Từ chuyện cô gái start-up nổi tiếng Việt Nam bị ung thư: Đừng coi thường quá mức tiếng nói của cơ thể
"Tôi đứng trong bệnh viện và nhìn những người xa lạ hàng ngày, hàng giờ vật lộn với một căn bệnh nan y, quái ác khó phòng nhưng không phải vô phương cứu chữa" - Bác sĩ Đinh Việt Bắc chia sẻ.
Mới đây câu chuyện về một cô gái trẻ mắc căn bệnh hiểm nghèo được nhắc nhiều trên báo chí: Ung thư phổi giai đoạn cuối. Câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi là cô gái trẻ thành công trong sự nghiệp đã cư xử với sức khỏe mình như thế nào?
Vâng, tôi đang nói đến Thủy Trương - cô gái được phong danh hiệu "nữ hoàng khởi nghiệp", cũng như nhạc sĩ Trần Lập hay ca sĩ Minh Thuận... họ đều đã chết hoặc đang bị đe dọa tính mạng vì căn bệnh này.
Là một bác sĩ, tôi nhìn thấy việc cô ấy đã bỏ qua tiếng nói của cơ thể cho mãi đến khi không thể chịu đựng được nữa mới đi khám.
Những ca ngợi về bản lĩnh và có ý chí, nghị lực phi thường trong trường hợp này không có ích gì cho cô ấy. Truyền thông không nhắc gì đến việc những người tôi kể tên trên đã không kiểm soát sức khỏe của mình một cách khoa học và định kỳ. Ý chí, nghị lực, sự bình thản của cô ấy trong trường hợp này không làm cho cộng đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về sức khỏe mà còn có thể có tác dụng ngược lại: đó là coi thường quá mức chính những tiếng nói của cơ thể mình hàng ngày.
Với những gì được nêu trên báo, ta có thể nghĩ đến việc cô ấy đã có di căn não (trích "Bác sĩ khoa não nói với cô ấy rằng: chắc chắn cô ấy bị ung thư phổi rồi").
Tôi và một số đồng nghiệp vẫn rỉ tai nhau về việc số người đi nội soi dạ dày, đại tràng tăng đột biến khi nhạc sĩ Trần Lập mắc ung thư và qua đời. Hay việc càng ngày càng có nhiều chị em đi kiểm tra vú hơn sau khi có tin Angelina Jolie cắt bỏ tuyến vú chủ động ngừa ung thư. Tuy nhiên đó chỉ là đột biến vì sau khi tầm soát xong một lần họ liền quên đi mà không tiếp tục thực hiện ở các chu kỳ kế tiếp. Vậy đấy, nếu được nhắc, chắc họ sẽ không quên.
Vậy thì chúng ta cần làm gì với sức khỏe của chính mình? Đơn giản hơn nhiều: chúng ta chủ động kiểm soát sức khỏe của mình nhằm phát hiện sớm những căn bệnh tiềm tàng. Vì dù bệnh gì nếu để trễ cũng đều nguy hiểm cả. Viêm ruột thừa có thể chữa khỏi ở bệnh viện huyện với phẫu thuật nội soi nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nó cũng có khả năng lấy mạng các bạn chứ chưa cần nói đến ung thư đâu.
Ung thư hiện nay vẫn được điều trị bởi các phương pháp sau đây: phẫu trị (phẫu thuật), xạ trị, hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ và hoàn toàn không có liệu pháp nuốt cóc sống, đắp lá, ăn chay... hay cúng bái gì. Tuy nhiên điều tiên quyết là nó phải được phát hiện sớm.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ nói về những loại ung thư thường gặp nhất, tỷ lệ gây chết cao nhất và cũng có thể tầm soát hiệu quả nhất.
Chúng ta cần khám sức khỏe định kỳ và yêu cầu được kiểm tra phổi, vòm họng, tuyến giáp, tiền liệt tuyến, tuyến vú, cổ tử cung, buồng trứng, hệ tiêu hóa, gan, thận, lách...
Làm thế nào để kiểm tra hết bằng đó thứ? Mất bao nhiêu thời gian? Không phức tạp như mọi người nghĩ đâu.
Kiểm tra các chỉ số trong máu, đi chụp X-Quang tim phổi, chụp tuyến vú, đi siêu âm ổ bụng - tiểu khung phần phụ, khám tai mũi họng, nội soi dạ dày đại tràng có sinh thiết và làm phiến đồ âm đạo để tầm soát ung thư cổ tử cung. Nghe thì nhiều nhưng bằng đấy công việc hoàn toàn có thể làm trong ngày nếu mọi người đã quen và có chuẩn bị trước ở nhà. Như vậy là đã có thể kiểm soát gần như tất cả các ung thư thường gặp mà có tỷ lệ tử vong cao rồi đấy ạ.
Gần đây, truyền thông và cộng đồng mạng có những thông tin quá đà về tình hình ung thư ở nước ta. Điều này dẫn đến hoảng loạn không cần thiết khi người dân hiểu sai về việc phòng chống ung thư rồi tập trung phòng tránh nó chứ không phải chủ động kiểm soát sự xuất hiện và quá trình tiến triển của bệnh.
Đồng thời với đó lại là sự lạc quan quá mức khi truyền thông chia sẻ một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chết do ung thư ở Việt Nam đứng thứ 78 thế giới. Điều này có thể khẳng định là không hoàn toàn chính xác vì tỷ lệ người bệnh tự ý điều trị ung thư tại nhà còn khá cao do những đồn thổi thiếu căn cứ khoa học. Ví như: "Đừng mổ xẻ nhé, ung thư động dao kéo vào là chết nhanh hơn đấy". Điều này hoàn toàn phản khoa học và làm cho rất nhiều người mất đi cơ hội vàng được điều trị.
Tôi gặp rất nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán sớm với khối u rất nhỏ, khuyên họ vào viện điều trị và phẫu thuật. Một thời gian sau họ quay lại với khối u phát triển rất to và sùi ra lở loét. Họ nói rằng họ về đắp thuốc nam chứ không dám vào viện phẫu thuật vì sợ đụng dao kéo vào bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn. Than ôi lúc này còn làm gì được nữa khi di căn đầy hạch nách.
Đối với khối u ở vị trí có thể phẫu thuật được, bắt buộc phải phẫu thuật. Việc điều trị sẽ tốt hơn với một khối u đã bị giảm tối đa khối lượng hay gọi là giảm tối đa số tế bào ung thư khỏi cơ thể. Anh chị thử tưởng tượng chúng ta điều trị thế nào nếu vẫn để nguyên khối ung thư to như quả cam và hàng ngày hàng giờ nó vẫn nhân lên không ngừng?
Để kết thúc vấn đề này tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa: ung thư hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân là gì, chúng ta chỉ mới biết những nhóm nguy cơ và nguy cơ cao có thể gây ung thư mà thôi. Vì vậy việc chúng ta cần làm là sẵn sàng đối diện với nó và phát hiện nó từ khi ở giai đoạn rất sớm. Với việc phát hiện sớm ung thư, hiện nay y học có khả năng điều trị khỏi với chi phí không quá cao. Và nếu như có một hợp đồng bảo hiểm y tế, anh chị hoàn toàn yên tâm mình sẽ không là gánh nặng cho gia đình, người thân và xã hội.
Theo Bác sĩ Đinh Việt Bắc (Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ)
Theo Trí thức trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng