Trước miếng bánh đã chia phần của ngành chip, thị trường Việt Nam đón cơ hội thu về hàng tỷ USD
Dù là thị trường còn non trẻ, nhưng Việt Nam đang đứng trước cơn bão phát triển có một không hai của ngành bán dẫn.
- Intel chốt lịch ra mắt chip Core Ultra 'Hồ sao băng' mới nhất, riêng người dùng PC vẫn sẽ phải dùng lại chip đời cũ
- Con chip 7 nanomet trong điện thoại mới của Huawei khiến giới công nghệ choáng váng, chuyên gia cũng chưa hiểu tại sao và bằng cách nào họ sản xuất được
- Intel công bố bước đột phá với chất nền thủy tinh, mở ra kỷ nguyên mới trong sản xuất chip
- Tập đoàn chip khổng lồ thuộc S&P 500 ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Việt Nam
- Sở hữu công nghệ cho phép uốn cong chip 10.000 lần cũng không hỏng: Tập đoàn Hàn Quốc chuẩn bị rót 1 tỷ USD vào nhà máy bán dẫn ở Bắc Giang tiếng tăm thế nào?
Miếng bánh phân định ngành chip giữa các quốc gia và tập đoàn lớn tại chuỗi sản xuất chip toàn cầu khá rõ ràng. Thống kê từ Forbes , chip từ Đài Loan, Trung Quốc tạo ra 37% năng lực tính toán máy tính mỗi năm. Hai công ty của Hàn Quốc sản xuất ra 44% chip nhớ của thế giới. Hay ASML tại Hà Lan độc quyền chế tạo ra máy in thạch bản, cần thiết để tạo ra mọi chip xử lý tiên tiến hiện nay.
Nhiều tờ báo hàng đầu thế giới nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm chúng ta thấy rõ hơn chuỗi cung ứng chip bị gián đoạn và căng thẳng thương mại Mỹ Trung làm thay đổi bản chất ngành. Bên cạnh đó, nhiều phân khúc ngành chip tổn thương do nền kinh tế toàn cầu bất ổn. Bấy nhiêu đó là cơ sở để Việt Nam có cơ hội vươn lên trong ngành sản xuất chip.
Theo thống kê hồi đầu năm của Gartner , doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD và tăng lên khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Đồng nghĩa với việc, nếu được “tham chiến” trong chuỗi cung ứng ngành chip toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội hàng tỷ USD.
Từ hơn 10 năm trước, Intel - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đã bắt đầu phát triển nhà máy tại Việt Nam ở TP HCM, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.
Nhà máy Foxconn tại Bắc Giang, Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội, Amkor Technology từ Hàn Quốc, Renesas của Nhật Bản, hay mới nhất là Hana Micron Vina (Hàn Quốc) liên tục rót vốn đầu tư vào nghiên cứu, phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam vào thời gian gần đây.
Đáng chú ý, “cơn sóng lớn" xuất hiện vào ngày 19/9 tại Mỹ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với với Tập đoàn Cadence Design Systems, Tập đoàn Intel - 2 “ông lớn" ngành bán dẫn của Mỹ cùng Đại học bang Arizona nhằm giúp tăng năng lực thiết kế chip bán dẫn, đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao.
Đây chính là những ví dụ cho thấy FDI ngành chip tiếp tục đổ về Việt Nam, hứa hẹn đem lại sự hiện diện vững chắc hơn của Việt Nam trong chuỗi này. Với Mỹ, Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Mỹ, cung cấp khoảng 10% tổng lượng chip nhập khẩu của Mỹ trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, mới đây, trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời "ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam".
Tuyên bố nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Tuy nhiên, để ngành công nghiệp bán dẫn vươn lên, thu hút FDI không phải yếu tố quyết định duy nhất mà cần có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước. Việt Nam cũng đang có những ý tưởng để xây dựng chip nội địa, với phân khúc cấp thấp để góp phần chủ động nguồn cung cho các công ty trong nước.
Nhiều tập đoàn đã tham gia sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel... Ban đầu các doanh nghiệp thiết kế nội địa, sau đó mang sang nhà máy ở nước ngoài chế tạo để có thể thương mại hoá và bán cho các đối tác nước ngoài tại Việt Nam.
Nhà máy chip của Intel tại Việt Nam đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022. Doanh nghiệp này mất hơn 10 năm, từ 2010 đến 2020, để cho ra đời 2 tỷ sản phẩm đầu tiên, nhưng chỉ cần chưa tới hai năm tiếp theo để tăng con số lên 3,5 tỷ sản phẩm vào cuối 2022.
Hồi giữa tháng 4, FPT công bố đã thiết kế và sản xuất được ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip, dự kiến xuất khẩu vào năm 2024-2025. Một đơn hàng khác là 2 triệu chip cho một đối tác Nhật Bản, dự kiến hoàn thành vào tháng 7. Trong năm nay, FPT Semiconductor cũng sẽ cho ra mắt thêm 7 dòng chip mới, cùng các dòng chip IoT Platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, đeo tay, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.
Hiện ở Việt Nam có hơn 35 công ty thiết kế và hơn 5.000 kỹ sư, đa phần trong số họ làm việc cho các công ty tại nước ngoài. Vì vậy, việc có được dấu ấn Việt Nam tại ngành chip là điều đáng khích lệ.
Đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam dự báo vượt giá trị 6,17 tỷ USD. Đây sẽ là mục tiêu để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu, giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Bởi thu nhập của người lao động sẽ được nâng cao, do hàm lượng chất xám và giá trị sản phẩm làm ra được nâng cao.
Các động thái mới từ FDI ngành bán dẫn và việc gia tăng các sản phẩm chip nội địa được đánh giá là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng