Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Có tháng, người Hà Nội chỉ được hít thở không khí chất lượng trung bình đúng 1 ngày

    Ngọc Minh,  

    Trên thực tế, Hà Nội thường xuyên nằm trong danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, thậm chí một số thời điểm còn nằm ở Top 1 trong danh sách không ai mong muốn này.

    Ngọc Minh: Một người bạn nước ngoài nói với tôi rằng, một điều khiến cô ấy do dự trước khi chuyển đến Hà Nội là chất lượng không khí không tốt có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình. Là Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Thật không may là vào năm 2023, ô nhiễm không khí đã quay trở lại ở mức trước đại dịch Covid-19 khi nồng độ bụi mịn có hại PM2.5 tăng 9% ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đang có 8 triệu người sống ở Hà Nội phải hít thở không khí có mức PM2.5 cao gấp gần 9 lần mức khuyến cáo của WHO. Nhìn vào tổng thể, mức PM2.5 ở cả nước cao gấp 6 lần mức khuyến cáo của WHO.

    Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Có tháng, người Hà Nội chỉ được hít thở không khí chất lượng trung bình đúng 1 ngày- Ảnh 1.

    Vào tháng 3/2024, khảo sát thường niên của IQAir đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 8 ở châu Á. Ảnh: Reuters

    Số liệu thống kê mới nhất về ô nhiễm không khí cho thấy một thực trạng đáng lo ngại. Vào tháng 3/2024, khảo sát thường niên của IQAir đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 8 ở châu Á, và Việt Nam là quốc gia có chất lượng không khí xấu thứ 22 trên thế giới. Trong tháng 3, chỉ có duy nhất một ngày người dân được hít thở không khí chất lượng “trung bình”.

    Chất lượng không khí kém gây ra nhiều thiệt hại về sức khỏe, xã hội và kinh tế cho cộng đồng. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng các tổn thất về phúc lợi do ô nhiễm không khí ở Việt Nam, bao gồm tử vong sớm, bệnh tật và thiệt hại riêng về kinh tế lên tới hơn 13 tỷ USD/năm, tương đương khoảng 4% GDP.

    Ngọc Minh: WHO đã xác định được nguồn gây ô nhiễm không khí thông thường ở Hà Nội chưa?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguồn gốc bụi mịn gây ô nhiễm không khí cho Hà Nội bao gồm:

    - 29% đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp

    - 26% đến từ việc đốt rơm rạ ngoài trời

    - 23% đến từ bụi đường

    - 15% đến từ các hoạt động giao thông vận tải (chủ yếu là vận tải đường bộ).

    Ngoài ra, ô nhiễm còn đến từ nhiên liệu đốt trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhiên liệu đốt phục vụ hoạt động thương mại, làng nghề, và rác thải.

    Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Có tháng, người Hà Nội chỉ được hít thở không khí chất lượng trung bình đúng 1 ngày- Ảnh 2.

    Ngọc Minh: Có hay không việc ô nhiễm không khí trong nhà?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Có chứ, vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà thường bị bỏ qua. Nhưng trên toàn cầu, ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ra gần một nửa số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm:

    Nhiên liệu nấu ăn không sạch như dầu hỏa/paraffin và nhiên liệu rắn như than;

    Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá.

    Ngọc Minh: Như bà đã nói ở trên, ô nhiễm không khí là gây tử vong sớm và nhiều bệnh tật. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Nhìn từ góc độ sức khỏe, ô nhiễm không khí là một tác nhân gây nhiều tác hại. Các hạt bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch. Tiếp xúc trong thời gian ngắn với mức độ ô nhiễm không khí cao có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Tiếp xúc trong thời gian dài hoặc phơi nhiễm mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư.

    Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó, riêng ở khu vực Tây Thái Bình Dương là khoảng 2,2 triệu ca.

    Vào năm 2029, ô nhiễm không khí ở Việt Nam ước tính sẽ khiến 70.000 người tử vong mỗi năm và rút ngắn tuổi thọ trung bình 1,4 năm.

    Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một số người sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn như:

    - Người mắc các bệnh về phổi: hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính;

    - Trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai;

    - Người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc những người có bệnh lý nền.

    - Những người làm việc hoặc tập thể dục với cường độ cao ở ngoài trời;

    - Người sống hoặc làm việc gần nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao như đường cao tốc, công trường xây dựng, công trình phá dỡ hay khu công nghiệp, nơi đốt rác thải ngoài trời, cháy rừng;

    - Phụ nữ nấu ăn bằng nhiên liệu không sạch;

    - Những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

    Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Có tháng, người Hà Nội chỉ được hít thở không khí chất lượng trung bình đúng 1 ngày- Ảnh 3.

    Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Có tháng, người Hà Nội chỉ được hít thở không khí chất lượng trung bình đúng 1 ngày- Ảnh 4.

    Ngọc Minh: Chúng ta có biện pháp nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội? WHO có khuyến nghị nào dành cho Chính phủ Việt Nam?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Chính phủ Việt Nam đã cam kết hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí bằng cách đặt mục tiêu như:

    - Đạt mức phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050;

    - Thiết lập cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí năm 2021-2025 với mục đích giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí.

    Những chính sách và cam kết từ Chính phủ này cho thấy việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là một ưu tiên hàng đầu.

    Tuy nhiên, hầu hết các cam kết này sẽ được thực hiện trong dài hạn. Cần có hành động để cải thiện chất lượng không khí trong ngắn hạn, đồng thời đóng góp vào mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu dài hạn.

    Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Có tháng, người Hà Nội chỉ được hít thở không khí chất lượng trung bình đúng 1 ngày- Ảnh 5.

    Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

    Ví dụ, Hà Nội sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các biện pháp như:

    - Đẩy nhanh hành động loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch trong vận tải và nấu ăn gia đình.

    - Cải thiện công tác giám sát chất lượng không khí để có cơ sở cung cấp thông tin về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm ngắn hạn, cũng như đưa ra khuyến cáo cho người dân để họ có thể tự bảo vệ bản thân trong những ngày không khí ô nhiễm.

    - Giải quyết ô nhiễm theo ngành. Ví dụ, Chính phủ có thể khuyến khích các biện pháp xây dựng bền vững như:

    Chuyển sang sử dụng các thiết bị có lượng phát thải thấp hoặc bằng 0;

    Các biện pháp ngăn chặn bụi và quản lý chất thải cũng như thiết lập mạng lưới giám sát chất lượng không khí xung quanh các khu vực xây dựng.

    Trong giao thông vận tải, cần thực thi các tiêu chuẩn về khí thải của phương tiện và giảm thiểu lưu lượng giao thông trên đường vào những ngày ô nhiễm nặng.

    Ngoài ra Việt Nam có thể học hỏi từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, trong thời gian tương đối ngắn đã cải thiện thành công chất lượng không khí cho người dân thông qua việc kết hợp các biện pháp giảm thiểu (như phát triển hệ thống đường sắt đô thị) và thích ứng.

    Trong công tác quản lý chất thải, cần có sự đầu tư của nhà nước và tư nhân vào các biện pháp thực hành tốt hơn, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp tránh đốt chất thải.

    - Cải thiện quy hoạch đô thị, bao gồm tìm kiếm các phương án di chuyển các khu công nghiệp ra khỏi trung tâm thành phố và thêm nhiều không gian xanh trong quy hoạch đô thị.

    Các phương án mà Hà Nội và Việt Nam có thể thực hiện để cải thiện chất lượng không khí hoàn toàn phù hợp với cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, cũng như góp phần tiếp tục những tiến bộ đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong việc cải thiện sức khỏe người dân và giảm bệnh tật trong những thập kỷ gần đây.

    Ngọc Minh: Về phần từng cá nhân, liệu có thể đóng góp gì để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Những cải thiện lớn nhất về chất lượng không khí sẽ đòi hỏi nhiều thay đổi ở các cấp bộ ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nhưng các cá nhân có thể thực hiện một số biện pháp để góp phần cải thiện chất lượng không khí, bao gồm:

    - Đảm bảo ô tô, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn phát thải

    - Tránh di chuyển bằng phương tiện cá nhân khi không cần thiết và sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu có thể

    - Trong gia đình cần giảm thiểu các chất gây ô nhiễm như: khói thuốc lá và các vật dụng cháy (như nến, củi, nhang, rác), khói nấu ăn, máy lọc không khí tạo ozone.

    - Vệ sinh nhà cửa bằng cách lau ướt thay vì quét (việc quét sẽ tạo thêm bụi và các hạt bụi siêu mịn). Cân nhắc sử dụng máy hút bụi có bộ lọc HEPA.

    Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Có tháng, người Hà Nội chỉ được hít thở không khí chất lượng trung bình đúng 1 ngày- Ảnh 6.

    Khẩu trang được khuyến cáo sử dụng nếu các cá nhân phải ở ngoài trời trong thời gian dài. Ảnh: Manan Vatsyayana / Getty

    Ngọc Minh: Với những người phải di chuyển trên đường trong điều kiện môi trường ô nhiễm thì cần phải làm gì thưa bà?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Các cá nhân có thể thực hiện các việc sau để giúp hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời:

    Hạn chế vận động kéo dài hoặc cường độ cao ngoài trời vào những ngày ô nhiễm.

    Đeo khẩu trang nếu cần ở ngoài trời trong thời gian dài, chẳng hạn như đi lại bằng xe máy hoặc xe buýt. Kiểm tra xem khẩu trang có thể lọc được hạt bụi mịn (PM2.5) và ôm khít quanh miệng và mũi hay không. Các loại khẩu trang phù hợp là khẩu trang N95 và N99. Khẩu trang dùng một lần, khăn quấn và khẩu trang chống bụi thông thường không có khả năng bảo vệ hiệu quả trước ô nhiễm không khí.

    Giảm thiểu hoặc dừng việc di chuyển bằng ô tô khi không cần thiết, đóng cửa sổ, đặt điều hòa không khí ở chế độ tuần hoàn và cân nhắc sử dụng phụ kiện lọc không khí.

    Ngọc Minh: Như bà nói ô nhiễm không khí có thể đến từ ngay trong ngôi nhà mình ở, vậy khi ở nhà chúng ta nên làm gì?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Khi ở nhà, nên đóng cửa sổ khi không khí ô nhiễm. Xác định hướng di chuyển của không khí ô nhiễm, ví dụ như qua cửa ra vào hoặc cửa sổ không đóng khít hay qua hệ thống điều hòa không khí và đảm bảo các khe hở của cửa được bịt kín.

    Nếu dùng máy lọc không khí, tốt nhất là dùng máy có màng lọc HEPA 13 trở lên.

    Ngoài ra, cần nhớ thường xuyên vệ sinh bộ lọc của điều hòa và bảo dưỡng cuộn ống xoắn ruột gà.

    Ngọc Minh: Nếu chất lượng không khí ở các thành phố lớn được cải thiện, người dân sẽ được hưởng các lợi ích gì?

    Tiến sỹ Angela Pratt: Khi chất lượng không khí được cải thiện ở các thành phố, người dân được sẽ được hưởng nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

    Theo Ngân hàng Thế giới và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nếu chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt tiêu chuẩn của WHO, các rủi ro về sức khỏe sẽ giảm đáng kể, số ca tử vong sẽ giảm từ 4.500 đến 13.000 ca, tương đương với giảm từ 25% đến 74% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí mỗi năm. Việt Nam sẽ tiết kiệm được từ 2% đến 5.1% GDP, tương đương với 44 đến 114 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các chi phí liên quan đến ô nhiễm không khí.

    Ngọc Minh: Cảm ơn Tiến sỹ. Xin chúc bà sức khỏe và thành công!


    Ngọc Minh
    Yên Yên
    WHO, AP, Reuters, Getty
    29/05/2024 13:00


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày