Trung Quốc chi 137 tỷ USD xây siêu đập lớn nhất hành tinh tại hẻm núi sâu nhất thế giới: Công suất gấp 3 đập Tam Hiệp, đủ cấp điện cho 300 triệu người
Theo giới chức Trung Quốc, đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon và đối phó với biến đổi khí hậu.
Trung Quốc vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng một dự án thủy điện khổng lồ trên con sông dài nhất ở Tây Tạng, có khả năng tạo ra lượng điện gấp ba lần đập Tam Hiệp, theo Tân Hoa Xã đưa tin. Công trình dự kiến được xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo tại khu tự trị Tây Tạng, được đánh giá là một trong những dự án kỹ thuật lớn nhất từng được thực hiện, đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Tổng mức đầu tư cho dự án có thể vượt 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 tỷ USD), trở thành dự án cơ sở hạ tầng đơn lẻ lớn nhất trên thế giới. Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về thời điểm bắt đầu xây dựng hay vị trí cụ thể của dự án.
Sông Yarlung Tsangpo chảy qua cao nguyên Tây Tạng, tạo nên hẻm núi sâu nhất trên thế giới và có độ chênh cao đáng kinh ngạc lên tới 7.667 mét trước khi đổ vào Ấn Độ, nơi nó được gọi là sông Brahmaputra. Địa điểm xây dựng con đập nằm ở một trong những khu vực có lượng mưa lớn nhất tại Trung Quốc đại lục, mang đến tiềm năng to lớn cho việc phát triển thủy điện.
Dự án được kỳ vọng sẽ sản xuất gần 300 tỷ kilowatt-giờ (kWh) điện mỗi năm. Để so sánh, đập Tam Hiệp – hiện đang giữ kỷ lục về công suất lắp đặt lớn nhất thế giới – chỉ được thiết kế để sản xuất 88,2 tỷ kWh. Theo ông Yan Zhiyong, cựu chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Quốc gia Trung Quốc, khu vực hạ lưu sông Yarlung Tsangpo là một trong những nơi giàu tài nguyên thủy điện nhất trên thế giới, với độ chênh cao 2.000 mét trong phạm vi chỉ 50 km. Khu vực này có thể cung cấp tới 70 triệu kilowatt năng lượng, tương đương ba lần công suất của đập Tam Hiệp.
Để khai thác nguồn năng lượng khổng lồ này, các kỹ sư sẽ phải đào từ 4 đến 6 đường hầm dài khoảng 20 km xuyên qua núi Namcha Barwa để chuyển hướng một nửa dòng chảy của sông, tương đương 2.000 mét khối nước mỗi giây. Tuy nhiên, địa điểm xây dựng nằm dọc theo ranh giới của các mảng kiến tạo, nơi có nguy cơ xảy ra động đất cao, và địa chất của cao nguyên Tây Tạng khác biệt đáng kể so với các vùng đồng bằng.
Một báo cáo năm 2023 cho biết nhà máy thủy điện này có thể đáp ứng nhu cầu điện hàng năm cho hơn 300 triệu người. Tân Hoa Xã khẳng định dự án sẽ ưu tiên bảo vệ môi trường, với các biện pháp nghiên cứu địa chất và ứng dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo xây dựng an toàn và phát triển bền vững. Ngoài ra, con đập cũng sẽ thúc đẩy việc phát triển năng lượng mặt trời và gió tại khu vực lân cận, tạo ra một trung tâm năng lượng sạch quy mô lớn.
Theo giới chức Trung Quốc, đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon và đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vào năm 2023, dự án có thể mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh nếu các quốc gia hợp tác chặt chẽ. Theo nghiên cứu, hồ chứa từ con đập có thể tăng lưu lượng nước tối thiểu trong mùa khô, đồng thời kéo dài thời gian giao thông đường thủy từ một đến bốn tháng mỗi năm tại phần sông thuộc Ấn Độ. Việc kiểm soát đỉnh lũ thông qua hồ chứa có thể giảm diện tích ngập lụt tới 32,6% tại Ấn Độ và 14,8% tại Bangladesh.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng hệ thống thủy điện với các hồ chứa trên sông Yarlung Tsangpo - Brahmaputra không chỉ thúc đẩy phát triển năng lượng, mà còn cải thiện giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp trong khu vực.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng