Tự tuyên bố mình là người tạo ra Bitcoin, người đàn ông này đang dành phần lớn cuộc đời tại tòa để chứng minh điều đó
Ba năm sau khi nổi danh nhờ việc tự nhận mình là người tạo ra Bitcoin, giờ đây Craig Wright đang dành phần lớn thời gian tại tòa để chứng minh điều đó, cũng như bảo vệ mình trước các cáo buộc liên quan đến danh tính đó.
- Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới vừa bị hacker đánh cắp 7.000 Bitcoin trị giá 40 triệu USD
- Hacker chỉ mất vài phút để tìm ra chìa khóa đầu tiên trong cuộc thi có phần thưởng 1 triệu USD trả bằng Bitcoin
- Thanh niên đi rút tiền từ ví bitcoin, cây ATM nhả tiền như lá rụng giữa con phố đông người tại London, Anh
Trong một hội nghị về tiền mã hóa với đầy các thuật ngữ kỹ thuật khó hiểu, hiếm có câu hỏi nào từ phía khán giả lại gây choáng váng như vậy: "Tại sao tên lừa đảo kia được phép nói chuyện ở hội nghị này?" Nhưng đó là cách hội nghị về tiền mã hóa Deconomy 2018 diễn ra tại Seoul vào năm ngoái kết thúc.
Có lẽ những người quan tâm đến tiền mã hóa không quá lạ lẫm với người bị cho là kẻ lừa đảo này. Đó là Craig Wright, kỹ sư công nghệ người Úc, vốn từ một người vô danh trở nên nổi tiếng toàn cầu vào 3 năm trước khi tuyên bố mình chính là người sáng tạo bí ẩn của đồng Bitcoin, Satoshi Nakamoto.
Danh tính của người đặt ra câu hỏi đầy khích bác trên cũng khiến nhiều người chú ý: đó là Vitalik Buterin, lập trình viên người Nga đã góp phần tạo nên đồng tiền mã hóa số hai thế giới, Ether. Trong khi không ai nghi ngờ vai trò của Buterin đối với Ether, nhiều người trong giới tiền mã hóa luôn nghi ngờ các tuyên bố về vai trò của ông Wright đối với Bitcoin.
Vitalik Buterin (trái) và Craig Wright (phải).
Không chỉ tranh cãi nhau ngay trong hội nghị, cả hai nhân vật tiếng tăm của thế giới tiền mã hóa còn tiếp tục khẩu chiến với nhau trên Twitter sau đó. Nhưng chỉ có vậy. Mọi chuyện dường như kết thúc từ lúc đó.
Dùng tòa án để chứng minh danh tính của mình
Nhưng hóa ra không phải chỉ có vậy. Một năm sau đó, Buterin nhận được một bức thư từ luật sư của Wright. Thông báo đến vào ngày 12 tháng Tư năm 2019, cho biết ông Wright dự định kiện Buterin tại Anh vì tội phỉ báng.
Chưa đến một tuần sau đó, ông Wright tiếp tục nộp đơn kiện với cáo buộc tương tự nhắm vào podcaster có tên Peter McCormack, đòi bồi thường thiệt hại 129.000 USD. Và đến ngày 2 tháng Năm, đến lượt một người khác có tên trong danh sách khởi kiện, ông Roger Ver, một trong những người đầu tiên đầu tư vào Bitcoin.
Điểm chung của cả ba người này là gì? Gần đây cả ba người bọn họ đều đã đăng tải các thông điệp trực tuyến gọi Wright là tên lừa đảo.
Bản thân ông Wright cũng đã có một năm bận rộn khi phải đối phó với các vụ kiện khác. Hiện ông đang phải biện hộ trước một tòa án tại Mỹ vì cáo buộc lừa gạt tài sản của Dave Kleiman, cựu đối tác kinh doanh nhưng đã mất vào năm 2013. Wright bị cáo buộc ăn trộm số Bitcoin khi ông và Kleiman đã khai thác cùng nhau từ khoảng một thập kỷ trước đây. Thẩm phán liên bang của vụ án đã yêu cầu ông Wright nộp lên các tài liệu về việc nắm giữ Bitcoin từ đầu của mình.
Ở một chừng mực nào đó, ông Wright xác định rằng tòa án có thể là một công cụ hữu ích để chứng minh với mọi người rằng, ông chính là Satoshi Nakatomo, cha đẻ của Bitcoin. "Điều này sẽ mang lại cho tôi cơ hội để chứng minh danh tính của mình trước mặt tòa án, thay vì phán xử nhau trên Twitter."
Nếu Wright thực sự là Satoshi Nakamoto, ông sẽ không gặp khó khăn gì trong việc huy động tài chính để theo đuổi các cuộc chiến pháp lý dai dẳng này. Cha đẻ của Bitcoin là người đang nắm giữ một lượng coin có trị giá ước tính tới 9 tỷ USD. Trên thực tế, chi phí đắt đỏ của việc bị kiện có xu hướng khiến những người không tán thành giữ kín những lời chỉ trích của mình.
Khi tai tiếng đi trước nổi tiếng
Tên tuổi ông Wright bắt đầu nổi như cồn vào cuối năm 2015, khi một báo cáo của Wired và Gizmodo cho rằng, ông và Kleiman là hai người đã tạo nên Bitcoin. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Wired cho rằng Wright có thể là "một kẻ lừa đảo lỗi lạc". Cảnh sát Úc sau đó khám xét nhà ông Wright trong cuộc điều tra thuế, sau đó Wright chuyển tới Anh.
Trong khi cuộc chiến pháp lý trên tòa án chưa bắt đầu, những lời phán xét của dư luận về danh tính của Craig Wright đã bùng nổ. Không lâu sau khi đơn khởi kiện McCormark được nộp lên, các cuộc thảo luận trực tuyến xoay quanh Craig Wright đã tăng trưởng bùng nổ và đạt mức đỉnh điểm. Tuy nhiên, phần lớn nội dung trong số đó đều có lời lẽ khá gay gắt.
Theo Brand24, hãng chuyên giám sát các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, trong tuần sau khi đơn kiện được nộp lên, 65% bài đăng cho thấy các cảm xúc tiêu cực. Thậm chí còn có các chiến dịch huy động vốn crowdfunding để gây quỹ ủng hộ các bị cáo trong vụ kiện của ông Wright. Còn dữ liệu từ Google cho thấy, các đơn kiện này đã làm cái tên Craig Wright trở nên thu hút nhất từ sau tuyên bố gây tranh cãi của ông vào năm 2016 khi ông cho biết, mình có bằng chứng không thể chối cãi về vai trò trong việc tạo ra Bitcoin.
Điều đó cho thấy vẫn có không ít người nghi ngờ về các tuyên bố của ông Wright, một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là John McAfee. Người ủng hộ đồng tiền mã hóa nhiệt thành này cho biết, ông biết Satoshi Nakamoto là ai và đó không phải là Craig Wright.
John McAfee: "Tôi đã bị kiện hơn 200 lần trong cả đời mình. Tôi không sợ bị kiện."
"Tôi sẽ nói sự thật bất kể hậu quả là gì. Tôi đã bị kiện hơn 200 lần trong cả đời mình. Tôi không sợ bị kiện." Đáp lại, ông Wright gọi ông McAfee là "MrScammer" (Ông Lừa Bịp) và cho biết, tranh chấp của họ sẽ được giải quyết trên tòa án.
Không phải mọi người nổi tiếng đều phủ nhận ông Wright. Tháng 5 năm 2016, trang BBC, Economist và hàng loạt lãnh đạo hàng đầu của phong trào tiền mã hóa nói ông Wright trưng ra bằng chứng cho tuyên bố của mình. Họ cho biết, ông ta cho xem riêng một chữ ký số đặc biệt đã được Satoshi Nakamoto sử dụng.
Ông Jon Matonis,
giám đốc sáng lập của Bitcoin Foundation, cho biết trên blog của mình: "Bằng chứng rất thuyết phục, và tôi không nghi ngờ rằng Craig Steven Wright là người đứng đằng sau công nghệ Bitcoin."Tuy nhiên điều này không làm những người phản đối phải câm nín: "Nó cũng giống như việc tôi muốn chứng minh rằng mình là George Washington bằng cách cung cấp một bản photocopy của Hiến Pháp và nói rằng, nhìn xem, tôi có chữ ký của George Washington."
Họ kêu gọi ông Wright xác nhận danh tính của mình bằng cách chuyển một số đồng Bitcoin do Satoshi Nakamoto nắm giữ, vốn vẫn nằm im lìm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ông Wright đã từ chối yêu cầu này.
Hậu quả từ những vụ kiện tụng trên tòa
Theo đuổi quá nhiều vụ kiện tụng và để những lời dè bỉu lan rộng từ công chúng cũng gây ra các thiệt hại đáng kể đến công việc kinh doanh của ông Wright. Hiện giờ ông đang đẩy mạnh việc ra mắt một đồng tiền mới có tên Bitcoin SV, đồng tiền được ông cho biết nằm trong dự định thực sự của Satoshi Nakamoto đối với Bitcoin.
Tuy nhiên, những vụ kiện của ông Wright dường như đã gây ra một mối ác cảm đối với Zhao Changpeng, người đứng đầu một trong các sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, Binance. Zhao cho biết, anh "chống lại việc lừa đảo" và sau đó Binance hủy niêm yết đối với Bitcoin SV. Giá trị thị trường của đồng tiền này bốc hơi mất 50% sau hai ngày, cho dù nó đã hồi phục lại chút ít khi thị trường tiền mã hóa tăng tốc trở lại trong tháng Năm.
Nhưng ông Wright và những đồng minh của mình không nản lòng khi tiếp tục dựa vào luật pháp và tòa án để xác thực danh tính của mình. Ngày 21 tháng Năm, ông Wright cho biết mình đã được cấp bản quyền cho các dòng code ban đầu của Bitcoin và bản gốc sách trắng về Bitcoin với tác giả là Satoshi Nakamoto. Ba ngày sau đó, một người có tên Wei Liu đã đệ đơn khiếu nại về bản quyền cạnh tranh. Phát ngôn viên của cơ quan này cho biết, họ "chưa điều tra sự thật về bất cứ tuyên bố nào được đưa ra."
Craig Wright tại phiên tòa biện hộ trước các cáo buộc của gia đình Kleiman về việc ăn trộm bitcoin của đối tác.
Calvin Ayre, một ông trùm đặt cược thời kỳ bong bóng dot-com và là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho Wright, cho biết, ông sẽ đưa ra các bằng chứng chứng minh tuyên bố của ông Wright vào cuối tháng Năm. Nhưng cuối cùng ông lại không làm vậy. Phát ngôn viên của Ayre cho biết: "Nhưng giờ điều chúng ta có là ai đó đang cạnh tranh đòi bản quyền, chúng tôi có thể giải quyết nó bằng một tuyên bố hợp pháp, cũng là điều chúng tôi đang cố gắng làm."
Đối với ông Wright, những lời lăng mạ như trên là một điều gì đó độc ác hơn là một trò đùa trên internet. Ông cho rằng, những kẻ nói xấu mình là những tên tội phạm, người hưởng lợi từ lượt truy cập của mọi người, và động lực thực sự của họ là phá hoại nỗ lực của ông muốn loại bỏ việc sử dụng Bitcoin vào các mục đích bất hợp pháp.
"Tôi thiết kế Bitcoin để ngăn chặn tất cả việc đó. Đó là lý do vì sao họ ghét tôi."
Trong phiên tòa vào ngày 29 tháng 6 vừa qua, trước các cáo buộc của gia đình Kleiman về việc ăn trộm Bitcoin từ cựu đối tác của mình, ông Wright cho biết, mình không thể đưa ra các địa chỉ ví Bitcoin ban đầu của mình, cũng như không thể truy cập vào số tiền mã hóa trị giá 10 tỷ USD thuộc về Satoshi Nakamoto.
Ông Wright tuyên bố, chính Kleiman là người chịu trách nhiệm cho việc che giấu số Bitcoin do hai người cùng sở hữu, cũng như danh tính của Wright để mọi người không phát hiện ra ông là Satoshi Nakamoto, khi ông Wright quyết định dừng làm việc về Bitcoin vào năm 2010. Điều này làm cho ông không thể truy cập vào số tiền mã hóa trên, cũng như lần ra địa chỉ của ví ảo.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng