Từ bộ phim 'Ký sinh trùng' đến đời thực ở Hàn Quốc: Đằng sau vẻ hào nhoáng là xã hội stress đến mức tự tử đứng thứ 10 thế giới (P.1)
Đằng sau vẻ hào nhoáng của Hàn Quốc là cả một câu chuyện buồn về thu nhập, bất bình đẳng xã hội và áp lực mưu sinh.
Trong bộ phim "Ký sinh trùng", khán giả đã được chứng kiến sự phân hóa giàu nghèo cực kỳ lớn trong xã hội Hàn Quốc. Dù có phần điện ảnh hóa nhưng chúng cho thấy cuộc sống ở nền kinh tế này chẳng dễ dàng. Đằng sau lớp phù hoa được tô vẽ trên màn ảnh là cả một câu chuyện buồn về nền kinh tế lớn thứ 4 tại Châu Á và thứ 11 trên thế giới này.
Mới đây, Hàn Quốc đón nhận tin vui khi Thu nhập quốc dân (GNI) tính bình quân đầu người đạt 31.349 USD/năm, vượt qua mức 30.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Hiện trên thế giới chỉ có 7 nước với dân số trên 50 triệu người có GNI bình quân đầu người vượt 30.000 USD. Những nước còn lại bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy.
Trớ trêu thay, tin vui này chẳng làm ai "vui" được cả. Ngay cả những quan chức chính phủ cũng không tổ chức tiệc mừng hay thông báo gì. Điều gì đang diễn ra tại Hàn Quốc, một trong những nền kinh tế phát triển ở Châu Á vậy?
Hàn Quốc chẳng lung linh như bạn nghĩ đâu
Quay ngược dòng lịch sử, người Hàn đã từng mở tiệc ăn mừng linh đình khi GNI bình quân đầu người của họ vượt 10.000 USD vào năm 1995. Chỉ 2 năm sau đó, cuộc khủng hoảng tiền tệ nổ ra và ảnh hưởng nặng đến xã hội Hàn Quốc. Những doanh nghiệp phá sản, hàng loạt vụ tự tử vẫn còn ảnh hưởng đến người Hàn tận ngày nay.
Năm 2007, GNI bình quân đầu người của Hàn vượt 20.000 USD nhưng chỉ 1 năm sau, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra. Dù chính quyền Seoul đã chống chịu tốt với cuộc khủng hoảng này nhưng chúng cũng khiến người dân lo sợ mỗi khi GNI bình quân đầu người đạt cột mốc mới.
Tuy vậy, đây không phải nguyên nhân duy nhất khiến người Hàn thờ ơ với kinh tế vĩ mô. Số liệu GNI bình quân đầu người của Hàn Quốc bao gồm thu nhập không chỉ của cá nhân mà còn tính cả doanh nghiệp hay thậm chí là các khoản thuế của chính phủ.
Hệ quả là thu nhập hộ gia đình chỉ chiếm 61% GNI, thấp hơn nhiều mức 79% tại Mỹ và 72,6% ở Italy. Nói đơn giản hơn, thu nhập bình quân của người Hàn còn lâu mới vượt 30.000 USD. Con số trên được đóng góp chủ yếu từ các tập đoàn lớn và nguồn thu của chính phủ.
Tệ hại hơn, tình trạng phân hóa giàu nghèo ở Hàn Quốc cực cao. Tỷ lệ dân số có mức thu nhập dưới ngưỡng bình quân ở Hàn là 17,4% vào năm 2017, cao hơn rất nhiều mức trung bình 11,8% của 6 nước còn lại khi GNI đầu người của họ vượt mốc 30.000 USD. Thậm chí, tỷ lệ người nghèo trên 65 tuổi của Hàn đạt 46,5% vào năm 2016, mức cao chưa từng có trong 6 nước còn lại.
Mang tiếng giàu có là vậy nhưng Hàn Quốc lại chi rất ít cho an sinh xã hội với tỷ lệ chỉ 11,1% GDP, chưa bằng một nửa so với mức bình quân 20,7% của 6 nước còn lại. Dù dân số lão hóa thuộc hàng nhanh nhất thế giới nhưng số tiền ngân sách chi cho hưu trí tại Hàn lại càng ngày càng mỏng.
Trên phim ảnh, chúng ta thấy một xã hội Hàn hiện đại, chất lượng và văn minh. Tuy nhiên ít ai biết đằng sau chất lượng giáo dục tốt là chi phí học hành cao, tiền nhà đắt đỏ còn mức lương chẳng tăng, cơ hội việc làm ít đi.
Chuyên gia Choi Sung Jin của tờ Korea Times nhận định rất nhiều gia đình trung lưu Hàn Quốc đã rơi xuống mức nghèo chỉ ít lâu sau khi họ cho con cái đến trường hoặc mua, thuê nhà cho kết hôn. Chẳng vậy mà giờ đây giới trẻ Hàn không muốn cưới xin hoặc sinh con vì quá tốn kém. Họ cũng phải lao động cực nhọc để mưu sinh, thậm chí stress đến mức tự tử.
Năm 2017, bình quân lao động Hàn làm việc 2.024 tiếng mỗi năm, cao hơn 311 tiếng so với mức trung bình 1.713 tiếng của 6 nước còn lại. Tỷ lệ chi phí đền bù cho nhân viên thôi việc trên tổng doanh thu tại Hàn cũng chỉ vào khoảng 10,1%, thấp hơn nhiều so với mức 25,2% của 6 nước khác.
Số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy Hàn Quốc đứng thứ 10 toàn cầu về tỷ lệ tự tử. Trong số các thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc đứng đầu về số nữ giới tự sát.
Người siêu giàu Hàn chỉ chiếm phần nhỏ nhưng lại sở hữu lượng lớn tài sản từ nền kinh tế
Nụ cười đã biến mất
Vào giữa thập niên 1990, người Hàn vẫn còn hạnh phúc khi GNI bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Khoảng 60% hộ gia đình thời kỳ này được coi là thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng niềm vui đó kết thúc chóng vánh vào 2 năm sau khi cuộc khủng hoảng diễn ra.
Kể từ đây, kinh tế Hàn ngày càng phụ thuộc mạnh vào những tập đoàn lớn và chỉ một số nhỏ người Hàn giàu lên trong khi 80% số người dân cho biết họ đang nghèo đi.
Đây là lý do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tích cực thúc đẩy chính sách tăng thu nhập, giảm giờ làm cho người dân. Trớ trêu thay, kế hoạch này lại vấp phải sự tranh cãi kịch liệt từ chính tầng lớp người lao động.
Nguyên do là những doanh nghiệp lớn dù tăng tiền lương nhưng lại sa thải bớt nhân viên, trong khi các công ty nhỏ không chịu đựng được mức lương mới do nhà nước quy định. Tệ hơn, những chính sách này chẳng giúp ích mấy cho tầng lớp người già nghỉ hưu bởi họ không còn đi làm.
Nền kinh tế Hàn Quốc được sự trợ giúp rất lớn từ Mỹ nhờ những gói đầu tư, viện trợ cũng như cả 1 thị trường xuất nhập khẩu lớn. Hệ quả là Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng từ sự phân hóa giàu nghèo của nền kinh tế số 1 thế giới.
Tại Hàn Quốc, thống kê của ngân hàng Hana Bank cho thấy khoảng 165.000 người siêu giàu, tương đương 0,3% dân số, lại sở hữu tới 18% tổng tài sản của các hộ gia đình. Hàng tháng, những người Hàn siêu giàu này kiếm 39,1 triệu Won (34.000 USD) và chi tiêu khoảng 10,1 triệu Won (8.700 USD).
(Còn tiếp)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng