Trung Quốc kiếm được bao nhiêu tiền từ 1 chiếc iPhone? Con số thấp đến ngỡ ngàng
Trung Quốc kiếm được bao nhiêu tiền từ iPhone?
- Bí quá hóa liều: Trung Quốc nhọc nhằn phát triển AI bằng đồ cũ, phải chấp nhận thiếu linh kiện, dùng hàng cấp thấp chắp vá thay thế
- Trung Quốc biến "chiếc ấm đun nước" trở thành thiết bị công nghệ được hàng tỷ người trên thế giới say mê: Âm thầm thống trị ngay khi chưa quốc gia nào dám nghĩ tới!
- Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý
- Hãng TMĐT đang làm mưa làm gió Temu vội chuyển trụ sở chính khỏi Trung Quốc, lo sợ bị Mỹ nhắm đến như Tiktok
iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc. Khi một chiếc iPhone sang thị trường Mỹ, nó được ghi nhận là hàng xuất khẩu với chi phí xuất xưởng khoảng 240 USD.
Việc nhập khẩu iPhone dường như là một tổn thất lớn đối với Mỹ. Vì điều này, cựu Tổng thống Trump từng tuyên bố: "Trung Quốc mỗi năm lấy đi 500 tỷ USD từ đất nước chúng ta và tái thiết Trung Quốc". Năm 2018, một ước tính cho thấy việc Mỹ nhập khẩu iPhone 7 và iPhone 7 Plus đã đóng góp 15,7 tỷ USD vào mức thâm hụt thương mại năm 2017 với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nghiên cứu của tờ The Conversation về chi phí iPhone cho thấy, con số này không phản ánh thực tế giá trị mà Trung Quốc thu được từ việc xuất khẩu iPhone, hoặc từ các mặt hàng điện tử có thương hiệu mà nước này vận chuyển sang Mỹ và những khu vực khác.
Những thành phần có giá trị nhất tạo nên iPhone bao gồm: màn hình cảm ứng, chip nhớ, bộ vi xử lý... Chúng đến từ các nhà cung cấp khác nhau ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như Intel, Sony, Samsung, Foxconn.
Hầu như không có linh kiện nào được sản xuất tại Trung Quốc đại lục. Apple mua các linh kiện rồi vận chuyển chúng tới Trung Quốc. Sản phẩm khi xuất khỏi Trung Quốc đại lục để sang các thị trường khác đã là một chiếc iPhone hoàn chỉnh.
Vào thời điểm iPhone 7 được phát hành năm 2016, IHS Markit ước tính chi phí xuất xưởng của mẫu điện thoại này là 237,45 USD.
Do đó, theo ước tính của The Conversation, số tiền mà Trung Quốc thu được từ một chiếc iPhone 7 chỉ là 8,46 USD, tương đương 3,6% chi phí xuất xưởng. Mức này đã bao gồm chi phí dành cho viên pin điện thoại do một công ty Trung Quốc cung cấp, và chi phí dành cho nhân công lắp ráp.
Vậy 228,99 USD còn lại đã đi đâu? Mỹ và Nhật Bản thu được khoảng 68 USD mỗi nước, Đài Loan nhận được 48 USD và 17 USD còn lại dành cho Hàn Quốc.
Sau đó, khoảng 283 USD lợi nhuận thu được từ giá bán lẻ (mẫu iPhone 7 32GB có giá 649 USD vào thời điểm ra mắt) sẽ được chuyển thẳng vào "kho bạc" của Apple.
Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, cứ mỗi chiếc iPhone X 64 GB với giá 999 USD được bán ra thì tập đoàn Samsung - đơn vị sản xuất màn hình cho iPhone - sẽ nhận được 110 USD.
44,45 USD tiếp theo dành cho các nhà cung cấp chip nhớ cho iPhone, bao gồm Toshiba (Nhật Bản) và SK Hynix (Hàn Quốc).
Một phần tiền tiếp theo sẽ được chuyển đến Singapore, một phần đến Brazil, một phần đến Ý, Trung Quốc vẫn chỉ nhận được khoảng 8,46 USD cho mỗi chiếc iPhone X được bán ra mà thôi.
Mặc dù iPhone được tính là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng phần lớn số tiền người Mỹ chi cho chúng lại không dành cho Trung Quốc.
Tới iPhone 14, theo Nikkei Asia, chi phí sản xuất iPhone đã đạt tới mức "cao nhất mọi thời đại". Chi phí sản xuất iPhone 14 Pro Max ước tính là 501 USD, cao hơn so với mức chi phí 461 USD dành cho iPhone 13 Pro Max.
Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới mức tăng này là do giá linh kiện tăng. Thành phần đắt nhất là chip A16 Bionic có giá 110 USD. Cảm biến Sony CMOS mẫu mới có giá 15 USD, đắt hơn 50% so với mẫu cũ. Màn hình OLED dành cho iPhone 14 Pro Max cũng đắt hơn nhiều vì nó sử dụng vật liệu cao cấp hơn.
Tại sao không sản xuất iPhone ở Mỹ?
"Tại sao Apple không thể sản xuất iPhone ở Mỹ?" - Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Vấn đề chính là chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp điện tử toàn cầu đã dịch chuyển sang châu Á từ những năm 1980 và 1990. Các công ty như Apple cũng phải đối diện với thực tế này.
Bên cạnh đó, theo như tính toán ở trên, nền kinh tế Mỹ, cũng như lực lượng lao động của nước này sẽ không thu được nhiều giá trị nếu chỉ lắp ráp iPhone từ các bộ phận được sản xuất tại châu Á.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, lắp ráp iPhone tại Mỹ là điều hoàn toàn khả thi nhưng chi phí trên mỗi chiếc iPhone sẽ cao hơn so với khi được lắp ráp tại châu Á.
Theo tờ Vox, nếu Apple lắp ráp iPhone ở Mỹ, họ sẽ tốn thêm khoảng 30-40 USD cho mỗi chiếc điện thoại. Trong trường hợp mọi bộ phận đều được sản xuất tại Mỹ nhưng vật liệu thô vẫn mua từ thị trường toàn cầu thì một chiếc iPhone sẽ có chi phí cao hơn khoảng 100 USD.
Với một thiết bị điện tử có tỷ suất lợi nhuận lên tới 64% thì đây là một mức gia tăng chi phí tương đối khiêm tốn. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn nằm ở quy mô, chuyên môn và cơ sở hạ tầng để lắp ráp iPhone - tất cả đều đòi hỏi tiền bạc, thời gian và sự đầu tư dài hạn.
Ngay cả khi Apple có thể tập trung toàn bộ quy trình sản xuất iPhone tại Mỹ thì hãng này cũng không có nhiều lợi thế về chi phí và về mặt thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc sẵn sàng nhận 8 USD cho mỗi chiếc điện thoại, vậy thì Apple chẳng tội gì mà chấp nhận bất lợi cả.
Chiến lược "Trung Quốc + 1"
Mặc dù đã gắn bó và phụ thuộc lâu dài vào hệ thống lắp ráp iPhone tại Trung Quốc nhưng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sau những tác động của đại dịch COVID-19 tới chuỗi cung ứng toàn cầu, Apple đang tìm tới Ấn Độ như giải pháp thay thế tiềm năng.
Theo Giáo sư Willy Shih tại Trường Kinh doanh Harvard, tuy vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng Apple đang triển khai chiến lược "Trung Quốc + 1" hoặc "Trung Quốc + nhiều hơn 1" nhằm đa dạng hóa cơ sở cung ứng.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, mang tới một thị trường nội địa phát triển. Ngoài ra, chính quyền New Delhi đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh.
Thế nhưng, việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ khiến Apple phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Giới chuyên gia nhận định, "Táo khuyết" có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng khó có thể hoàn toàn từ bỏ sản xuất tại Trung Quốc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng