Từ Keanu Reeves đến Norman Reedus: Vì đâu mà ngày càng nhiều sao hạng A gia nhập ngành công nghiệp gaming?
Sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp gaming trong những năm gần đây đã thu hút rất nhiều ngôi sao điện ảnh hàng đầu thế giới, mang đến cho họ những trải nghiệm mới lạ, độc đáo, và cả những khoản tiền lương kếch xù nữa.
- Toàn bộ easter egg trong mùa 1 The Witcher: Hóa ra phim cũng liên quan chặt chẽ đến truyện và game thế này đây (phần 1)
- Mời bạn xem bộ ảnh hậu trường của loạt sao hạng A để thấy chúng ta đã bị đội ngũ trang điểm Hollywood “đánh lừa” ngoạn mục như thế nào
- Đỉnh cao là vậy, nhưng tại sao Marvel lại nói không với Iron Man 4?
Đóng phim thôi là chưa đủ, rất nhiều sao điện ảnh, truyền hình giờ đây còn chuyển qua “đóng game”, mà toàn là những game bom tấn mới chất.
Vào ngày 9/6/2019, tại nhà hát Microsoft (Los Angeles, Mỹ), hàng ngàn game thủ đã vỡ òa khi Keanu Reeves bất ngờ xuất hiện bằng xương bằng thịt trên sân khấu giới thiệu Cyberpunk 2077 của CD Projekt Red. Không chỉ là khách mời danh dự, Keanu còn chính thức xác nhận sẽ tham gia vào tựa game bom tấn này với vai trò là một NPC để hướng dẫn nhiệm vụ cũng như đồng hành cùng người chơi. Ngay lập tức, điều này đã tạo nên một cơn sốt khủng khiếp trên các mạng xã hội lớn. Cái tên Keanu Reeves vốn đã nổi tiếng, nay lại còn nóng hơn bao giờ hết, liên tục lọt vào top trending trên toàn thế giới.
Sự xuất hiện của Keanu Reeves trong Cyberpunk 2077 đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu vào khoảng thời gian giữa năm 2019.
Không chỉ thỏa mãn người hâm mộ, sự xuất hiện của Keanu trong Cyberpunk 2077 còn đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của gaming - ngành công nghiệp không khói hiện có giá trị hơn 43 tỉ USD. Các studio game giờ đây đã sẵn sàng bạo chi để mời những siêu sao, diễn viên hạng A về tham gia vào các dự án của mình.
Bên cạnh Keanu, Norman Reedus, nam tài tử nổi tiếng với vẻ ngoài bụi bặm, phong trần, siêu sao số 1 của series đình đám The Walking Dead, cũng không nằm ngoài cuộc vui này. Trước đây, Norman đã từng tham gia một số dự án game, nhưng chỉ với vai trò người lồng tiếng cho nhân vật mà thôi. Ấy vậy mà giờ đây, bên cạnh việc đi tiêu diệt zombie trên màn ảnh nhỏ, anh còn kiêm luôn cả vai “anh shipper thân thiện” trong tựa game Death Stranding - 1 kiệt tác mới của Hideo Kojima, ra mắt vào ngày 8/11/2019 vừa qua.
Tạo hình của Norman Reedus trong tựa game bom tấn Death Stranding.
Norman chia sẻ khi nhận được lời mời của Hideo, anh đã khá do dự và phải tham khảo ý kiến từ người bạn Guillermo del Toro, đạo diễn huyền thoại từng giành được tượng vàng Oscar 2017. Gần như ngay lập tức, Guillermo khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nhận lời ngay đi. Cứ tin tôi, cậu sẽ không phải hối hận đâu”. Norman cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mặc bộ motion-capture (bộ đồ bắt chuyển động của diễn viên) và vào vai một nhân vật chính trong game cả. Thế nhưng ngày từ những ngày đầu tiên hợp tác cùng Hideo, tôi biết chắc rằng Death Stranding sẽ là một cú hit thực sự”.
Trong khi Norman có thể xem là “ma mới” của gaming, thì rất nhiều ngôi sao Hollywood khác đã theo dõi, và ao ước được gia nhập ngành công nghiệp này trong nhiều năm liền. Ví dụ như Jeremy Davies, diễn viên gạo cội từng tham gia rất nhiều bom tấn kinh điển như Saving Private Ryan, Lost hay Justified. Sau gần 3 thập kỷ lăn lộn trên phim trường, Jeremy mới có cơ hội đầu tiên tham gia vào 1 dự án game lớn - God of War, vào vai Stranger/Baldur đầy ấn tượng. God of War sau đó đã giành giải Game of the Year 2018 một cách đầy thuyết phục, Jeremy cũng chiến thắng giải BAFTA hạng mục Màn trình diễn trong game xuất sắc nhất. Nam diễn viên 50 tuổi chia sẻ: “Đó là ước mơ thành hiện thực. Tôi vẫn luôn mong muốn có thể gia nhập ngành công nghiệp gaming trong nhiều năm qua”.
Không chỉ tham gia những bom tấn điện ảnh, các sao hạng A giờ còn đánh chiếm luôn cả các bom tấn gaming nữa.
Trên đây mới chỉ là 3 trong số rất nhiều cái tên nổi đình đám đã tham gia vào các tựa game bom tấn toàn cầu. Vậy điều gì đã tạo nên xu hướng mới lạ này?
Lý do đầu tiên: Kịch bản, cốt truyện được đầu tư, có chiều sâu, phân nhiều nhánh.
Vẫn là xuất hiện trên màn hình nhỏ, vẫn là nhập vai vào những nhân vật không có thực, nhưng việc tham gia vào một tựa game sẽ mang lại những cảm xúc, cơ hội thực sự khác biệt dành cho giới diễn viên. Michael Blank, đặc vụ CAA cho biết: “Công nghệ motion-capture hiện nay đã phát triển đến mức toàn diện. Diễn viên không chỉ lồng giọng nữa, mà họ còn trực tiếp hóa thân vào nhân vật trong game”.
Angela Sarafyan, nữ diễn viên Westworld, người từng tham gia dự án game Telling Lies chia sẻ: “Tôi trở thành diễn viên vì tôi rất thích những câu chuyện khác nhau. Nhưng khi tham gia vào ngành công nghiệp gaming, đó thực sự là một chân trời mới đối với tôi. Khi xem phim, khán giả đơn giản là chỉ thưởng thức những gì diễn ra trên màn ảnh. Còn khi chơi game, khán giả sẽ vừa xem, vừa tự mình tham gia vào cốt truyện”.
Kịch bản những tựa game giàu cốt truyện cũng hấp dẫn không thua kém phim điện ảnh, có khi còn bất ngờ và nhiều plot twist hơn. (Trong ảnh là tựa game The Witcher 3: Wild Hunt).
Cô cũng nhấn mạnh Telling Lies là tựa game đầu tiên mà cô tham gia, với kịch bản dài đến 220 trang. Nhưng điều này cũng không có gì lạ cả. Đa số những tựa game có cốt truyện hiện nay đều ngốn ít nhất 10 giờ chơi của game thủ. Có những game lên đến 80 giờ chơi, như Red Dead Redemption 2, với hơn 500.000 dòng hội thoại.
Đạo diễn Emily Schweber, người phụ trách khâu casting diễn viên cho rất nhiều bộ phim và TV series, giờ đây còn mở rộng sang cả lĩnh vực tuyển diễn viên cho video game, với những tên tuổi như Star Wars Battlefront II, Call of Duty: Infinite Warfare và Wolfenstein II: The New Colossus. Cô cho biết trong nhiều năm gần đây, các diễn viên đang có xu hướng đánh chiếm cả thị trường gaming nhờ những kịch bản game cực kỳ hấp dẫn, sáng tạo: “Khoảng 5, 6 năm trước, tôi vẫn luôn ra sức thuyết phục khách hàng rằng lĩnh vực này tiềm năng thế nào, dù có không ít người tỏ ra ngờ vực. Thế nhưng giờ đây, các diễn viên lại không ngớt lời khen ngợi cho những kịch bản game sâu sắc, và cực kỳ phấn khích khi được tham gia tựa game đó”.
Lý do thứ 2: Lịch trình “quay phim” linh hoạt với hệ thống công nghệ hiện đại.
Lịch trình “quay game” cũng khá linh hoạt và tùy từng dự án. Troy Baker, người từng tham gia nhiều tựa game lớn như The Last of Us hay Metal Gear Solid chia sẻ: “Mỗi tháng bạn chỉ cần phải đến quay 1 -2 lần, mỗi lần tốn khoảng 2 - 3 ngày trong vòng 2 năm là xong”. Tuy nhiên với những tên tuổi lớn như Red Dead Redemption hay Death Stranding, con số này thường kéo dài khoảng 3 - 5 năm.
Những diễn viên chuyên nghiệp đã quá quen với ống kính máy quay, nhưng hoạt động trong một môi trường có đến 800 chiếc camera xung quanh thực sự là một trải nghiệm mới mẻ đối với họ.
Quá trình “quay game” thường diễn ra ở một phim trường rộng rãi tại New York, Los Angeles, Tokyo và London. Điểm khác biệt là phim trường này sẽ được trang bị rất nhiều camera ở nhiều góc khác nhau. Bản thân diễn viên cũng phải mặc một bộ trang phục đặc biệt có gắn rất nhiều camera nhỏ khác để có thể bắt trọn mọi chuyển động của họ. Jon Bernthal, người từng tham gia dự án Tom Clancy’s Ghost Recon Breakpoint chia sẻ rằng: “Bạn sẽ phải quay 1 đoạn one-shot dài một cách hoàn hảo trong căn phòng có đến 800 chiếc camera khác nhau”.
Lý do thứ 3: Tiền!
Theo những thống kê vào cuối tháng 7/2019 của SAG-AFTRA, trung bình mỗi diễn viên sẽ bỏ túi khoảng 3.150 USD/tuần khi tham gia vào một dự án game, một con số khá hấp dẫn nếu so với 5.258 USD/tuần cho 1 chương trình TV có thời lượng 30’, 8.413 USD/tuần cho chương trình TV có thời lượng 1 giờ. (Tất nhiên là những sao lớn có khả năng deal giá cao hơn). Với phim truyền hình, con số này dao động từ 125 USD/ngày - 1.005 USD/ngày tùy theo dự án và độ hot của phim.
Nam diễn viên Clancy Brown cho biết: “Tôi nghĩ mức lương hấp dẫn thực sự đã thu hút rất nhiều ngôi sao đến với ngành công nghiệp gaming. Các nhà sản xuất sẽ phải chi rất nhiều tiền để mời về những tên tuổi lớn về tham gia dự án của mình”.
Khách hàng không ngần ngại bỏ ra hàng triệu đồng để mua gaming thì các nhà sản xuất cũng chẳng ngán số tiền triệu đô để mới về các sao lớn.
Trong khi đó, giới trẻ hiện nay đang ngày càng bạo chi hơn để sở hữu những tựa game mà họ yêu thích. Theo chuyên trang The Hollywood Reporter cho biết, những người thuộc nhóm millennials - Gen Y (sinh năm 1981 - 1996) đã dành 1 khoản không nhỏ mỗi tháng để mua game và đăng ký các dịch vụ gaming, bỏ xa nhóm Gen X (1965 - 1979) và Gen Z (1997 - 2012).
Theo HollywoodReporter
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng