Trung Quốc đề xuất dùng tia laser dọn dẹp rác thải vũ trụ

    Kuroe,  

    Theo đề xuất này, những trạm vũ trụ được phóng ra ngoài quỹ đạo sẽ đảm nhận vai trò của các khẩu súng laser, định vị và tiêu diệt rác thải vũ trụ trước khi chúng gây hại đến các vệ tinh và thiết bị khác bên ngoài vũ trụ.

    Vấn đề rác thải không chỉ tồn tại ở trên bề mặt Trái Đất, mà còn tồn tại bên ngoài khoảng không vũ trụ bao la nữa. Thậm chí, tác hại của chúng còn trở nên vô cùng nghiêm trọng khi luôn tiềm ẩn nguy cơ va chạm với các vệ tinh đang hoạt động, cũng như với trạm vũ trụ quốc tế.

    Rác thải vũ trụ là những vật thể nhân tạo không còn sử dụng tồn tại ngoài vũ trụ, bao gồm những thiết bị được phóng lên hoặc bỏ lại, ví dụ như tên lửa đẩy, các vệ tinh không còn hoạt động, thậm chí những vật dụng cá nhân mà phi hành gia vô tình đánh mất trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ vũ trụ. Theo một số thống kê, lượng rác thải vũ trụ đang ngày một gia tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là trong vòng 20 năm trở lại đây.

    Trung Quốc đề xuất dùng tia laser dọn dẹp rác thải vũ trụ - Ảnh 1.

    Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc đang đề xuất phương án "bắn hạ" rác thải vũ trụ bằng tia laser từ các trạm vũ trụ ngoài quỹ đạo. Theo đó, kế hoạch được để xuất là phóng các trạm vũ trụ có khả năng định vị và bắn những tia laser vào các mảnh rác thải vũ trụ có đường kính 10 cm trở xuống, khoảng 20 lần trong vòng 2 phút. Những tia laser này có khả năng đẩy những mảnh rác thải vũ trụ này tránh khỏi quỹ đạo hoạt động của các vệ tinh hoặc trạm vũ trụ, hoặc buộc chúng ma sát với khí quyển và bốc cháy hoàn toàn.

    Đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học đưa ra những đề xuất để giải quyết vấn đề rác thải vũ trụ. Trong quá khứ, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra phương án phóng tàu "quăng lưới" thu gom rác thải vũ trụ, hoặc tìm cách đẩy chúng ra xa khỏi quỹ đạo Trái đất càng xa càng tốt.

    Phương án mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đề xuất nếu thành công có thể giải quyết được một vấn đề đang làm cho ngành khoa học vũ trụ cảm thấy điên đầu. Đặc biệt là sau vụ việc năm 2015, khi mà phi hành đoàn trên trạm vũ trụ quốc tế ISS đã phải sơ tán sau khi một vệ tinh cũ đã trở thành rác thải vũ trụ có nguy cơ va chạm với trạm ISS. Nếu vụ va chạm xảy ra thật thì cũng đồng nghĩa với hàng tỉ USD thiệt hại trên trạm vũ trụ.

    Trung Quốc đề xuất dùng tia laser dọn dẹp rác thải vũ trụ - Ảnh 2.

    Tuy nhiên, đề xuất này của các nhà khoa học Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

    Vấn đề đầu tiên, là đề xuất này mới chỉ đưa ra phương án giải quyết những mảnh rác thải vũ trụ cỡ nhỏ, mà chưa rõ hiệu quả của chúng với những mảnh rác thải lớn sẽ ra sao. Vấn đề tiếp theo, nằm ở việc triển khai các trạm vũ trụ tấn công này. Ai sẽ xây dựng chúng? Xây dựng với số lượng bao nhiêu? Và quan trọng hơn cả, liệu họ có tranh thủ sử dụng những trạm vũ trụ này làm vũ khí tấn công các mục tiêu khác hay không?

    Những vấn đề kể trên cần đến sự chú ý từ nhà lãnh đạo của rất nhiều quốc gia trên thế giới, để họ cùng chung tay giải quyết, trước khi có thể biến ý tưởng này trở thành hiện thực để đối phó với rác thải vũ trụ.

    Và với việc số lượng vệ tinh được phóng ra ngoài vũ trụ đang ngày một nhiều hơn, thì những nguy cơ mà rác thải vũ trụ mang lại cũng càng ngày càng lớn, biến vấn đề này trở thành một vấn đề nhức nhối cần phải nhanh chóng được giải quyết. Bằng không, rác thải vũ trụ sẽ sớm là gánh nặng cản trở sự phát triển của ngành khoa học vũ trụ.

    Tham khảo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày