Từ Khá Bảnh đến Khoa Pug được đồn thu tiền tỷ mỗi tháng: Kiếm tiền trên Youtube liệu có ngon ăn?
Theo một nghiên cứu từ Bärtl, 96,5% Youtuber không kiếm đủ tiền quảng cáo để thoát nghèo.
Trở thành ngôi sao Youtube đang trở thành "hot trend" của giới trẻ khi ngày càng nhiều thông tin về các hiện tượng Youtube như Khá Bảnh hay Khoa Pug kiếm được hàng trăm triệu đến tiền tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng liệu tiền trên Youtube có dễ kiếm đến vậy?
Theo một nghiên cứu mới ở Đức lần đầu nghiên cứu về cơ hội trở thành hiện tượng ngôi sao cho thấy chỉ một số lượng cực kỳ nhỏ mới có thể đột phá.
Theo phân tích của Mathias Bärtl, Giáo sư tại Đại học Offenburg thì thực tế 96,5% những người đang cố gắng trở thành Youtuber không thể kiếm đủ tiền quảng cáo để vượt qua chuẩn nghèo ở Hoa Kỳ.
Bärtl cho biết việc lọt vào top 3% các kênh có lượt xem nhiều nhất có thể mang lại doanh thu quảng cáo 16.800 USD mỗi năm. Số tiền này chỉ cao hơn một chút so với mức thu nhập hộ nghèo ở Mỹ là 12.140USD/người hoặc 16.460 USD/hộ gia đình 2 người. Top 3% những người tạo nội dung Youtube hàng đầu là những người thu hút 1,4 triệu lượt xem mỗi tháng.
Những đứa trẻ sinh ra sau khi Youtube ra đời vào năm 2005 đã lớn lên cùng những video được tạo ra bởi Jake Paul, PewDiePie và Zoella. Đó là những clip về cuộc sống hàng ngày, trò chơi điện tử hay thời trang đã giúp Youtuber trở thành mục tiêu nghề nghiệp phổ biến.
Theo một cuộc khảo sát năm ngoái, cứ 3 đứa trẻ từ 6 đến 17 tuổi thì có 1 bé nói rằng muốn trở thành một Youtuber toàn thời gian. Số này gấp 3 lần những đứa trẻ muốn trở thành y tá hay bác sĩ.
Tom Burns, nhà sáng lập Summer in the City, một hội nghị thường niên Youtube ở Anh nói rằng em trai anh muốn bỏ học Đại học để trở thành một Youtuber toàn thời gian: "Tôi thực sự hoảng hốt bởi tôi cũng đã từng như vậy: ‘Không, đây hoàn toàn là lựa chọn ngu ngốc nhất đấy. Chẳng có gì đảm bảo đó sẽ là công việc tốt với em cả’".
Tất nhiên khi đã làm thì ai cũng đặt mục tiêu trở thành một siêu sao. Nhưng nghiên cứu của Bärtl chỉ ra rằng, top 1% những nhà tạo nội dung hàng đầu thu được từ 2,2 đến 42,1 triệu lượt xem mỗi tháng trong năm 2016. Những "ngôi sao" hàng đầu này thường kiếm được tiền thêm thông qua các hợp đồng tài trợ hoặc giao dịch khác. Do vậy, việc tính toán thu nhập của họ phức tạp hơn nhiều.
Tỷ lệ quảng cáo trên Youtube không rõ ràng và thường thay đổi theo thời gian nhưng Bärtl lấy mức thu nhập 1 USD cho mỗi 1000 view để ước tính mức thu nhập trung bình của Youtuber. Theo một công ty tiếp thị có ảnh hưởng ở London thì đây là một tỷ lệ tốt. Bởi có những Youtuber được trả khoảng 0,35 USD mỗi 1000 view nhưng cũng có người được trả 5 USD mỗi 1000 view.
Một phát ngôn viên của Youtube nói rằng họ đang làm việc để giúp mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, như qua tài trợ hoặc tính năng cho phép người xem trả tiền để có thể bình luận. Số lượng kênh kiếm được trên 10.000 USD tăng trưởng 40% mỗi năm. Điều này thể hiện sự phát triển vượt bậc với những người sáng tạo trên YouTube.
Từ lâu, những người sản xuất nội dung Youtube cũng đã từng phàn nàn việc công ty này bảo vệ một số ít các ngôi sao, quảng bá cho họ để thu tiền từ công chúng. Sự mất cân bằng ngày càng lớn và tồi tệ hơn. Theo nghiên cứu của Bärtl thì năm 2006, top 3% chiếm 63% tổng lượt xem. Mười năm sau, những Youtuber hàng đầu này chiếm tỷ lệ đến 90%. Khoảng 85% những Youtuber top dưới cùng chỉ nhận được khoảng 458 view mỗi tháng vào năm 2016.
Thực tế là yêu cầu để trở thành một Youtuber không có rào cản nào cả: Không cần thử vai, không cần gây ấn tượng với hãng phim vào, không cần phải sống gần Hollywood. Về mặt lý thuyết, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Dù vậy thì các lớp học chuyên nghiệp cùng trại huấn luyện cũng được mở ra. Các trại hè ở Mỹ có thể tốn khoảng 569 USD. Hay nếu bạn mua những thiết bị như Youtuber nổi tiếng Casey Neistat đang sử dụng thì sẽ tốn khoảng 3.780 USD.
Asher Benjamin một sinh viên 19 tuổi ngành Khoa học máy tính của Đại học Grand Canyon đã chi 460 USD để mua camera và chân máy phục vụ cho việc sản xuất video đăng lên Youtube mỗi ngày.
Cậu đã sản xuất hơn 150 video nhật ký hàng ngày hay vlog với những vấn đề xoay quanh cuộc sống ở Đại học: những công việc đang làm, lập kế hoạch, những đồ ăn hay bạn cùng phòng. Benjamin cũng chia sẻ: "Tôi không biết mình sẽ đi đến đâu. Thật là tuyệt vời nếu tôi có thể học tập theo những người khác và làm công việc này toàn thời gian nhưng chắc tôi sẽ phải tính toán lại."
Benjamin dành một giờ mỗi ngày để chỉnh sửa video và cũng không đặt nhiều hi vọng vào việc có thể biến đây trở thành công việc mỗi ngày. Công việc này cũng dần khó khăn hơn khi Youtube đã tăng ngưỡng người dùng phải vượt qua để được bật chức năng kiếm tiền: Các Youtuber cần phải có 1.000 người đăng ký trở lên với hơn 4.000 giờ xem video thì mới đủ điều kiện để kiếm tiền từ quảng cáo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng