Trước vấn nạn thực phẩm bẩn bủa vây, startup của một sinh viên Bách Khoa sẽ giúp người Việt trồng rau sạch dễ dàng mà không cần đất hay mặt trời, chỉ cần 1 chiếc smartphone
Không cần đất, không cần ánh sáng mặt trời, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối Internet là việc trồng rau đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ở nước ngoài hình thức trồng rau thông minh đã phổ biến nhưng tại Việt Nam, xu hướng này còn khá mới mẻ. Trong khi đó, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan và tỷ lệ ung thư do thực phẩm bấn chiếm khoảng 35% đang khiến người tiêu dùng ngày càng lo ngại trước tình hình sức khỏe của mình.
Hiểu được điều đó, năm 2016, chàng trai 9x Đặng Xuân Trường đã cho ra đời hệ thống trồng cây Hachi, kết hợp giữa nông nghiệp và công nghệ.
Hachi thực chất là phương pháp trồng cây theo hình thức thủy canh, có sử dụng hệ thống đèn LED để chiếu sáng thay thế ánh sáng mặt trời. Hệ thống còn sử dụng các cảm biến, theo dõi điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm sau đó gửi thông tin trực tiếp đến smartphone của người dùng thông qua một ứng dụng đi kèm. Nhờ đó khách hàng có thể dễ dàng điều chỉnh thời gian tưới, lượng nước tưới tự động dù đang ở cơ quan hay đi công tác.
Hình thức trồng cây thông minh này giúp cây tránh được sâu bệnh do không tiếp xúc với môi trường bên ngoài, tăng 30-50% tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn tiết kiệm 70% sức lao động.
“Mình mong muốn cống hiến cho sự phát triển nền nông nghiệp tại Việt Nam cũng như cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao cho người dùng”, Trường chia sẻ.
CEO, người sáng lập dự án Hachi, Đặng Xuân Trường.
Con đường khởi nghiệp
Đặng Xuân Trường sinh năm 1991, từng theo học Đại học Bách khoa Hà Nội. Với hơn 2 năm tham gia dự án startup của các anh chị khác, Trường đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để phát triển theo hướng riêng của mình.
Tháng 2/2016 Trường cùng các bạn ra mắt dự án khởi nghiệp Hachi. Hachi là từ ghép của “happy” (hạnh phúc) và “tree” (cái cây), nhưng cũng có nghĩa là con ong trong tiếng Nhật, một biểu tượng của nông nghiệp.
Đến khoảng tháng 5/2016 dự án tạm dừng để Trường sang Malaysia tham gia một khóa học cho các startup. Tại đây, Trường có cơ hội nhìn lại khoảng thời gian bắt đầu khởi nghiệp và học hỏi các bạn nước ngoài kinh nghiệm mang về ứng dụng tại Việt Nam.
“Khi mình tham gia Hachi đồng nghĩa mình chấp nhận đánh đổi nhiều thứ. Buổi tối 8h mới rời cơ quan là hoàn toàn bình thường, thậm chí là 9h, 10h. Có những lần mình lên khảo sát dự án của khách hàng trên Lào Cai, đi buổi sáng tầm 8h thì tầm 3h sáng hôm sau về”, Trường tâm sự.
Cây trồng bằng phương pháp thủy canh từ dự án Hachi.
Do sản phẩm còn mới, nên không tránh khỏi những than phiền từ phía khách hàng. Ban đầu Trường cũng buồn vì “thiệt hại về kinh tế là chuyện nhỏ, thiệt hại về uy tín với khách hàng mới là chuyện lớn”. Bên cạnh đó, các nhân viên bán hàng trong dự án cũng dễ bị ảnh hưởng do không thể thuyết phục khách hàng khi bản thân cũng nhận thấy sản phẩm chưa tốt.
“Mình giải quyết bằng cách thu hồi, tìm giải pháp khắc phục cho khách hàng. Sau đó tìm ngay nguyên nhân để khắc phục trong các công trình sau”, Trường cho biết.
Khó khăn tiếp tục thử thách lòng người khi dự án chạy được hơn nửa năm thì hai người đồng sáng lập khác xin rút lui. Có đôi lúc Trường cũng suy nghĩ đến chuyện dừng lại vì nhận thấy quá nhiều khó khăn, vấn đề, nhưng vai trò người quản lý, người lãnh đạo không cho phép Trường làm vậy.
“Rất nhiều bạn cùng làm với mình, họ dồn hết tâm huyết tin tưởng mình mà mình lại từ bỏ là mình đang phụ lòng tin của họ”.
Xác định sẽ tiếp tục với dự án, Trường mang Hachi đi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để bổ sung nguồn vốn. Khoản vốn 200 triệu đồng từ Vườn ươm khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley của Bộ Khoa học - Công nghệ đã giúp nhóm hoàn thiện sản phẩm mẫu và tiếp tục phát triển.
Cuối cùng, nỗ lực của Hachi đã được nhìn nhận. Dự án dành nhiều giải thưởng uy tín như: Dự án nông nghiệp xuất sắc nhất Startup Wheel 2016, giải nhất khởi nghiệp Lotte do tập đoàn Lotte – Hàn Quốc, Bkholding và VSVA tổ chức, giải Startup triển vọng cuộc thi Nhân Tài Đất Việt 2016…
Hiện Hachi đã có trong tay hơn 100 khách hàng ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm 2017, Trường cùng nhóm phát triển dự định tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm, giảm giá thành và mở rộng ứng dụng đối với quy mô trang trại.
Giống nhiều nhà sáng lập khác, Trường cho biết để khởi nghiệp thành công thì yếu tố quan trọng nhất là kiên trì, còn sáng tạo, ý tưởng chỉ chiếm 50%.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng