Từ chỗ bỏ mặc Windows để phát hành game độc quyền cho Xbox, vì sao Microsoft nay lại mang đầy đủ bộ sưu tập Halo lên Steam?
Lý do không phải là vì doanh số Xbox One quá kém cỏi so với PS4. Trái lại, đó là tham vọng lớn nhất (và hợp lý nhất) của Microsoft về một hệ sinh thái bao trùm, trải rộng.
Ngay sau khi Devil May Cry 5 vừa ra mắt, Microsoft đã biến tháng 3 trở thành tháng đẹp nhất trong năm 2019 với game thủ PC khi công bố Halo: The Master Chief Collection sẽ đặt chân lên Steam. Lần lượt, toàn bộ 6 tựa game đã làm nên lịch sử của Xbox sẽ có mặt trên Windows 10.
Dù rằng cả Gears of War 4 và Forza Horizon 4 đều đã có mặt trên Windows 10, Halo vẫn là biểu tượng của Xbox. Sự trở lại "nghiêm túc" và đầy đủ của loạt game Halo trên PC cũng chính là tuyên ngôn rõ rệt nhất của Microsoft rằng, kể từ nay, Microsoft sẽ coi PC là một nền tảng game hạng nhất, xứng đáng được ưu ái ngang hàng Xbox.
Đằng sau quyết định này không phải là tình trạng èo uột của Xbox One. Trái lại, đó là tham vọng lớn nhất (và hợp lý nhất) của Microsoft về một hệ sinh thái bao trùm, trải rộng.
Microsoft không cần đến Xbox?
Trong thế hệ console hiện tại, quả thật là Xbox One đã thua cuộc đau đớn trước Sony. Hệ console của Microsoft quá thiếu game độc quyền, thậm chí lại còn chia sẻ với... Windows: khi Sony có trên dưới 20 tựa game độc quyền đình đám (Spider-man) thì Gears of Wars 4, Forza Horizon 4, Halo Wars 2 và sắp tới là Gears 5 đều có mặt trên cả Xbox One lẫn Windows 10.
Doanh số èo uột nhưng tham vọng game của Microsoft lại đang bùng nổ với 13 studio con.
Tính đến nay, doanh số của Xbox One thậm chí còn không bằng một nửa PS4. Cùng lúc, các mảng kinh doanh đám mây lên như diều gặp gió, đủ để Microsoft đánh bại Apple để chiếm lại vị thế là công ty trị giá lớn nhất thế giới. Khi Halo: The Master Chief Collection được công bố, Microsoft vẫn đang vượt mặt Apple tới 20 tỷ USD. CEO Satya Nadella đã chứng minh rằng, Microsoft không cần Xbox One phải thành công.
Ấy vậy nhưng gã khổng lồ xứ Redmond vẫn không hề từ bỏ tham vọng game. Trái lại, trong năm vừa qua Microsoft còn thâu tóm 2 studio đình đám là inXile (Wasteland) và Obsidian (KOTOR 2, Fallout: New Vegas). Không có kẻ nào xác định thua cuộc lại vung tiền phung phí đến vậy - rõ ràng Microsoft đang nung nấu một tham vọng cho tương lai.
Xbox là anh em của Windows
Ít người nhận ra rằng, dù trên Windows hay trên Xbox, Master Chief vẫn là vũ khí để chống lại Sony và Nintendo. Bước chuyển biến của Microsoft đến từ nhận thức đó: thay vì coi Xbox và Windows là 2 nền tảng đối nghịch, thay vì dùng các tựa game độc quyền để thúc đẩy Xbox – và chọc giận người dùng PC, Microsoft sẽ coi cả 2 nền tảng này là 1 hệ sinh thái lớn, cùng nhau chia sẻ các tựa game đỉnh.
Xbox đang tiến lại rất gần PC...
Thực tế, gã khổng lồ xứ Redmond đã theo đuổi tầm nhìn này suốt 3 năm. Năm 2016, chủ tịch mảng Xbox là Phil Spencer tuyên bố Xbox cũng sẽ hỗ trợ Universal Windows Platform: ứng dụng phát triển trên công nghệ này có thể chạy trên cả Windows 10 lẫn Xbox One (hay Windows Mixed Reality và Windows 10 IoT). Trong cùng một năm, Microsoft hết lời kêu gọi hỗ trợ cross-play, cho phép người dùng các nền tảng khác nhau có thể cùng chơi các tựa game như Rocket League hoặc Killer Instinct.
Năm 2018, Xbox One chính thức hỗ trợ chuột và bàn phím. Các mẫu Xbox tiếp theo, mã hiệu Scarlett, được cho là sẽ hỗ trợ Windows Core OS – phần lõi tối giản của Windows, có hỗ trợ UWP. Điều này có nghĩa rằng, các nhà phát triển chỉ cần bỏ công sức phát triển một tựa game thường là đã có thể phát hành trên cả Windows 10 lẫn chiếc Xbox tương lai.
Tại sao lại tới gần?
Việc Xbox và Windows bỗng dưng coi nhau là anh em có nguyên nhân nằm ở vị trí số 1 thế giới của Microsoft. Để vươn lên vị trí ấy, Microsoft đã sẵn lòng tặng không Windows trong suốt 1 năm trời. Không còn là công ty ăn phí bản quyền, Microsoft đã lột xác để trở thành một công ty nền tảng: miễn người dùng sử dụng dịch vụ của Microsoft, hoặc sử dụng một ứng dụng có dính dáng đến Microsoft thì Microsoft sẽ có lợi.
Mà một công ty nền tảng thì cần phải góp phần giải quyết vấn đề đầu tiên của người dùng: phần cứng. Mặc dù nhu cầu PC game vẫn phát triển mạnh trong những năm qua, thị trường này thực chất lại đang có một lỗ hổng rất lớn là phần cứng giá rẻ. Ở phía còn lại, Xbox One S có giá chỉ 200 USD. Kể cả ở mức giá 400 USD, Xbox One X cũng có thể coi là một món hời: bỏ ra cùng một món tiền, game thủ khó có thể build được một chiếc PC có thể chơi game cùng framerate. Thế mạnh về giá cả này chắc chắn sẽ tiếp tục đến các thế hệ Xbox tiếp theo.
Đưa Xbox và Windows lại gần nhau là để tạo ra một hệ sinh thái có thể áp đảo Sony và Nintendo.
Nếu những nỗ lực cùng UWP hay Core OS trên Scarlett hoàn thành, trải nghiệm PC và Xbox sẽ đến gần hơn bao giờ hết. Nintendo và Sony sẽ không chỉ đối mặt với một, hai dòng sản phẩm phần cứng mà là với một hệ sinh thái khổng lồ, có cả phần cứng giá rẻ (Xbox) lẫn những cỗ máy thừa mứa sức mạnh. Nintendo và Sony sẽ chứng kiến đối thủ của mình sở hữu một tập người dùng lớn hơn bao giờ hết, trên Xbox/PC, game thủ và người dùng văn phòng hay thiết kế đều có sẽ hòa vào làm 1.
Nhưng vì sao lại cần Steam?
Tập người dùng khổng lồ mà Microsoft hướng tới sẽ là tệp khách hàng đầy tiềm năng cho 13 studio game mà Microsoft đang nắm trong tay lúc này. Đó sẽ là nguồn doanh thu vĩnh cửu cho các gói nội dung như Game Pass, nơi người dùng trả tiền hàng tháng để liên tục được truy cập vào kho game của Microsoft. Các hãng game khác chắn chắn cũng sẽ nhìn "nền tảng" của Microsoft với một ánh mắt khác: cùng một công sức làm game, bỗng dưng họ tiếp cận được vào hệ sinh thái vốn là 2 nền tảng hòa vào làm 1.
Có cách nào tuyệt vời hơn để hướng người dùng vào tầm nhìn ấy hơn là Master Chief Collection cho PC? Đây là một trong những series game phổ biến nhất thế giới, là một biểu tượng trong văn hóa đại chúng. Phát hành Master Chief Collection cho Windows thực sự là cách tốt nhất để Microsoft hướng sự chú ý tới tầm nhìn tương lai của mình, nơi Xbox và Windows (và Mixed Reality hay Hololens) sẽ bao trùm tất cả.
Thắc mắc duy nhất còn lại là Steam. Tại sao lại là Steam VÀ Microsoft Store mà không phải là độc quyền cho chợ ứng dụng của Microsoft?
Đơn giản thôi: Master Chief Collection là một tuyên ngôn cho tương lai. Khi đưa ra một tuyên ngôn cho tương lai, Microsoft cần phải tìm cách để khiến game thủ nức lòng nhất có thể. Mục đích cuối cùng ở đây vẫn là xây dựng ấn tượng tốt về trải nghiệm Microsoft bao trùm của tương lai, chứ không phải là một chợ ứng dụng đã bị ghét bỏ quá lâu như Microsoft Store.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng