Truyền hình trả tiền "chiều" người dùng hơn?

    PV,  

    Hôm qua, ngày cuối tháng 6 và cũng là ngày cuối cùng VTVcab bán đầu thu VTVcab HD với giá rẻ - chưa đến 500.000 đồng/đầu thu. Mà không chỉ có nhà cung cấp dịch vụ này, tháng 6 năm nay cũng ghi nhận một thái độ "dễ chịu" hơn hẳn trước đây của nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

    Truyền hình trả tiền "chiều" người dùng hơn?

    Ngoài VTVcab và VTC có chương trình giảm giá đầu thu, SCTV có chương trình cho mượn đầu thu HD với hơn trăm kênh truyền hình, trong đó có nhiều kênh HD; VSTV cũng mở bán các gói K mới. Trên các mạng cáp của VTVcab, SCTV hay trang mạng K , nhà cung cấp dịch vụ không ngừng quảng bá, giới thiệu nội dung chương trình mới, những dịch vụ "hot" mà chỉ họ mới có… Nếu để ý theo dõi động thái của nhà cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian dài, chưa bao giờ người tiêu dùng cảm thấy hả lòng hả dạ đến thế. Cũng chưa có bao giờ mà nhà cung cấp dịch vụ cố gắng gây cảm giác "vì người tiêu dùng" rõ như lúc này.

    "Ma trận" truyền hình trả tiền đã bày ra, nhà cung cấp dịch vụ dùng mọi cách "ngọt nhạt" mời mọc người tiêu dùng. Từng ấy loại dịch vụ, nên chọn gì cho nhà mình? Liệu phía sau "những lời có cánh" của nhà cung cấp dịch vụ là gì, chất lượng vượt trội thật sự hay chỉ đơn thuần là lời quảng cáo "nói vậy mà không phải vậy"? Vì sao đầu thu được giảm giá ồ ạt?...

    Thực ra, việc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền "cuống cả lên" như vừa rồi hẳn là có nguyên do. Xét về bối cảnh, có thể đã xuất hiện vài yếu tố khiến họ ra sức "yêu chiều" người tiêu dùng hơn trước. Thứ nhất, không thể không tính đến là sự xuất hiện của nhà cung cấp dịch vụ mang tên Viettel, một đối thủ đáng gờm thật sự dù tới nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố rõ ràng về nội dung dịch vụ mang tính cạnh tranh. Thứ hai, sau khi K tuyên bố có gói độc quyền phát sóng trực tiếp Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh đối với các trận diễn ra vào ngày chủ nhật và trận đấu sớm vào ngày thứ bảy, và sau những động thái gần đây cho thấy rất khó để K từ bỏ quyền… được độc quyền, các nhà cung cấp dịch vụ còn lại buộc phải tính đến giải pháp khác "ngoài bóng đá Anh" để thu hút người dùng. Tăng kênh, giảm giá đầu thu và phí dịch vụ, đó là giải pháp khả thi lúc này.

    Tuy thế, người tiêu dùng cần thận trọng trước "những lời mời mọc có cánh". Điều quan trọng là xác định mình cần xem gì, khả năng tài chính đến đâu, chất lượng dịch vụ thế nào. Lúc này, nói thẳng thì K chỉ có thế mạnh là Giải Ngoại hạng Anh trong ba mùa tới, nhưng phí dịch vụ đắt đỏ vào loại nhất, số kênh ít ỏi. VTVcab chững chạc về nội dung, phí dịch vụ vừa phải nhưng bị tiếng "nối giáo" cho K . SCTV rõ tính chuyên nghiệp nhưng mang tính vùng miền rõ rệt, đơn giản là đa số kênh "nói giọng Nam bộ", người Bắc không dễ thích nghi. VTC thì không còn như trước nữa, tức là không còn "bài tủ" đáng kể làm cơ sở cạnh tranh, giá đầu thu HD vẫn còn ở mức cao - suýt soát 2 triệu đồng.

    Chọn dùng loại dịch vụ nào không chỉ là sự thỏa mãn cá nhân. Khi người tiêu dùng chọn loại nào đó tức là họ đã góp phần làm cho nền móng của nhà cung cấp dịch vụ thêm vững chắc. Bởi thế, với quyền được chọn, người tiêu dùng nên đứng về phía nhà dịch vụ uy tín, xây dựng thương hiệu dựa trên sự nâng cao chất lượng, chứ không phải bằng cách chộp giật, quyền được độc quyền rồi "thịt" khách. Lúc này, rất khó tìm ra nhà cung cấp dịch vụ thỏa mãn đủ tiêu chí nói trên. Bởi thế, nên chọn một nhà cung cấp dịch vụ nào đó rõ hướng phát triển "tử tế" trong tương lai. Quyết định lựa chọn của người dùng là để góp phần xây dựng nhà cung cấp đó, giúp họ đủ lực phát triển lành mạnh, đủ mạnh về chất lượng để có thể thắng áp đảo kiểu kinh doanh chộp giật trong tương lai gần. Đây chính là lúc thử thách danh hiệu "Người tiêu dùng thông thái".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày