Từ biến đổi khí hậu đến siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh: Chúng ta có thể giải quyết bằng việc giảm ăn thịt
Không cần phải chờ đợi một cuộc cách mạng hay những đột phá công nghệ mới.
Một tuần ngập tràn những tin tức giải trí có thể đang khiến bạn quên mất sự kiện các nguyên thủ quốc gia và nhiều nhà lãnh đạo đang có cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong đó, họ sẽ thảo luận rất nhiều vấn đề toàn cầu, ví dụ như diễn biến và giải pháp với biến đổi khí hậu.
Lần này cũng là lần đầu tiên mà vấn đề vi khuẩn kháng kháng sinh được đưa ra thảo luận trên một cấp độ cao nhất. Chỉ mới có 3 vấn đề sức khỏe nhận được sự quan tâm tương tự trước đây là HIV, Ebola và các bệnh mãn tính phổ biến như đái tháo đường.
Trước thềm hội nghị, rất nhiều vấn đề và giải pháp đã được những chuyên gia hàng đầu mong đợi có mặt trong chương trình thảo luận tại Liên Hợp Quốc. Một trong số đó liên quan đến bữa ăn của bạn: Cắt giảm thịt, chúng ta có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề mang tính toàn cầu.
Từ biến đổi khí hậu đến siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh: Chúng ta có thể giải quyết đơn giản bằng việc ăn ít thịt đi
Bạn có thể chưa từng nghĩ đến việc mình ăn gì cũng có thể tạo ra sự ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Nhưng sự thực là nhiều vấn đề từ khí thải nhà kính, cho đến vi khuẩn kháng kháng sinh đều đang được thúc đẩy bởi ngành chăn nuôi sản xuất thịt của con người.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng: Hành động trên mỗi bữa ăn của chúng ta, chẳng hạn như bớt đi một khẩu phần thịt, cũng sẽ đóng góp rất lớn vào việc giải quyết những vấn đề nóng hổi toàn cầu. Điển hình, một nghiên cứu năm 2009 chỉ ra nếu chúng ta chung tay với một chế độ ăn cắt giảm thịt, lượng khí thải nhà kính có thể giảm xuống chỉ còn 50%.
Nghe có vẻ dễ dàng để bạn gọi ít đi một món thịt trong bữa trưa, nhưng làm thế nào để điều đó được mọi người cùng thực hiện trên một quy mô lớn?
Trung Quốc, đất nước nơi mà mức tiêu thụ thịt đã tăng chóng mặt trong một thập kỷ qua, đã mạnh dạn đặt mục tiêu hồi đầu năm để giảm con số xuống còn một nửa. Họ ban hành một kế hoạch, trong đó chính phủ sẽ thay đổi hướng dẫn chế độ ăn. Đồng thời những chiến dịch truyền thông lớn sẽ được thực hiện để khuyến khích người dân cắt giảm thịt.
Cho tới nay, còn quá sớm để nói rằng kế hoạch của Trung Quốc có thành công hay không. Nhưng ít nhất, chúng ta đã có thể thấy Trung Quốc là một trong số những quốc gia đầu tiên, nhận thức được rằng mỗi bữa ăn trên hành tinh này cần phải được tái cấu trúc.
Mỗi bữa ăn trên hành tinh này cần phải được tái cấu trúc
Vậy mà ngay tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần này, các quốc gia đã cùng nhau thống nhất một thực tế rằng: Nông nghiệp mà đại diện là ngành chăn nuôi có một vai trò cực kì lớn với “cơn ác mộng” kháng kháng sinh của nhân loại. Nhưng không hề có một giải pháp đơn giản nào được đưa ra, ví dụ chỉ như là kêu gọi mọi người giảm ăn thịt vài lần một tuần.
“Toàn bộ những giải pháp như chuyển dần sang năng lượng xanh hay phát triển công nghệ mới đang nhận được sự ủng hộ của các chính phủ. Chắc chắn, làm được những việc này là hoàn toàn tốt”, Sonia Faruqi, người sáng lập dự án Project Animal Farm nhằm tìm ra những giải pháp bền vững cho nền nông nghiệp nhận xét.
“Nhưng cũng sẽ có những giải pháp đơn giản hơn nhiều. Chúng ta không cần phải chờ đợi một cuộc cách mạng nào hay những đột phá công nghệ mới. Chúng ta chỉ cần nghĩ về những gì có trong bữa ăn của mình mà lẽ ra không cần đến”.
Khi nói đến vấn đề kháng kháng sinh gây ra bởi siêu vi khuẩn, việc lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp là thủ phạm không thể chối cãi. Riêng tại Hoa Kỳ, có tới 70-80% tất cả các loại kháng sinh được bán ra mỗi năm đến tay người nông dân. Và việc họ sử dụng chúng không phải để chữa bệnh cho chính mình, thậm chí cho vật nuôi. Họ dùng nó để vỗ béo chúng và ngăn ngừa bệnh một cách không cần thiết.
80% tất cả các loại kháng sinh được dùng trong công nghiệp chăn nuôi
Với vấn đề biến đổi khí hậu, sự ảnh hưởng thậm chí còn rõ ràng hơn. Một số nhà nghiên cứu đã công bố những bằng chứng chỉ ra ngành chăn nuôi hiện nay là thủ phạm hàng đầu gây ra sự biến đổi khí hậu. Nó đang tạo ra quá nhiều lượng khí thải nhà kính.
Tổ chức Nông nghiệp và lương thực thế giới (FAO) của chính Liên hợp quốc cũng chỉ ra chăn nuôi nông nghiệp đang sản sinh tới 14.5% tổng lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra. Việc sử dụng nước trong chăn nuôi thậm chí còn nhiều hơn cả trồng trọt. Ít người hình dung được để phát triển chăn nuôi, con người cũng cần phải phá rừng.
Đến đây, có vẻ như mối liên hệ giữa thực đơn của bạn và những vấn đề toàn cầu đang tỏ ra rõ ràng hơn. Chắc chắn sẽ không thể khả quan khi Liên Hợp Quốc muốn mọi người trên hành tinh này đều bỏ thịt, trứng và sữa. Nhưng sẽ hoàn toàn khả thi nếu chúng ta dừng lại ở mức cắt giảm.
Nếu tất cả mọi người đều hiểu được rằng hạn chế ăn thịt trong bữa ăn của họ có thể giúp cả nhân loại chống lại biến đổi khí hậu và vấn đề kháng kháng sinh, họ sẽ cùng với các chính phủ sẽ đều ủng hộ. Các nghiên cứu xã hội đã chỉ rõ, khi nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu, mọi người đều sẽ bắt đầu thay đổi hành vi của mình.
Điều cần thiết ở đây là làm thế nào để họ có được nhận thức rõ ràng về sự ảnh hưởng, dù nhỏ bé, trong hành động của mình tới phần còn lại của thế giới. Thế nhưng, một nghiên cứu công bố cho thấy chỉ 6% người Mỹ nhận thức được rằng việc ăn thịt cũng có mối liên hệ với biến đổi khí hậu.
Qua những phân tích này, có thể thấy chỉ với việc khuyến cáo mọi người giảm ăn thịt trong một vài bữa ăn, rất nhiều vấn đề toàn cầu có thể được giải quyết. Đó là một chiến lược rất đơn giản mà khả thi để thực hiện. Nhưng có vẻ như những nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo tại Liên Hợp Quốc đã bỏ lỡ việc nói về điều đó trong cuộc họp lần này.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng