Trung Quốc vội vã phát hành nhân dân tệ phiên bản kỹ thuật số, đã đến lúc nói lời từ biệt với hệ thống ngân hàng và tiền tệ mà chúng ta từng biết?

    Thu Hương, Theo Trí thức trẻ 

    Có phải Trung Quốc sắp phát hành bitcoin của riêng mình? Theo tác giả Andy Mukherjee của Bloomberg Opinion, hãy từ bỏ suy nghĩ đó, bởi vì câu chuyện đã đi xa hơn thế nhiều lần.

    Đúng là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mà Trung Quốc sắp phát hành giống với các đồng tiền kỹ thuật số khác ở chỗ sẽ "token hóa" tiền tệ. Tuy nhiên, đó là điểm chung duy nhất. Dự kiến ra mắt ngay trong năm 2020, đồng tiền này sẽ được hậu thuẫn bởi NHTW của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có giá trị được hậu thuẫn một phần bởi khả năng áp thuế vĩnh viễn của chính phủ Trung Quốc. Và các nước cũng đang nóng lòng muốn áp dụng ý tưởng phát triển 1 đồng tiền số quốc gia.

    Cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết nhiều về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, ngoại trừ việc Trung Quốc đã tập trung phát triển dự án này trong suốt 5 năm qua và giờ đã sẵn sàng để triển khai ngoài thực tế.

    Trung Quốc vội vã phát hành nhân dân tệ phiên bản kỹ thuật số, đã đến lúc nói lời từ biệt với hệ thống ngân hàng và tiền tệ mà chúng ta từng biết? - Ảnh 1.

    Trọng tâm của dự án là đồng tiền mã hóa này được phát triển trên 1 blockchain riêng tư – 1 mạng lưới ngang hàng giúp chia sẻ thông tin và xác minh các giao dịch, trong đó NHTW Trung Quốc sẽ kiểm soát ai được tham gia vào mạng lưới này. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được cung cấp thông qua hệ thống ngân hàng và thay thế một phần lượng tiền vật lý đang lưu thông. Điều này không khó là vì sự hiện diện quá phổ biến của các ví điện tử được phát triển dựa trên công nghệ quét mã QR như Alipay và WeChat Pay.

    Ban đầu phạm vi áp dụng sẽ rất nhỏ, nhưng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hoàn toàn có thể tạo ra nhiều thay đổi bước ngoặt cho không chỉ hoạt động ngân hàng truyền thống mà cho cả hệ thống tỷ giá thả nổi hậu Bretton Woods mà thế giới vẫn đang dựa vào suốt từ năm 1973 đến nay. Theo chuyên gia phân tích fintech Gautam Chhugani của Sanford C. Bernstein & Co., không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang coi công nghệ blockchain và đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là ưu tiên chiến lược của quốc gia.

    Suốt từ thế kỷ 17 tới nay, thứ quan trọng nhất đối với ngành ngân hàng chính là sổ cái – tài liệu ghi chép lại những giao dịch để tạo lập lòng tin vào các định chế tài chính. Khi Peter ở Vancouver đồng ý gửi tiền cho Paul ở Singapore, họ bắt buộc phải sử dụng một chuỗi các định chế tài chính trung gian bởi vì trên thế giới này không tồn tại cuốn sổ cái nào ghi chép về cả hai. Trong khi đó sổ cái phân phối của công nghệ blockchain khiến điều này không còn cần thiết. Pual sẽ tạo ra 1 mã bí mật, và chia sẻ mã đó (trong phiên bản được mật mã hóa) tới Peter – người sẽ sử dụng mã này để tạo ra 1 hợp đồng điện tử để sau này trả cho Pual. Mạng lưới các ngân hàng trung gian – vốn rất phức tạp và đắt đỏ - trở nên thừa thãi, đặc biệt khi mà tổng giá trị các giao dịch đi qua biên giới Trung Quốc lên tới 124 nghìn tỷ USD mỗi năm.

    Trung Quốc cũng không phải là quốc gia duy nhất đang thử nghiệm ứng dụng công nghệ blockchain vào hệ thống tài chính ngân hàng. Các giao dịch thanh toán xuyên biên giới được xử lý rất nhanh với chi phí thấp là một trong những ứng dụng mà nền tảng Quorum của JPMorgan Chase đem lại. Quorum là nền tảng dựa trên đồng tiền số Ethereum, hiện cũng đang được NHTW Singapore sử dụng để thử nghiệm đồng tiền số quốc gia.

    Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn "khai hoang", nhưng nếu như công nghệ blockchain có thể xử lý được lượng lớn giao dịch trong cùng 1 lúc thì các đồng tiền kỹ thuật số có thể thay thế không chỉ tiền mặt vật lý mà cả tiền dự trữ của các ngân hàng.

    Đó sẽ là thời khắc thay đổi cuộc chơi. Lượng tiền dự trữ tại 1 NHTW được duy trì bởi các ngân hàng nhận tiền gửi. Đồng nhân dân tệ - hay đồng đôla Singapore, rupee Ấn Độ - kỹ thuật số có thể thay thế hệ thống này, cho phép bất kỳ ai nắm giữ chúng đều có thể có 1 khoản tiền gửi tại NHTW, làm suy yếu vai trò độc quyền trong việc tạo cung tiền của chính phủ.

    Nhưng tại sao chính các NHTW lại muốn tự tay phá hủy hệ thống ngân hàng mà mình đang quản lý? Để tìm nguyên nhân hãy nhìn vào châu Âu và Nhật Bản, nơi lãi suất âm đang bào mòn mọi thứ. Các ngân hàng đang đói lợi nhuận bởi vì mặc dù NHTW bắt họ phải trả phí khi gửi tiền tại NHTW nhưng họ không thể dễ dàng chuyển gánh nặng đó sang cho ngườ gửi tiền. Nếu kinh tế toàn cầu chìm trong giảm phát trong 1 thời gian dài, các đồng tiền kỹ thuật số chính thức chí ít cũng là 1 cách hiệu quả để nới lỏng tiền tệ mà không gây ra gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.

    Một lý do quan trọng hơn là các tiến bộ công nghệ khiến chúng ta không thể duy trì hiện trạng mãi mãi. Không phải ngẫu nhien mà Trung Quốc đẩy mạnh phát triển đồng tiền số quốc gia sau khi Facebook thông báo về dự án Libra – đồng tiền số được quảng cáo là có thể thay thế USD. Libra hiện gặp phải rất nhiều khó khăn về pháp lý và khiến các cơ quan quản lý hoài nghi. Nhưng nếu những đồng Libra được phát hành như những thẻ quả tặng Spotify tại các cửa hàng 7-Eleven, chắc chắn sẽ xuất hiện nhu cầu đối với những đồng tiền số được chấp nhận rộng rãi trên nhiều quốc gia, có giá trị ổn định so với 1 rổ các đồng tiền pháp định và có thể được sử dụng trong hoạt động đầu tư cũng như giao dịch thương mại toàn cầu. Nếu không phải Mark Zuckerberg thì cuối cùng cũng có ai đó ở thung lũng Silicon thành công, làm lung lay quyền lực của các NHTW.

    Những thay đổi mà đồng tiền số quốc gia gây ra không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng tiền tệ mà sẽ tác động đến cả chính trị. Không như tiền mặt, tiền kỹ thuật số có tính minh bạch cao.

    Năm 2020 sắp đến, và có lẽ chúng ta sắp bước vào một thập kỷ mà thế giới thay đổi chóng mặt, không chỉ trên lĩnh vực tài chính tiền tệ mà cả về quyền riêng tư và hệ thống chính trị.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày