Việc thử nghiệm thành công đánh dấu Trung Quốc đã đạt đột phá trong phát triển động cơ tên lửa tái sử dụng.
Vụ thử nghiệm tái sử dụng động cơ. Ảnh: Viện 6 thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC).
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Động lực Hàng không Vũ trụ Tây An, Trung Quốc, động cơ chạy bằng dầu hỏa oxy hóa lỏng do viện này phát triển mới đây đã lần đầu tiên tiến hành bay thử nghiệm tái sử dụng. Theo đánh giá của truyền thông Trung Quốc, việc thử nghiệm thành công đánh dấu một bước “đột phá lớn” trong phát triển khả năng tái sử dụng của động cơ tên lửa.
Trong thử nghiệm bay kiểm chứng, động cơ này đóng vai trò là động cơ chính trong chuyến bay đầu tiên, sau khi được kiểm tra và bảo dưỡng đã tiến hành thành công một thử nghiệm bay lặp lại khác, hiện thực hóa việc tái sử dụng động cơ đẩy tên lửa lỏng lần đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Ông Trương Hiểu Quân (Zhang Xiaojun), người đứng đầu viện này, cho biết điều đó cho thấy công nghệ tái sử dụng động cơ ở Trung Quốc đã bước sang giai đoạn ứng dụng trên thực tế, đồng thời nhấn mạnh viện này sẽ tiếp tục khám phá các giải pháp công nghệ có độ tin cậy cao, chi phí thấp và hiệu suất cao để hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình không gian quốc gia.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Tây An không tiết lộ lực đẩy của động cơ hay tên lửa nào được sử dụng trong chuyến bay thử nghiệm lần này. Được biết, tên lửa đẩy tầm trung thế hệ mới Trường Chinh-8 của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công vào tháng 12/2020. Nó được cho là có tiềm năng tái sử dụng trong tương lai.
Theo kế hoạch do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) tiết lộ, động cơ tầng lõi của Trường Chinh-8 dự kiến có thể tái sử dụng 10 lần vào năm 2025 và tái sử dụng hoàn toàn vào năm 2035. Các nhà quan sát không gian cho biết, biến thể tăng cường của Trường Chinh-8 trong tương lai có thể là tên lửa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng cất - hạ cánh thẳng đứng (VTVL) và tái sử dụng nhiều lần.