Theo China Daily, một nhà máy nhân bản vô tính chó, ngựa đua và bò thịt lớn nhất thế giới đang được đưa vào xây dựng tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Theo thông tin từ nhật báo China Daily cùng lời xác nhận từ chính quyền địa phương thành phố Thiên Tân, phía đông bắc Trung Quốc, với số vốn đầu tư ước tính khoảng gần 30 triệu USD, nhà máy nhân bản vô tính động vật này sẽ bao gồm hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nhân bản, ngân hàng gen cùng một trung tâm triển lãm khoa học kết hợp giáo dục.
Dự kiến, nhà máy sẽ được xây dựng ngay trong Khu phát triển Kinh tế - Công nghệ Thiên Tân vốn được tài trợ bởi chính phủ Trung Quốc. Hiện tại, công trình này đang dần đi vào giai đoạn nước rút nhằm kịp trở thành nơi làm việc chính thức của các nhà nghiên cứu trong nửa đầu năm 2016.
Được biết, đây là dự án hợp tác giữa Viện nghiên cứu Sinica chuyên về tế bào gốc và y học tái tạo, Đại học Bắc Kinh, Học viện quốc tế Thiên Tân về kỹ thuật y sinh cùng Tổ chức nghiên cứu Công nghệ sinh học Sooam của Hàn Quốc. Trong đó, tổ chức Sooam từng được báo giới ca ngợi vì những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc "hồi sinh" voi ma mút bằng kỹ thuật nhân bản vô tính.
Chú chó Snuppy thuộc giống Afghan Hound, cá thể chó được nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới năm 2008.
Với số tiền đầu tư lên tới 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng 30 triệu USD), trung tâm này được coi là dấu hiệu đáng mừng của giới nghiên cứu sinh học nói chung. Như đã đưa tin, một trong những mục tiêu của việc xây dựng trung tâm này là nhằm tận dụng tối đa công nghệ nhân bản để cải thiện quá trình nhân giống gia súc. Ông Xu Xiaochun - Chủ tịch tập đoàn Boyalife trong đó có Viện nghiên cứu Sinica - lạc quan nhận định, khi được hoàn thành và đi vào hoạt động, trung tâm này sẽ giúp sản xuất tới 100.000 phôi gia súc mỗi năm, và sẽ dần nâng con số này lên mức 1 triệu. Ông cũng cho rằng, đây là một trong những biện pháp thiết thực nhất nhằm hỗ trợ những người nông dân chăn nuôi đang khá chật vật để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu Trung Quốc từng nhân bản thành công cừu, bò và lợn từ năm 2000. Tuy nhiên về sau, các nhà khoa học đang dần chuyển hướng qua nhân bản mang tính đại trà hơn. Trong nỗ lực đó, trung tâm nhân bản động vật cho mục đích thương mại đầu tiên của Trung Quốc đã ra đời vào năm 2014 tại tỉnh Sơn Đông. Dự án đầu tiên của trung tâm này đã chứng kiến các nhà khoa học nhân bản thành công giống chó ngao Tây Tạng thuần chủng vốn rất được ưa chuộng trong cộng đồng người dân Trung Quốc.
Cũng theo Tân Hoa Xã, ngày càng xuất hiện nhiều các công ty cố gắng sao chép công nghệ nhân bản nhằm phục vụ mục đích thương mại. Khá dễ hiểu bởi nhu cầu sử dụng động vật trong đời sống con người chưa bao giờ có dấu hiệu giảm sút. Ngoài việc nhân bản gia súc lấy thịt, việc sử dụng chó nhân bản vô tính để đánh hơi cũng đã được áp dụng từ lâu. Ví dụ điển hình, những chú chó nhân bản thuộc giống sniffer Canada - thành quả nghiên cứu của Đại học quốc gia Seoul - đã khá quen thuộc với hải quan Hàn Quốc vài năm nay khi hỗ trợ kiểm tra các loại thuốc tại các sân bay và cửa khẩu quốc tế.
Tham khảo BusinessInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng