Trung Quốc xác nhận thuốc của Nhật Bản có hiệu quả điều trị Covid-19, và chuẩn bị tự sản xuất phiên bản "generic" loại thuốc này
Theo người phát ngôn của Fujifilm, công ty vẫn đang giữ bản quyền sáng chế đối với thuốc favipiravir ở Nhật Bản.
Trung Quốc hôm qua đã xác nhận một loại thuốc trị cúm đã cho hiệu quả trong điều trị bệnh Covid-19. Loại thuốc này có tên là favipiravir, được phát triển bởi công ty Nhật Bản Fujifilm Toyama Chemical và bán dưới nhãn thương mại Avigan.
"Nó rất an toàn và rõ ràng là có hiệu quả", Zhang Xinmin, giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ sinh học của Bộ khoa học Trung Quốc cho biết trong buổi họp báo.
Favipiravir được Fujifilm phát triển từ năm 2014. Loại thuốc này cũng được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Nhật Bản từ tháng Hai.
Sau thông tin mới cho thấy kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan ở Trung Quốc, cổ phiếu của Fujifilm đã tăng hơn 15%.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tờ Asia Nikkei hôm nay cho biết chưa chắc Fujifilm đã được hưởng lợi từ động thái này. Bởi một công ty hóa dược phẩm của Trung Quốc đang rục rịch tự sản xuất thuốc favipiravir với số lượng lớn.
Bằng sáng chế thuốc favipiravir của Fujifilm mặc dù còn hiệu lực ở Nhật Bản, nhưng nó đã hết hạn ở Trung Quốc, cho phép bất kể công ty nào ở quốc gia này cũng có thể sản xuất favipiravir dưới phiên bản thuốc generic giá rẻ.
Trung Quốc xác nhận thuốc favipiravir của Nhật Bản có hiệu quả điều trị Covid-19
Xác nhận của Trung Quốc được đưa ra sau khi họ kết thúc một thử nghiệm lâm sàng với thuốc favipiravir trên 200 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán và Thâm Quyến.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân dùng thuốc thử nghiệm đã hồi phục nhanh và rút ngắn được thời gian cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus. Các triệu chứng viêm phổi của họ cũng giảm rõ rệt.
Trung bình sau 4 ngày, bệnh nhân dùng favipiravir sẽ cho kết quả xét nghiệm âm tính, so với 11 ngày ở nhóm đối chứng không được dùng thuốc, ông Zhang cho biết. Favipiravir cũng an toàn và không có bất kỳ tác dụng phụ nào đáng kể.
Một thử nghiệm lâm sàng khác ở Vũ Hán cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng favipiravir đã cắt sốt sau trung bình 2,5 ngày, so với 4,2 ngày đối với các bệnh nhân khác không dùng thuốc. Các triệu chứng như ho cũng được cải thiện trong vòng 4,6 ngày - sớm hơn khoảng 1,4 ngày so với những người khác.
Chỉ có 8.2% bệnh nhân dùng favipiravir cần hỗ trợ hô hấp, trong khi 17,1% bệnh nhân trong nhóm đối chứng phải cần đến thiết bị hỗ trợ thở.
Các kết quả tích cực ở Trung Quốc trái ngược với sự dè dặt đối với Avigan tại Nhật Bản, quê hương của loại thuốc này. Avigan đã được Nhật Bản phê duyệt từ năm 2014, nhưng chỉ quy định dùng trong trường hợp chính phủ Nhật Bản cần tới nó để chống lại virus cúm mới hoặc một dịch cúm tái phát mạnh.
Các nghiên cứu cho thấy loại thuốc này thể gây tử vong hoặc dị tật thai nhi. Favipiravir cũng được tìm thấy trong tinh dịch bệnh nhân sau điều trị.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm của nước này cũng quyết định không nhập khẩu Avigan, sau khi các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm phán quyết rằng: Không có đủ dữ liệu lâm sàng để chứng minh hiệu quả của nó.
Favipiravir là một loại thuốc do Nhật Bản nghiên cứu và phát triển.
Ngay sau khi Trung Quốc thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng với thuốc favipiravir, cổ phiếu của Fujifilm giao dịch tại sàn chứng khoán Tokyo đã tăng 15,4%. Tuy nhiên, không rõ công ty này sẽ được hưởng lợi thế nào nếu các công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất thuốc favipiravir hàng loạt.
Người phát ngôn của Fujifilm cho biết công ty không tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc và hiện đang đánh giá chúng.
Fujifilm đã ký một thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế liên quan đến favipiravir với Công ty Dược phẩm Chiết Giang Hisun của Trung Quốc vào năm 2016. Nhưng người phát ngôn nói rằng thỏa thuận này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái, mặc dù hai bên vẫn đang trong "mối quan hệ hợp tác".
Công ty Trung Quốc cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận chính thức để sản xuất favipiravir vào tháng 2 và có thể tăng sản lượng cho phiên bản generic của loại thuốc này trong thời gian tới.
Thuốc generic là thuốc có thành phần hoạt tính giống hệt với thuốc gốc. Thuốc gốc hay còn gọi là biệt dược gốc là sản phẩm thuốc có chứa dược chất mới do các nhà nghiên cứu hoặc các nhà sản xuất sáng chế ra.
Hãng dược đứng tên bằng phát minh được phép sản xuất độc quyền sản phẩm trong một thời gian nhất định (thường là từ 10 đến 20 năm kể từ ngày dược chất được tìm thấy).
Trong thời gian bảo hộ này, một công ty khác muốn sản xuất một loại thuốc generic theo biệt dược gốc phải được sự cho phép của hãng độc quyền. Đồng thời họ phải trả tiền bản quyền đề bù công nghiên cứu và phát triển thuốc, thường được tính vào 80-85% chi phí sản xuất.
Sau khi hết thời hạn bảo hộ phát minh, các công ty dược khác được phép sản xuất những thuốc tương tự biệt dược gốc được gọi tên là thuốc generic. Thuốc generic phải có thành phần biệt dược giống với thuốc gốc.
Điều đó có nghĩa là phiên bản thuốc favipiravir của Trung Quốc nếu được sản xuất sẽ chứa hàm lượng favipiravir bằng với Avigan của Nhật Bản, nhưng giá thành thuốc được mong đợi sẽ rẻ hơn rất nhiều do không mất chi phí nghiên cứu phát triển.
Theo người phát ngôn của Fujifilm, công ty vẫn đang giữ bản quyền sáng chế đối với thuốc favipiravir gốc ở Nhật Bản, nhưng bằng sáng chế của họ ở Trung Quốc đã hết hạn vào năm ngoái. Điều này đã cho phép Công ty Dược phẩm Chiết Giang có quyền sản xuất phiên bản generic của họ.
Tại Nhật Bản, Fujifilm cũng đang cung cấp thuốc Avigan cho các bệnh viện trong nước để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19. Nghiên cứu của Nhật Bản mới bắt đầu từ tháng ba, và phải vài tháng nữa mới cho kết quả.
*Bạn phải tập những thói quen gì để bảo vệ bản thân mình trước dịch Covid-19? Làm bài trắc nghiệm sau để biết nhé:
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng