Chỉ một ngày sau khi hãng gọi xe Didi bị gỡ khỏi các sàn ứng dụng ở Trung Quốc, nhà chức trách nước này bắt đầu điều tra ba công ty công nghệ niêm yết tại Mỹ khác do "lo ngại về an ninh dữ liệu quốc gia".
Đối tượng bị điều tra là những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ gần đây, mặc dù căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đã ở mức cao, theo CNN.
Hôm thứ Hai, cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc công bố bắt đầu điều tra các nền tảng cho thuê xe tải Yunmanman và Huochebang, và trang web danh mục việc làm Boss Zhipin. Người dùng mới không thể đăng ký ba ứng dụng này trong quá trình điều tra.
Yunmanman và Huochebang, hai ứng dụng gọi xe tải lớn của Trung Quốc, tự gọi mình là "Uber dành cho xe tải".
Didi là dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Financial Times
Hai công ty này sáp nhập năm 2017 thành một công ty mới - Full Truck Alliance, niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York tháng trước và hiện được định giá 21 tỷ USD.
Boss Zhipin là một trong những nền tảng danh mục việc làm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Công ty mẹ Kanzhun của Boss Zhipin niêm yết ở New York từ tháng sáu và có mức vốn hóa gần 15 tỷ USD.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Đánh giá An ninh mạng cho biết các cuộc điều tra được tiến hành để "ngăn ngừa rủi ro an ninh dữ liệu quốc gia, duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích công chúng".
Full Truck Alliance nói họ sẽ tích cực hợp tác với cuộc điều tra và kiểm tra kỹ lưỡng an ninh mạng của mình.
Didi Chuxing bị cấm
Thông báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cấm Didi, dịch vụ gọi xe lớn nhất nước này, khỏi các sàn ứng dụng do quan ngại Didi "gây rủi ro an ninh mạng cho khách hàng".
CAC là cơ quan quản lý internet hàng đầu của Trung Quốc và Văn phòng Đánh giá An ninh mạng thuộc CAC chịu trách nhiệm xem xét các rủi ro an ninh mạng.
"Ứng dụng Didi Chuxing bị phát hiện đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp trong thu thập và sử dụng thông tin cá nhân", CAC cho biết hôm Chủ nhật.
CAC yêu cầu Didi giải quyết vấn đề trong ứng dụng của mình để tuân thủ luật pháp Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Didi, công ty có 377 triệu người dùng chỉ tính riêng ở Trung Quốc, cho biết họ đang tuân thủ các yêu cầu của nước này, rút ứng dụng khỏi các sàn trong quá trình thay đổi ứng dụng để đáp ứng yêu cầu của nhà quản lý.
Didi cũng cho biết khách hàng và tài xế đã tải ứng dụng sẽ không bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi chân thành cảm ơn CAC đã hướng dẫn để Didi khắc phục các rủi ro", Didi nói.
"Chúng tôi sẽ khắc phục và cải thiện khả năng tránh rủi ro và cung cấp các dịch vụ an toàn, tiện lợi cho người dùng".
Lệnh cấm đối với Didi được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi doanh nghiệp này niêm yết trên Sàn Chứng khoán New York trong đợt chào bán cổ phiếu lớn nhất tại Mỹ của một công ty Trung Quốc kể từ khi Alibaba ra mắt năm 2014.
Chỉ hai ngày sau, vào thứ Sáu, Trung Quốc đã tiến hành điều tra Didi và tạm ngừng đăng ký người dùng mới trên ứng dụng này. Giá cổ phiếu của Didi sụt giảm mạnh hôm thứ Sáu.
Văn phòng Đánh giá An ninh Mạng tuyên bố đình chỉ "nhằm ngăn ngừa rủi ro an ninh dữ liệu quốc gia" và phù hợp với Luật An ninh Quốc gia và Luật An ninh mạng. Cách diễn đạt giống hệt tuyên bố hôm thứ Hai đối với Yunmanman, Huochebang và Boss Zhipin.
Tờ báo Trung Quốc Global Times hôm Chủ nhật cho biết các "phân tích dữ liệu lớn" của Didi về hành vi của mọi người tiềm ẩn rủi ro.
"[Chúng ta] không bao giờ được để bất kỳ anh internet khổng lồ nào trở thành siêu cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của người Trung Quốc, chứa nhiều thông tin chi tiết hơn cả nhà nước, chưa nói đến việc cho họ quyền sử dụng những dữ liệu đó theo ý muốn", tờ báo viết.
"Đặc biệt đối với một công ty như Didi, được niêm yết tại Mỹ và có cổ đông thứ nhất và thứ hai đều là công ty nước ngoài, nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ việc bảo mật thông tin của mình. Điều này không chỉ để duy trì bảo mật thông tin cá nhân, mà còn duy trì an ninh quốc gia".
IPO vội vàng
Theo công ty chứng khoán Ping An Securities, có trụ sở tại Thâm Quyến, dựa trên luật cơ quan quản lý viện dẫn, Didi có thể đang bị điều tra về hành vi mua một số sản phẩm và dịch vụ từ các nhà cung cấp khác, đe dọa đến an ninh dữ liệu quốc gia.
"Didi chắc chắn sẽ phải kiểm tra thiết bị mạng lõi, máy tính và máy chủ hiệu suất cao, thiết bị lưu trữ dung lượng lớn, cơ sở dữ liệu lớn và phần mềm ứng dụng, thiết bị an ninh mạng và dịch vụ điện toán đám mây, phân loại chúng và thực hiện điều chỉnh cần thiết để đáp ứng quy định", các nhà phân tích của Ping An viết.
Yang Sirui, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Quốc Tế Trung Quốc, cho biết Didi đã niêm yết ở Mỹ một cách vội vàng, có thể do áp lực của các nhà đầu tư.
"Việc niêm yết Didi càng sớm càng tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu về vốn. Nhưng nếu Didi tùy tiện thu thập dữ liệu riêng tư của người dùng, lạm dụng hoặc kiếm tiền từ đó bất hợp pháp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị cơ quan quản lý Trung Quốc trừng phạt".
Kể từ khi thành lập năm 2012, Didi đã trải qua một số vòng gọi vốn tư nhân, huy động được hàng chục tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các hãng công nghệ lớn.
Theo cáo bạch IPO, SoftBank Vision Fund hiện là cổ đông lớn nhất của Didi, với 21,5% cổ phần. Sau đó là Uber (UBER) và Tencent (TCEHY) với 12,8% và 6,8%.
Các hành động pháp lý đối với Didi và các công ty khác là một phần của cuộc "trấn áp" diện rộng đối với các công ty Big Tech ở Trung Quốc, theo CNN.
Vào tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh các công ty "nền tảng" ở nước này.
Một số công ty công nghệ trong vài tháng qua phải đối mặt với các cuộc điều tra vì bị cáo buộc có hành vi độc quyền hoặc vi phạm quyền của khách hàng, dẫn đến tiền phạt kỷ lục và các điều chỉnh căn bản.
Tháng 4, Alibaba (BABA), gã khổng lồ mua sắm trực tuyến do Jack Ma đồng sáng lập, bị phạt mức kỷ lục 2,8 tỷ USD sau khi cơ quan quản lý chống độc quyền kết luận đã "hành xử như một công ty độc quyền".
Vài ngày sau khi án phạt được ban hành, Ant Group, một bộ phận khác trong đế chế Jack Ma, được lệnh đại tu hoạt động và trở thành công ty tài chính bị ngân hàng trung ương giám sát.
Chuyên gia Yang của Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc cho rằng Didi phải đối mặt với một loại điều tra khác. "Là nền tảng gọi xe lớn, Didi sở hữu dữ liệu nhạy cảm có thể liên quan đến an ninh quốc gia, chẳng hạn như dữ liệu vị trí".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng