Trương Đình Anh: "Tôi đã trở thành tỷ phú như thế nào?"
Kiếm được 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2004 nhưng không phải từ FPT, cựu CEO của tập đoàn này vẫn thừa nhận, "thành công lớn nhất của tôi là FPT".
Năm 1988 là thời điểm quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, khi mới chuyển mình từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Đó cũng là năm chàng trai 18 tuổi Trương Đình Anh bước vào ngưỡng cửa trường đại học, trở thành sinh viên đại học Kinh tế Quốc dân.
Trương Đình Anh từng kể về thời gian khó khăn của một gia đình tri thức khi bố mẹ ông, một giáo sư, một phó giáo sư có mức lương không đủ tiêu trong một tuần.
"Năm 1988, tôi thi đỗ đại học, định mức lương thực hàng tháng được nâng từ 13 kg lên 16 kg gạo đã là một cái gì đó rất lớn", ông viết trong blog riêng vào năm 2008.
Ước mơ thay đổi cuộc sống
Người đàn ông từng làm nên điều kỳ diệu ở FPT vào thời đại Internet Việt Nam chuyển mình từ sơ khai đã bắt đầu cuộc sống học đường khá thuận lợi. Khi còn là sinh viên năm thứ nhất, ông từng đạt điểm số đứng đầu trong 600 sinh viên của trường đại học Kinh tế Quốc dân lúc bấy giờ.
Đến năm thứ hai, Trương Đình Anh bắt đầu đi làm thêm, và năm thứ ba đã có công việc part-time cố định ở ngân hàng.
Làm thêm và trốn học quá nhiều, Trương Đình Anh không được lấy bằng đúng hạn, mà phải dời lại sau đó một năm. Năm 1993, sau gần 3 năm gắn bó với ngành ngân hàng, Trương Đình Anh nhảy việc sang FPT, làm lập trình viên, nhận mức lương 70 USD, dẫu con số này khiến những năm đầu ở FPT của ông lâm vào tình cảnh như cha mẹ mình trước đây, tức là "lương không đủ tiêu".
Năm 2007, Trương Đình Anh gây xôn xao khi đưa ra tuyến bố: "Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi".
Một thanh niên trẻ, tài năng, mang trong mình giấc mơ lớn là một điều tích cực nhưng điều ước đó lại gây tranh cãi lớn. Một số người cho rằng đó là thái độ "phách lối", nhưng số khác thấy ông "đáng ngưỡng mộ, đi trước thời đại".
Lối suy nghĩ "đi trước thời đại" này thực tế đã có từ khi ông rời khỏi ngành ngân hàng, dù lúc đó lý do mà Trương Đình Anh đưa ra chỉ là "cảm thấy mình không có cơ hội phát triển".
Cựu CEO FPT từng nói, với vị thế là một nhà kinh tế, những ý tưởng có thể thay đổi cuộc sống sẽ chỉ thành hiện thực khi có trong tay một quốc gia, nhưng nếu là một nhà tin học, ông có thể làm điều đó với chỉ 1 chiếc máy tính PC.
"Tôi chọn tin học chính vì điều đó".
Kiếm 1 triệu USD đầu tiên
Trương Đình Anh kiếm được món tiền 100 USD đầu tiên rất sớm, khi ông mới 14 tuổi. "Khi đó, tôi có thú vui sưu tầm tem, sưu tầm bao diêm, sưu tầm mô hình ôtô. Tôi từng nhịn ăn trưa cả tháng để dành tiền mua các món sưu tầm. Tôi đã đổi bộ được sưu tầm bao diêm lấy 100 USD để lấy tiền tiếp tục mua tem", cựu CEO FPT viết trong blog cá nhân.
Ông kiếm được 100.000 USD đầu tiên cùng với vợ khi bao thầu tổ chức một hội nghị quốc tế cho gần 1.000 nhà khoa học nước ngoài tới Việt Nam dự hội thảo trong hai tuần vào năm 2001. Trong khi đó, con số 1 triệu USD đầu tiên kiếm được vào năm 2004 là khoản thu từ món đầu tư mạo hiểm vào bất động sản tại Phú Mỹ Hưng.
Trong lời kể về cách để trở thành triệu phú USD, cựu CEO FPT đều nhấn mạnh số tiền này không đến từ FPT. Nhưng khi đó, vị này vẫn nhấn mạnh: "Thành công lớn nhất của tôi là FPT".
20 năm gắn bó với FPT, Trương Đình Anh từ vị trí của một lập trình viên trở thành người nắm chiếc ghế nóng của tập đoàn này.
Ở FPT, người đàn ông thuộc tuýp luôn gây tranh cãi gần như đạt được sự thành đạt mà ông mong muốn: có tên trong top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, trở thành CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, kết hôn với người bạn đời tâm đầu hợp ý.
Thế nhưng nuối tiếc cũng rất nhiều. Nếu như năm 2008, ông từng ví FPT như vùng đất mà chính ông "được quyền góp sức, được quyền 'cày cấy', chăm bẵm cánh đồng của mình và chờ đến ngày lúa chín" thì đến lúc rời đi, Trương Đình Anh nhắc lại FPT như một bài học với mình.
"Nhiều năm sau, tôi kinh nghiệm rằng không bao giờ nên tin mình có thể trồng trọt và thu hoạch lâu dài trên một mảnh đất do người khác đứng tên", vị này chia sẻ.
Theo Soha/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng