nhiều người vẫn mang định kiến và coi “game là vô bổ” thì một chàng trai người Mỹ gốc Việt đã gây dựng nên công ty eSports lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 3.

    Dr Pepper là một trong những nhà tài trợ của TSM.

    Các thành viên trong đội chơi sẽ cùng luyện tập trong nhà chung, khoảng sáu đến chín tiếng mỗi ngày. Họ cũng sinh hoạt, ăn, ngủ và thư giãn cùng nhau. Bên cạnh việc chỉ huy và huấn luyện, Dinh không ngại nấu ăn, dọn dẹp cho đội Liên minh huyền thoại của mình. Anh hiện có một đội ngũ quản lý, huấn luyện viên đầy đủ và trả cho các cầu thủ Liên Minh Huyền Thoại mức lương lên đến sáu chữ số.

    Quản lý 39 người chơi, được tổ chức thành 7 đội, Team SoloMid hiện là thương hiệu hàng đầu và dễ nhận biết nhất trong làng eSports thế giới. Dưới sự dẫn dắt của Andy Dinh, đội chơi của TSM đã giành hạng nhất ở giải đấu Liên minh huyền thoại tại Bắc Mỹ, với sáu chức vô địch. Đây cũng là cái tên duy nhất đủ điều kiện tham gia tất cả bảy mùa giải vô địch thế giới (World Champion Ship) đầu tiên và mười trận Chung kết NA LCS đầu tiên.

    Trong khi nhiều người vẫn mang định kiến và coi “game là vô bổ” thì một chàng trai người Mỹ gốc Việt đã gây dựng nên công ty eSports lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 4.

    Đội chơi của TSM giành chiến thắng tại giải NA LCS Summer Finals 2017.

    Hiện TSM có hơn 60 triệu người theo dõi trên các mạng xã hội khác nhau, doanh thu năm 2017 khoảng 21 triệu USD. Năm 2018, Team SoloMid được Forbes định giá 225 triệu USD, là công ty eSports có giá trị lớn thứ hai toàn cầu.Dù đứng sau Cloud9 trong bảng xếp hạng giá trị nhưng TSM lại là cái tên duy nhất đang thu về dòng tiền dương.

    Doanh thu của toàn ngành eSports đạt khoảng 906 triệu USD vào năm 2018 và dự đoán sẽ chạm mốc 1,65 tỷ USD sau 2 năm nữa. Chỉ nhìn ra khu vực châu Á, eSports cũng đã được công nhận và trở thành một bộ môn thi đấu tại Asiad 2018 hay cả Seagame 2019 tới. Đây cũng là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai.

    T.Dương

    Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày