Một trường đại học vô cùng đặc biệt, có sinh viên nhưng không có giảng viên vừa đi vào hoạt động ở Mỹ cuối tháng trước.
Ngôi trường được đặt tên là 42, theo câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống trong cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng ăn khách "The Hitchhiker's Guide to the Galaxy" của Douglas Adams.
Trường đại học 42 ở Mỹ, một chi nhánh của Học viện 42 tại Pháp, sẽ đào tạo khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm về mã hóa và phát triển phần mềm. Điều đặc biệt về ngôi trường này là, các sinh viên sẽ tự hỗ trợ nhau học thông qua các dự án, sau đó chấm điểm công trình của các bạn đồng môn.
Tất cả trông có vẻ giống "người mù dẫn đường cho người mù" và thật khó để tưởng tượng rằng các bậc phụ huynh sẽ yên tâm giao con cháu họ cho ngôi trường không có giáo viên hướng dẫn ấy.
Tuy nhiên, kể từ khi Học viện 42 đi vào hoạt động ở Paris vào năm 2013, số hồ sơ đăng ký theo học luôn vượt quá khả năng tuyển sinh của trường.
Không học phí
Các sinh viên mới tốt nghiệp gần đây của Học viện 42 đang làm việc cho nhiều công ty lớn, bao gồm cả IBM, Amazon và Tesla, cũng như thành lập doanh nghiệp do chính họ làm chủ.
Học viện do tỉ phú công nghệ Pháp Xavier Niel khởi xướng và bảo trợ, nhằm bảo đảm sinh viên theo học ở đây được miễn học phí và có chỗ ở miễn phí.
Ông Niel và những người đồng sáng lập trường đều xuất thân từ giới công nghệ và là lãnh đạo các công ty khởi nghiệp . Họ đang cố gắng tác động đến hoạt động giáo dục giống như những gì Facebook đã làm được với lĩnh vực truyền thông cũng như cách dịch vụ đặt phòng Airbnb đã tác động đến ngành dịch vụ cung cấp nơi ăn, chốn ở.
Họ nhắm thực hiện mục tiêu trên bằng cách kết hợp một dạng "học từ bạn" ("peer-to-peer learning") với học qua các dự án (project-based learning). Cả hai đều là những phương pháp phổ biến trong giới nghiên cứu giáo dục, nhưng chúng thường đòi hỏi có sự giám sát của một giáo viên.
Sinh viên ở trường 42 được chọn các đề tài dự án, chẳng hạn như vào vị trí một của một kỹ sư phần mềm để thiết kế nên một trang web hoặc một trò chơi máy tính.
Họ hoàn thành dự án thông qua sử dụng các nguồn tài nguyên miễn phí, sẵn có trên Internet và sự giúp đỡ của các bạn học đang mày mò bên cạnh, trong một căn phòng lớn chứa đầy máy tính. Một sinh viên khác sau đó sẽ được giao ngẫu nhiên chấm điểm công trình của họ.
Giống như trong các trò chơi máy tính, các sinh viên sẽ được nâng cấp bậc sau khi hoàn thành một dự án.
Họ sẽ tốt nghiệp khi đạt đến cấp bậc 21 và toàn bộ quá trình đó thường kéo dài từ 3 - 5 năm. Và cuối cùng, các sinh viên sẽ được cấp một chứng chỉ, chứ không phải một văn bằng chính thức.
Những người tự lập
Các nhà sáng lập Học viện 42 tuyên bố, phương pháp học tập như trên bù đắp được những nhược điểm trong hệ thống giáo dục truyền thống, vốn biến sinh viên thành các đối tượng tiếp nhận kiến thức một cách thụ động.
"Phản hồi chúng tôi nhận được từ các nhà tuyển dụng là, các sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi có năng lực tốt hơn để tự học hỏi và tìm ra thông tin cần thiết cho họ, thay vì chờ đợi cấp trên chỉ bảo phải làm gì tiết theo", Brittany Bir, người đang phụ trách chi nhánh 42 ở California và cũng là cựu sinh viên của học viện ở Paris, cho biết.
Ý tưởng về việc học từ bạn không phải là mới. Nhà hiền triết Hy Lạp cổ Aristotle được cho là từng dùng các "archon" (thủ lĩnh học viên) để hỗ trợ giảng dạy cho các môn đệ của ông.
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, học từ bạn có thể giúp sinh viên thu được vốn hiểu biết sâu hơn về một chủ đề nào đó.
Giáo sư Dan Butin, hiệu trưởng sáng lập Trường giáo dục và chính sách xã hội thuộc Đại học Merrimack (Massachusetts, Mỹ), cho rằng cần phải áp dụng cả hai phương pháp học từ bạn và học theo đề án, rộng rãi hơn nữa trong các trường cao đẳng và đại học.
Theo ông, chúng là "những công cụ học tập tốt hơn nhiều" so với các bài giảng vốn không kích thích sinh viên suy nghĩ.
Giá trị của giảng dạy
Tuy nhiên, giáo sư Butinnhận định, Học viện 42 đã tiến quá xa khi loại bỏ hoàn toàn giáo viên .
Nghiên cứu của ông phát hiện, việc học từ bạn sẽ hiệu quả nhất khi các sinh viên được đặt dưới sự giám sát của một giáo viên chuyên ngành.
"Lí do chính cho sự tồn tại của người giáo viên là hướng dẫn các sinh viên nắm bắt chính xác các vấn đề phức tạp, mơ hồ và đầy thách thức, vốn thường vượt ra ngoài sự tự nhận thức và khả năng của họ", ông Butin giải thích.
Giáo sư Butin nhấn mạnh, giá trị chính của một trường đại học là kiểm chứng và điều chỉnh, bổ sung các kiến thức cũng như nhận định trước kia của sinh viên về thế giới.
Mô hình của 42 mang tới một giải pháp thay thế cho Mooc (các khóa học trực tuyến mở, quy mô lớn, cho phép một lượng lớn học viên học một môn học trực tuyến với giá rẻ).
Việc thành lập trường đại học 42 cũng ăn theo xu hướng trỗi dậy của "các học viện mã hóa" ở Mỹ, vốn cung cấp các khóa học ngắn, chuyên sâu cho hàng ngàn học viên muốn tận dụng nhu cầu cao về kỹ sư phần mềm của xã hội.
Các sinh viên năng động
Tuy nhiên, liệu mô hình học tập không giáo viên như trường 42 có phát huy hiệu quả ở những trường đại học truyền thống như hiện nay? Cô Bir thừa nhận, nó không phù hợp với mọi sinh viên.
Trong quá trình tuyển sinh kéo dài một tháng, một số ứng viên đã bị trượt vì không chịu nổi các áp lực của việc học tập cùng nhau quá gần gũi như vậy. Một sinh viên rất dễ phản ứng tiêu cực nếu bị một người bạn ngồi ngay bàn bên cạnh cho mình điểm kém.
"Phương pháp học này chỉ phù hợp với các cá nhân có tính kỷ luật cao và rất năng động, những người không sợ phải tự học hỏi theo cách của riêng mình", quản lý của trường 42 tại Mỹ nói.
Theo Nicolas Sadirac, giám đốc Học viện 42 ở Paris, mô hình trên đặc biệt tốt cho những sinh viên chán nản với việc bị chỉ dạy phải làm gì và làm như thế nào trong nền giáo dục đương đại. Việc tuyển sinh của trường bỏ qua các bằng cấp trước đây của ứng viên. 40% sinh viên tại trường ở Paris thậm chí chưa hoàn thành chương trình phổ thông trung học.
"Trường 42 gợi nhắc họ rằng, học là điều thú vị nếu họ theo đuổi những gì mình quan tâm, thay vì bị giáo viên bảo phải tập trung vào một thứ nhất định nào đó", ông Sadirac khẳng định.
Theo Vietnamnet
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng