Từ một vùng đất nghèo khó, nơi này đã biến mình thành "Thành phố iPhone" như thế nào?
Từ chỗ là một trong những cố đô của Trung Quốc, Trịnh Châu đã trở thành kinh đô của việc sản xuất và xuất khẩu iPhone đi toàn cầu.
Nằm tại tỉnh Hà Nam, Trịnh Châu từng là một thành phố sáu triệu dân trong vùng đất cằn cỗi của Trung Quốc. Dù nằm ở ngay bên bờ sông Hoàng Hà và được xem là một trong tám Đại cố đô của Trung Quốc (kinh đô của nhà Thương), nhưng thành phố này dường như đã bị bỏ qua trong sự phát triển bùng nổ của kinh tế Trung Quốc. Tên tuổi của thành phố này đại diện cho mảnh đất của những kẻ làm hàng nhái và những tên ăn trộm.
“Chúng tôi thực sự cần một điều gì đó để có thể phát triển khu vực này của đất nước.” Li Ziqiang, một quan chức của Trịnh Châu cho biết. “Cổ ngữ Trung Quốc có câu: “Nếu bạn xây một cái tổ, những con chim sẽ đến.” Và bây giờ họ đang đến.” Chính Foxconn và Apple là cái tổ mà quan chức Trịnh Châu cần để đạt được mong muốn của mình, và họ đã không bỏ lỡ cơ hội đó.
Hiện giờ, với các nhà máy có thể sản xuất đến 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày đang được đặt tại đây, Trịnh Châu dường như đã thành công trong việc tái định vị thương hiệu cho thành phố của mình. Giờ đây, nơi này còn được mọi người gọi bằng cái tên khác, “Thành phố iPhone.”
Apple, người đến sau với Trung Quốc
Tất nhiên, mọi chuyện bắt đầu từ Apple, nhưng không phải với Steve Jobs.
Vào những năm 1980, trong một nỗ lực để cắt giảm chi phí sản xuất, một số công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ, bao gồm Compaq, Dell và Hewlett-Packard bắt đầu tháo dỡ nhà máy trong nước của họ và di chuyển chúng ra nước ngoài, phần lớn là đến Châu Á. Apple không như vậy, người đống sáng lập của công ty Steven P. Jobs, tin tưởng rằng, việc phát triển phần cứng và phần mềm phải được tích hợp chặt chẽ với nhau.
Thay vì đóng cửa nhà máy, Apple quyết định xây dựng chúng – tại Colorado, Texas và California. Apple vẫn duy trì một số chúng rất lâu sau khi Jobs rời công ty vào năm 1985. Các nhà máy được tự động hóa cao độ, và với những bức tường được sơn trắng – màu yêu thích của Mr. Jobs – chúng được quảng bá như một biểu tượng của sự khéo léo của nước Mỹ.
Lễ khai trường nhà máy của Apple ở Hollyhill năm 1980.
Nhưng rồi áp lực tài chính buộc Apple phải thay đổi chiến lược. Khi doanh số Mac sa sút và tồn kho cao vào giữa những năm 1990, Apple mới bắt đầu nghĩ đến việc gia công ở nước ngoài, nhưng họ có quá ít kinh nghiệm về việc đó. Sau khi Jobs trở lại công ty vào năm 1997, ông đã tìm đến Giám đốc hoạt động mới của mình, ông Timothy Cook, người mới gia nhập từ Compaq, để tìm ra cách nào đó.
Dưới sự chỉ đạo của ông Cook, Apple bắt đầu chuyển dần toàn bộ việc sản xuất cho Foxconn, một công ty gia công của Đài Loan, một động thái sau đó được các tên tuổi khác như Compaq, IBM và Intel học tập. Quan hệ đối tác này giúp Apple tập trung duy nhất vào thế mạnh của mình – thiết kế và tiếp thị. Apple sẽ đưa ra ý tưởng mới, và Foxconn sẽ tìm cách sản xuất hàng triệu đơn vị sản phẩm với mức giá rẻ nhất.
Doanh số của Apple bắt đầu cất cánh với việc ra mắt chiếc iPod vào năm 2001, và Foxconn đã cho thấy mình là đối tác đáng tin cậy như thế nào. Các nhà máy của Foxconn có thể nhanh chóng sản xuất ra các sản phẩm mẫu, tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu cho mỗi sản phẩm hit, và thậm chí thuê đến hàng trăm nghìn lao động vào đợt cao điểm. Và tất nhiên chi phí rẻ nhất có thể.
Foxconn làm được như vậy là nhờ vào Terry Gou, tỷ phú của Đài Loan, người cung cấp các hỗ trợ về chính trị cho công ty. Ông thường xuyên đến gặp các quan chức địa phương và các thành viên Bộ Chính trị của Trung Quốc để vận động những khoản trợ cấp, thuê đất giá rẻ, nhân công và cơ sở hạ tầng cho việc sản xuất những chiếc iPod của Apple.
Khi chiếc iPhone ra mắt vào năm 2007, Foxconn nghĩ tới việc mở rộng quy mô sản xuất và bắt đầu thăm dò những địa điểm mới tại Trung Quốc. Sự kiện này tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các thành phố và các quan chức từ các vùng khác nhau như cắm trại trong các khách sạn ở Thâm Quyến, nơi Foxconn đã đặt nhà máy của mình. “Nó như một cuộc thi Olympic vậy.” Gao Yunning, giảng viên môn Chính sách công tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết.
Các nhà máy khổng lồ của Foxconn cũng là điều mà các quan chức thành phố Trịnh Châu nhắm tới, và họ đã đưa ra những ưu đãi tối đa, đến mức không thể bỏ qua để giành lấy chiến thắng cho mình. Những ưu đãi đó lớn đến mức, việc sản xuất khó có thể được lặp lại ở Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Những ưu đãi không thể bỏ qua tại địa phương
Các quan chức Mỹ từ lâu đã chỉ trích những hỗ trợ của Trung Quốc cho các công ty nhà nước, cho rằng việc đó tạo ra các lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các hoạt động tại Trịnh Châu cho thấy, chính những nỗ lực đó lại đang lôi kéo các tập đoàn đa quốc gia đến thiết lập nhà máy tại đất nước của mình. Nhưng thay vì hướng đến bản thân các công ty đa quốc gia đó, các ưu đãi này thường bí mật và tập trung vào các đối tác gia công của họ.
Các hồ sơ bí mật của chính phủ Trung Quốc mà tờ New York Times tìm được mô tả chi tiết hàng loạt cuộc gặp trong nhiều năm giữa các quan chức thành phố Trịnh Châu nhằm thảo luận về những hỗ trợ cho việc sản xuất iPhone, và họ gọi đó những ưu đãi đó là “chính sách ưu tiên.”
Khu nhà cao tầng sau trung tâm thương mại chính là khu nhà trọ cho các công nhân của Foxconn, do thành phố xây dựng.
Theo các tài liệu này, chính quyền Trịnh Châu đã không tiếc tiền và ưu đãi cho Foxconn. Không chỉ bằng việc tạo ra một đặc khu kinh tế hay sự trợ giúp thông thường về tài chính, mà còn hàng loạt các hỗ trợ cụ thể khác. Dưới đây là danh sách những ưu đãi mà Foxconn được hưởng từ chính quyền thành phố Trịnh Châu:
- Xây dựng: xây dựng và tài trợ một phần việc xây dựng một khu liên hợp sản xuất với chi phí 600 triệu USD. Chính quyền còn dành ra khoảng 1 tỷ USD để xây dựng các khu nhà ở quanh đó, với quy mô có thể làm nơi ở cho hàng trăm nghìn công nhân.
- Năng lượng: cung cấp khoản chiết khấu nhằm giảm 5% chi phí năng lượng hàng năm cho công ty. Thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, các nhà máy phát điện và một đường dây tải điện dài 24 km.
- Tài chính: miễn thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm năm, sau đó giảm một nửa thuế suất thông thường trong 5 năm tiếp theo. Trợ cấp cho công ty một khoản vay 250 triệu USD bằng tiền từ Ngân sách Quốc gia.
- Lao động: giúp tuyển dụng và đào tạo công nhân, cũng như trả tiền trợ cấp cho công ty khi có những tuyển dụng mới. Hạ thấp số tiền đóng bảo hiểm xã hội và các chi phí khác, lên tới 100 triệu USD mỗi năm.
- Logistic và các hoạt động khác: Thành phố đưa ra các khoản tiền thưởng cho công ty mỗi khi đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Theo các báo cáo mà tờ New York Times có được, chỉ trong hai năm đầu tiên đi vào sản xuất, số tiền thưởng đã lên đến tổng số 56 triệu USD. Ngoài ra, chính quyền còn có một khoản trợ cấp khác để giúp trang trải chi phí vận chuyển hàng hóa.
Không chỉ vậy, chính quyền thành phố còn cam kết sẽ chi ra 10 tỷ USD để mở rộng và nâng cấp sân bay, vốn chỉ cách nhà máy của Foxconn vài kilomet giúp cho việc vận chuyển và xuất khẩu những chiếc iPhone thuận tiện hơn.
Mô hình sân bay ở thành phố Trịnh Châu, nằm cách không xa nhà máy Foxconn.
Sau khi thỏa thuận được ký kết với chính quyền Trịnh Châu, cả thành phố chuyển dịch nhanh chóng. Các nhà máy được xây dựng, các giấy phép được chấp thuận và các dây chuyền sản xuất bắt đầu đi vào hoạt động ngay từ tháng Tám năm 2010, chỉ vài tháng sau thỏa thuận. Ở Trịnh Châu, chính quyền đã làm việc một cách hiệu quả để biến một vùng đồng bằng khô cằn, toàn bụi ở trung tâm Trung Quốc thành một khu công nghiệp trải rộng.
Như một phần thỏa thuận với Foxconn, chính quyền giúp tuyển dụng, đào tạo và cung cấp nhà ở cho người lao động. Các quan chức của tỉnh kêu gọi các quận huyện và các khu làng hỗ trợ tìm kiếm các lao động tiềm năng. “Sở lao động và Nội vụ của toàn thành phố đều tham gia vào việc này.” Ông Liu Miao, một người điều hành một trung tâm tuyển dụng tư nhân tại Trịnh Châu, cho biết.
Ông Liu cho biết thêm, chính quyền trả tiền cho các nhà tuyển dụng cho mỗi người lao động mà họ thuê được. “Nếu nhu cầu tăng cao, họ sẽ trả nhiều hơn.” Ông cho biết. “Nếu nhu cầu thấp, họ cũng sẽ trả ít tiền hơn.” Vào lúc cao điểm, khu nhà máy Foxconn là nơi làm việc của 350.000 công nhân nhằm lắp ráp, kiểm tra và đóng gói iPhone – với tốc độ 350 chiếc mỗi phút.
Công nhân ca tối đi vào và công nhân ca trước đó tan làm ở nhà máy Foxconn.
Những hỗ trợ vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia
Sau khi Trung Quốc mở cửa kinh tế, cùng với việc cả đất nước như biến thành một nhà máy khổng lồ, quốc gia này cũng dần chuyển mình thành một thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với hơn quy mô hơn một tỷ người. Tất nhiên, đó là thị trường không thể bỏ qua với các thương hiệu quốc tế.
Tuy nhiên cũng như các công ty đa quốc gia lớn khác, nếu muốn đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, Apple phải trải qua “Vòng quay chữ U ở Hong Kong”. Những chiếc iPod phải được cho vào một con tàu chở hàng và đưa đến Hong Kong. Tại đây, thông thường hàng được xẻ nhỏ ra và đưa ngược trở lại Trung Quốc. Sau khi iPhone ra mắt, Apple và các công ty khác tin rằng, việc này thật lãng phí thời gian và năng lượng. Họ muốn gửi hàng trực tiếp từ nhà máy ở Trung Quốc đến thẳng các cửa hàng và trung tâm phân phối trên khắp đất nước này.
Cổng khu vực kho Ngoại quan của thành phố Trịnh Châu.
Và Foxconn lại là người truyền đạt điều đó đến các quan chức Trịnh Châu. Công ty muốn hoạt động làm thủ tục Hải quan được thực hiện ngay bên trong khu vực kho ngoại quan, ngay tại cửa nhà máy, để việc xuất khẩu iPhone trở nên dễ dàng hơn. Và cho dù không phải thành phố đầu tiên làm như vậy, Trịnh Châu còn cung cấp một hệ thống thực hiện việc này thuận tiện hơn bao giờ hết.
Khu vực kho ngoại quan, cũng giống như một khu vực ngoại giao, ở đó chính quyền xem nó như đất của nước ngoài. Khu vực này loại bỏ sự cần thiết phải trả cước và thuế khi nhập khẩu linh kiện cho các thương hiệu toàn cầu. Nó cũng làm việc xuất khẩu hàng hóa thực tế trở nên không cần thiết. Từ các kho ngoại quan này, sản phẩm có thể được nhập khẩu và xuất khẩu “một cách ảo hóa” tại Hải quan. Sau đó, chúng có thể được đưa đi khắp đất nước hoặc đến với phần còn lại của thế giới.
Tại kho ngoại quan ở Trịnh Châu, Foxconn bán những chiếc iPhone hoàn chỉnh cho Apple, Apple bán lại chúng cho các công ty con của mình để phân phối tới tay người tiêu dùng. Toàn bộ quá trình được diễn ra hoàn toàn bằng điện tử trên máy tính. Trịnh Châu đã cho thấy mình xứng đáng trở thành trung tâm sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Hoạt động Hải quan trong kho Ngoại quan ở Trịnh Châu, mọi hoạt động xuất nhập khẩu đều được ảo hóa.
Đến tháng Tám năm 2014, tại Trịnh Châu có đến 94 dây chuyền sản xuất những chiếc iPhone 6 và iPhone 5S, và chính quyền thành phố cho biết, có khoảng 230 triệu chiếc smartphone đã được xuất khẩu từ Trịnh Châu, biến nơi này trở thành một trong các trung tâm xuất khẩu của cả nước. Năng suất sản xuất ở đây có thể đạt mức 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày. Thuế doanh thu của thành phố cũng tăng trưởng nhanh chóng.
Apple dĩ nhiên cũng hưởng lợi từ quá trình này. Một chiếc iPhone 7 bộ nhớ 32 GB có chi phí sản xuất khoảng 400 USD và được bán lẻ với mức giá 649 USD ở Mỹ. Theo hãng nghiên cứu Strategy Analytics, Apple chiếm 90% lợi nhuận của ngành công nghiệp smartphone toàn cầu, cho dù doanh số của họ chỉ chiếm 12%.
Niềm vui không kéo dài mãi
Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang nhấn mạnh về một hình thức mới của chủ nghĩa quốc gia trong kinh tế, do vậy, Apple và các công ty đa quốc gia khổng lồ khác đều đang nằm trong tầm ngắm giữa cuộc chiến thương mại của hai người khổng lồ: Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử, ông Donald Trump đã cam kết sẽ làm mọi cách để buộc các công ty Mỹ đưa việc sản xuất từ nước ngoài vào trong nước, nếu không sẽ áp các mức thuế trừng phạt cho hàng hóa họ bán ở quê nhà. Và Apple đã trở thành mục tiêu chỉ trích thường xuyên của ông, khi trong chiến dịch tranh cử, ông từng nói sẽ buộc công ty đó “làm máy tính và những thứ chết tiệt của họ ngay trên đất nước này.”
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang bắt đầu chuyển dịch hướng phát triển của mình, từ chỗ ưu tiên sản xuất và xuất khẩu, hướng sang sáng tạo và tiêu dùng. Còn ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, lại cho thấy mình là người luôn nghi ngờ về tác động lớn của phương Tây, đặc biệt các công ty công nghệ Mỹ, đến người tiêu dùng Trung Quốc. Thậm chí, trong một ấn phẩm cấp nhà nước, ông đã công khai gọi Apple là một trong “các chiến binh bảo vệ” của phương Tây, đang “ngấm ngầm thâm nhập” vào Trung Quốc và gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Trung Quốc giờ đây không muốn chỉ là một công xưởng của thế giới nữa, họ đang nhanh chóng phát triển những người khổng lồ của riêng mình, như XiaoMi hay Huawei. Bắc Kinh đang gâp áp lực để buộc chính quyền địa phương cắt giảm các chương trình trợ cấp, và những nhà xuất khẩu lớn, giờ đều đang đối mặt với sự giám sát rộng rãi.
Riêng với Apple, bên cạnh việc đóng cửa iTunes Movies và cửa hàng iBooks vào năm ngoái, họ còn chịu một khoản phạt do nộp chậm thuế. Không những vậy, Apple còn bị buộc phải lưu trữ nhiều dữ liệu trong các máy chủ ở Trung Quốc, cũng như phải chịu “sự kiểm tra an ninh” với những mẫu iPhone mới trước khi bán tại đây. Nhưng trước đó, Apple đã từ chối trao mã nguồn cho các cơ quan giám sát Internet tại nước này.
Tham khảo New York Times
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng