Truyền thông và những cú lừa ngoạn mục: Hãy luôn hoài nghi với những gì được phơi bày trước mắt
Từ chàng ca sĩ Justin Bieber với cách ăn burrito chả giống ai, tới "gã điên" Kanye West vào hôm trái gió trở trời lại đi đăng tải một MV ca nhạc cộm mác 18+, tất cả đều cho ta thấy những bộ mặt rất khác về sức lan toả của truyền thông số...
Chả biết từ bao giờ, internet đã có sức ảnh hưởng nhất định đến cách tiếp nhận thông tin của cả một thế hệ; giúp mỗi cá thể trong số chúng ta hòa nhập với cuộc sống chuyển biến không ngừng ngoài kia bằng ngày một nhiều hơn những công cụ khiến việc này trở nên dễ dàng đến... khó tin. Từ khi nào mà một đứa trẻ 12 tuổi ở cách nửa vòng trái đất cũng có thể nắm bắt được tình hình chiến sự tại Iraq như bây giờ? Từ khi nào mà chỉ một hình ảnh về con mèo nhỏ bé "tập thể dục" dưới gầm xe , lọt thỏm giữa một đất nước tỷ dân rộng 1 triệu km2 có thể đến với người dân Việt Nam với tốc độ "1 cái click chuột" như vậy? Chỉ có thể cho rằng truyền thông hay internet nói riêng đang có sức lan tỏa nhanh, mạnh hơn bao giờ hết, kết nối tất cả các nền văn hóa chỉ nằm trọn trong màn hình chiếc smartphone to bằng chai nước mà bạn vẫn đang cầm trên tay.
Cậu bé Syria ngủ say bên bố mẹ...
Ví dụ về sức lan tỏa rộng rãi của truyền thông số thì nhiều vô kể, điển hình trong số đó có thể nhắc đến tấm ảnh dưới đây – thứ đã hội tụ con tim của cả triệu người xem vào một mối quan ngại to lớn: Cuộc chiến tàn khốc ở Syria.
Có thể bạn đã nhìn thấy nó trước đây, hoặc có thể chưa: Cậu bé nằm co ro trong chiếc chăn mỏng dính, với tấm nệm là nền đất bụi mù; hai bên của chiếc giường tạm bợ là ngôi mộ của bố mẹ em – hậu quả của một cuộc chiến khốc liệt vừa đi qua.
Chỉ là một bức ảnh được đăng tải lên Twitter, nhưng thông điệu mà nó truyền tải được đã là quá đủ để họ - các netizen lúc đó – phải sôi sục trong những nỗi niềm cảm xúc quá lớn. Ngay cả đến thời điểm hiện tại, bức ảnh với dòng tựa "Cậu bé đang ngủ say bên bố mẹ" vẫn đem lại những hồi ức khốc liệt tột cùng của cuộc chiến năm ấy tại Syria – năm 2014.
Thật tồi tệ khi một đứa trẻ nhỏ tuổi như vậy phải lớn lên trong tình cảnh thiếu vắng sự yêu thương bao bọc của bố mẹ, thậm chí còn bị đe dọa bởi chính cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng nhân thân mình nữa. Thật tồi tệ làm sao khi điều đó thực sự xảy ra với một ai đó… Nhưng sự thật là nó đã không xảy ra với cậu bé này.
Bức ảnh nói trên không được chụp tại Syria, mà là ở Ả Rập Xê Út. Quan trọng hơn cả, hai nấm mồ bên cạnh cậu bé đều không gì hơn ngoài hai gò đất trống trơn – chẳng có lấy một thi hài nào nằm trong đó cả!
Và đương nhiên là cậu bé tội nghiệp trong ảnh lúc đó vẫn chưa mất đi bố mẹ rồi! Bé trai cuộn tròn người giữa hai ngôi mộ đầy sỏi đá ấy là cháu họ của anh thợ chụp ảnh người Ả Rập - Abdul Aziz al Otaibi. Tấm ảnh là một phần của dự án nghệ thuật Abdul nghĩ ra để truyền tải thông điệp về tình yêu và gia đình. Nhưng có nằm mơ, anh nhiếp ảnh gia 25 tuổi cũng không ngờ rằng tấm ảnh hết sức giản đơn của mình lại được biến tấu thành cả một câu chuyện li kì nhằm lấy đi sự quan tâm và nước mắt của hàng triệu triệu người.
Thật bất ngờ, khi biết rằng cùng một bức ảnh, nhưng chỉ với lời kể khác đi, bạn có thể xoay chuyển hoàn toàn cả một cộng đồng từ thanh niên trai tráng tới những người lớn tuổi có kinh nghiệm sống của cả một cuộc đời. Song đây cũng không phải lần duy nhất cộng đồng mạng nhận được cú lừa đau điếng người như vậy từ internet.
Nói về "phốt" truyền thông thì sẽ có rất nhiều, nhưng bài viết này xin được tập trung vào những thông tin được lan truyền dưới dạng hình ảnh. Đây cũng được coi là dạng thông tin dễ có khả năng đánh lừa nhận thức và xoay chuyển cách nghĩ của con người nhất, vì "trăm nghe không bằng một thấy" cơ mà? Hàng loạt những câu chuyện khôi hài cũng từ đây mà ra, khi dân mạng nói chung bị chính nhãn quan của mình phản bội một cách ngoạn mục.
Chuyện chàng Justin Bieber và cái bánh burrito gây bão mạng
Chỉ mới đây thôi, nam ca sĩ Justin Bieber đã làm khuynh đảo cả mạng xã hội sau bức ảnh anh… thưởng thức bánh burrito được đăng tải. Chồng mới cưới của Hailey Baldwin cầm chiếc bánh nhân thịt - quốc hồn quốc túy của Mexico - và… cắn ngang khi đang tận hưởng một chiều mùa thu trên băng ghế công viên. Nhưng như thế thì đã làm sao nhỉ?
Xin thưa rằng, điều này tương tự với việc thưởng thức tô phở tái chín của Việt Nam khi đang cầm dĩa vậy! Tóm lại, dân tình nước bạn hoàn toàn có quyền sửng sốt với cách ăn burrito "quê mùa" này của chàng ca sĩ 24 tuổi.
Có điều, nhân vật trong bức ảnh không phải là Justin Bieber.
Đây thực chất là màn thử nghiệm vui được dựng nên bởi nhóm Yes Theory, với mục tiêu duy nhất: Chụp một bức ảnh để dắt mũi toàn thể mạng xã hội. Điều đầu tiên cần làm là tìm một thanh niên có ngoại hình giống hệt Justin; cho anh ta để râu, đội tóc giả và đeo kính hệt như phong cách "ông chú râu ria" của Justin ở thời điểm hiện tại, rồi đem "Justin Bieber" tới một công viên nào đó, cầm chiếc burrito trên tay rồi bảo anh ta cắn ngang cái bánh. Giờ công việc duy nhất chỉ là chụp ảnh, gửi mail cho một vài tờ báo mạng và… nhìn lượt xem cùng lượt chia sẻ, bình luận tăng vù vù.
Nhân vật ăn burrito "quê mùa" trong bức ảnh lại hoàn toàn không phải nam ca sĩ 24 tuổi.
Thật kì lạ khi biết rằng với cách làm đơn giản này, ai cũng có thể trở thành Justin Bieber, và đồng nghĩa với đó, ai cũng có thể lôi kéo hàng vạn người khác cùng tin tưởng vào câu chuyện bịa đặt do chính mình tạo ra. Đó cơ bản là khả năng điều khiển suy nghĩ mạnh mẽ của truyền thông nói chung, mạng xã hội nói riêng với sự giúp sức của chính các nạn nhân là chúng ta chứ chả phải ai xa lạ. Nhóm Yes Theory cũng đã lên tiếng đính chính về bức ảnh gây tranh cãi này bằng một đoạn clip giải thích toàn bộ quá trình từ A-Z. Nhưng suy cho cùng, đây cũng chỉ là một minh chứng hài hước, một trường hợp quá sức vô hại nếu so tới tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa mà truyền thông có thể đem lại được - nhất là khi được điều khiển với ý định uốn cong sự thật đến mức méo mó như đa số các trường hợp khác.
"Gã điên" Kanye West tổ chức tiệc ngủ khoả thân cùng Taylor Swift và Donald Trump?
Nhắc đến cú lừa truyền thông, chắc chắn không thể không nhắc tới sự kiện cách đây 2 năm của nhà Kanye West với MV ca nhạc Famous cộm mác 18 : Một bữa tiệc ngủ hội tụ toàn những ngôi sao hạng A như Rihanna, Chris Brown, Kanye West, Taylor Swift,… và cả chính khách Donald Trump đều đang loã lồ trên chiếc giường trải ga trắng muốt.
Tại sao ư? Có thể "gã điên" Kanye đang muốn gửi đến một thông điệp nghệ thuật nào đó tới tất cả những người theo dõi đang sục sôi vì tính dung tục quá đà của đoạn clip, với hầu hết những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể người tham gia đều đã bị phơi bày trong MV công khai này. Song cũng như hai trường hợp kể trên, mọi thứ không hoàn toàn giống như bạn nghĩ mặc cho sức thuyết phục đến từ những hình ảnh này là không thể chối cãi. Trong số những người tham gia tiệc ngủ, có một số - nếu không muốn nói là phần nhiều – là tượng sáp. Kỹ thuật chế tác hình nộm không tì vết cộng với cách quay phim ở độ phân giải thấp đã khiến những người hâm mộ bị… hớ nặng.
Tạm kết
Qua những ví dụ kể trên, ta hiểu được điều gì về những hình ảnh cùng dòng thông tin sai lệch đang trôi nổi đầy rẫy trên mạng xã hội?: Nó hội tụ đầy đủ những gì giúp cấu thành nên sự thật, chỉ có điều nó không phải sự thật. Người tạo ra những luồng thông tin này đã thành công trong việc lợi dụng "lỗ hổng bảo mật" trong nhận thức của chúng ta, và thật cũng đáng báo động làm sao khi lỗ hổng quá lớn này vẫn luôn tồn tại, đến mức ta còn không để ý tới nó suốt bấy lâu nay.
Một lời cảnh báo tới tất cả các cư dân mạng – những người được tiếp xúc với những gì mới nhất và đa dạng nhất từ mạng lưới internet – là hoàn toàn cần thiết. Bởi, sẽ ra sao nếu những thông tin ấy không còn hướng tới mục đích gây hài hay nghệ thuật như "Chàng Justin với cái bánh burrito" hoặc "Kanye West với dàn ngôi sao khoả thân" nữa, mà sẽ bắt đầu len lỏi tới những vấn đề chính trị hay cả xã hội quanh ta?
Sẽ ra sao nếu những thông tin ấy không còn hướng tới mục đích gây hài hay nghệ thuật như "Chàng Justin với cái bánh burrito" hoặc "Kanye West với dàn ngôi sao khoả thân" nữa?
Mới còn nhớ ngày nào, mạng xã hội nước nhà được dịp chấn động với thông tin gạo giả, gạo nhựa của Trung Quốc được bán lẫn lộn với gạo thật ở các khu chợ Thành Công, Phùng Khoang,… Chỉ với một vài bức hình không rõ nguồn gốc cùng mấy dòng chữ cẩu thả đã làm cả một ngành công nghiệp điêu đứng trong suốt khoảng thời gian dài, bất chấp sự xác nhận của cơ quan chức năng rằng thông tin trên không hề có thật. Và cả vô vàn những trường hợp khác không tiện nêu tên, nhưng nhiêu đây chắc cũng đã đủ để cho thấy cả một mối nguy hại tiềm tàng có sức tàn phá không thua gì một cuộc chiến xâm lược, có điều cuộc xâm lăng này sẽ diễn ra với khả năng nhận biết của cả một cộng đồng.
Mọi nỗ lực nhằm chấm dứt những hình ảnh này, như chấm dứt những căn bệnh truyền nhiễm, là gần như không thể thực hiện được; song đi kèm với đó cũng là một giải pháp nằm ở ngay từ những bước đầu khi não chúng ta tiếp nhận bất cứ thông tin hay hình ảnh nào trên mạng xã hội: Hãy luôn hoài nghi với những gì được phơi bày trước mắt bạn!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng