Từ Nokia, HP, Tesla đến hoverboard "vô danh" của Trung Quốc: Hiểu và cảm thông hơn cho Samsung

    L.H.C,  

    Các linh kiện điện tử có tân tiến đến mấy, ngành công nghiệp hi-tech có phát triển đến mấy thì các thiết bị điện tử vẫn cần phải dùng đến pin, mà còn phải dùng đến pin thì vẫn có thể... phát nổ.

    Cách đây vài ngày, chúng tôi đã đăng tải một đoạn video cho thấy thuốc lá điện tử nổ tung đốt cháy rụi chiếc túi LV đắt tiền. Dĩ nhiên là không phải ngày nào cũng có một chiếc e-cig nổ tung hay có ai đó mất trắng một chiếc túi LV, nhưng quả thật cảm xúc của người viết khi đó có thể gói gọn trong 2 chữ "Lại nổ".

    Hãy thử dạo một vòng Google với từ khóa "e-cig explosion" và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra các sự cố này phổ biến đến mức nào: hơn 940.000 kết quả trả về. Ngay từ năm 2014, khi thuốc lá điện tử chưa phổ biến, truyền thông đã đưa tin về 25 vụ nổ e-cig đáng chú ý. Hẳn nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng.

    Không kém phần nguy hiểm (về mặt cháy nổ) là những chiếc xe tự cân bằng. Từng "suýt" tạo cơn sốt vào khoảng cuối 2015, những chiếc hoverboard nhanh chóng trở thành thảm họa cho rất nhiều chuỗi bán lẻ khi liên tiếp phát nổ. Thậm chí, Amazon còn phải ra chương trình thu hồi và hoàn tiền toàn bộ các mẫu hoverboard bán ra.

    Trên YouTube, tìm kiếm "hoverboard fire" trả về 205.000 kết quả. Và đó mới chỉ là các kết quả tìm kiếm bằng tiếng Anh.

    Tạm bỏ qua các sản phẩm có vẻ low-tech như e-cig và hoverboard. Năm 2013, chiếc Model S đầu tiên bốc cháy sau khi va chạm với các chướng ngại vật trên đường đi. Kết quả cho thấy các hư hại xảy ra với phần pin đặt dưới khung xe là nguyên nhân gây ra vụ cháy này. Sau đợt điều tra vào năm 2014 của Cơ quan Quản lý An toàn Đường bộ NHTSA (Mỹ), Tesla đưa ra quyết định sẽ lắp đặt miễn phí thêm một lớp khiên bảo vệ ở phía dưới xe nhằm hạn chế các sự cố tương tự trong tương lai.

    Và tiếp đến là nhân vật chính của chúng ta: Galaxy Note7. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về công nghệ pin được Korea Times phỏng vấn, nguyên nhân trực tiếp khiến cho Note7 phát nổ là bởi chiếc smartphone này quá mỏng, cực âm và cực dương trên pin quá gần nhau dễ dẫn đến chập cháy. Nguyên nhân gián tiếp? vội vã chạy đua với Apple, Samsung đã không thể phát hiện ra sự cố tiềm tàng trước khi tung sản phẩm ra thị trường.

    Sự kiện Samsung phải thu hồi Galaxy Note7 là chỉ là sự cố về pin lớn nhất, gây thiệt hại nhiều nhất trên smartphone. Trước đó, cả Xiaomi, OnePlus (công ty con của OPPO) và Sony đều đã chứng kiến smartphone phát nổ khi không có dấu hiệu sử dụng sạc "nhái" kém chất lượng.

    Vẫn là chuyện sạc smartphone, vào đầu năm nay thế giới Android bỗng nhiên gặp phải một vấn đề chưa từng có tiền lệ: dây sạc USB-C bỗng dưng giết chết các thiết bị cắm nguồn. Lý do của các sự cố này là bởi USB-C có hỗ trợ sạc nhanh cho phép smartphone có thể "hút" dòng điện cường độ lớn từ củ sạc. Nếu như bạn sử dụng một chiếc dây sạc kém chất lượng, smartphone sẽ không thể phân biệt đầu dây còn lại có phải là nguồn điện hỗ trợ cường độ cao hay không.

    Trong trường hợp bạn nối smartphone với chiếc tablet Pixel C như trường hợp của một kỹ sư Google có tên Benson Leung chẳng hạn, cáp nối sẽ khiến cho thiết bị nguồn bị chập cháy chip USB. May mắn ở đây là chỉ có một chiếc tablet bị chập, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Leung cắm sạc vào một ổ cắm điện ở gần rèm cửa hoặc sách vở giấy tờ?

    Lý do chúng tôi liệt kê lại tất cả các sự cố ở trên là để làm rõ một sự thật hiển hiện: dù thế giới hi-tech đã có hàng chục năm tuổi nhưng nguy cơ cháy nổ từ pin lúc nào cũng vẫn hiển hiện. Đáng lo ngại hơn, càng ngày chúng ta càng đòi hỏi nhiều hơn từ những viên pin: điện thoại phải mỏng hơn, ô tô điện phải đi được hàng trăm cây số, thuốc lá điện tử vốn là thứ dùng để phát nhiệt cũng phải có pin bên trong. Thêm nữa, sự xuất hiện của các hãng điện tử kém tên tuổi từ Trung Quốc sẽ càng làm gia tăng nguy cơ cháy nổ như cụ thể là trường hợp của thuốc lá điện tử, hoverboard và cáp sạc USB-C.

    Nếu đã nhận ra sự thật hiển hiện này, bạn sẽ thấy những thảm họa tầm vóc như Note7 là chuyện sớm muộn cũng phải xảy ra.

    Và thực tế là chúng đã từng xảy ra rất nhiều lần: Dell từng phải thu hồi 4,1 triệu pin laptop, Apple 1,8 triệu pin và Sony... 10 triệu pin. Công nghệ của năm 2006 hiển nhiên không thể tân tiến như công nghệ của năm 2016, song bạn cũng cần thấy rằng không gian tản nhiệt bên trong một chiếc smartphone của ngày nay là quá nhỏ bé so với những chiếc laptop của ngày trước. Và chúng đều sử dụng những con chip hiệu năng cao.

    Tiếp tục: năm 2007, Nokia thu hồi... 46 triệu pin. Năm 2014, HP 6 triệu pin. Danh sách còn rất dài, nhưng có lẽ đến đây thì tất cả mọi người đều hiểu rằng công nghệ có trưởng thành đến đâu, siêu việt đến đâu thì vấn đề cháy nổ pin vẫn... còn đó.

    Có một điều đáng lưu ý rằng các đợt thu hồi khổng lồ này đều được tiến hành khi số vụ cháy nổ thực sự mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy vậy, tỷ lệ cháy nổ dù có thấp đến bao nhiêu phần nghìn khi nhân với hàng triệu sản phẩm cũng vẫn sẽ đem lại nguy cơ quá lớn (ai dám chắc rằng sản phẩm của họ không nằm trong số vài trăm sản phẩm có thể bị nổ?). Những đợt thu hồi lúc nào nghe có vẻ quá tay nhưng là hoàn toàn cần thiết. Lần này, Samsung đã làm hết tất cả những gì có thể sau khi sự cố xảy ra.

    Nói như vậy không có nghĩa rằng Samsung không đáng trách. Trong rất nhiều bài viết quá khứ, chúng tôi đã luôn khuyến cáo bạn đọc rằng sử dụng sạc chính hãng, thay thế pin tại các nguồn đảm bảo là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân. Samsung không phải tên tuổi đầu tiên phá vỡ "lòng tin" này, nhưng một sự cố tầm cỡ Note7 cũng chưa bao giờ xảy ra trên thị trường smartphone cả. Thảm họa pin Note7 có lẽ là vừa do kém may mắn, vừa do Samsung chưa làm tròn trách nhiệm. Vai trò đi đầu thị trường của gã khổng lồ Hàn Quốc cũng là một lý do khiến cho mối nguy bị mở rộng so với Xiaomi Mi 5 hoặc OPPO OnePlus 3 chẳng hạn.

    Dù sao, "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Khác với Xiaomi và OPPO, Samsung đã rất nhanh chóng có câu trả lời chính thức với người dùng và cũng đã mở đợt thu hồi Note7 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người mua. Thiệt hại kinh tế từ đợt thu hồi này đã lên tới vài chục tỷ USD, song thu hồi ngay bây giờ vẫn là cách tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại cho các Samfan và chính Samsung.

    Cảm thông hơn cho Samsung, nhưng vẫn cần phải nhắc lại một lần nữa rằng Samsung đã rất nhiều lần khẩn thiết đề nghị người dùng mang đổi trả Note7. Giờ là lúc chính các Samfan phải có trách nhiệm với sự an toàn của bản thân và những người xung quanh: bạn lấy căn cứ gì để dám chắc rằng chiếc Note7 của mình không nằm trong số vài trăm chiếc Note7 có thể phát nổ bất cứ lúc nào?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày